dzongsar khyentse Rinpoche 1

Điều Gì Khiến Bạn Trở Thành Một Phật Tử

Một ngày nọ, tôi đang ngồi trên ghế giữa, hàng giữa của một chuyến bay xuyên Đại Tây Dương, có một người đàn ông dễ mến ngồi cạnh tôi đã cố trở nên thân thiện. Nhìn thấy chiếc đầu cạo trọc và bộ áo choàng nâu sẫm của tôi, ông ta chắc mẩm tôi là một tu sĩ Phật giáo. Khi thức ăn được đưa đến, người đàn ông đã chu đáo gọi cho tôi một phần ăn chay. Không những chắc chắn rằng tôi là một Phật tử, ông còn tin rằng tôi không ăn thịt. Và đó cũng chính là khởi đầu cuộc trò chuyện của chúng tôi. Chuyến bay rất dài, vì vậy, để quên đi sự nhàm chán, chúng tôi đã thảo luận về Phật giáo.

Theo thời gian, tôi đã nhận ra rằng, người ta thường liên tưởng Phật giáo và Phật tử với hòa bình, thiền định và phi bạo lực. Thực tế, nhiều người dường như cho rằng những chiếc áo choàng vàng hay nâu sẫm và những nụ cười an tịnh là tất cả những gì cần có để trở thành một Phật tử. Bản thân tôi, với tư cách một tín đồ nhà Phật, tôi tất phải tự hào về danh hiệu này, đặc biệt là khía cạnh phi bạo lực của Phật giáo – điều đã trở nên rất hiếm trong thời đại chiến tranh, bạo lực, nhất là bạo lực tôn giáo hiện nay.

Trong suốt lịch sử nhân loại, tôn giáo có vẻ như là cha đẻ của tính tàn bạo. Thậm chí bạo lực tôn giáo cực đoan đang thống trị các bản tin hiện nay. Tuy nhiên, tôi có thể tự tin nói rằng, cho đến thời điểm này, những Phật tử chúng ta đã không hổ thẹn với bản thân mình. Bạo lực chưa bao giờ là một phần trong sự nghiệp tuyên truyền đạo Phật của chúng ta.

Vậy nhưng, với tư cách một Phật tử được đào tạo, tôi cũng cảm thấy chút ít bất mãn khi Phật giáo bị liên tưởng với những gì không ngoài việc ăn chay, phi bạo lực, hòa bình và thiền định. Thái tử Tất Đạt Đa, người đã từ bỏ cuộc sống hoàng cung sung túc và xa hoa, cũng đã phải kiếm tìm hơn là thụ động hay trông chờ vào một thân cây khi Ngài khám phá ra sự giác ngộ.

Khi phát sinh một cuộc chuyện trò như kiểu giữa tôi và người bạn cùng chuyến bay kia, một người không phải là Phật tử có thể vô tình bật hỏi: “Điều gì khiến một người trở thành Phật tử?”. Đó là câu hỏi khó trả lời nhất. Nếu người hỏi thực sự quan tâm, một câu trả lời viên mãn không thể xuất hiện trong một bữa ăn tối trên máy bay, và những câu trả lời sơ lược hóa có thể dẫn đến những hiểu nhầm tai hại. Giả dụ rằng bạn đưa ra cho họ một câu trả lời chính xác thì câu hồi đáp đó phải gắn với những cơ sở của truyền thống 2.500 tuổi này.

Một người chỉ trở thành Phật tử nếu anh ta/cô ta chấp nhận bốn chân lý sau:

Tất cả mọi pháp hữu vi đều vô thường
Mọi cảm xúc đều khổ
Vạn vật không tồn tại cố hữu
Niết Bàn vượt ngoài ý niệm
Bốn chân lý này được chính bản thân Đức Phật phát biểu, được gọi là “Tứ Diệu Đế”. Theo truyền thống, “đế” là thứ tựa như dấu hiệu phân biệt để xác định tính xác thực. Vì ích lợi của sự giản tiện và diễn giải, chúng tôi sẽ gọi những phát biểu này là bao gồm cả “đế” và “chân lý”, không nhầm lẫn với bốn chân lý cao quý của Phật giáo, vốn chỉ liên quan đến các phương diện của khổ.

