IMG_0100

Thân người quý giá

Bởi con đã đạt được con tàu vĩ đại này, một đời người quý giá, điều vô cùng khó đạt

Con cần phải đưa bản thân và người khác vượt qua đại dương luân hồi.

Cho đến tận cùng đó, lắng nghe, quán chiếu và thiền định

Ngày và đêm, không chút xao lãng, là Pháp hành của một vị Bồ Tát.

Ngay lúc này, bạn có đủ phước báu để không sinh vào một trong tám trạng thái không có tự do để thực hành Pháp, và được trao tặng mười thuận duyên có lợi cho thực hành Pháp.

Tám trạng thái không có tự do để thực hành Pháp gồm: (1) sinh ra trong cõi địa ngục; (2) sinh ra làm loài ngạ quỷ; (3) sinh ra làm súc sinh; (4) sinh ra trong những người man rợ;(5) sinh ra làm vị trời trường thọ; (6) có tà kiến; (7) sinh ra trong Kiếp đen tối mà không có vị Phật nào thị hiện; và (8) sinh ra với các khuyết tật về giác quan.

Trong mười thuận duyên có lợi cho thực hành Pháp, năm điều thuộc về cá nhân. Chúng bao gồm: (1) sinh ra làm người; (2) sinh ra ở vùng trung tâm nơi Pháp phát triển; (3) sinh ra với các giác quan đầy đủ; (4) không sống một cuộc đời xung đột với Pháp; và (5) có niềm tin vào giáo lý.

Năm thuận duyên còn lại phụ thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài bạn. Chúng bao gồm: (6) Một vị Phật xuất hiện trên thế giới này; (7) Ngài đã thuyết Pháp; (8) giáo Pháp vẫn còn tồn tại vào thời điểm của bạn; (9) bạn đã bước đi trên con đường Pháp; và (10) bạn đã được chấp nhận bởi một vị thầy tâm linh.

Ngài Longchen Rabjam[1] đã viết chi tiết tám hoàn cảnh đối nghịch kéo bạn xa rời Pháp, và tám thiên hướng không thích hợp giới hạn tiềm năng tự nhiên đạt đến giải thoát của bạn[2].

Tám hoàn cảnh đối nghịch kéo bạn xa rời Pháp là: (1) bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi năm độc; (2) cực kỳ ngu dốt và vì thế dễ dàng bị dụ dỗ bởi những người bạn không thích hợp; (3) có xu hướng theo con đường sai lầm của ma quỷ; (4) bị xao lãng bởi sự lười biếng mặc dù cũng có niềm yêu thích Pháp; (5) sống cuộc đời sai trái; (6) làm nô lệ hay bị kẻ khác kiểm soát; (7) thực hành vì những lý do tầm thường – chỉ để được bảo vệ khỏi hiểm nguy; và (8) thực hành giả tạo với hy vọng giàu có hay nổi tiếng.

Tám thiên hướng không thích hợp giới hạn tiềm năng tự nhiên đạt đến giải thoát của bạn gồm: (1) bị cùm kẹp bởi gia đình, sự giàu có và nghề nghiệp đến mức bạn không có thời gian rảnh để thực hành Pháp; (2) có bản tánh đồi bại, dẫn bạn đến những hành vi sai trái, do đó thậm chí khi gặp một vị thầy tâm linh, cũng vô cùng khó để chuyển tâm về với Pháp; (3) không sợ hãi khổ đau của luân hồi, và như thế không có cảm xúc vỡ mộng với luân hồi hay ý định giải thoát khỏi nó; (4) thiếu đi viên ngọc niềm tin và như thế không có xu hướng gặp một vị thầy và thực hành giáo lý; (5) hài lòng trong các hành động xấu và không có sự ăn năn khi phạm phải chúng, tức là đang quay lưng lại với Pháp; (6) không có niềm yêu thích với Pháp hơn việc con chó ăn cỏ, bởi thế không thể phát triển các phẩm tánh tích cực; (7) phá hỏng Biệt giải thoát giới và các giới Đại thừa, và như thế không còn nơi nào khác ngoài các cõi thấp hơn, nơi chẳng thể nào thực hành Pháp; và (8) đã bước vào con đường Kim Cương thừa phi thường, nhưng lại phá hỏng Mật giới với vị thầy, các huynh đệ Kim Cương và như thế từ đã từ bỏ tiềm năng tự nhiên của mình.

