myth2-12e

Sử dụng hận thù và tham luyến trên con đường

  1. Nếu người ta không chinh phục hận thù của chính mình, càng gây chiến với kẻ thù bên ngoài, chúng sẽ càng khởi lên. Bởi thế, với quân đội của tình yêu thương và lòng bi mẫn, điều phục tâm mình là Pháp hành của một vị Bồ Tát.

Khi bạn vượt qua sự thù hận trong chính tâm mình, bạn sẽ thấy rằng trong thế giới bên ngoài không còn thứ gì như vậy nữa, thậm chí chỉ một kẻ thù. Nhưng nếu bạn để các cảm xúc hận thù tự do hoành hoành và cố gắng vượt qua các kẻ thù bên ngoài của bạn, bạn sẽ thấy rằng dù bạn cố gắng đánh bại bao nhiều, càng ngày lại càng nhiều thêm. Thậm chí nếu bạn khuất phục mọi chúng sinh trong vũ trụ, cơn sân của bạn sẽ chỉ mạnh mẽ hơn. Bạn sẽ không bao giờ giải quyết được nó một cách thích hợp bằng cho phép nó xảy ra. Chính hận thù mới là kẻ thù thực sự, và không thể để tồn tại. Cách thức để làm chủ hận thù là thiền định dần dần về nhẫn nhục và yêu thương. Khi tình yêu thương và lòng bi mẫn bám rễ trong bạn, sẽ không còn kẻ thù bên ngoài. Như Một trăm đoạn có nói:

Nếu bạn giết vì cơn sân,

Kẻ thù sẽ không bao giờ hết

Nếu bạn giết chết cơn sân

Điều đó sẽ giết chết kẻ thù của bạn mãi mãi.

Một trong các đời trước, Đức Phật là một con rùa biển rất to. Một ngày, khi ngài ở xa đất liền, ngài thấy một con tàu với rất nhiều thương gia gặp nạn và đang chìm. Các thương gia sắp chết đuối, nhưng con rùa đã cứu họ bằng cách mang họ trên lưng trên một quãng đường dài đến bờ biển gần nhất. Sau khi đưa họ an toàn vào đất liền, ngài kiệt sức đến mức lăn ra ngủ ở bờ biền. Nhưng khi ngài ngủ, tám mươi nghìn con ruồi bắt đầu ăn ngài. Con rùa tỉnh dậy trong cơn đau đớn, và nhận ra điều gì đã xảy ra. Ngài thấy rằng không có cách nào thoát khỏi lũ ruồi; nếu ngài lao ra biển, tất cả chúng sẽ chết. Bởi vậy, là một vị Bồ Tát, ngài ở yên vị trí và để lũ ruồi ăn cơ thể ngài. Tràn đầy yêu thương, ngài cầu nguyện: “Bất cứ khi tôi đạt đến giác ngộ, nguyện cho tôi có thể phá hủy tất cả các cảm xúc và hành động phiền não của lũ ruồi, và niềm tin của chúng vào sự tồn tại thực sự, và như thế đưa chúng đến Phật quả”. Nhờ lời cầu nguyện này, khi Đức Phật chuyển bánh xe Pháp lần thứ nhất ở Varasani, các con ruồi trước kia đã tái sinh làm tập hội tám mươi nghìn vị trời may mắn có mặt. Tuy nhiên, nếu con rùa giết hại các côn trùng trong sự sân hận bằng cách lặn xuống biển, những khổ đau của rùa sẽ không bao giờ kết thúc. Kết quả của việc giết một chúng sinh trong sự sân hận là tái sinh vào cõi địa ngục trong quãng thời gian của năm trăm đời người, tức một đại kiếp.

Đừng bao giờ tức giận, thậm chí với người cố ý và độc ác làm hại bạn. Như chúng ta đã thấy, bạn nên biết ơn với người như vậy vì đã giúp bạn tịnh hóa các ác nghiệp quá khứ, tăng trưởng lòng quyết tâm thoát khỏi luân hồi, và phát triển tình yêu thương và lòng bi mẫn của bạn.

Ngày nay, nạn đói, xung đột, chiến tranh và nhiều bước ngoặt đang tăng lên ở khắp nơi. Điều này là bởi mọi người để các cảm xúc của họ hoang dã, và hành xử theo sự điều khiển của chúng. Nếu hận thù, kiêu mạn, ích kỷ, tham luyến và ngu dốt giảm đi, không chỉ xung đột mà các bệnh dịch, và các thảm họa thiên nhiên trên thế giới sẽ giảm, giống như khói biến mất khi lửa tắt. Mọi người sẽ hướng tâm về Pháp một cách tự nhiên.

