5600b-statue-guru-padmasambhava-samdruptse

Sùng mộ và Cầu nguyện tới Đức Liên Hoa Sanh

Guru yoga là một phương pháp hay phương tiện thiện xảo để phát sinh trong chúng ta lòng sùng mộ mãnh liệt khiến ta nhận ra Đạo sư chính là vị Phật mà không cần cố gắng. Lúc đầu lòng sùng mộ này có thể không tự nhiên hay tự phát, vì thế chúng ta phải sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau để trợ giúp ta thành tựu nó. Điều chính yếu là chúng ta phải luôn luôn nhớ tới các phẩm tính tuyệt hảo của vị Thầy, đặc biệt là lòng tốt của Ngài đối với ta. Bằng cách liên tục phát khởi sự tín tâm, nhận thức sâu sắc Đạo sư và lòng sùng mộ đối với Ngài, sẽ tới lúc chỉ cần nhắc tới danh hiệu của Ngài hay chỉ cần tưởng nhớ tới Ngài là đủ để chấm dứt mọi nhận thức phàm tình của chúng ta, và ta sẽ thấy ngài chính là một vị Phật.
Bài kệ mà ta dùng để dâng lời cầu nguyện sùng mộ lên Guru Rinpoche nói :
Đức Guru Rinpoche quý báu, xin hãy nghe con. Ngài là hiện thân quý báu nhất, vinh quang nhất của lòng đại bi và ân phước trong tất cả chư Phật. Ngài là người bảo hộ duy nhất và là chúa tể của tất cả chúng sinh. Không chút do dự hay dè dặt, con dâng lên ngài tài sản, thân thể, tim phổi, lồng ngực của con, và chính con người con. Con cúng dường ngài trọn vẹn bản thân con. Cho tới khi con đạt được giác ngộ, dù con có thể gặp bất kỳ hạnh phúc hay đau khổ nào, hỡi đấng tôn quý vĩ đại, Đạo Sư Liên Hoa Sanh, ngài biết rõ mọi sự về con. Ngoài ngài ra, con không có hy vọng nào khác; con nằm trong vòng tay ngài.
[Bây giờ chúng ta trì tụng ba trăm lần thần chú Vajra Guru]
Tại sao chúng ta cầu nguyện Guru Rinpoche? Tại sao ngài là đấng chúng ta hướng về? Những người bình thường có khuynh hướng nương tựa vào người có ảnh hưởng và quyền lực lớn nhất. Cũng thế, ở đây chúng ta nương cậy vào Guru Rinpoche, ngài là sự hợp nhất của tất cả chư Phật và Bồ Tát an trụ trong vô lượng cõi Phật khắp mười phương. Ngài là sự tập hợp mọi phẩm tính, năng lực và sức mạnh xuất sắc của chư Phật và Bồ Tát để làm lợi lạc chúng sinh. Trong vũ trụ này, ngài đã hiển lộ một sự thấu triệt tuyệt đối và vô song về tất cả kỹ thuật và những thành tựu của Mật thừa. Nơi nguồn ánh sáng chói lọi đó, ngài là đấng chúng ta hướng tới trong thời đại này khi những cảm xúc tiêu cực và độc hại của chúng sinh cực kỳ to lớn. Nạn đói kém, các bệnh dịch và những trận chiến tranh chiếm ưu thế, và ngay cả một ít người khi hướng tâm họ về Pháp gặp phải những trở ngại ghê gớm chặn đứng sự tiến bộ của họ và ngăn cản việc thành tựu mục đích tối hậu.
Đức Guru Rinpoche, trong sự toàn giác của ngài đã tiên đoán tất cả những điều này, và bởi lòng đại bi vô hạn, ngài đã cung cấp những phương pháp hữu hiệu cho chúng sinh trong thời đại này. Vì chỉ mình ngài có khả năng giúp đỡ ta, chúng ta có thể nương cậy vào ngài với một lòng tin không lay chuyển. Như ngài đã nói: “Bất kỳ ai thiền định về ta là thiền định về tất cả chư Phật. Bất kỳ ai nhìn thấy ta là thấy tất cả chư Phật. Ta là sự hợp nhất của tất cả chư Phật. Ta là sự hợp nhất của tất cả các sugata (Đấng Thiện Thệ), ‘những đấng đã đạt được đại lạc.’”