Nếu bạn sở hữu những tự do và thuận duyên, và có thể tránh được mười sáu điều kiện bổ sung này, bạn sẽ thoát khỏi các chướng ngại của thực hành, và có thể sẽ đạt đến giác ngộ. Có được thân người quý giá giống như có một con tàu được trang bị đầy đủ, có thể vượt qua đại dương để đến đảo vàng. Như Ngài Shantideva từng nói trong Nhập Bồ Tát hạnh rằng:

Vượt qua đại dương của các cảm xúc

Trên con tàu của thân người quý giá.

Bạn không có được thân người quý giá này một cách tình cờ. Đó là kết quả của việc nghe thấy hồng danh Đức Phật từ một đời quá khứ, quy y nơi Ngài, tích lũy các thiện hạnh, và phát triển một số trí tuệ. Bạn chẳng thể nào chắc chắn liệu bản thân sẽ lại có được thân người này nữa không. Nếu bạn không thể thực hành Pháp trong đời này, chắc chắn bạn sẽ không có được thân người vào đời tiếp theo. Thờ ơ cơ hội như vậy là vô cùng ngu dốt. Đừng lãng phí nó. Hãy thực hành ngày đêm.

Điều đầu tiên trong mười thuận duyên là được sinh ra làm người. Hãy xem số lượng chúng sinh trong luân hồi. Hãy lấy vài hình ảnh so sánh đơn giản về các con số, nếu số lượng chúng sinh trong địa ngục giống như những hạt bụi trên mặt đất, số lượng ngạ quỷ sẽ như số cát trên sông Hằng; số lượng súc sinh như số hạt kê trong thùng bia chang[3]; số lượng A Tu La như số bông tuyết trong trận bão tuyết. Nhưng số lượng của cả con người và chư thiên không nhiều hơn số hạt bụi trên móng tay. Và có ít người hơn là chư thiên – con người như các vì sao lúc rạng đông.

Mặc dù các cơ hội là không chắc chắn nhưng bạn đã sinh ra làm người, bạn có thể dễ dàng thấy được thật lạ làm sao rằng bạn không chỉ sinh ra ở nơi mà có Pháp, bạn còn thích thú Pháp– và thậm chí hơn thế bạn thực sự đưa chúng vào thực hành. Điều đó cực kỳ hiếm. Hãy nhìn xem có bao nhiêu quốc gia trên thế giới này, và xem nơi nào Pháp là một truyền thống còn tồn tại. Thậm chí ở một quốc gia như vậy, liệu có bao nhiêu chúng sinh thích thú với thực hành, và trong số họ bao nhiêu người thực sự có kếtquả với những thực hành? Phần lớn chúng sinh đang phung phí cuộc đời vào nhữnghoạt động vô nghĩa, ích kỷ và tầm thường.

Tuy nhiên, bạn có thể nghĩ rằng, “Tôi sẽ tiếp tục các hoạt động bình thường đến khi năm mươi tuổi, và sau đó tôi sẽ hiến dâng cho Pháp.” Ý tưởng như vậy cho thấy sự thiếu quan tâm đáng báo động, và thờ ơ sự thật là cái chết đến mà không báo trước. Như người ta thường nói,

Thời gian cái chết xảy đến là không chắc chắn

Nguyên nhân cái chết là không thể đoán trước.

Có bao nhiêu người còn sống trên trái đất này tối nay sẽ chết vào sáng mai? Làm người giống như sở hữu của cải vĩ đại; nó cần phải được sử dụng ngay. Ngay bây giờ là lúc để thực hành Pháp. Như chính Ngài Gyalse Thogme từng nói:

“Kẻ ở mùa thu không thể cung cấp cho mùa đông sắp tới là kẻ ngu. Chỉ Pháp mới có thể giúp chúng ta khi chết, và chúng ta biết rằng cái chết là chắc chắn – Bởi thế không thực hành bây giờ là hoàn toàn ngu dốt”

Mỗi ngày, hãy nhắc nhở bản thân rằng nếu bạn không nghiên cứu và quán chiếu giáo lý, thiền định và trì tụng các lời nguyện và thần chú, lúc chết bạn sẽ bất lực. Cái chết là điều chắc chắn. Nếu bạn chờ đợi đến chết mới thực hành, sẽ là quá muộn.

Hãy nghĩ về lý do tại sao bạn thực hành. Mong muốn sống thọ, thoát khỏi bệnh tật, hay hy vọng gia tăng tài sản và tầm ảnh hưởng là những mục tiêu tầm thường. Hãy thực hành để giải thoát bản thân và người khác khỏi khổ đau luôn hồi.

