Camaripa – Người thợ sửa giày

Truyền thuyết

Khu phố Visnunagar ở miền đông Ấn Độ có một thợ giày tên là Camaripa. Công việc thường ngày của ông là đóng những đôi giày mới và sửa những chiếc giày cũ.

Công việc đơn điệu, tẻ nhạt và nhàm chán, nên đôi khi ông có ý nghĩ rằng mình sinh ra không phải để làm thợ giày mà là để làm một điều gì đó khác hơn.

Cho đến một hôm, tình cờ có một vị hành giả Du-già đi ngang qua cửa hiệu, ông liền vất bỏ dụng cụ để chạy theo nhà sư. Anh ta gieo mình xuống đất, khẩn khoản nhà sư: “Bạch thầy! Con đã quá chán ngán cuộc sống đầy dẫy ngu si, ham muốn và cực nhọc này. Cúi mong thầy từ bi chỉ giáo.”

“Ta sẵn lòng ban cho giáo pháp nếu ngươi xét thấy có thể tu tập thiền định.” “Đội ơn thầy! Thỉnh thầy dùng bữa cơm đạm bạc nơi chốn nghèo hèn.” “Được, ta sẽ đến vào lúc hoàng hôn.”

Đúng hẹn, vị sư đến nhà người thợ giày và sau khi dùng cơm xong, sư bảo: “Tu tập cũng chẳng khác gì công việc làm giày. Chỉ có điều, thay vì làm ra những đôi giày tầm thường thì nay người làm nên làm một đôi giày pháp thân (Dharmakaya).”

Đoạn sư đọc một bài Pháp kệ:

Lấy từ bi làm khuôn Kim là giáo pháp Khâu sợi chỉ vui, buồn Thì thành đôi giày Pháp!

Nghe xong, người thợ giày vui mừng vì nắm bắt được ý chỉ của sư, lại hỏi: “Bạch thầy, khi con tu tập pháp này, điều gì sẽ xảy ra?”

“Trước tiện, ngươi sẽ thấy vòng luân hồi (Samsara) xoay ngược. Kế đó, ngươi sẽ thấy tướng thực của các pháp thế gian.”

Nói xong, vị sư biến mất.

Người thợ giày sau khi thọ pháp bèn tìm nơi vắng vẻ để tu tập trong 12 năm. Trong thời gian 12 năm ấy, vị thần cai quản nghề thủ công cùng quyến thuộc hiện ra làm thay công việc thường ngày của người thợ giày.

~ Trích ”  Các vị Chân sư Đại Thủ Ấn”  – Nguyên tác: “Masters of mahamudra of the 84 buddhist siddhas” – KEITH DOWMAN

Việt dịch: Nguyên Thạnh Lê Trung Hưng 

Hiệu đính: Nguyễn Minh Tiến