greentara

Bài khẩn nguyện tới Bảy mẹ hiền Tara

Giới thiệu

Sau khi Tổ dòng, Phagmo Drupa, qua đời, Tổ Jigten Sumgon đi đến Won, nơi ngài sống với vị đạo sư của mình tên là Lopon Tsilungpa. Người đã nhận những bài giảng về Vajrayogini từ vị đạo sư của mình. Và từ Dakpo Gomtsul, cháu của ngài Gampopa,

Người đã nhận Bốn Du già của Đại Thủ ấn và đã hoàn toàn bị thu hút vào thực hành này. Vào thời điểm Thầy Yal mời Người thực hành tại động Echung, Tổ Jigten Sumgon nhập thất trong vòng bảy năm, không bị một ý nghĩ nào về các công việc thế tục quấy rầy. Người đã nhận ra được nguyên nhân lang thang trong Samsara là do sự bất lực của việc dẫn hướng các prana (sinh lực) vào trong avadhuiti (trạng thái vượt qua được bản ngã), và sau đó Người tập trung toàn bộ nỗ lực vào thực hành này và đã hoàn toàn giác ngộ. Bảy Mẹ hiền Tara đã hiện về chỗ Người mang theo những bông hoa ưu đàm (utpala) và truyền cho Người những bài giảng rất sâu sắc và bao la. Sau khi thọ nhận những bài giảng, Tổ Jigten Sumgon đã hát một bài hát của sự gia trì đầy quyền năng và khẩn nguyện đến Bảy Mẹ hiền Tara. Bài hát này không phải do Người sáng tác bằng trí tuệ mà hơn thế nữa, được bật ra một cách tự phát từ những nhận thức của Người.

Mỗi lời khẩn nguyện chứa đựng những bài giảng sâu sắc, liên quan đến toàn bộ con đường của Phật giáo. Cho dù chỉ có bảy khổ, đây là bài giảng dễ hiểu. Đọc bài khẩn nguyện này với niềm sùng mộ tha thiết và sự quyết tâm mãnh liệt để nhận thức được ý nghĩa của bài này. Bạn có thể lặp lại bài nguyện này nhiều trong khả năng của bạn muốn.

Bình luận nghi quỹ

Trong Pháp giới vô sinh

Nơi Mẹ hiền Tôn quý Tara an trụ

Người ban hạnh phúc cho tất cả chúng sinh

Con khẩn xin cầu Người che chở cho con khỏi mọi nỗi sợ hãi.

Pháp giới ở đây là phạm vi của Pháp thân, bản chất nguyên sơ của tất cả các chư Phật đà. Điều này không thể nhìn bởi mắt thường, không được chạm tới bằng cơ thể, không được nghe bằng tai, mà chỉ có thể trải nghiệm được bởi tâm giác ngộ. Nơi Mẹ hiền Tôn quý Tara an trụ. Câu này có nghĩa rằng bản chất tự nhiên bẩm sinh của Đức Tara là pháp giới và Người là bất khả phân với pháp thân của tất cả các chư Phật. Trạng thái này cũng là bản chất tự nhiên của tâm trí chính chúng ta. Để đạt được Phật quả, chúng ta, mỗi cá nhân phải hiện thực điều này.

Từ đó, Người ban hạnh phúc cho tất cả chúng sinh. Đức Tara biểu lộ những hoạt hạnh vì lợi lạc của tất cả các chúng sinh, không chỉ con người. Đôi khi, một cơn gió nhẹ mát mẻ sẽ đến thoảng qua khi chúng ta cảm thấy rất nóng bức. Có khi khác, chúng ta bị lạnh run lên và mặt trời ló ra, mang theo hơi nóng, thật ấm áp và dễ chịu. Đấy là những hoạt hạnh của pháp thân.

Nói một cách khác, tất cả những cảm giác tốt đẹp chúng ta có được từ nghiệp tích cực. Nếu chúng ta tìm được chút thức ăn tốt để ăn hoặc những người bạn để chia sẻ những khoảnh thời gian tốt đẹp cùng nhau, đó là từ những nghiệp tích cực của chúng ta. Nghiệp tốt nảy nở qua quyền năng của trí tuệ lan tỏa khắp. Những nỗi khổ mà chúng ta trải nghiệm đến từ những mê mờ hay những nghiệp tiêu cực. Chúng ta càng thực  hành, càng thấu hiểu và trải nghiệm Giáo pháp, những mê mờ của chúng ta càng giảm.

Sự kìm kẹp của lầm lạc được nới lỏng và nghiệp tiêu cực tiêu trừ. Một khi chúng ta nhận thức chúng không “thật sự” tồn tại, những phiền não này sẽ tan biến hoàn toàn vào pháp giới. Khi chúng ta càng huyễn hoặc, chúng ta sẽ càng tiếp tục tạo tác nghiệp tiêu cực và đau khổ không cách gì giúp được.