Trở nên tỉnh thức rằng tham luyến, thù ghét và ngu dốt là kẻ thù xa xưa nhất của bạn và rằng khi bạn vượt qua chúng, sẽ không còn thêm kẻ thù nào ở thế giới bên ngoài nào là điểm trọng yếu của giáo lý. Thời điểm sẽ đến khi bạn thấy rõ ràng và chính xác điều này là sao. Nếu bạn không hiểu điều này và hành xử bất cẩn, các cảm xúc của bạn có thể hoàn toàn mất kiểm soát. Trong cơn sân, bạn có thể sẵn sàng hiến dâng cuộc đời cho chiến tranh, và có thể đi xa hơn nữa như giết mọi người trên mặt đất này trong giây phú mù quáng mà không hối tiếc gì. Những điều như vậy có thể xảy ra khi sân hận kiểm soát tâm và tập trung sức mạnh trọn vẹn của nó.

Hãy quán sát sự sân hận, và bạn sẽ thấy không có gì khác ngoài ý nghĩ. Nếu ý nghĩ sân đó biến mất, sẽ không có hành động nào được làm trong cơn tức giận, với các kết quả nghiệp xấu. Hãy giẫm nát sân hận với sự chứng ngộ, và nó tan biến như đám mây trên trời; và khi nó tan biến ý niệm về “kẻ thù” cũng sẽ biến mất.

Sân và các cảm xúc khác đều xuất hiện trong tâm người bình thường, nhưng chúng đều có thể giải quyết bằng các phương pháp đối trị thích hợp, vì chúng đều trống rỗng về bản chất. Điều quan trọng là nhận ra rằng mọi dày vò bên ngoài đến từ việc trưởng dưỡng những độc này trong dòng tâm thức. Như ngài Geshe Putowa[1] nói rằng:

Nếu con thấy mọi người là kẻ thù và nghĩ về họ trong mối quan hệ gần hay xa, con sẽ không bao giờ đạt được Phật quả. Bởi vậy hãy phát khởi tình yêu thương và lòng từ bi không phân biệt với mọi hữu tình chúng sinh, vô số như hư không rộng lớn.

Hãy hướng tâm bạn vào trong và áp dụng các phương pháp đối trị đúng đắn, với động cơ thanh tịnh. Bạn sẽ có thể chuyển hóa bản thân phù hợp với Pháp và hành xử theo con đường của chư Bồ Tát.

Sử dụng đối tượng của tham luyến trên con đường

  1. Các hài lòng giác quan và mọi thứ thèm muốn đều như nước muối – Càng uống chúng, cơn khát càng tăng lên. Từ bỏ một cách mau lẹ, mọi đối tượng gây ra sự tham luyến là Pháp hành của một vị Bồ Tát.

Dù sự thoải mái, giàu sang, xinh đẹp hay quyền lực nào mà bạn tận hưởng hôm nay, đó cũng là kết quả các hành động tốt đẹp nhỏ bé trong quá khứ. Dù bạn có chúng nhiều đến đâu, không bao giờ cảm thấy thỏa mãn là đặc điểm của một người bình thường. Bạn có thể giàu hơn bạn thực sự cần, bạn có thể đánh bại rất nhiều địch thủ, bạn có thể có rất nhiều các mối quan hệ thân thiết với bạn bè và họ hàng, nhưng nó không bao giờ đủ; thậm chí nếu các đồng xu vàng chảy xuống bạn từ trên trời, điều đó có lẽ cũng chẳng đủ.

Khi khao khát mọi thứ[2] trở nên bám chặt trong tâm bạn, cố gắng thỏa mãn điều bạn muốn giống như uống nước muối – bạn càng uống, cơn khát càng tăng.

Sức mạnh tàn phá của sự không thỏa mãn được miêu tả trong câu chuyện về vua Mandhatri[3], người tích lũy rất nhiều công đức trong một đời quá khứ và được sinh ra làm vua của vũ trụ. Ngài dần dần đến các cõi trời khác nhau, thậm chí cõi trời thứ ba mươi ba. Ở đó ngài có thể chia sẻ ngai với Đế Thích, vị trời của các vị trời, người có cuộc đời rất dài, có thể tận hưởng trái ngon của cây như ý, uống cam lồ của hồ thiêng, và chiếu tỏa cả vũ trụ với ánh sáng từ thân thể. Vua Mandhatri có thể tiếp tục tận hưởng các hạnh phúc tốt đẹp này. Nhưng ngài lại nuôi dưỡng ý tưởng giết hại Đế Thích, để làm mình trở nên quyền lực hơn nữa, và trở thành bậc vĩ đại nhất trong vũ trụ. Ý nghĩ này đến với ngài khi công đức của ngài cạn kiệt, và ngài chết rất bất hạnh, rơi trở lại thế giới bình phàm.

Nhìn vào cuộc sống ở các thành phố lớn trong thời cổ và hiện đại, bạn có thể thấy người ta điên cuồng tích lũy tài sản ra sao, nhưng chết mà vẫn chưa thỏa mãn lòng tham. Như Đức Atisha nói:

Từ bỏ tham luyến với tất thảy,

Và không ở lại với tham luyến.

