1

Tiêu chí của một bản dịch Kinh điển Phật giáo

Dưới đây, chúng tôi xin đưa ra vài tiêu chí để phiên dịch một văn bản kinh điển Phật giáo.

  1. Chuyển dịch chính xác nội dung nguyên tác, không thêm thắt những ý tưởng không có chứa tải trong nội dung. Tính chính xác (accuracy) hay trung thành (faithfulness to the original) với văn bản gốc được xem là tiêu chí hàng đầu của phiên dịch nói chung, nhất là kinh điển đạo Phật. Phong cách dịch thuật này ứng với phong cách dịch theo hàng (line-by-line translation). Nghĩa là không nên đảo vị trí “quá xa” của những câu bên dưới lên trên và ngược lại. Cách dịch này giúp người đọc có thể kiểm chứng bằng phương pháp đối chiếu văn bản một cách dễ dàng. Nên lưu ý, phong cách này khác với cách dịch nghĩa đen (literary translation), chữ đâu nghĩa đó, hay dịch “chữ theo chữ,” mà bỏ quên nghĩa của toàn bộ ngữ cảnh của chúng.
  2. Cấu trúc và ngôn ngữ biểu đạt phải rõ ràng, sáng sủa (stylistic elegance) và thuần Việt. Sự rõ ràng, trong sáng trong phong cách biểu đạt là tiêu chí quan trọng bậc nhì trong phương pháp dịch thuật kinh điển Phật giáo. Một bản dịch trung thành nhưng nếu thiếu đi phong cách diễn đạt rõ ràng, dễ hiểu sẽ đánh mất đi mục đích phục vụ của nó. Phong cách dịch này đòi hỏi nhà dịch thuật phải thông thạo một cách nhuần nhuyễn văn phạm và ngôn từ dịch thuật, ở đây là tiếng Việt. Tránh lạm dụng việc vai mượn quá nhiều thuật ngữ Hán Việt, ngoại trừ các thuật ngữ này đã được Việt hóa, tức đã được quần chúng sử dụng như tiếng Việt. Tuy nhiên, sự rõ ràng về văn phong phải được đi song hành với tính chính xác. Một bản dịch dù có hay về văn phong nhưng thiếu tính trung thành với nguyên bản thì không còn gì tai hại cho bằng, và do đó được xem là bản dịch tồi nhất.
  3. Các đoạn trùng tụng hay thi kệ nên chuyển thành văn vần theo thể thơ Việt Nam như lục bát hay song thất lục bát hay thể ngũ ngôn. Vì mục đích của các đoạn trùng tụng là nhằm tóm tắt ý của đoạn kinh văn dài ở trên và giúp cho người đọc nhớ được ý kinh dễ dàng, nên chuyển thể chúng sang thể thơ Việt Nam là thích hợp nhất.

Nói tóm lại, một bản dịch tiêu chuẩn trước nhất phải chuyển tải một cách trung thành ý tưởng của văn bản gốc, với một văn phong rõ ràng, dễ hiểu, người đọc không cần phải tra từ điển cũng có thể hiểu được ý tưởng chứa tải trong nó. Nói khác hơn, “dịch thuật là nghệ thuật tạo ra trong ngôn ngữ dịch (receptor language) các tương đồng mang tính tự nhiên nhất (the closest natural equivalent) so với thông điệp của ngôn ngữ được dịch hay ngôn ngữ nguồn (source language), trước nhất về mặt ý nghĩa, kế đến về mặt văn phong.”

Thích Nhật Từ

Nguồn: https://www.budsas.org/uni/u-vbud/vbpha356.htm