16178475_260755117686566_1262704928987635331_o

Phật tánh

Tôi muốn cho bạn một giải thích vô cùng súc tích và ngắn gọn về Phật tánh, tathagatagarbha (Như Lai tạng) mà tất cả chúng sinh đều có. Chúng ta nên phát triển sự xác quyết về điều này qua việc suy niệm về những gì Kinh điển nói và qua sự lập luận. Biểu thị đầu tiên cho thấy chúng sinh có Phật tánh là họ có thể đạt được giác ngộ; điều ấy sẽ không thể thực hiện được nếu họ không có Phật tánh. Biểu thị khác cho thấy họ có Phật tánh là khi chúng sinh phát triển lòng từ và bi thì sự sân hận của họ tự nhiên giảm bớt. Nếu không có Phật tánh thì sẽ không thể nào tiến triển trên con đường; chỉ vì có Phật tánh nên chúng ta mới có thể tiến triển trên con đường tu tập.

Phật tánh thấm đẫm tâm thức của tất cả chúng sinh, và không có sự khác biệt trong Phật tánh của Đức Phật và Phật tánh của chúng sinh. Nền tảng của tâm thức chúng sinh và của Đức Phật thì như nhau; chúng sinh sở hữu mọi phẩm tính giác ngộ của Phật quả như bản tánh nền tảng của họ. Trong Phật tánh, tâm giác ngộ đã hoàn toàn viên mãn. Nó thuần tịnh tự nguyên sơ; ngay tự ban đầu nó đã có đủ mọi phẩm tính giác ngộ của Phật quả, vì thế giác ngộ không phải là cái gì đến từ bên ngoài theo cách thức nào đó. Nó là cái gì luôn luôn hiện hữu trong chúng ta, và quả là một khám phá khi nhận ra rằng nó đã hiện diện. Ta không tạo lập điều gì mà trước đây nó không hiện hữu, mà đúng hơn, ta chỉ xóa bỏ những gì ngăn che bản tánh nền tảng của ta. Đó là tiến trình đạt được giác ngộ. Đó là những gì xảy ra khi ta tiến triển trên con đường, và kết quả cuối cùng chỉ là việc nhận ra những gì đã luôn luôn hiện diện ở đó.

Lý do khiến chúng sinh không biết họ là những vị Phật là bởi tâm họ có những ô nhiễm nhất thời, những ô nhiễm ngẫu nhiên. Bao giờ những ô nhiễm đó còn hiện diện thì mặc dù thực sự là những vị Phật, chúng sinh sẽ không thể nhận ra nó. Cũng giống như mặt trời luôn luôn không ngừng chiếu sáng ngay cả khi nó bị che khuất sau đám mây dày. Khi nó ở sau đám mây, ta có thể biết rằng mặt trời ở đó, nhưng ta nói rằng nó không chiếu sáng bởi ta không thể cảm nhận sức nóng hay không nhìn thấy nó. Tương tự như vậy, khi có những che chướng nhất thời, ta không thể tri giác Phật tánh. Tuy nhiên, khi ta tiến triển theo con đường, ta dần dần tịnh hóa những che chướng đó khiến chúng càng ngày càng yếu và nhẹ hơn. Cuối cùng ta bắt đầu nhìn thấy sự rực rỡ của Phật tánh tỏa sáng qua những che chướng mỏng manh. Giống như những đám mây che phủ có độ dầy khác nhau, và khi mây tiêu tan thì các sự vật trở nên sáng hơn, để cuối cùng khi các đám mây hoàn toàn bị quét sạch thì mặt trời hiển lộ toàn bộ vẻ rực rỡ của nó. Cũng giống như thế, các phẩm tính của Phật tánh càng lúc càng hiển nhiên khi ta tịnh hóa các ô nhiễm và che chướng. Cuối cùng, khi ta hoàn toàn tịnh hóa hai loại che chướng, là che chướng của những cảm xúc phiền não (phiền não chướng) và các che chướng của nhận thức (sở tri chướng), giác ngộ hoàn toàn hiển lộ và ta có thể trực tiếp tri giác bản tánh thuần tịnh nguyên sơ của ta, là cái đã luôn luôn giác ngộ viên mãn và có đầy đủ mọi phẩm tính của Phật quả. Khi không có điều gì ngăn che bản tánh đó thì đó là giác ngộ. Giống như ta có thể cảm nhận hơi nóng và ánh sáng của mặt trời mạnh mẽ hơn nữa khi các đám mây mỏng dần, khi các che chướng giảm bớt, ta có thể nhận biết hơn nữa những phẩm tính của Phật tánh, cho đến khi nó hoàn toàn được hiển lộ như nó là, trong mọi sự huy hoàng viên mãn của nó.