Dòng cuối cùng, Tổ Jigten Sumgon có khẩn cầu Đức Tara: “Con khẩn xin cầu Người che chở cho con khỏi mọi nỗi sợ hãi”. Người đã giác ngộ, nên Người viết những dòng này trong sự từ bi và đại diện cho mọi chúng sinh vẫn còn ở trong Samsara. Samsara là một trạng thái của sự sợ hãi. Từ người thủ lĩnh mạnh mẽ nhất cho đến người bầy tôi nghèo khổ nhất, không ai trong sáu cõi của chúng sinh không có sự sợ hãi. Vũ khí không bảo vệ chúng ta được, tiền cũng không mua được cho chúng ta sự ngơi nghỉ.

Chúng ta chỉ có thể thoát khỏi nỗi sợ hãi khi chúng ta nhận thức được bản chất tự nhiên của các hiện tượng (Pháp), pháp giới hay đại thủ ấn. Điều đó có nghĩa Pháp thực sự là gì. Chúng ta thật may mới được biết đến những bài giảng này và được những bài giảng dẫn dắt loại trừ tất cả khổ đau! Bây giờ chúng ta đã đựơc nghe, được suy nghĩ, chúng ta phải tạo mọi nỗ lực để tịnh hóa những ý nghĩ tiêu cực mỗi khi ta có cơ hội.

Vậy, Đức Tara bảo vệ chúng ta như thế nào? Chúng ta cần suy nghĩ về Người như một biểu tượng hoặc một hiện thân trí tuệ của tất cả chư Phật. Người bảo vệ và dẫn chúng ta thoát khỏi Samsara bằng cách giúp chúng ta thấm nhuần cách nhìn tuyệt đối về pháp giới trong chúng ta, và bằng cách chỉ ra cái gì cần lưu giữ và cái gì cần buông bỏ.

Bởi vì không hiểu thân này là Pháp thân

Tâm con bị bao phủ bởi bao phiền não

Những mẹ hiền chúng sinh, lang thang trong Samsara

Xin hãy che chở họ, hỡi Mẹ Tôn quý.

Như đã nói ở trên, bản chất của chính chúng ta là Pháp thân, có cùng bản chất như tất cả chư Phật. Nói một cách khác, tất cả chúng sinh có bản chất tự nhiên-Phật tính. Điều này được tổ Gampopa giải thích trong chương đầu tiên của cuốn Pháp bảo của sự giải thoát, chỉ ra ý nghĩa chi tiết mỗi người đều mang cùng bản chất như thế nào và “bản chất-như vậy” của chư Phật và chúng sinh giống hệt nhau, như sữa được tràn ngập bơ, hạt cải tràn ngập dầu, và quặng bạc tràn ngập bạc. Sự khác biệt là những vị được gọi là “Phật” đã hoàn toàn nhận thức được bản chất tự nhiên này, còn chúng ta vẫn không. Điều này giống như kim cương, một vị Phật giống như đã được cắt, đánh bóng cho đến hoàn hảo, còn chúng ta thì giống như mẩu kim cương thô chưa được giũa gọt, bị bao bởi lớp vỏ ngoài là bùn. Đá quý đã được đánh bóng không khác nhau về bản chất với đá quý trong bùn, nhưng chỉ đến khi đá quý được bộc lộ ra thì mới thấy được lợi ích của nó.

Bởi vì chúng ta không nhận thức được bản thân chúng ta như những chúng sinh giác ngộ, chúng ta bị bao phủ bởi bao klesha (phiền não). Klesha là một từ Sanskrit chỉ ra những cảm xúc phiền não của sự bám chấp, giận giữ, kiêu ngạo, ghen tỵ và hơn nữa. Chúng ta bị làm nô lệ cho chúng, hoàn toàn dưới sự kiểm soát của những phiền não này, và khổ đau trong sáu cõi là một kết quả. Cảm giác khổ đau là không dễ chịu vì nó không thích hợp với bản chất của chúng ta, là hạnh phúc. Hiểu được đó là nền tảng của  lòng từ bi. Chúng ta hiểu rằng chúng sinh không muốn đau khổ và đau khổ là không cần thiết trên thực tế, nhưng điều đó vẫn xuất hiện bởi vì lầm lẫn và những cảm xúc phiền não. Nếu đau khổ là bản chất của chúng sinh, thì chúng ta không cần thiết phải phát triển lòng bi mẫn. Nhưng kể từ khi chúng ta biết đó không phải là sự thật, lòng bi mẫn có thể trở thành động cơ rất quan trọng để xua tan mọi lầm lạc và để đạt được giác ngộ.