Mặc dù Tứ Diệu Đế được cho là chứa đựng tất cả Phật giáo nhưng nhiều người dường như không muốn nghe về chúng. Trong nhiều trường hợp, nếu không giải thích thêm thì chúng chỉ làm giảm tinh thần và không đem đến nguồn cảm hứng quan tâm thêm nữa. Chủ đề của cuộc trò chuyện sẽ thay đổi và mọi thứ sẽ dừng lại ở đó.

Thông điệp của Tứ Diệu Đế phải được hiểu theo nghĩa đen, không phải nghĩa bóng hay thần bí, và phải được thực hành một cách nghiêm túc. Tứ Diệu Đế không phải là những sắc dụ hay răn dạy. Với một chút chiêm nghiệm, con người nhận thấy rằng, không hề có phẩm hạnh hay nghi thức về Tứ Diệu Đế; không hề đề cập đến hành vi tốt hay xấu. Chúng là những chân lý thế tục dựa trên sự sáng suốt, và sáng suốt là mối quan tâm chủ đạo của một Phật tử. Phẩm hạnh và đạo đức là thứ yếu. Hút một vài hơi thuốc lá hay lừa dối chút ít mọi người xung quanh không thể ngăn một người trở thành Phật tử. Nói vậy không có nghĩa là chúng ta được phép tàn ác hay vô đạo đức.

Nói chung, sự sáng suốt bắt nguồn từ một tư duy sở hữu những gì mà những tín đồ đạo Phật gọi là “chánh kiến”. Nhưng thậm chí người ta không cần phải xem mình là một Phật tử thì mới có chánh kiến. Cuối cùng thì cái “kiến” này quyết định động cơ và hành động của chúng ta. Đó là cái nhìn hướng dẫn chúng ta trên con đường Phật giáo.

Nếu chúng ta có thể thu nhận những hành vi thiện tính ngoài Tứ Diệu Đế thì nó thậm chí khiến chúng ta còn tốt đẹp hơn những Phật tử. Nhưng, điều gì khiến bạn KHÔNG trở thành một Phật tử?

Nếu bạn không thể chấp nhận mọi pháp hữu vi hoặc nhân tạo là vô thường, nếu bạn tin rằng tồn tại những vật chất hoặc khái niệm thiết yếu là vĩnh viễn, thì bạn không phải là một Phật tử.

Nếu bạn không thể chấp nhận tất cả xúc cảm là khổ, nếu bạn tin rằng chắc chắn tồn tại những cảm xúc là hạnh phúc thực sự, thì bạn không phải là một Phật tử.

Nếu bạn không thể chấp nhận mọi hiện tượng là ảo ảnh và hư vô, nếu bạn tin rằng có những thứ nhất định tồn tại cố hữu, thì bạn không phải là một Phật tử.

Và nếu bạn nghĩ rằng sự giác ngộ tồn tại trong thời gian, trong không gian hay trong quyền uy thì bạn không phải là một Phật tử.

Vậy, điều gì khiến bạn trở thành một Phật tử?

Có thể bạn không được sinh ra trong một quốc gia đạo Phật hay trong một gia đình Phật giáo; có thể bạn không mặc áo choàng hay cạo trọc đầu; có thể bạn ăn thịt hay thần tượng Eminem và Paris Hilton… những điều đó không có nghĩa là bạn không thể trở thành một tín đồ Phật giáo.

Để trở thành một Phật tử, bạn phải chấp nhận rằng mọi hiện tượng hữu vi đều vô thường, tất cả xúc cảm là khổ đau, vạn vật không tồn tại cố hữu và giác ngộ vượt ngoài ý niệm.

Không cần thiết phải liên tục và không ngừng lưu tâm về bốn chân lý này. Nhưng chúng phải trú ngụ trong tư duy bạn. Bạn không cần phải đi vòng quanh cố gắng ghi nhớ tên của chính mình, nhưng khi ai đó hỏi tên, bạn phải nhớ ra nó tức thì. Không một chút nghi ngờ.

Bất cứ ai chấp nhận Tứ Diệu Đế, thậm chí chỉ chấp nhận những giáo huấn của Đức Phật, thậm chí không bao giờ nghe thấy cái tên Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, cũng đều có thể được coi là người bước chung con đường với Ngài.

