6

Thế nào là Từ bỏ đúng cách

Danh từ “từ bỏ” theo Tạng ngữ có nghĩa đen là sự “quyết định ngoi lên.” Nó ám chỉ một quyết tâm sâu xa nhất định ngoi lên khỏi những bất mãn thất vọng triền miên của đời sống tầm thường. Nói đơn giản, từ bỏ là cái cảm giác hoàn toàn ngấy chán trước những vấn đề không ngừng tái diễn, đến nỗi cuối cùng ta hết khát khao ham muốn thứ này thứ nọ, và khởi sự tìm cách làm cho đời ta có ý nghĩa, thỏa lòng. Vậy đào luyện sự từ bỏ, hay quyết định ngoi lên, cũng chính là tự giải thoát khỏi những thói dính mắc đã làm trì trệ chúng ta, khiến ta không thực nghiệm được tiềm năng con người viên mãn nhất trong mình.

Trong đời có những lúc các giác quan ta tự động rút lui khỏi những đối tượng, khiến ta cảm nghiệm được một cái gì có thể gọi là giải thoát tự nhiên, một sự từ bỏ không cần cố gắng. Vào những lúc như vậy, không có gì để cho ta bám víu chấp thủ, và ngay cả đối tượng giác quan hấp dẫn nhất cũng vô hiệu, không thể lôi cuốn hay làm xao lãng tâm ta. Nhưng thường thì chúng ta không thể nào tự tại giải thoát mỗi khi gặp những đối tượng thuộc kinh nghiệm giác quan. Ta luôn luôn bị dính mắc, bị thôi miên bởi một dòng thác bất tận những ấn tượng giác quan, và mãi mãi đi tìm cái gì khác hơn, mới lạ hơn, khả dĩ kích động tâm ta, làm ta lưu ý. Có một chiếc xe hơi chưa đủ, ta cần hai chiếc. Khi đã có hai chiếc xe, ta cũng chưa vừa lòng: ta cần thêm một chiếc thuyền. Rồi có chiếc thuyền này chưa đủ, ta muốn một chiếc lớn hơn. Cứ thế tiếp tục cho đến vô tận. Đấy là sự bất mãn không bao giờ chán đủ, cái hoàn toàn ngược với tâm từ bỏ hay thực sự ngoi lên.

Có lẽ chúng ta cần tập sống đơn giản tự nhiên hơn, giải thoát hơn đối với những tiện nghi vật chất, giải thoát sự bám víu hết cái này tới cái khác. Không phải tôi nói vậy vì ganh tị với những người khá giả. Tôi cũng không nói các bạn thật không tốt vì quá giàu trong khi người khác quá nghèo. Tôi chỉ muốn tìm ra giải đáp cho câu hỏi: “Tại sao chúng ta bất mãn?”

Chúng ta luôn luôn có thể tìm một lý do nào đó bên ngoài để đổ thừa nó đã gây nên bất mãn cho ta. “Vì thiếu cái này, cái nọ” nhưng đấy không bao giờ là lý do thực thụ của nỗi bất an, thất vọng trong ta. Cái thực sự thiếu thốn nằm ngay trong tâm ta, và tất cả chúng ta cần phải nhận ra điều ấy.

Sự toại ý hài lòng không tùy thuộc vào đối tượng vật chất, mà do tính giản đơn bình dị trong tâm.

Giải thoát có nghĩa là sống giản dị hơn, thoải mái hơn. Nó không có nghĩa hoàn toàn khước từ mọi sự; mà chỉ có nghĩa là buông lơi sự bám chặt của ta, thư giãn hơn một chút. Có rất nhiều niềm vui trên đời, nhưng nếu tâm đầy lo âu chấp thủ, bám lấy của cải bạc tiền, thì tài sản chỉ có làm cho ta càng ngày càng bất hạnh. Nếu bạn không biết buông thư và hài lòng với những gì mình có, không biết thưởng thức vẻ đẹp tự nhiên của vạn vật, không biết sống giản dị, thì dù sở hữu tất cả tiền của trên thế giới bạn vẫn khốn khổ như thường.

Vậy, từ bỏ không có nghĩa là bỏ những lạc thú. Hoàn toàn không phải thế! Toàn bộ triết lý Phật nói chung và mật tông nói riêng là, vì con người có tiềm năng hầu như vô hạn, nên phải làm sao đạt đến lạc thú tột đỉnh mà ta có thể đạt. Sự từ bỏ chân thực căn cứ trên nhận thức rằng, những lạc thú thông thường của chúng ta thực không đáng, chỉ thuộc hạng nhì. Chúng trở thành vô nghĩa khi sánh với hỷ lạc phi thường mà ta có được sau khi đánh thức những năng lượng tiềm ẩn trong ta, để hoàn thành tiềm năng cao cả nhất.

Lạc thú giác quan chẳng những chỉ thuộc hạng nhì, mà nếu bám lấy chúng, ta lại còn không thể nào cảm thụ hạnh phúc thù thắng của Giác ngộ. Thái độ giữ chặt, vắt ép cho có được lạc thú, là một độc tố làm cùn nhụt tính trong sáng nguyên thủy của ta, làm ta ngày càng sa lầy trong thế giới giác quan, và càng cách xa bản lai diện mục. Phát triển sự từ bỏ có nghĩa là nhận chân được rằng, chính sự đam mê lạc thú giác quan đã ngăn cản ta thưởng thức hạnh phúc thù thắng viên mãn.

Nhờ phát triển sự từ bỏ đúng cách, ta sẽ nghỉ ngơi, không còn cố theo đuổi những khoái lạc giác quan như thường lệ. Càng hiểu rõ chúng không thể đem cho ta hạnh phúc bền lâu như ta mong mỏi, ta càng buông thư không chờ đợi gì, và trở nên thực tiễn. Thay vì có thái độ quá khích như theo đuổi hoặc chạy trốn dục lạc vì mặc cảm phạm tội, ta sẽ có cảm giác thoải mái hơn. Những tình huống khó chịu không còn phiền nhiễu ta lắm. Nếu cảm thụ một điều dễ chịu, ta đón nhận nó một cách tự nhiên, thưởng thức niềm vui nó mang lại mà không đòi hỏi chờ đợi gì thêm từ nơi nó. Ta có thể buông thư kiểu ấy không phải chỉ vì ta hiểu được rằng những lạc thú ấy thực phù du, mà hơn nữa, vì ta còn bận để mắt đến một hình thái cao hơn về hạnh phúc, đó là sự đạt đến bản tính nguyên thủy của mình. Khi có một mục đích siêu việt như thế trong tâm, ta sẽ không còn háo hức với những lạc thú thoáng qua, cũng không quá buồn khổ khi mọi sự đang tuột dốc. Nói cách khác, thay vì quay về nương tựa các đối tượng giác quan để giải quyết nỗi bất hạnh của mình, ta sẽ đặt hết niềm tin tưởng vào tiềm năng nội tâm ta.

~ Đưa Vào Mật Tông – Nguyên tác: Introduction to Tantra

Tác giả: Lama Thubten Yeshe

Biên tập: Jonathan Landaw

Chuyển ngữ: Thích Nữ Trí Hải