Để đánh giá một cách cẩn thận sự cần thiết của thực hành Pháp, điều quan trọng là nhận ra mức độ của khổ đau trong luân hồi. Từ đáy cùng đến đỉnh cao của luân hồi, không có gì khác ngoài đau khổ. Luân hồi có ba thứ khổ: khổ vì khổ, khổ vì sự thay đổi và nỗi khổ tràn khắp tổng hợp.

Các cõi thấp hơn chủ yếu bị ảnh hưởng bởi “khổ vì khổ” – một vòng không ngừng những khổ đau, nối tiếp nhau: nóng và lạnh của địa ngục; đói khát của ngạ quỷ; và màn đêm tinh thần, sự ngu dốt và sợ hãi của loài súc sinh.

Các cõi cao hơn đặc biệt chịu ảnh hưởng của “khổ vì thay đổi.” Với loài người có bốn thứ khổ chính: sinh, lão, bệnh và tử. Bốn dòng suối tồn tại mạnh mẽ này lớn đến mức có thể cuốn chúng ta đi – không có cách nào để ta có thể đảo ngược dòng chảy. Thêm vào đó, chúng ta khổ khi không có được điều mình muốn, dù là thức ăn, quần áo, tài sản hay thế lực; khi ta gặp phải điều không muốn, như là bị chỉ trích, bệnh tật, hay các nghịch cảnh; khi ta không được ở cạnh những người yêu quý; và khi ta phải kề bên người ta căm ghét. Trong nỗ lực tự cho mình là trung tâm sẽ chẳng thể giúp gì trong việc đạt được hạnh phúc, phần lớn con người phạm phải những ác hạnh to lớn. Không may là, tất cả những điều được tạo ra đều chỉ gây ra đau khổ và vô minh nhiều hơn. Các vị A Tu La chịu khổ đau vì chiến tranh liên miên và sự ích kỷ. Chư thiên trong các cõi trời cao hơn chịu khổ đau vì sự thay đổi họ gặp phải khi cuộc đời lâu dài linh thánh của họ với hỷ lạc và niềm vui kết thúc, và họ rơi xuống những cõi thấp hơn.

Các cõi Vô sắc có đặc điểm là “sự khổ đau tràn khắp tổng hợp” tiềm tàng. Chúng sinh duy trì trong sự quán chiếu sâu sắc, đại lạc, nhưng khi nghiệp tốt, thứ tạo ra và sau đó đảm bảo cho điều kiện an bình này cạn kiệt, họ sẽ lại trải qua nỗi thống khổ của luân hồi. Họ không thể xua tan ngu dốt và vì thế không thể đẩy lùi năm độc.

Khi chư Phật quán sát luân hồi với con mắt của trí tuệ toàn tri, các Ngài không thấy đây là một nơi vui vẻ. Các ngài nhận thức rõ ràng những khổ đau của chúng sinh, và các Ngài nhận ra mức độ ngu dốt của những mục tiêu vô ích, tạm thời mà chúng sinh cố gắng vất vả để đạt được. Điều quan trọng là trở nên tin tưởng chắc chắn hơn rằng chỉ một thứ duy nhất xứng đáng đạt được là giác ngộ tối thượng. Quán chiếu về khổ đau của luân hồi, bạn sẽ phát triển được mong muốn mạnh mẽ được giải thoát khỏi nó theo cách rất tự nhiên. Thay vì lãng phí vô ích năng lượng, bạn sẽ tập trung vào thực hành Pháp.

Thậm chí việc nghe thấy giáo lý cũng là điều gì đó cực kỳ hiếm có, điều chỉ xảy đến một lần trong nhiều kiếp. Việc bạn đã gặp được Pháp bây giờ không phải chỉ là sự trùng hợp. Nó đến từ những hành động tốt lành trong quá khứ. Cơ hội như vậy không nên bị lãng phí. Nếu tâm của bạn hòa hợp với Pháp, bạn sẽ không trải qua những vấn đề với mọi thứ trong cuộc đời này; trong khi nếu bạn liên tục bận rộn với các mục tiêu thông thường, những vấn đề sẽ tăng trưởng, và chẳng thể đạt được điều gì. Như Ngài Longchen Rabjam từng nói: “Các hoạt động của chúng ta thì như trò chơi trẻ con. Nếu chúng ta làm như thế, chúng sẽ không bao giờ kết thúc; chúng kết thúc khi chúng ta dừng lại.”