Ở bình diện bên ngoài, thân ngài là Tăng, ngữ ngài là Pháp, và tâm ngài là Phật. Ở bình diện bên trong, thân ngài là Đạo sư, ngữ ngài là Bổn Tôn, và tâm ngài là Dākinī. Ở bình diện bí mật, bình diện của ba thân (kāya), thân hiển lộ của ngài là Hóa Thân, trong sắc tướng của Đức Padmasambhava, Đạo Sư Liên Hoa Sanh. Ngữ của ngài là Báo Thân, trong sự hiển lộ của Đức Quán Thế Âm, vị Phật của lòng đại bi vô hạn. Tâm ngài là Pháp Thân, trong hiển lộ của Đức Phật A Di Đà, vị Phật của Ánh sáng vô lượng (Đức Phật Vô Lượng Quang). Từ quan điểm này chúng ta có thể nhận thấy rằng thực ra, Đức Guru Rinpoche chính là tinh túy của tất cả chư Phật. Phật sự bao la của ngài được biểu lộ rõ ràng nhất cho chúng ta qua sự kiện là đối với những chúng sinh như chúng ta bị đau khổ bởi vô minh, ngài đã bày lộ những giáo huấn quý báu về những gì phải tuân theo và những gì nên né tránh trên con đường. Các giáo huấn này sẽ cho phép chúng ta đi trên con đường Giác ngộ cho tới cùng đích.
Đức Guru Rinpoche không ngừng chuyển Pháp luân. Ở phương diện ngữ, Guru Rinpoche là suối nguồn của tất cả Pháp, không một lãnh vực nào trong sự mênh mông vô hạn của các tantra và giáo lý bí mật trong thế giới mà ngài không hiểu biết và thấu suốt.

Hiện nay, chúng ta là những người cư ngụ ở cõi Diêm phù đề này, hay trái đất, không đủ may mắn để diện kiến ngài. Mặc dù hiện nay ngài không còn hiển lộ như một thân tướng khiến người bình thường có thể thấy, nhưng ngài vẫn đang hiện diện trong tất cả những giáo lý của ngài. Để giữ gìn chúng cho sự lợi ích của những thế hệ tương lai và duy trì được hiệu lực và tính chất tươi mới của chúng, ngài đã truyền dạy chúng cho các đệ tử thân cận của ngài và sau đó cất giấu chúng trong hình thức các terma, hay “các kho tàng tâm linh.” Khi những đệ tử này tiếp tục tái sinh, các ngài đã khám phá lại những kho tàng khác nhau được Đức Guru Rinpoche cất giấu trong các tảng đá, trong các hồ nước, trên bầu trời, và trong tâm các ngài. Bằng cách khám phá lại các terma vào đúng thời gian mà chúng có lợi lạc nhất, sẽ đảm bảo được rằng trải qua quá trình dài của sự truyền dạy từ thế hệ này sang thế hệ khác các kho tàng sẽ không bị sai lạc. Vì lý do đó, truyền thống terma được gọi là dòng truyền thừa ngắn.

Nếu chúng ta thực hành những giáo lý này một cách đúng đắn, với lòng sùng mộ và thành tâm thiết yếu, thì không còn nghi ngờ gì nữa chúng ta sẽ có thể đạt được các thành tựu thông thường và siêu việt. Các giáo huấn này và cơ hội để thực hành chúng được ban tặng cho ta giống như những mạng ăng ten đầy năng lực trong một thành phố lớn. Vấn đề là chúng ta có chịu sử dụng chúng hay không.
