page

Terchen Namkha Drimed Rinpoche khai thị về ý nghĩa và lợi lạc của Bảo Tháp

Trong truyền thống Phật giáo, chúng ta có Thân, Khẩu và Ý. Tôn Tượng biểu tượng cho Thân, Kinh Phật biểu tượng cho Khẩu, Bảo Tháp biểu tượng cho Ý. Như vậy, Tôn Tượng là hiện thân của Thân Chư Phật, Kinh Phật là hiện thân của Khẩu Chư Phật và sau đó được đặt bên trong Bảo tháp cùng với nhiều xá lợi quý báu khác của các bậc Đạo sư chứng ngộ.

photo-1-1515738196538

Ảnh: Tôn tượng, Kinh sách  và Bảo tháp biểu hiện cho Thân, Khẩu, Ý của Chư Phật

Chỉ nhìn thấy một ngôi Bảo tháp như thế là đạt được lợi ích vô cùng lớn lao của Thongdrol, nghĩa là Giải Thoát Thông Qua Sự Nhìn. Tại nơi thường xảy ra chiến tranh, nạn đói hay lũ lụt, xây dựng một ngôi Bảo tháp như vậy giúp mang lại sự bình an. Chính vì vậy mà Bảo Tháp được xem là quý báu và linh thiêng. Trong kinh văn cổ nói rằng thậm chí nếu bạn không thể nhìn thấy Bảo Tháp mà chỉ cần đứng dưới bóng của ngôi Bảo Tháp ấy, bạn sẽ đạt đến sự giải thoát.

Ảnh: Bảo Tháp Boudha, Nepal

Các Bảo tháp khác nhau mang những ý nghĩa khác nhau. Thời Đức Phật, có tám kiểu Bảo tháp khác nhau và đó là những gì chúng tôi đã xây dựng ở đây.

dalai-lama_blessings_4768

Ảnh: Đức Pháp Vương Dalai Lama 14, Nhiếp Chính Vương Namkha Drimed Rinpoche (bên trái Ngài) và Đức Gyetrul Jigme Rinpoche (bên phải Ngài) dẫn phái đoàn ngang qua khu Bảo tháp tại lối vào khu định cư Tây Tạng bao quanh Tu viện Rigon Thupten Mindroling.

Tám Bảo tháp chính là những câu chuyện kể về Đức Phật và cuộc đời của Ngài. Mỗi Bảo tháp mang hình dáng, diện mạo khác nhau mặc dù suy cho cùng tất cả đều có chung một ý nghĩa. Một số Bảo Tháp là để cầu nguyện sự trường thọ, một số khác bảo vệ thoát khỏi lũ lụt, một số thì bảo vệ khỏi nạn đói, tai họa, chiến tranh, một số khác để đạt giác ngộ, và v.v.. Các Bảo Tháp ở vùng Orissa này tương ứng với [các sự kiện] của cuộc đời Đức Phật và có nhiều xá lợi linh thiêng được chia thành tám ngôi Bảo Tháp. Ví dụ, một trong những Bảo Tháp mang tên Lhabab. Khi thân mẫu của Đức Phật qua đời, bà được sinh lên cõi Thiên. Theo đó, Đức Phật đã lên cõi Thiên để thuyết Pháp cho thân mẫu. Đức Phật trở lại thế gian bằng chiếc thang từ Thiên giới, mà Bảo Tháp Lhabab biểu hiện cho sự kiện này. Một Bảo Tháp tên là Jangchup, nghĩa là hàng phục tất cả lực lượng ma quỷ nhờ sự thành tựu của Ngài. Khi Đức Phật bị ma quỷ tấn công, tất cả vũ khí chúng ném vào Ngài đều biến thành những bông hoa tràn đầy ân phước vì Ngài đã đạt thành tựu. Sau khi điều phục ma quỷ và tịnh trừ mọi chướng ngại, Ngài đã đạt giác ngộ. Bảo Tháp Jangchup biểu thị cho sự kiện này. Về cơ bản, tám Bảo tháp biểu hiện cho các thành tựu công hạnh khác nhau  trong cuộc đời của Đức Phật.