Giống như mặt trời, Phật tánh của ta không bao giờ thay đổi. Các đám mây không thể nào ảnh hưởng đến hơi nóng và ánh sáng của mặt trời, chúng chỉ cản trở chúng ta trong việc nhận thức những phẩm tính đó. Đối với chúng ta, đôi khi mặt trời dường như rất nóng và sáng chói, những lúc khác lại yếu ớt và mờ tối, và vào những ngày nào đó thì chẳng có mặt trời. Kinh nghiệm của ta về mặt trời thay đổi, và ta nói về chúng như thể chính mặt trời đang thay đổi, nhưng dĩ nhiên là mặt trời chẳng bao giờ thay đổi; bản tánh của nó lúc nào cũng thế. Tương tự như thế, Phật tánh thì không bao giờ khác biệt trong suốt ba thời, nó luôn luôn hoàn toàn viên mãn với mọi phẩm tính của sự giác ngộ.

Để tịnh hóa các che chướng, chúng ta từ bỏ những gì được từ bỏ (những cảm xúc phiền não và ác hạnh) và thực hành những gì được thực hành (lòng từ, bi, và các thiện hạnh). Khi ta tịnh hóa các che chướng và thâu thập các tích tập (công đức và trí tuệ), các che chướng suy giảm, và cuối cùng thì chúng hoàn toàn bị quét sạch và được tịnh hóa, và đó là Phật quả. Ta đã có mọi sự cần có để hoàn thành Phật quả, nhưng ta có khám phá ra nó hay không thì hoàn toàn là do ở ta. Tự ta phải vượt qua con đường; không ai có thể làm điều đó cho ta. Một khi ta hiểu con đường là gì và khi ta hiểu rõ các thực hành, thì chính ta phải đi theo con đường và dấn mình vào các thực hành đó.

Về mặt tuyệt đối, ta là nơi nương tựa của riêng ta, bởi Phật tánh là bản tánh bẩm sinh của tâm ta. Đức Phật đã hiện diện ở đây trong bản tánh nền tảng của ta, vì thế về mặt tuyệt đối, khi bản tánh nền tảng đó hoàn toàn hiển lộ, tâm ta là Phật, và vì thế ta là nơi nương tựa tối thượng của ta. Ta phải thực sự nhận trách nhiệm về sự giác ngộ của ta. Nếu người nào đó muốn thành tựu điều gì trong một ý nghĩa thế tục, họ biết họ thực sự phải chuyên chú và làm mọi sự cần thiết để thành tựu điều đó. Họ có tận dụng được tiềm năng đó và làm những gì cần làm hay không thì hoàn toàn tùy thuộc vào họ. Sự giác ngộ của bạn cũng giống y như thế, bởi sẽ không ai làm điều đó cho bạn. Đức Phật đã nói: “Ta đã chỉ cho các con phương pháp, ta đã chỉ cho các con con đường. Giờ đây, các con có đạt được kết quả hay không thì tùy thuộc vào nỗ lực của các con.” Vì thế sự giác ngộ của ta nằm trong tay ta. Ta có mọi sự cần phải có, tiềm năng đã sẵn có; chỉ còn tùy thuộc vào việc ta có tinh tấn để thực sự nỗ lực và vượt qua con đường hay không. Trong ý nghĩa này, Giáo pháp giống như một chế độ dân chủ hơn là chế độ cộng sản. Đây là ý tưởng của tôi, không phải từ các Kinh điển, nhưng tôi cho rằng nó có thể ích lợi. Trong chế độ dân chủ, chính phủ chỉ huy người dân tới một mức độ nào đó nhưng quyền lực thực sự nằm trong tay người dân, bởi họ có tự do và trách nhiệm để tạo nên những thay đổi v.v.. Tương tự như thế, ta nhìn vào Tam Bảo – Phật, Pháp, và Tăng đoàn – để định hướng, nhưng khi đến lúc phải thực sự thành tựu con đường thì mỗi người trong chúng ta phải làm điều đó. Ta có trách nhiệm trong việc tạo nên thực tại của riêng ta. Trái lại, chính phủ cộng sản có đủ mọi quyền lực, dân chúng hoàn toàn bị chính phủ kiểm soát và không thể ảnh hưởng đến những gì xảy ra. Điều này giống như thái độ tin tưởng ở một Tạo hóa toàn năng trong một vài tôn giáo; số phận của ta được Tạo hóa quyết định chứ không bởi nỗ lực của riêng ta. Tạo hóa toàn toàn chịu trách nhiệm về mọi sự, và những tín đồ không có quyền năng hay trách nhiệm về những gì xảy ra. Trong Phật giáo không có Tạo hóa toàn năng, vì thế chính ta phải quyết định số phận của ta. Nếu bạn phát triển sự xác tín rằng Phật tánh là bản chất của tâm bạn, bạn sẽ hiểu rằng đạt được giác ngộ là điều hoàn toàn có thể. Bao giờ mà bạn nỗ lực một cách đúng đắn, không điều gì có thể ngăn cản sự giác ngộ của bạn.

Tác giả: Khenpo Samdup
Dịch giả: Thanh Liên