Những sự cầu nguyện mãnh liệt với Guru Rinpoche sẽ đóng lại cánh cửa dẫn tới việc tái sinh trong các cảnh giới thấp, và an lập chúng ta một cách chắc chắn trên con đường giải thoát khỏi sinh tử luân hồi, và cuối cùng, sẽ đưa tới sự thành tựu giác ngộ. Vì thế bậc Đạo Sư, Đức Vajradhara (Kim Cương Trì) vinh quang, là gốc rễ của mọi sự ban phước, qua đó mọi sự có thể được thành tựu.
Từ vị Phật nguyên thủy là Đức Phật Phổ Hiền xuống tới chúng ta, các giáo lý sâu xa đã được truyền dạy qua một dòng truyền thừa không đứt đoạn của các bậc Giác ngộ. Có ba loại truyền dạy, tương ứng với các cấp độ hiện thể khác nhau. Cấp độ cao nhất là tâm truyền tâm, được Đức Phật Phổ Hiền trao cho Ngũ Bộ Phật (Ngũ Trí Như Lai). Sự truyền dạy thuộc cấp độ trung bình của các Vidyādhara (Trì Minh Vương) hay những bậc Trì giữ Giác tánh, được ban cho bằng cử chỉ hay sự bày tỏ có tính chất tượng trưng. Cấp độ cuối cùng, sự khẩu truyền thì thầm-bên tai, là để dành cho những người như chúng ta.
Bản thân Guru Rinpoche đã thọ nhận và có thể truyền lại tất cả ba cấp độ truyền dạy. Vì ngài có đầy đủ trí tuệ, lòng từ bi, và năng lực của tất cả chư Phật nên ngài thấu suốt dòng tâm-trí tuệ.
Hiển lộ trong vũ trụ này trong hình tướng một bậc trì giữ trí tuệ kim cương, Đức Guru Rinpoche đã du hành qua khắp các thánh địa để thọ nhận giáo lý từ tất cả các bậc Thầy vĩ đại bao gồm tám Vidyādhara của Ấn Độ. Đặc biệt ngài đã nhận lãnh từ Srī Simha lễ quán đảnh “sự bừng nở của Giác tánh.” Ngài có khả năng thọ nhận và chứng ngộ mọi giáo lý này qua cử chỉ và lời nói, và vì thế ngài nắm giữ dòng truyền dạy tượng trưng.
Không bao giờ cần phải tu tập hay nghiên cứu, ngài đã thọ lãnh và có thể lập tức thông suốt tất cả các giáo huấn và mọi mức độ ý nghĩa của các cấp tantra khác nhau trong Mật thừa. Vì thế ngài nắm giữ dòng truyền dạy toàn hảo thì thầm-bên tai. Khi đã du hành tới mọi cõi Phật, ngài thọ nhận các giáo lý của chư Phật.
Hơn nữa, trong Guru Rinpoche có đầy đủ ba cội gốc. Là Đạo Sư, hay cội gốc của các sự ban phước, ngài nắm giữ ba dòng truyền thừa như chúng ta đã vừa thấy. Ngài còn là Bổn Tôn, hay cội gốc của sự thành tựu, và là Dākinī, hay cội gốc của sự hoạt động.
Thêm vào đó, các mạn đà la của thân, ngữ, tâm, các phẩm tính, và các hoạt động của tất cả chư Phật đều hoàn toàn có trong ngài. Ở phương diện thân ngài là Yamāntaka; ở phương diện ngữ, ngài là Hayagrīva; ở phương diện tâm ngài là Yangdak Heruka; và ở phương diện hoạt động, ngài là Vajrakīlaya.
Theo ước nguyện của ngài, Guru Rinpoche có thể phóng ra một trăm lẻ tám Bổn Tôn hòa bình và phẫn nộ, hiển lộ toàn thể mạn đà la, hay ngài có thể tập hợp vô lượng Bổn Tôn và nuốt các vị này vào bản thân ngài. Ngài là Đức Phật A Di Đà, ngài là Phật Vô Lượng Quang (Amitāyus), ngài là Quán Thế Âm Bồ Tát, ngài là Thánh nữ Tārā, ngài là Vajrasattva (Kim Cương Tát Đỏa), ngài là hàng ngàn vị Phật, ngài là tám Hóa thân, ngài là hai mươi lăm đệ tử, ngài là tám mươi bốn đại thành tựu giả, ngài là các Đạo sư của tám dòng giáo lý, ngài là bổn sư của chính chúng ta. Phạm vi các hoạt động và năng lực của ngài rộng lớn đến nỗi chỉ cần thiền định về ngài là chúng ta có thể đạt được Phật Quả viên mãn.