Lòng quyết tâm giải thoát khỏi luân hồi, dựa trên sự vỡ mộng, là nền tảng của mọi thực hành Phật Pháp. Nếu bạn không quyết định rõ ràng về việc quay lưng lại với luân hồi, thì dù bạn tụng đọc bao nhiêu lời cầu nguyện, thiền định trong bao lâu, hay nhập thất bao nhiêu năm, cũng sẽ vô ích. Bạn có thể sống lâu, nhưng nó không phải là điều cốt yếu. Việc duy nhất thực sự đáng làm là tiến một cách vững chắc đến giác ngộ và tránh xa khỏi luân hồi. Hãy nghĩ về điều này một cách cẩn thận.

Hãy quán chiếu về cái chết và khổ đau trong luân hồi, và bạn sẽ không muốn lãng phí một giây phút nào cho những xao lãng và hành động vô ích, như là cố gắng trở nên giàu có, đánh bại kẻ thù, hay dành cả cuộc đời để bảo vệ và hỗ trợ những sở thích của người mà bạn yêu mến. Bạn sẽ chỉ muốn thực hành Pháp.

Người bệnh nhân liệt giường chỉ nghĩ về việc khỏe lại. Anh ta không mong muốn ốm mãi. Giống như vậy, một hành giả, người mong muốn thoát khỏi khổ đau của luân hồi sẽ tận dụng mọi phương pháp có thể được thực hiện, như quy y, khởi tâm mong muốn giác ngộ vì lợi ích của người khác, làm các việc tốt, và tương tự, với một sự quyết tâm vững chắc muốn thoát khỏi luân hồi liên tục trong tâm trí.

Việc mong muốn không ngừng rằng bạn có thể thoát khỏi luân hồi là chưa đủ. Ý tưởng đó cần bao trọn dòng suy nghĩ của bạn, cả ngày lẫn đêm. Một tù nhân trong ngục luôn nghĩ về các cách khác nhau để được giải phóng – làm sao anh ta có thể trèo tường, yêu cầu những người quyền thế can thiệp, hay kiếm tiền để mua chuộc ai đó. Bởi thế, khi đã thấy khổ đau và sự không hoàn hảo của luân hồi, đừng bao giờ dừng việc suy nghĩ cách làm sao đạt được giải thoát, với tâm niệm từ bỏ sâu sắc.

Khi một vài vị thầy vĩ đại trong quá khứ quán chiếu về sự hiếm có của thân người, các Ngài thậm chí không thấy buồn ngủ; các ngài không thể lãng phí dù chỉ một giây. Các ngài dùng trọn năng lượng vào thực hành tâm linh.

Trong lần chuyển Pháp luân lần thứ nhất, Đức Phật dạy về Tứ Diệu Đế. Sự thật đầu tiên là có khổ đau, và nó cần phải được nhận ra. Sự thật thứ hai là khổ đau có nguyên nhân, điều vì thế cần phải từ bỏ. Nguyên nhân đó là phiền não, các cảm xúc tiêu cực hay những nhân tố phiền não về tinh thần. Mặc dù có rất nhiều các trạng thái của tâm bị che chướng như vậy, năm che chướng chủ yếu là tham, sân, si, kiêu mạn và ích kỷ [4]. Sự thật thứ ba là có con đường dẫn chúng sinh thoát khỏi khổ đau; bởi thế cần phải đi theo con đường này. Sự thật thứ tư là khổ đau vì thế có thể kết thúc. Thông qua Tứ Diệu Đế, Đức Phật thúc giục chúng ta từ bỏ các bận tâm thế tục và nỗ lực hướng về giải thoát khỏi luân hồi.

Khi chúng ta tìm kiếm các phương cách để thoát khỏi luân hồi, bước đầu tiên là lắng nghe giáo lý, điều giải thích những phương pháp khác nhau để làm như vậy. Đức Phật nói bên cạnh tri thức quý giá cần đạt được, đơn giản việc lắng nghe âm thanh của Pháp được thuyết giảng – thậm chí âm thanh của ốc và chiêng để triệu tập cộng đồng đến nghe Pháp – cũng mang đến sự gia trì thậm thâm và nhiều lợi lạc, và có thể giải thoát chúng sinh khỏi những cõi thấp. Thông qua việc lắng nghe Pháp, những người không thể hiểu ý nghĩa của Pháp một cách chi tiết cũng đạt được một vài ý niệm về các phẩm tánh của Pháp. Thậm chí một ý tưởng chung nhất về việc làm sao để thực hành Pháp cũng đã rất quý giá.

