ich ky

Vì mình hay vì người

Từ trước đến nay chúng ta chỉ bàn đến con đường tu tập để tự độ, đạt đến hạnh phúc viên mãn cho chính mình. Khi đã nhận ra rằng thói quen chạy theo những đối tượng ham muốn chỉ tổ làm ta vướng vào vòng bất mãn triền miên, ta càng ngày càng muốn tác động đến một tầng sâu hơn của bản ngã. Ta muốn cảm thụ một loại hạnh phúc vững bền, không bị hoàn cảnh hay thời gian làm biến chất. Nhưng sự khát khao thoát vòng lẩn quẩn “ham muốn- bất mãn” ấy chưa đủ, vì như thế là ta chỉ quan tâm đến hạnh phúc riêng mình. Có lẽ trước đây dục vọng của ta hạn cuộc vào đối tượng giác quan, bây giờ tu tập từ bỏ, thì dục vọng ấy lại hướng về mục tiêu thực chứng tiềm năng sâu xa nhất của bản ngã. Nhưng trọng tâm vẫn là cái tôi: “tôi muốn thế này, không muốn thế kia.”

Thái độ hẹp hòi ấy- chỉ bận tâm đến hạnh phúc và giải thoát riêng mình- làm cho ta không thể nào trực nhận được tiềm năng bao la của tâm thức. Lối suy tư vị kỷ như thế chỉ chú trọng sự an lạc của một cái tôi duy nhất, không thiết gì đến hạnh phúc của vô số người như ta, cùng gặp những rắc rối tương tự. Quan niệm hẹp hòi cực đoan ấy đương nhiên làm cho lòng ta khép lại. Dù không thực tình nói ra, điều ấy không khác gì nghĩ “Tôi là con người quan trọng nhất thế giới. Ai chết mặc ai, không dính gì đến tôi. Chỉ có hạnh phúc mình là đáng kể.”

Bao lâu còn tập trung toàn lực vào hạnh phúc riêng mình, dù là hạnh phúc thế tục hay siêu thế, thì ta không thể kinh nghiệm cái bao la của một tâm hồn rộng mở. Cách duy nhất để đạt cái thấy toàn diện của giác ngộ là giải thoát mình ra khỏi sự hạn cuộc của ngã chấp ngã ái này. Các bậc thánh hiền đều nói thói ích kỷ hẹp hòi chỉ làm cho tâm hồn ngột ngạt. Nếu muốn đạt đến tiềm năng cao nhất của mình – hay được vài thỏa mãn thường nhật cũng thế – ta phải khắc phục thói vị kỷ và nghĩ đến hạnh phúc người khác càng nhiều càng hay. Đây là cách duy nhất để đạt đến một tâm hồn khoáng đạt, để có được hạnh phúc lâu bền.

Sự hồi hướng chỉ có nghĩa rằng, khi đã tạo được những năng lực tốt lành trong tâm, bạn quyết định san sẻ hạnh phúc ấy với càng nhiều người càng tốt. Theo Phật giáo, nếu không hồi hướng (nghĩ đến mọi người) thì không bao giờ ta được thỏa mãn hoàn toàn, mà vẫn cảm thấy chán chường, cô độc. Panchen Lama nói trong tác phẩm Cúng dường đạo sư: “Ích kỷ là nhân của mọi khổ đau bất mãn, nhưng thương tất cả hữu tình hơn tự thương thân và coi họ như mẹ ruột, là nền tảng cho mọi thực chứng và tri kiến. Bởi thế, xin bậc thầy gia trì cho con cái năng lực chuyển hóa thói ích kỷ trong con thành sự quan tâm đến mọi người.” Đây không phải triết lý rắc rối gì, mà rất đơn giản. Muốn biết thói ích kỷ, tự thương thân là nguyên nhân của mọi rối ren bất mãn, ta chỉ cần nhìn vào những kinh nghiệm trong đời cũng đủ thấy.

Đức Panchen lama còn khuyên ta hãy nhìn đức phật Thích ca đã làm gì với cuộc đời ngài. Ngài đã từ bỏ mọi bám víu vào tự ngã, hoàn toàn hiến mình cho hạnh phúc của chúng sinh, và hậu quả là ngài đã đạt đến hạnh phúc tột đỉnh của sự toàn giác. Rồi hãy nhìn chúng ta: chúng ta luôn bị ám ảnh bởi cái tôi, tôi, tôi- thế nhưng điều duy nhất ta có được chỉ là khổ đau và bất mãn không dứt. Đây là một sự thực đơn giản, không do thẩm quyền của đức Panchen Lama hay bất cứ ai, ta mới thấy được sự thực ấy. Bằng chứng là cuộc đời của chính ta và của tất cả mọi người. Xét kỹ ta sẽ thấy rõ là ích kỷ hẹp hòi luôn luôn dẫn đến thất vọng, còn tính vị tha mở rộng lòng với mọi người sẽ đem lại an lạc hạnh phúc.

~ Đưa Vào Mật Tông – Nguyên tác: Introduction to Tantra

Tác giả: Lama Thubten Yeshe

Biên tập: Jonathan Landaw

Chuyển ngữ: Thích Nữ Trí Hải