Guru Rinpoche cũng là vua của tất cả Dākinī và các Hộ Pháp, bản thân các vị là cội gốc của mọi hoạt động. Khắp trong ba nơi chốn và chỉ đơn thuần âm thanh của danh hiệu ngài là đủ đánh thức các Dāka và Dākinī để họ nhận thức được ngài là chúa tể của họ và cúng dường ngài toàn thể lãnh vực rộng lớn như đại dương các tantra của Mật thừa. Theo mệnh lệnh của ngài, các Dāka và Dākinī sẽ quét sạch các chướng ngại trên con đường, khiến cho chúng ta có được tiến bộ nhanh chóng.
Ngài không che dấu trong mình kho tàng các phẩm tính kỳ diệu của ngài; lòng đại bi luôn luôn tràn đầy của ngài là lòng đại bi của tất cả chư Phật, và năng lực để giúp đỡ chúng sinh của ngài thì tương đương với năng lực của chư Phật. Trong thời đại suy thoái này, khi không gì còn tồn tại ngoại trừ các dấu vết suy đồi của những sự toàn thiện nguyên thủy, khi những ban phước của các Bổn Tôn, các bậc linh thánh, và tất cả các Giáo Pháp dường như đang biến mất, thì những sự ban phước đó của Guru Rinpoche thật ra đang còn chói sáng hơn bao giờ hết. Hoạt động bi mẫn không ngơi nghỉ của ngài, thay vì suy giảm trong thời đại tăm tối này, đã trở nên còn nhanh chóng và chắc chắn hơn nữa.
Chúng ta nói rằng Guru Rinpoche là Pháp Vương hay đấng bảo hộ của mọi chúng sinh bởi tất cả đều hướng về ngài để nương tựa. Các chúng sinh bị phiền não bởi các cảm xúc độc hại và nghiệp lực đã tích tập, khi họ hướng tâm về ngài, họ sẽ nhận được lòng đại bi và các sự ban phước của ngài. Nhận thức được điều này, chúng ta có thể cúng dường ngài một cách toàn tâm bất kỳ thứ gì chúng ta coi là thân thiết nhất – thân thể ta, những người thân yêu, tài sản của ta, và tận sâu thẳm của con người chúng ta – mà không có chút do dự nào. Chúng ta thực hiện một sự cúng dường như thế, hoàn toàn thoát khỏi bất kỳ sự nhị tâm nào, dâng cho ngài tất cả với sự dứt khoát tuyệt đối, giống như một hòn đá rơi tòm xuống nước. Cho dù chúng ta có thể cúng dường tất cả số vàng chứa trong toàn thể vũ trụ, ta phải cảm thấy là chưa đủ. Không có sự cúng dường nào, dù bao la đến đâu, có thể được coi là đủ để đền đáp thiện tâm của Guru Rinpoche.
Từ thời điểm này trong cuộc đời chúng ta cho tới khi ta đạt được cấp độ thành tựu của ngài, qua sự thực hành của ta trên con đường, mọi sự việc tích cực xảy đến cho ta, mọi dấu hiệu và những chứng ngộ, mọi sự tịnh hóa các lỗi lầm của ta, mọi lợi lạc của sức khỏe dồi dào, đời sống trường thọ, và sự thành đạt, đều là nhờ lòng tốt của Guru Rinpoche. Bất kỳ điều tốt lành nào chúng ta có thể kinh nghiệm cần được hoàn toàn cúng dường cho Đạo Sư mà không có chút bám níu nào. Bất kỳ hoàn cảnh bất lợi nào xảy đến cho ta, dù là bệnh tật, mất mát vật chất, sự phê bình ác ý, hay sự tù đày bất công, chúng ta cũng nên nghĩ rằng đó là do bậc Đạo Sư, vì qua những bất hạnh của ta, chúng ta sẽ có thể tự tẩy sạch nghiệp xấu đã được tích tập. Chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng: “Tôi đã cầu nguyện Guru Rinpoche rất nhiều, tôi đã thực hành rất mãnh liệt, làm thế nào những điều này lại có thể xảy ra cho tôi ?” Đúng đắn hơn, chúng ta có thể sử dụng đau khổ của ta trên con đường, bằng cách nhận vào mình mọi đau khổ của chúng sinh khác.
