Penor-Rinpoche

Nương tựa vị Thầy

Một số vấn đề trong những điều quan trọng nhất mà bạn nên tự hỏi chính mình là: “vị Thầy này có kinh nghiệm giải thoát khỏi đau khổ và vô minh để có thể truyền đạt loại tự do đó cho tôi không? Vị Thầy này có được thúc đẩy bởi Bồ đề tâm hay không? Vị Thầy này có thực sự từ bi khi quan tâm tới tôi như một đệ tử không?” Đây là điều chúng ta tìm thấy trong tất cả những giáo lý của Kinh điển, các Tantra (Mật điển) và đặc biệt là trong những giáo lý tâm của những trường phái Mahamudra (Đại Ấn) và Dzogchen (Đại Viên mãn): Điều cực kỳ quan trọng là phải khảo sát những phẩm tính của một Lạt ma để xác định rõ những phẩm tính ấy trước khi nương tựa vị Thầy đó.

Toàn bộ vấn đề của tiến trình khảo sát là không xét đoán một vị Thầy trong một diễn đàn công cộng hay trong một ý nghĩa trừu tượng. Thay vì thế, đó là việc đánh giá vị Thầy ngay trên một bình diện cá nhân để xác định xem mối quan hệ với vị Thầy đó sẽ có lợi ích cho bạn với tư cách một đệ tử hay không. Vị Thầy này có những phẩm tính và giáo lý để hiến tặng khiến cho bạn có thể được lợi lạc khi thọ nhận những giáo lý ấy hay không? Việc khảo sát hoàn toàn xuất phát từ quan điểm của riêng bạn chứ không từ viễn cảnh có tính chất khái niệm.

Việc nương tựa một vị Thầy thì tuyệt đối cần yếu đối với đệ tử để thọ nhận một cách thuần tịnh sự trao truyền các giáo lý. Điều này hoàn toàn đúng trong trường hợp các giáo lý Đại Viên mãn. Bạn chỉ có thể nhận sự trao truyền thuần tịnh của Đại Viên mãn từ một vị Thầy còn sống. Không có nguồn mạch trao truyền nào khác ngoài suối nguồn của việc bạn làm việc với một vị Thầy đích thực.

Và thêm nữa, điều quan trọng là Lạt ma hay các Lạt ma mà bạn nương tựa không phải là những cá nhân bị thúc đẩy bởi những tham muốn vị kỷ cho những lợi lạc cá nhân; về mặt nào đó họ không phải là người thủ đoạn hay lừa dối; cách họ nói Pháp không mâu thuẫn và phản tác dụng; họ không kiêu ngạo về những phẩm tính của riêng mình và thường xuyên nói về hay phô bày những phẩm tính của họ trong một cách thế tranh đua hay tự khoa trương. Tất cả những loại phẩm tính này nơi một vị Thầy cần phải được tránh xa.

Trái lại, khi bạn gặp một Lạt ma hay vị Thầy có một tính cách cao quý, những phẩm tính tuyệt vời, thiện xảo và quan tâm sâu sắc tới thực hành Phật giáo nói chung và con đường Kim Cương thừa nói riêng, có dòng tâm thức được Bồ đề tâm thúc đẩy, hết sức từ ái và bi mẫn khi quan tâm tới người khác, và bản thân đã chứng ngộ bản tánh nền tảng của các hiện tượng trong một cách thế rất đáng tin cậy và trực tiếp, thì khi bạn gặp một người nào đó hiện thân tất cả những phẩm tính này, bạn đang có cơ hội lý tưởng để nương tựa người ấy như một vị Thầy. Người này hội tụ tất cả những phẩm chất của một vị Thầy tốt lành và đích thực.

Vì thế, khi ta nói về một người nào đó là một Lạt ma đích thực, ta không chỉ đang nói về một người có danh hiệu hay được coi là một Lạt ma theo một ý nghĩa nói chung hay thông thường. Chỉ khi nào ta nói về một người thực sự có những phẩm tính đáng tin cậy này thì ta mới đang thực sự nói về một Lạt ma có phẩm chất và đích thực, có nghĩa là người mà nếu bạn nương tựa vào họ bạn sẽ chỉ nhận được những lợi lạc. Thực hành và kinh nghiệm của bạn trong Pháp sẽ chỉ phát triển như kết quả của một sự nối kết với người thực sự xứng đáng với danh hiệu “Lạt ma.”

Khi thái độ của đệ tử đối với Lạt ma của họ là một thái độ tin tưởng và sùng mộ đến nỗi người đệ tử thực sự thấy vị Thầy là một vị Phật thực sự, hay là hiện thân đích thực của Pháp Thân Vajradhara (Kim Cương Trì), hay là hiện thân đích thực của Bổn tôn của đệ tử – khi đệ tử có loại tin cậy và niềm tin đó mà không có chút nghi ngờ và do dự nào – thì những sự ban phước và phẩm tính của thân, ngữ và tâm giác ngộ của tất cả chư Phật và Bồ Tát được trao truyền qua Lạt ma tới đệ tử.

Cũng có những trường hợp trong đó ta gặp một Lạt ma mà với ngài ta có một mối liên hệ trong nhiều đời. Dấu hiệu bạn sẽ có trong trường hợp này là chỉ nghe nói tới danh hiệu của vị Thầy thì cũng đã là một kinh nghiệm thật cuốn hút đối với bạn: mọi lông tóc trên thân thể bạn liên tục dựng đứng lên. Đó là một điều gì xảy ra hoàn toàn tự nhiên và không phải là một kinh nghiệm giả tạo.

