Minapa – Người xui xẻo

Truyền thuyết

Minapa vốn làm nghề chài lưới ở vùng Bengal. Chân sư của ngài chính là Đại Tự Tại Thiên Vương Shiva

Minapa thường ngày vẫn dong thuyền ra khơi đánh cá đem về chợ bán để độ thân. Một hôm, Minapa vô tình dùng thịt làm mồi câu, một con kình ngư nổi lên đớp mồi làm đắm cả thuyền và nuốt trọn thân mình Minapa vào trong bụng. Nhưng vì số kiếp chưa hết nên Minapa tiếp tục sống trong bụng của nó.

Trong khi ấy, Thánh nữ Umadevi là vợ của Đại Tự Tại Thiên (Mahadeva) Shiva cầu xin chồng bà truyền cho pháp thuật. Shiva không muốn truyền pháp bí mật ở những nơi mà người khác có thể lén nghe, ngài bèn bảo với Umadevi cùng đi xuống đáy biển sâu.

Lúc bấy giờ, con thủy quái chứa Minapa trong bụng lại nằm nghỉ gần nơi Shiva đang truyền pháp cho Umadevi.

Vì nữ thần này ngủ gục trong khi Shiva giảng pháp, nên chính Minapa lại là người học được trọn vẹn pháp thuật của Thiên Vương.

Đến khi Shiva ngừng nói pháp thì Umadevi tỉnh giấc, lại bảo: “Ngài nói tiếp đi.” “Nhưng ta vừa mới nói xong. Vậy thì từ nãy giờ ai đã đối dáp cùng ta?” Đại Tự Tại Thiên nói với vẻ ngạc nhiên.

Ngài liền dùng thiên nhãn xem khắp, chợt thấy Minapa đang ở trong bụng con thủy quái nằm gần đó, bèn nghĩ thầm: “Chính người này mới thực sự là môn đồ của ta.”

Được cơ may hiếm có, Minapa liền thiền định suốt 12 năm trong bụng con thủy quái.

Về sau, ngư dân trong vùng bắt được con thủy quái và mổ bụng nó vì tưởng có châu báu. Nhờ thế, Minapa thoát ra được.

Mọi người chứng kiến cảnh Minapa chui ra từ bụng cá đều kinh hãi. Ai cũng sửng sốt khi nghe tên vị vua dưới thời Minapa chưa bị nạn, mới biết ngài ở trong bụng cá được 12 năm. Vì vậy họ gọi ngài là Thầy Cá và tất cả đều đảnh lễ cúng dường vật thực cho ngài.

Vui mừng về sự thành tựu ấy, Minapa nhảy nhót khiến chân ngài lún sâu vào mặt đất y như người ta cho chân xuống bùn. Tương truyền, ngài thọ đến 500 năm.

Hành trì

Con cá khổng lồ trong truyện là biểu trưng của đời sống tinh thần. Bị cá ấy nuốt vào bụng mà không chết là do công đức đời trước của Minapa.

Khác với các vị yogi kia, Minapa không tự nguyện mà là tình cờ một cách may mắn học được pháp thuật. Sự may mắn sau cùng là sau 12 năm thiền định dưới nước, Minapa được về lại đất liền.

Ở đây, ý nói Minapa không bị tù đày, trói buộc trong pháp môn tu tập mà vượt thoát ra ngoài, không chấp vào pháp tu của mình.

Đối với một hành giả Mật tông (Tantrika), cá tượng trưng cho sự giải thoát vì nó tự do bơi lội không cần phải nỗ lực, không cần phải ngủ nghỉ và không bị ướt (ái nhiễm, tỉnh giác).

Sử liệu

Minapa còn gọi là Macchendra hay Mina. Ngài vốn là bậc Đệ nhất chân sư (Adi Guri) của giáo phái Sakta tức dòng tu Yogini Kaula hay còn gọi là Siddhamarta. Kinh Kaulajrana Nimaya có ghi phần giáo pháp mà Shiva truyền cho Umadevi. Cũng có tương truyền rằng Minapa đã nhặt được kinh này ngoài biển, vì con trai của thần Shiva hoá chuột đánh cắp kinh này, sau đó ném ra biển. Cho nên mới có sự tích Minapa học được pháp thuật này ở Nepal.

Người ta còn cho rằng chính Bồ Tát Quán Thế Âm dạy cho thần Shiva môn Du- già, và Minapa vô tình học được khi thần Shiva truyền lại pháp này cho Parvatte tức Umadevi.

Cũng có thuyết nói rằng khi nạn đói kém vì thiên tai hạn hán xảy ra ở Nepal thì chỉ có Minapa mới đủ khả năng cầu đảo. Vua Narendradeva đã sai sứ giả đến tìm. Ngài Minapa nhận lời và bảo sứ giả về trước, còn ngài hoá thân thành một con ong nghệ xuất hiện bay quanh chỗ vua. Nhà vua vừa đưa tay tóm bắt thì trời đổ mưa.

Cảm động công đức ấy, vua cho vẽ chân dung của ngài để thờ phụng khắp nơi như một bậc thủ hộ của xứ Nepal.

Ngày nay, người ta còn thấy tại một trong những ngôi đền chính của thủ đô Kathmandu có tượng thờ ngài Minapa.

~ Trích ”  Các vị Chân sư Đại Thủ Ấn”  – Nguyên tác: “Masters of mahamudra of the 84 buddhist siddhas” – KEITH DOWMAN

Việt dịch: Nguyên Thạnh Lê Trung Hưng 

Hiệu đính: Nguyễn Minh Tiến