Chúng ta phải nhận thức rằng từ bây giờ trở đi, dù chúng ta kinh nghiệm điều gì, cả tốt lẫn xấu, đều nằm trong lòng tay của Guru Rinpoche. Dù chúng ta du hành qua các cõi Phật để tiếp thu các giáo lý của chư Phật và Bồ Tát hay lang thang qua những đau khổ không dứt của sinh tử luân hồi, chúng ta nên nghĩ: “Guru Rinpoche, ngài biết rõ mọi sự xảy ra cho con. Con ở trong tay ngài.”
Nếu chúng ta có thể phát triển mức độ tin cậy này ở ngài, thì đối với ta Guru Rinpoche sẽ như mặt đất ta đi lại trên đó, luôn luôn nâng đỡ chúng ta. Từ toàn bộ lòng tin này, tất cả các phẩm tính và lợi lạc sẽ phát khởi tự nhiên. Không bị các trở ngại che chướng, chúng ta sẽ giải thoát khỏi bệnh tật và đau khổ, ta sẽ vui hưởng một cuộc đời trường thọ, và mọi ước nguyện của chúng ta sẽ được hoàn tất. Tuy thế, đây chỉ là những sự ban phước thứ yếu. Quan trọng hơn, lòng tin này sẽ làm khởi dậy các kinh nghiệm và sự chứng ngộ, nó sẽ cho chúng ta thành tựu cấp độ của những Vidyādhara vĩ đại của Ấn Độ và của hai mươi lăm đệ tử chính của Guru Rinpoche ở Tây Tạng. Đây là những sự ban phước chính yếu.
Với tất cả những điều này trong tâm, chúng ta nên cầu nguyện một cách mãnh liệt rằng :
Trừ ngài ra con không có đối tượng nào khác để hy vọng. Trong thời đại suy thoái này, khi tất cả chúng sinh đang chìm đắm trong đầm lầy đau khổ không thể chịu đựng nổi, xin hãy che chở cho họ khỏi mọi điều này, ôi đấng Đạo Sư vĩ đại. Ôi Ngài, đấng sẵn đủ trí tuệ, ân sủng và sự ban phước như hải triều, xin ban cho con bốn nhập môn, Đấng được phú bẩm lòng đại bi, xin hãy nâng cao sự chứng ngộ của con. Đấng được phú bẩm năng lực, xin tịnh hóa hai che chướng. Ngài là đấng con đặt những hy vọng, xin an lập con trên con đường đi tới Giác ngộ. Qua ngài, cầu mong mọi sự ban phước của chư Phật đi vào dòng tâm thức của con. Giờ đây con cầu nguyện ngài với toàn bộ con người con. Trong sự Toàn Giác, Ngài có thể thấy rằng con sinh ra trong thời đại suy thoái đầy rẫy bệnh tật và xung đột này, khi chúng sinh thì hung dữ, tự phụ và kiêu ngạo, thiếu tinh tấn trong việc thực hành Pháp, và luôn luôn tìm kiếm những điều không lành tốt. Trong một thời đại như thế, tham, sân, si, bệnh tật, nạn đói kém, và chiến tranh đang luôn luôn phát triển; ở nơi đây chúng con đang kinh nghiệm những trái quả do nghiệp của chúng con. Giống như một người điên thích đi vào một đống lửa, chúng con vui sướng tích tập những hạt giống đau khổ trong tương lai của chúng con. Giống như một người mù không có người dẫn đường hay một người điên không người chăm sóc, chúng con hoàn toàn bị chìm đắm trong vũng bùn của đau khổ mà không có ngay cả sự nhận thức về nó. Ngài, Guru Rinpoche, có thể che chở để con không phải lang thang không mục đích trong chốn hoang tàn, thấp kém, tồi tệ này. Xin ban cho con trí tuệ kim cương của thân, ngữ và tâm ngài, và xin ban cho con bốn nhập môn để con có thể chứng ngộ ý nghĩa sâu xa của Đại Viên Mãn. Nhờ lòng đại bi của ngài, cầu mong sự nhận thức của con tăng trưởng, và cầu mong ngài khơi dậy trong con trí tuệ của trạng thái tự nhiên.