Bước thứ hai là quán chiếu về điều mà bạn đã nghe và cố gắng tìm ra ý nghĩa cốt tủy trong đó. Quán sát tâm để thấy rằng nó có thực sự như giáo lý miêu tả hay không, và liệu rằng bạn có giữ nó tập trung vào đối tượng thiền định không.

Thứ ba, khi bạn đã có ý tưởng rõ ràng về ý nghĩa cốt tủy của Pháp, bạn cần cố gắng nhận ra ý nghĩa đó thông qua kinh nghiệm bên trong, và thấu hiểu ý nghĩa đó triệt để. Đó được gọi là thiền định.

Khi bạn tiến bộ qua ba bước này, các phẩm tánh tâm linh tự nhiên sẽ khởi lên, và bạn sẽ thấy chân lý của giáo Pháp. Những phẩm tánh này sẽ nở hoa một cách tự nhiên bởi Phật tánh trong bạn đang được phát lộ. Phật tánh hay “tathagatagarbha“, hiện hữu trong mọi chúng sinh, nhưng bị che giấu bởi những che chướng, giống như thỏi vàng bị chôn dưới mặt đất. Khi bạn lắng nghe, quán chiếu và thiền định về Pháp, mọi phẩm tánh tự nhiên của Phật tánh sẽ dần phát lộ. Khi một cánh đồng được chuẩn bị kỹ lưỡng và gieo hạt, và mọi điều kiện thuận lợi đã có, như là nhiệt độ, độ ẩm, và độ ấm, hạt giống sẽ đâm chồi và lớn lên thành mùa màng.

Các kinh điển và bản văn Pháp chứa đựng rất nhiều giáo lý rộng lớn và chi tiết. Chúng gồm nhiều chủ đề khác nhau, như là chủ đề của năm ngành khoa học cổ đại[5]. Nhưng, rất nhiều người sẽ không thể lắng nghe, quán chiếu và thiền định chi tiết tất cả những bản văn này. Tuy nhiên, trong bản văn hiện tại này, ý nghĩa cốt tủy của mọi giáo lý được phơi bày và truyền tải dưới hình thức các chỉ dẫn về cách thức một vị Bồ Tát nên thực hành.

Dùng những chỉ dẫn này, hãy hiến dâng cho thực hành. Quán chiếu nhiều lần ý nghĩa của chúng, và cố gắng áp dụng chúng. Cuối cùng, bạn có thể muốn đi đến một ngọn núi cô độc để thiền định sâu sắc về chúng.

Người ta nói rằng dù khó khăn thế nào, không điều gì, không thể trở nên dễ dàng với việc làm quen. Nếu bạn kiên trì thực hành các chỉ dẫn này, chắc chắn bạn sẽ đạt được nhiều kết quả.

Kyabje Dilgo Khyentse Rinpoche

Việt dịch: Thanh Liên

Nguồn: Trái tim Từ bi, Luận giải về 37 Pháp hành của một vị Bồ Tát

Chú giải:

[1]Gyalwa Longchen Rabjam, Trime Oser (rgyalba klong chen rab ’byams dri med ’od gzer, 1308 – 1369), thường được gọi làLongchenpa, vị đạo sư xuất sắc của truyền thống Nyingma, người đã giải thích chín thừa nói chung và Đại toàn thiện nói riêng trong Bảy Kho tàng (mdzodbdun).

[2]Hai bộ tám điều kiện này cần thiết cho các thực hành Pháp (’phral byung rkyen gyi khom rnam pa brgyud và ris chad blo yi khom rnampa brgyud) được miêu tả trong cuốn Kho tàng Như ý của Ngài Longchenpa (yid bzhin mdzod).

[3]Bia Tây Tạng làm từ kê lên men.

[4]Sự ngu dốt bao gồm: (a) ngu dốt cơ bản (marig pa), việc không nhận ra giác tánh nguyên sơ và bản tánh trống rỗng củacác hiện tượng; (b) trạng thái tâm linh ngu dốt (ti mug), chủ yếu thiếu đi sự quan tâm lo lắng về cái cần phải đạt được và cái cần phải bỏ để giải thoát khỏi luân hồi; (c) hoài nghi (the tsom) về luật nhân quả, sự tồn tại củacác đời quá khứ và tương lai, …; và (d) tà kiến (lta ba nyon mong can), niềm tin rằng các uẩn (tiếng Phạn, skandha) tạo thành cái tôi cá nhân, và mọi hiện tượng tồn tại thực sự, tự nhiên và độc lập, …

[5]Năm ngành khoa học truyền thống gồm: y học, logic,ngôn ngữ, thủ công và siêu hình học.