Logic tươi đẹp của Tứ Diệu Đế

Chúng ta hãy cùng nhau xem ví dụ về sự hào phóng.

Khi chúng ta bắt đầu nhận thức Đế đầu tiên – sự vô thường – chúng ta thấy mọi thứ phù du và vô giá trị cứ thể như chúng nằm trong một chiếc túi quyên góp từ thiện vậy. Không nhất thiết phải quyên góp nhưng chúng ta cũng không giữ khư khư của cải. Khi nhận thức được rằng tất cả tài sản của bản thân chỉ là hiện tượng phức hợp vô thường thì chúng ta không thể cứ mãi đeo bám vào nó, như vậy, sự hào phóng đã được thực hiện một cách thực tế.

Hiểu về Đế thứ hai, tức tất cả mọi xúc cảm đều là khổ, chúng ta thấy rằng những kẻ hà tiện, tự phụ chính là thủ phạm chính chẳng mang lại gì ngoài cảm giác khổ nghèo. Vì vậy, bằng cách không bám và tự ngã, chúng ta thấy được rằng chẳng có lý do gì để bám chặt vào của cải của bản thân, và do vậy sẽ không có thêm nỗi khổ của lòng tham.

Hào phóng trở thành một hành động của niềm vui thích.

Nhận thức về Đế thứ ba, đó là vạn vật đều không tồn tại cố hữu, chúng ta thấy sự phù phiếm của đeo bám, vì dù sao đi chăng nữa thì chúng ta cũng đang bám vào thứ bản chất tồn tại không đích thực.

Nó tựa như giấc mộng bạn đang phát 1 tỉ đô la cho những người xa lạ trên phố. Bạn có thể cho đi một cách rộng lượng vì đó là tiền trong mơ nhưng bạn lại có thể gặt hái mọi niềm vui trải nghiệm của giấc mơ đó.

Hào phóng dựa trên ba khía cạnh này chắc chắn khiến chúng ta nhận thấy nó chẳng có mục tiêu nào cả. Hào phóng không phải là một thứ vật tế lễ cam chịu để được công nhận hay để đảm bảo một sự tái sinh tốt đẹp hơn.

Hào phóng không có giá, không cả những kì vọng hay ràng buộc đem đến cho chúng ta cái nhìn lướt qua khía cạnh thứ tư – Đế thứ tư – chân lý giải thoát: giác ngộ là vượt ngoài ý niệm.

Nếu chúng ta đo đếm độ hoàn hảo của một hành động đạo đức, như hào phóng chẳng hạn, bằng những tiêu chuẩn vật chất – với những cảnh nghèo đói được loại trừ – chúng ta có thể không bao giờ đạt đến hoàn hảo. Sự cùng cực và dục vọng của những người khốn cùng là vô tận.

Ngay cả dục vọng của những người giàu có cũng là vô tận; thực sự thì dục vọng của con người không bao giờ có thể lấp đầy. Vậy nhưng theo Tất Đạt Đa, lòng rộng lượng nên được đo đếm bằng mức độ dính mắc của người ta với những gì được bố thí và chính bản thân họ khi bố thí những vật ấy.

Một khi bạn nhận ra bản thân và tất cả những tài sản của mình là vô thường cũng như không có bản chất tồn tại thực sự thì bạn không có nghiệp, và đó sẽ là sự hào phóng hoàn mỹ.

Vì lý do này, hành động đầu tiên được khuyến khích trong kinh điển Phật giáo là thực hành hào phóng.

Sự thấu hiểu sâu sắc hơn về nghiệp, thanh tịnh và phi bạo lực

Khái niệm về nghiệp, một “thương hiệu” không thể phủ nhận của Phật giáo, cũng nằm trong bốn chân lý này. Khi các nhân, duyên cùng nhau xuất hiện và không có chướng ngại vật, quả sẽ phát khởi. Quả ở đây chính là nghiệp. Nghiệp này gây nên bởi ý thức – tâm trí hoặc tự ngã. Nếu tự ngã này phát ra hành động tham lam hay gây hấn thì nghiệp tiêu cực sẽ được tạo ra. Nếu một ý nghĩ hay hành động được thúc đẩy bởi tình yêu thương, lòng khoan dung, cầu ước hạnh phúc cho người khác, nghiệp lành sẽ được khởi tạo.