Khi có một sự xác quyết trong tâm bạn rằng đây chính là một vị Phật, đây đích thực là Pháp Thân Kim Cương Trì, hay đây thực sự là Guru Rinpoche mà bạn đang gặp và nương tựa vào Lạt ma của bạn, và khi bạn cầu nguyện với sự xác quyết đó trong tâm bạn, thì chắc chắn là bạn sẽ nhận được những sự ban phước từ mối liên hệ đó. Nhưng điều này cũng hàm ý rằng bạn, với tư cách là một đệ tử, hãy giữ gìn thái độ của riêng bạn đối với vị Thầy và bảo đảm rằng bạn luôn luôn tôn kính và lĩnh hội dễ dàng những gì vị Thầy đang nói. Đừng nhượng bộ những tập quán thông thường của sự kiêu ngạo hay khoa trương hay trong một cách thế làm suy yếu mối liên hệ với vị Thầy bằng cách phủ nhận những gì Thầy nói hay bằng cách cố gắng ngăn trở những nỗ lực của Thầy. Tất cả những thái độ này cần phải né tránh bởi chúng không hỗ trợ cho mối liên hệ đáng tin cậy và cởi mở rất cần thiết để những sự ban phước tuôn chảy từ vị Thầy tới đệ tử.

Các Tantra (Mật điển) lập đi lập lại tầm quan trọng của việc nương tựa Lạt ma như suối nguồn của những sự ban phước trong thực hành của ta. Bất luận lời cầu nguyện đặc biệt mà đệ tử dâng lên Lạt ma, bất luận nó có thể có vẻ tầm thường và nhỏ bé ra sao, nếu lời cầu nguyện đó được đặt nền trên sự tin cậy và niềm tin trọn vẹn nơi Lạt ma, thì những sự ban phước của Lạt ma sẽ luôn luôn đến được với người đệ tử. Trong Tantra Đại dương Giác tánh Phi Thời gian có nói rằng một lời cầu nguyện nhỏ bé tới vị Thầy với niềm tin và lòng sùng mộ thanh tịnh thì tốt hơn nhiều nếu so với việc thực hiện hàng trăm triệu lần trì tụng các thần chú Bổn tôn. Kết quả của lời cầu nguyện sẽ mãnh liệt hơn nhiều khi nó thực sự là một biểu lộ của niềm tin và lòng sùng mộ của ta nơi Lạt ma.

Khi ta đã thiết lập một mối liên hệ với Lạt ma dựa trên sự tin cậy, niềm tin và lòng sùng mộ, thì có những cách thức khác nhau để nương tựa mối liên hệ ấy nhờ đó những loại thành tựu khác nhau có thể xảy ra. Nếu một đệ tử có ý định đạt được thành tựu giác ngộ cao cả nhất, đệ tử đồng nhất Lạt ma với Đức Vajradhara (Kim Cương Trì) – Đức Phật Pháp Thân. Nếu đệ tử được đặc biệt thúc đẩy để phát triển trí tuệ sâu xa hơn, đệ tử đồng nhất Lạt ma với Đức Manjushri (Văn Thù), Bồ Tát của trí tuệ. Để khuyến khích lòng từ và bi của họ, đệ tử thiền định về Lạt ma như bất khả phân với Đức Avalokitesvara (Quán Thế Âm), Bồ Tát của lòng bi mẫn. Để thâu đạt năng lực tâm linh vĩ đại hơn, đệ tử tập trung trên Lạt ma như bất khả phân với Đức Vajrapani (Kim Cương Thủ), Bồ Tát của năng lực tâm linh. Để chiến thắng những loại sợ hãi và phiền muộn khác nhau, ta nương tựa Lạt ma như hiện thân đích thực của Đức Tara tôn quý. Để tăng trưởng sự trường thọ của ta, ta thiền định về Lạt ma bất khả phân với Đức Amitayus (Đức Phật Vô lương Thọ). Để chiến thắng bệnh tật, ta thiền định Lạt ma là Đức Phật Dược Sư. Để tăng trưởng tài bảo và sự thịnh vượng của ta, ta thiền định Lạt ma như bất khả phân với Đức Vaishravana, Jambhala, hay bất kỳ Bổn tôn tài bảo nào. Để tịnh hóa hậu quả của những ác hạnh và những che chướng của thân, ngữ và tâm ta, ta thiền định Lạt ma như bất khả phân với Đức Phật Vajrasattva (Kim Cương Tát Đỏa). Để tăng trưởng sự vinh quang, của cải, và cơ hội của ta, ta thiền định Lạt ma như bất khả phân với Đức Phật Ratnasambhava (Bảo Sanh), Đức Phật của Bảo Sanh bộ. Để phát triển năng lực của ta – khả năng để sử dụng ảnh hưởng mạnh mẽ và lợi lạc trên thế giới – ta thiền định Lạt ma như bất khả phân với Đức Amitabha (Đức Phật A Di Đà) hay một Bổn tôn như Kurukulla. Nếu ta ước muốn thực hiện hoạt động phẫn nộ, ta thiền định Lạt ma như bất khả phân với Đức Vajrabhairava (2) hay những Bổn Tôn phẫn nộ hơn nữa. Nếu ta muốn theo cách tiếp cận kết hợp tất cả những phẩm tính này trong một thân tướng duy nhất, ta thiền định Lạt ma như bất khả phân với Guru Rinpoche. Trong mỗi một trường hợp này, quan điểm của ta là: Lạt ma gốc của ta là hiện thân đích thực của một hay những phương diện khác của đấng Giác ngộ.

Đức Penor Rinpoche

Nguyên tác: “Guru Yoga Teaching” 

Anh ngữ: Chokyi Nyima (Richard Barron) – Bill Speckart biên tập

Việt dịch: Thanh Liên

Nguồn: Giáo lý Guru yoga