Những lời chỉ dạy của Garchen Rinpoche với học trò Việt Nam

Những lời sau đã được Garchen Rinpoche ban tặng cho tất cả các đệ tử Việt Nam thông qua ghi hình video vào ngày 28/2/2017 tại Học viện Phật giáo Garchen, thung lũng Chino Valley, bang Arizona, Hoa Kỳ; theo lời thỉnh cầu thiết tha của một số đệ tử người Việt sang tham dự khóa tu Bổn tôn Yamantaka tại đây.

Trong thế giới này, xét ở một góc độ nhất định, tất cả những ai tu hành đạo Phật thực chất đều hợp nhất – tất cả cùng chung một kiểu là Phật tử. Điều thực sự quan trọng đối với người tu hành là phát triển lòng sùng mộ, tín tâm và tri kiến thuần tịnh.

Chúng ta cần phải tịnh hóa tâm ích kỷ – là tâm đặt mình lên trên hết. Để làm được này, ở mức độ tương đối, lý tưởng là chúng ta coi tất cả chúng sinh như cha mẹ mình. Còn ở mức độ tuyệt đối, chúng ta hiểu rằng ta và người không tồn tại một cách riêng rẽ, không có sự nhị nguyên [giữa ta và người]. Ở mức tương đối thì có sự nhị nguyên giữa ta và người. Ở mức độ đó, khi chúng ta còn thấy ta và người là [những cá thể] riêng biệt thì điều quan trọng nhất của thực hành là phát triển mong nguyện vị tha làm lợi lạc người khác. Ngoài ra, chúng ta cần phát triển tín tâm và lòng sùng mộ đối với các đấng cao hơn. Điều này cũng có nghĩa là chúng ta nên coi tất cả các hành giả thuộc mọi tôn giáo khác nhau trên thế giới đều là tăng đoàn. Chúng ta nên có tín tâm nơi họ mà không có một thành kiến nào đối với họ cả. Thực sự thì tất cả hữu tình chúng sanh, không chỉ loài người mà cả động vật, đều đã từng là cha mẹ của chúng ta, do đó, chúng ta cần phải phát khởi tình yêu thương và lòng từ bi đối với họ.

Tinh túy của việc tu hành là phát triển tín tâm và tri kiến thuần tịnh như thế. Đó là nền tảng, sau đó chúng ta thực hành theo bất kỳ mức độ tu tập nào phù hợp – Biệt giải thoát thừa, Bồ tát thừa hay Kim cang thừa. Hành giả sơ cơ bắt đầu với Biệt giải thoát thừa – là giải thoát cá nhân. Đầu tiên, họ cần phải hiểu bốn tư tưởng chuyển tâm hướng về Pháp. Nhưng chỉ hiểu thôi thì chưa đủ, chúng ta cần phải thực sự có được kinh nghiệm về điều này. Do vậy mà bốn tư tưởng chuyển tâm hướng về Pháp cần phải thực sự được thẩm nhập vững chắc trong tâm con. Khi làm được như vậy, rồi thì con sẽ bắt đầu hiểu về sự quan trọng của Bồ đề tâm, của tâm vị tha. Nếu con hiểu được tầm quan trọng của Bồ đề tâm thì cuối cùng con sẽ trở thành một vị Bồ tát. Bồ đề tâm sẽ trở nên rất rộng lớn. Tình yêu thương và lòng bi mẫn trở nên bao la vô tận. Khi điều đó xảy ra, con sẽ trực nhận được tính bất nhị giữa ta và người một cách tự nhiên, và khi ấy tâm con sẽ trở nên bao la rộng lớn như không gian. Do vậy, chính thông qua tình yêu thương và lòng bi mẫn vô hạn này mà con trực nhận được rằng ta và người không tồn tại một cách riêng biệt. Khi con nhận ra điều đó, một cách tự nhiên, con trực nhận được chân lý tối thượng, là Đại Thủ Ấn. Đại Thủ Ấn có nghĩa là trạng thái mà ở trong đó không có sự nhị nguyên giữa ta và người.

Do vậy, đầu tiên con cần phát triển tín tâm và tri kiến thuần tịnh – đó là nền tảng cơ bản. Theo Kim Cang Thừa, Pháp vương [dòng truyền thừa Drikung Kagyu] Jigten Sumgon đã nói “Ta là một hành giả du-già đã trực nhận được rằng cha mẹ, các vị Bổn tôn hộ Phật và tất cả chúng sinh trong sáu cõi thực sự là một”. Tất cả chúng sinh thực sự là một vì bản chất của tất cả đều thuần tịnh. Tất cả chúng sinh thực sự không khác các vị bổn tôn. Vũ trụ bên ngoài là cung điện bao la vô hạn của các vị bổn tôn. Tất cả chúng sinh đều là các vị thiên nam và thiên nữ. Ví dụ, trong pháp tu Bổn tôn Yamantaka, chúng ta quán tưởng rằng tất cả mọi thứ, tất cả ba cõi đều thuần tịnh. Tất cả hiện tướng, âm thanh, niệm tưởng đều thuần tịnh. Để trực nhận được điều này, đầu tiên, chúng ta cần phải hiểu được bốn niệm chuyển tâm hướng về Pháp theo Biệt giải thoát thừa. Rồi chúng ta cần phát triển Bồ đề tâm theo 37 Pháp tu Bồ tát.

Thực sự thì tất cả đều được bao hàm trong 37 Pháp tu Bồ tát, do vậy, những pháp tu này cần phải được áp dụng vào các hoạt động hàng ngày. Do đó, chỉ hiểu thôi thì chưa đủ mà con cần phải áp dụng các pháp tu này trong cuộc sống hàng ngày của con. Nếu nhìn theo tri kiến tương đối thì 37 Pháp tu Bồ tát thực sự ở trong tim của Thầy. Còn nếu theo Kim Cang thừa, hay theo tri kiến tuyệt đối, Lời nguyện Đại toàn thiện của Phổ Hiền Như Lai lại rất thân thuộc với Thầy. Cả hai giáo pháp này thực sự bao hàm tâm yếu của tất cả mọi thực hành Phật pháp. Nếu con hiểu tốt những giáo pháp này, con có thể thực hành theo bất kỳ truyền thống Phật pháp nào.

Do vậy, quan trọng nhất đối với các đệ tử [tu tập] tại các trung tâm Phật Pháp là các con cần phải hòa hợp với nhau, bởi vì mọi người chính là tăng đoàn và điều quan trọng nhất đối với tăng đoàn là có tình yêu thương và sự kham nhẫn. Nếu con không có sự kham nhẫn thì mặc dù là người tu trong tăng đoàn nhưng con có thể dễ dàng rơi vào định kiến. Và như thế thì dù cho con thực hành pháp nhưng thực sự thì pháp đó lại đi ngược lại với chánh pháp, và trở thành một sự thực hành nguy hại. Do đó, thực hành căn bản và quan trọng nhất ở trong tăng đoàn chính là thực hành tâm yêu thương và lòng kham nhẫn.

Kyabje Garchen Triptrul Rinpoche
Nguồn: Những lời chỉ dạy của Garchen Rinpoche với học trò Việt Nam