[Bây giờ, chúng ta trì tụng ba trăm lần thần chú Đạo sư Kim Cương (Vajra Guru)]
Khi sự chứng ngộ phát khởi trong chúng ta, hai sự ngăn che – ngăn che làm tăm tối tâm thức chúng ta do các cảm xúc tiêu cực và ngăn che làm chướng ngại sự hiểu biết về cái tương đối và tuyệt đối (phiền não chướng và sở tri chướng) – sẽ bị nhổ bật lên và biến mất. Chúng ta nên cầu nguyện với sự tin tưởng tuyệt đối rằng Guru Rinpoche sẽ nhanh chóng ban những ân phước và ngài sẽ hiển lộ cho ta ý nghĩa của Đại Viên Mãn.
Con cầu nguyện ngài từ đáy lòng con, không chỉ bằng môi miệng, xin ban cho những ân phước của ngài khiến mọi ước nguyện của con có thể được thực hiện.
Khi thực hiện sự cầu nguyện này, chúng ta nên nghĩ: “Guru Rinpoche, con không chỉ kêu rêu các ngôn từ. Con không van xin ngài sự che chở trong đời này và trong bardo để xu nịnh ngài, nhưng con cầu nguyện ngài từ thâm tâm con, từ tận xương tủy con. Con không nghĩ tưởng điều gì khác ngoài ngài. Con không nhớ tới điều gì ngoài ngài. Con muốn tan biến vào ngài như một hòn đá bị ném xuống nước. Con không thể chịu đựng nổi việc xa lìa ngài.”
Theo cách này, tâm chúng ta hoàn toàn bị tràn ngập bởi sự hiện diện của Đạo Sư. Mọi tư tưởng tiêu cực, dù to lớn hay độc hại thế nào, trở nên hoàn toàn lắng dịu và tiêu tan ngay khi ta nghĩ tưởng về Đạo Sư. Chúng ta nên cầu nguyện với tất cả năng lực và sự mãnh liệt mà ta có cho tới khi ta được ban cho loại kinh nghiệm này. Nếu chúng ta thực sự phát triển lòng sùng mộ chân thật như thế, khi ấy Guru Rinpoche sẽ như một bà mẹ luôn luôn có tình thương dạt dào nhất đối với đứa con của bà. Bất cứ khi nào một bà mẹ như thế muốn cho con bà một thứ gì, bà không bao giờ nghĩ: “Ồ, đối với nó cái này là quá tốt.” Đúng hơn, bà luôn luôn cho con những món gì tốt nhất bà có thể tìm được. Chúng ta nên cầu nguyện với Guru Rinpoche rằng: “Xin ban cho con lòng đại bi của ngài và giải thoát con khỏi nỗi đau khổ trong đời này và những đời sau. Xin đưa dắt con tới những cảnh giới cao và gia hộ cho con đạt được sự Giác ngộ tối thượng.”
[Với tâm thức tràn đầy sự sùng mộ tuyệt đối như thế, ở đây, một lần nữa chúng ta trì tụng thần chú Đạo sư Kim Cương càng nhiều càng tốt – ít nhất bốn trăm lần.]

~ Trích “Viên Ngọc Như Ý”  – Kyabje Dilgo Khyentse Rinpoche