Tuy nhiên, động cơ, hành động và nghiệp quả vốn đã giống như một giấc mộng, một ảo ảnh. Vượt qua nghiệp, cả nghiệp xấu lẫn nghiệp tốt, là Niết bàn. Bất kì những gì gọi là hành động thiện lành mà không dựa trên bốn chân lý chỉ đơn thuần là sự công bằng và rút cục thì đó không phải con đường của Tất Đạt Đa.

Thậm chí nếu bạn cho tất cả người đói trên thế giới ăn no, nếu bạn hành động với sự thiếu vắng hoàn toàn của bốn chân lý, thì nó cũng chỉ đơn thuần là một việc tốt chứ không phải là con đường dẫn đến giác ngộ. Thực tế thì đó có thể là một hành động công bằng được tạo dựng để nuôi dưỡng và ủng hộ tự ngã mà thôi.

Vì bốn chân lý này mà Phật tử có thể thực hành tịnh hóa. Nếu một người nghĩ rằng họ bị nhuộm màu bởi nghiệp xấu, yếu đuối hay tội lỗi, và người đó bị tuyệt vọng, hãy nghĩ rằng những trở ngại này luôn luôn xuất hiện trên con đường nhận thức, thì người này có thể thanh thản để biết rằng họ rất phức tạp, và vì vậy mà vô thường, mà thanh sạch.

Mặt khác, nếu một người cảm thấy thiếu khả năng hay công đức, người này có thể thoải mái để biết rằng công đức có thể được tích lũy thông qua việc thực hiện việc thiện bởi vì sự thiếu hụt công đức là vô thường và do đó là thường biến đổi.

Việc thực hành Phật giáo về phi bạo lực không chỉ đơn thuần là dễ quy phục với một nụ cười hay ân cần ngoan ngoãn.

Nguyên do căn bản của bạo lực là khi con người bị gắn với một tư tưởng cực đoan, chẳng hạn như công lý cực đoan hay đạo đức cực đoan. Sự bó buộc này thường xuất phát từ một thói quen nhị nguyên như tốt và không tốt, xấu và đẹp, tốt bụng và xấu xa.

Sự chính đạo tự thân cứng rắn của một người chiếm mọi không gian cho phép đồng cảm với người khác. Sự tỉnh táo biến mất. Việc hiểu rằng tất cả những quan điểm hay giá trị này – cũng như những người sở hữu chúng – là phức tạp và vô thường sẽ dẫn đến bạo lực bị ngăn chặn.

Khi bạn không có cái tôi, bạn không bám vào tự ngã, thì sẽ không bao giờ tồn tại lý do để bạo lực. Khi con người hiểu rằng những kẻ thù của mình bị nắm giữ bởi những ảnh hưởng quyền lực của chính sự thiếu hiểu biết và gây hấn của chính họ thì họ đã bị mắc kẹt trong những thói quen của mình, sẽ dễ dàng để tha thứ cho những hành vi và hành động khó chịu của họ.

Tương tự như vậy, nếu ai đó tâm thần cuồng điên xúc phạm bạn thì chẳng có lý do gì để bạn tức giận cả. Khi chúng ta vượt qua việc tin tưởng vào những thái cực của hiện tượng nhị nguyên, chúng ta sẽ vượt qua những tác nhân của bạo lực.

Vẻ đẹp của từ bỏ

Là một tín đồ của Tất Đạt Đa, bạn không cần phải sao chép mọi hành động của Ngài – không cần phải “ra đi” trong khi vợ mình đang ngủ.

Nhiều người nghĩ rằng Phật giáo đồng nghĩa với từ bỏ, từ biệt gia đình, nhà cửa, bỏ lại đằng sau công việc và đi theo con đường của nhà tu khổ hạnh. Hình ảnh khắc khổ này một phần do thực tế của một số lượng lớn các Phật tử tôn thờ sự hành khất trong giáo lý nhà Phật, cũng giống như các tín đồ Thiên Chúa giáo ngưỡng mộ Thánh Francis thành Assisi.

Chúng ta không thể gây ấn tượng bởi những hình ảnh của Đức Phật đi bộ trên đôi chân trần ở Magadha với chiếc bát hành khất của Ngài hoặc Milarepa trong hang động của mình tồn tại bằng những bát canh cây tầm ma. Nhưng sự thanh thản của một nhà tu hành Miến Điện bình thường đón nhận thức cúng dường làm đắm say trí tưởng tượng của chúng ta.