Tham luyến không mang đến hạnh phúc,

Nó ngăn cản sự giải thoát của cuộc đời.

Biết cách hài lòng với điều bạn có là sở hữu sự giàu có thực sự. Các vị thánh và ẩn sĩ vĩ đại trong quá khứ có thể hài lòng với bất cứ điều gì ngài có, dù các ngài sống ra sao. Các ngài sống ở những nơi cô tịch, trú trong các hang động, duy trì sự sống với rất ít nhu yếu phẩm cần thiết.

Khi bạn biết cách đánh giá điều gì là đủ cho bạn, bạn sẽ không còn bị ham muốn dày vò. Nếu không thì, như thành ngữ thường nói: “Lòng tham như con chó – càng ăn, nó càng muốn”. Môn đồ của Đức Phật, các vị A La Hán và Thanh Văn, sở hữu chỉ vài bộ y Pháp màu vàng và bát khất thực. Các ngài giành cuộc đời cho thiền định sâu sắc. Các ngài không mong mỏi tài sản, nổi tiếng hay địa vị, những thứ các ngài thấy hoàn toàn vô nghĩa và bỏ lại đằng sau không chút do dự, như nước bọt trong bụi. Ngày nay, mọi người bận rộn đuổi theo những thứ bên ngoài và bận rộn với những điều họ có thể có. Kết quả là, nghiên cứu, quán chiếu và thiền định giảm sút, và cả giáo lý của Đức Phật với họ cũng vậy.

Trên thực thế, nghiên cứu, quán chiếu và thiền định là những điều duy nhất mà bạn có thể không bao giờ thấy đủ. Thậm chí các vị hiền triết uyên bác nhất – như ngài Vasubandhu[4], người hiểu trọn chín trăm chín mươi chín bộ luận quan trọng – đều nghĩ rằng vẫn còn một đại dương tri thức cần phải lĩnh hội. Bồ Tát Kumara Vasubhadra nghiên cứu với 150 Đạo sư tâm linh, tuy nhiên không ai từng nghe thấy ngài nói rằng ngài đã thọ nhận đủ giáo lý. Đức Văn Thù, bậc chủ về trí tuệ, bậc biết tất cả có thể biết, du hành đến tất thảy các cõi Tịnh Độ trong mười phương khắp vũ trụ, không ngừng thỉnh cầu chư Phật chuyển bánh xe Đại thừa vì lợi lạc của chúng sinh.

Vì thế hãy hài lòng với bất cứ điều gì bạn có về những điều thông thường – nhưng đừng bao giờ hài lòng với Pháp. Nếu lòng tham và sự ghét thông thường của bạn không bao giờ được thỏa mãn, và bạn không mong muốn Pháp, bạn chỉ có thể chìm sâu hơn.

[1] Geshe Putowa, cũng được biết đến là Rinchen Sal, 1031 – 1105, một trong Ba Anh Em, ba đệ tử chính của ngài Drom Tonpa.

[2] Luận giải của ngài Dzatrul Rinpoche ở đây bao gồm một miêu tả dài về sự nguy hiểm của rượu, thịt và tình dục, một bản dịch vắn tắt nằm trong phần Phụ lục II.

[3] Câu chuyện được kể lại trong Chuyện kể Jataka về các đời trước của Đức Phật. Vua Mandhatri, trong tiếng Tạng là Ngalenu, là một bé trai trong một đời trước vào thời điểm của Phật Vipashyin, cậu bé đã gặp khi Đức Phật đi khất thực. Cậu bỗng khởi lên niềm tin lớn lao vào ngài và muốn cúng dường ngài, nhưng chỉ có một nắm hạt đậu trong túi. Cậu ném chúng vào Đức Phật trong điệu bộ cúng dường. Bốn hạt rơi vào bát khất thực của ngài, hai hạt rơi vào trái tim ngài và một hạt vướng vào y của Đức Phật. Nhờ đó, cậu bé được sinh làm vua Mandhatri, người cai quản Bốn Lục Địa. Sau đó ngài đạt được sức mạnh cai quản Bốn Vị Vua Vĩ đại, và cuối cùng đạt đến Cung trời thứ Ba mươi ba, nơi mà ngài chia sẻ ngai vị với ba mươi bảy đời Đế Thích tiếp nối. Theo một bản chuyện Jataka, cậu bé cũng ném bốn hạt xuống đất với thái độ xấu lúc kết thúc cúng dường, và kết quả cuối đời ngài là bởi bốn hạt cuối cùng này.

[4] Vasubandhu, em trai và là đệ tử của ngài Asanga, là bậc đã nắm vững toàn bộ giáo lý của Đức Phật. Ngài là một trong các học giả vĩ đại nhất xứ Ấn Độ.

Kyabje Dilgo Khyentse Rinpoche

Nguồn: Sử dụng thù hận và tham luyến trên con đường