Kết quả hình ảnh cho 8 stupas

Ảnh: Bảo Tháp tại Ladakh, Ấn Độ

Việt dịch: Sonam Lhamo (Nhóm Rigpa  Lotsawas)

Hiệu đính: Giác Nhiên

Nguồn: youtube

Mọi sai sót đều do người dịch và người hiệu đính. Có chút phước đức nhỏ nhoi nào xin hồi hướng để nhiều Bảo tháp được kiến lập tại Việt Nam, cầu nguyện tất cả chúng sinh có duyên lành  cúng dường, đi nhiễu hay đỉnh lễ Bảo tháp cuối cùng sẽ đạt giác ngộ, liễu thoát tử sinh. 

 

Chú thích thêm về Tám Bảo Tháp:

Tám Bảo tháp tương ứng với tám sự kiện, gọi cách khác là tám công hạnh của cuộc đời Đức Phật (Bát Tướng Thành Đạo) từ lúc Ngài đản sinh, xuất gia, tu khổ hạnh, đạt giác ngộ, chuyển pháp luân, báo ân cha mẹ, cầu nguyện trường thọ, cho đến khi thị hiện nhập Niết Bàn.

1. “Như Lai tháp” hay “Tích Liên tháp” do vua Tịnh Phạn xây dựng tại Lâm Tỳ Ni thành Ca Tỳ La Vệ vào lúc Đức Phật Thích Ca đản sinh. Tháp hình tròn được trang sức bằng những cánh hoa sen, có bốn hoặc bảy bậc thềm.

2. “Tháp Giác Ngộ” hay “Tháp Bồ Đề” do vua Tần Bà Sa La cho xây dựng tại thành Vương Xá khi đức Phật thành đạo. Tháp có bốn bậc thềm.

3. “Tháp Pháp Luân” hoặc “tháp Cát Tường”: do năm anh em Ông Kiều Trần Như xây dựng vào lúc đức Phật chuyển Pháp luân lần đầu tiên tại nước Ba La Nại. Tháp này hình vuông có bốn bậc thềm, bậc thang ngoài Tháp được bố trí có nhiều cửa.

4. “Đại Thần Biến tháp” hoặc “Tháp Hàng Phục Ngoại Đạo”  do những người thuộc dòng tộc Ly Giá Tỳ ở thành Xá Vệ xây dựng khi đức Phật thị hiện thần thông. Tháp này hình vuông có bốn bậc thềm ở bốn phương, ở giữa bốn bậc thềm có vật kiến trúc nhô ra.

5. “Thần Giáng tháp” hay “Tam Thập Tam Thiên Giáng tháp”: khi đức Phật an cư kết hạ 33 ngày; buổi sáng Ngài lên thiên giới thuyết pháp cho chư Thiên, buổi chiều giáng lâm xuống Nam Thiện Bội Châu. Những người ở thành Gia Thi đã xây dựng Tháp này. Tháp có bốn hoặc tám bậc thềm, có cửa ở chính giữa mỗi mặt của tháp.

6. “Quang Minh tháp” hoặc “Chân Từ tháp”: sau khi Đề Bà Đạt Đa chia rẽ tăng đoàn, hai vị Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đã giúp Tăng đoàn hòa hợp, đoàn kết trở lại, vì thế ngài Kỳ Đà và một số người ở Kim Cương tọa đã xây dựng Tháp này tại thành Vương Xá.

7. “Gia Bị tháp” hoặc “Tôn Thắng tháp” do người ở thành Quảng Nghiêm xây dựng khi đức Phật thực hiện lễ cầu nguyện trường thọ tại đây.

8. “Tháp Niết Bàn” do người ở thành Câu Thi La xây dựng khi đức Phật nhập Niết bàn. Tháp này không có bậc thềm, tháp hình chuông úp trên nền đỉnh tháp có 13 tầng pháp luân.

Nguồn bổ sung: vietrigpaoezer.org