Tuy nhiên, cũng tồn tại một sự khác nhau hoàn toàn giữa các tín đồ của Đức Phật: ví dụ như hoàng đế Ashoka, người đã bước xuống khỏi cỗ ngự mã được trang trí đầy ngọc trai vàng bạc, thổ lộ ước nguyện truyền bá Phật pháp ra toàn thế giới của mình. Hoàng đế quỳ xuống, nắm một vốc cát, tuyên bố rằng ông sẽ xây dựng nhiều bảo tháp như những hạt cát trong tay mình. Và quả thực ông đã giữ lời.

Vì vậy, một người có thể là vua, là thương nhân, gái điếm, kẻ nghiện ngập hay một CEO thì cũng đều có thể lĩnh nhận Tứ Diệu Đế. Về cơ bản, nó không phải là hành động bỏ lại đằng sau thế giới vật chất như các Phật tử tâm niệm mà là khả năng thấy được sự bám víu thường xuyên trần gian này, bản thân này cũng như khả năng từ bỏ sự bám víu.

Khi chúng ta bắt đầu hiểu được bốn chân lý, chúng ta không cần thiết phải loại bỏ mọi thứ, thay vào đó chúng ta phải bắt đầu thay đổi thái độ của mình với chúng, và do đó, thay đổi giá trị của chúng. Chỉ vì sở hữu ít hơn so với người khác không có nghĩa là bạn trong sạch hơn hay có phẩm giá hơn tha nhân. Thực sự thì tự thân sự khiêm tốn có thể là một hình thức của đạo đức giả.

Khi chúng ta hiểu được sự bất ổn định và vô thường của thế giới vật chất thì từ bỏ không còn là hình thức của sự tự hình thành. Nó không có nghĩa là chúng ta cứng rắn với bản thân.

Từ “hiến tế” mang một ý nghĩa khác. Nếu được trang bị hiểu biết này mọi thứ sẽ trở thành quan trọng ngay cả đối với nước miếng chúng ta nhổ xuống đất. Chúng ta không cảm thấy tình cảm đối với nước miếng. Đánh mất đi tình cảm như vậy là một con đường của hạnh phúc, gọi là “sugata”. Khi sự từ bỏ được hiểu như hạnh phúc thì những câu chuyện của nhiều vị công chúa, hoàng tử, lãnh chúa khác của đất nước Ấn Độ đã từng có thời gian từ bỏ đời sống hoàng cung của mình sẽ trở nên ít lạ lùng hơn đối với chúng ta.

Tình yêu chân lý và sự tôn kính này đối với những người tìm kiếm chân lý là một truyền thống cổ xưa ở những quốc gia như Ấn Độ. Thậm chí ngày nay, thay vì nhìn xuống những người từ bỏ, xã hội Ấn Độ tôn kính họ cũng chỉ giống như chúng ta tôn trọng những giáo sư ở Harvard hay Yale mà thôi. Dù truyền thống đang phai dần trong thời kì này khi văn hóa tập thể ngự trị thì bạn vẫn có thể tìm thấy những tu sĩ Ấn Độ khỏa thân – những người đã thành công trong việc từ bỏ những thực hành luật pháp để trở thành những người hành khất lang thang.
Điều này khiến tôi sởn gai ốc để tìm hiểu xem làm sao mà xã hội Ấn Độ trân trọng những con người như vậy thay vì xua đuổi họ như những kẻ ăn xin ô nhục hay như những con sâu bệnh. Tôi tưởng tượng họ đang ở khách sạn Marriott ở Hong Kong. Những người giàu mới nổi Trung Quốc, cố gắng sao chép phương Tây một cách táo tợn, họ cảm giác như thế nào về những tu sĩ trần truồng này? Liệu người gác cửa có mở cửa cho họ hay không? Về vấn đề này, nhân viên gác cửa khách sạn Bel-Air ở Los Angeles sẽ phản ứng ra sao? Thay vì thờ phụng chân lý và kính trọng các tu sĩ thì đây là một thời kì mà con người tôn thờ các biển quảng cáo và kính trọng những ca phẫu thuật hút mỡ…
Nuôi dưỡng sự sáng suốt, Buông bỏ những nhận thức méo mó

Khi bạn đọc câu trên, có thể bạn đang nghĩ, tôi cao thượng và tôi không mang nhiều nghiệp với những gì tôi sở hữu. Điều này có thể cho thấy một cách chính xác bạn không phải là người hẹp hòi, nhưng trong lòng những hành động hào phóng của bạn, nếu ai đó biến mất cùng với chiếc bút chì mà bạn yêu thích, có thể bạn sẽ rất tức giận đến nỗi bạn muốn cắn đứt tai của hắn ta. Hoặc có thể bạn trở nên hoàn toàn chán nản nếu ai đó nói rằng: “Đó là tất cả những gì bạn có thể cho đi ư?”.

Khi chúng ta cho đi, chúng ta bị cuốn vào ý niệm của “sự hào phóng”. Chúng ta bám vào kết quả – nếu không phải là một tái sinh tốt đẹp, ít nhất nó là một sự công nhận trong cuộc sống này hoặc có thể chỉ là một lớp màng bám trên tường mà thôi. Cũng có nhiều người nghĩ rằng họ hào phóng, rộng lượng đơn giản vì họ đã tặng tiền cho một bảo tàng nào đó, hay thậm chí cho chính co cái của mình tiền bạc.

Nếu hào phóng, tốt bụng không đi kèm với Tứ Diệu Đế, đạo đức có thể bị bóp méo một cách tương tự. Đạo đức nuôi sống bản ngã, dẫn dắt chúng ta trở nên khắt khe và phán xét người khác – những người mà đạo đức của họ khác với chúng ta. Bó buộc với các hình thái của chúng ta về đạo đức, chúng ta nhìn vào người khác và cố áp đặt đạo đức của chính mình cho họ, thậm chí có thể là tước đoạt tự do của họ.

Học giả và vị thánh vĩ đại Ấn Độ Shantiveda, chính bản thân ông là một hoàng tử – người đã từ bỏ vương quốc của mình, đã dạy rằng, chúng ta không thể tránh gặp mọi thứ và mọi thứ đều không lành mạnh, nhưng nếu chúng ta áp dụng chỉ cần là một trong bốn chân lý này, chúng ta sẽ được bảo vệ khỏi tất cả ác hạnh.

Nếu bạn nghĩ toàn bộ phương Tây, bằng cách nào đó, là xấu xa hay đồi bại thì chẳng có cách nào chế ngự hay thay đổi cách nghĩ của bạn về nó [tức phương Tây – ND] nhưng nếu trong bản thân bạn có lòng khoan dung thì điều này sẽ có nghĩa là bạn đã chinh phục được ý nghĩ trên của mình. Bạn không thể làm phẳng toàn bộ trái đất để đi bộ một cách dễ dàng hơn với đôi chân trần của mình nhưng bằng cách đeo giày bạn sẽ bảo vệ bản thân khỏi những bề mặt gập ghềnh, thô ráp của mặt đất.

Nếu chúng ta có thể hiểu Tứ Diệu Đế không chỉ dựa trên trí tuệ mà còn là dựa trên kinh nghiệm, chúng ta sẽ bắt đầu giải phóng chính mình khỏi việc bó buộc vào những thứ ảo tưởng. Sự tự do này là những gì mà chúng ta gọi là sáng suốt. Phật tử tôn kính sự sáng suốt là trên hết. Sáng suốt vượt qua đạo đức, tình yêu thương, cảm giác thông thường, khoan dung hay chủ nghĩa ăn chay. Sáng suốt không phải là một tinh thần linh thiêng mà chúng ta tìm kiếm đâu đó bên ngoài bản thân. Chúng ta triệu hồi nó bằng cách lắng nghe những giáo huấn về Tứ Diệu Đế – nhưng không phải lĩnh hội chúng ở những giá trị bề mặt, mà là phân tích và suy niệm về chúng. Nếu bạn tin rằng con đường này sẽ làm sáng tỏ những nhầm lẫn của bản thân cũng như đem lại niềm khuây khỏa thì bạn thực sự có thể đưa sáng suốt vào thực hành.

Trong một trong những phương pháp truyền dạy Phật giáo cổ xưa nhất, các đại sư đưa cho các môn đệ một khúc xương và hướng dẫn họ suy niệm về nguồn gốc của nó. Thông qua sự suy niệm này, các môn đồ dần dần thấy được khúc xương là quả cuối cùng của sinh, sinh là quả cuối cùng của sự hình thành nghiệp chướng, sự tạo thành nghiệp chướng là quả cuối cùng của dục vọng… Được thuyết phục một cách thấu triệt bởi logic của nhân, duyên, quả, họ bắt đầu áp dụng nhận thức cho mọi tình huống, mọi thời khắc. Đây là những gì mà chúng gọi là thiền định. Những người có thể mang lại cho chúng ta loại thông tin này và giúp chúng ta hiểu được được tôn kính như những bậc thầy, bởi vì, thậm chí họ nhận thức sâu sắc và vui vẻ sống trong những khu rừng, họ sẵn lòng bước đến xung quanh và giải thích chân lý cho những người còn đang mê muội. Vì thông tin này giải phóng chúng ta khỏi tất cả những loại trục trặc không cần thiết, chúng ta sở hữu một đánh giá tự động đối với những người lý giải chân lý. Do vậy, Phật tử tỏ lòng tôn kính đối với các ân sư.

Một khi bạn đã lĩnh hội chân lý về mặt trí tuệ, bạn có thể áp dụng bất cứ phương pháp nào, phụ thuộc vào hiểu biết và nhận thức của bạn. Nói cách khác, bạn có thể sử dụng bất cứ kĩ thuật hay hình thức tu tập nào giúp bạn thay đổi thói quen của việc nghĩ rằng vạn vật bất biến thành thói quen xem chúng là những thứ phức tạp, phụ thuộc lẫn nhau và vô thường. Đây chính là thiền định và tu tập Phật giáo đúng đắn, chứ không phải chỉ ngồi yên bất động như thể một cái chặn giấy.

Mặc dù chúng ta nhận thức rằng mình sẽ chết thì tri thức này cũng có thể bị che khuất bởi một cái gì đó nhỏ như một lời khen đơn giản. Nếu một ai đó khen những ngón tay của bạn sao mà đẹp vậy thì điều tiếp theo với bạn đó là tìm cách để gìn giữ vẻ đẹp của chúng. Đột nhiên chúng ta cảm thấy mình đánh mất một thứ gì đó. Những ngày ấy bạn liên tục bị oanh tạc bởi vô số những điều mới mẻ bị mất và vô số những điều đạt được. Hơn bao giờ hết chúng ta cần những phương pháp nhắc nhở bản thân, giúp đỡ bản thân làm quen với chân lý, thậm chí có thể treo một khúc xương người từ chiếc gương chiếu hậu, nếu không cạo tóc và lui ẩn vào một cái hang.

Được kết hợp với những phương pháp này, đạo đức và luân lý trở nên hữu dụng. Đạo đức và luân lý có thể là thứ yếu trong Phật giáo nhưng chúng quan trọng khi chúng đưa chúng ta đến gần hơn chân lý. Nhưng thậm chí nếu một vài hành động xuất hiện lành mạnh và tích cực, nếu nó khiến chúng ta lạc ra ngoài Tứ Diệu Đế, bản thân Tất Đạt Đa đã cảnh báo chúng ta hãy cứ để nó tự nhiên vậy.

(Còn nữa)
…………………………..

Dzongsar Jamyang Khyentse Rinpoche sinh năm 1961 ở Bhutan, được công nhận là hóa thân thứ hai của đại sư Jamyang Khyentse Wangpo thế kỉ 19.

Ông đã nghiên cứu và được chứng nhận bởi nhiều bậc đại sư vĩ đại nhất Tây Tạng thế kỉ này, đáng chú ý là hai đại sư đã quá cố Dilgo Khyentse Rinpoche và Dudjom Rinpoche.

Dzongsar Khyentse Rinpoche phụ trách vị trí truyền thống của mình tại Tu viện Dzongsar tại Đông Tây Tạng cũng như một số các trường mới thành lập ở Ấn Độ và Bhutan.

Ông cũng đã thành lập một số trung tâm thiền ở Australia, Nam Mỹ và Viễn Đông.

Dân Nguyễn

(Dịch từ Lion’s Roar)