Và đây là chuyện gì đã xảy đến với Tổ Jigten Sumgon:

Khi Tổ đang nhập thất, Tổ rất ốm. Đầu tiên Người nghĩ: “Sự đau đớn này hành hạ ta, ta phải là người tệ nhất, bất hạnh nhất trên thế gian này”. Nhưng sau đó Tổ nhận ra:“Ta thật may mắn bởi vì ta đã nhận được những bài giảng Giáo pháp trân quý. Nếu như ta chết bây giờ, ta có thể về cõi Tịnh độ. Nhưng còn những chúng sinh khác trong sáu cõi? Họ còn chưa nhận được những bài giảng này, vậy những nỗi khổ đau vô cùng tận của họ nhiều hơn ta”. Ý nghĩ này thôi thúc lòng từ bi mạnh mẽ trong lòng Tổ và làm dịu lại những cơn đau đớn thể xác của Tổ. Trong vòng vài ngày, Tổ đã hoàn toàn giải thoát khỏi những trận ốm về thể xác và giác ngộ hoàn toàn về tinh thần.

Chúng ta cũng cần đối đãi với tất cả chúng sinh như họ đã là mẹ của chúng ta hoặc ai đó gần gũi nhất với chúng ta. Chúng ta phụ thuộc vào lẫn nhau vì mỗi lợi lạc chúng ta nhận được. Ví dụ đi mua đồ ở một cửa hàng tạp phẩm, có thể xem là một vấn đề đơn giản. Tuy nhiên, coi rằng những nhà nông làm việc nặng nhọc để làm ra thực phẩm, những người khác sản xuất, vẫn phải cần những người chuyên chở đi. Người chủ cửa hàng phải điều phối kinh doanh thành công, và chính phủ phải giữ một hệ thống ngân khố ổn định. Chúng ta không thể sống sót khi không có nỗ lực của những người khác.

Cũng như vậy, kinh doanh phụ thuộc vào sự tồn tại của khách hàng và chính trị phụ gia phụ thuộc vào người đi bầu cử họ. Và làm sao một người có thể trở nên nổi tiếng ở nơi không có ai cả? Sự thực hành Pháp của chúng ta cũng phát triển như vậy. Không có chúng sinh, chúng ta không có cách nào phát triển lòng bi mẫn, tình yêu thương hay Bồ đề tâm. Chúng ta có thể trưởng dưỡng sự kiên nhẫn với một tảng đá? Chúng ta có thể cho mọi thứ cho một cái bàn? Chúng có rất nhiều mối liên hệ với tất cả chúng sinh, vậy chúng ta phải giữ gìn chúng sinh trong đáy tim một cách công bằng.

Những bà mẹ chúng sinh lang thang trong Samsara trên cơ sở tích lũy nghiệp của từng người duy nhất. Có sáu cõi ở đây mà chúng sinh có thể lang thang- cõi địa ngục, cõi ngạ quỷ, cõi súc sinh,cõi nhân, cõi bán thiên và cõi thiên. Chúng sinh xoay quanh những trạng thái này không ngừng và rất hiếm có một ai thoát khỏi nhờ những bài giảng quý báu này.

Điều này xảy ra như thế nào? Đầu tiên họ bị vô minh. Sự vô minh che mờ tâm tuệ minh.

Bởi vậy, họ nhầm lẫn phân biệt nhị nguyên, giữa họ và những người khác. Sau đó, nhận thức tốt và xấu, thích và không thích nảy sinh. Lớn mạnh lên chúng trở thành bám chấp và ghét bỏ. Kiêu ngạo và ghen tỵ sẽ sớm đi theo sau đó. Chúng ta không được dạy về vô minh; chúng ta không được dạy về ham muốn và ghét bỏ. Những cảm xúc này chợt nở ra bởi vì chúng là những thói quen đã bám rễ sâu phát triển qua nhiều đời sống rồi. Không chỉ duy nhất có từ người phương đông hay có từ người phương tây,  hoặc có từ nhân loại. Chúng ta chia sẻ sự kế thừa đáng buồn bã này với tất cả mọi chúng sinh.

Như chúng ta nhận thấy có những loại khổ đau khác nhau. Mặc dù có vài thứ vừa ý tưởng chừng mang lại hạnh phúc và niềm vui cho chúng ta, nhưng vì bản chất vô thường, nên niềm vui và hạnh phúc không thể kéo dài. Khi chúng bị giảm giá trị hay sự nhận thức của chúng ta về chúng thay đổi, đau khổ là kết quả. Đó là khổ vì thay đổi.

Qua hiểu biết các hiện tượng bên ngoài là không đáng tin cậy, chúng ta sẽ không bị quá bám chấp vào chúng và sẽ có khả năng chấp nhận tình hình tốt hơn. Loại trí tuệ này mang đến yên bình hơn cho tâm trí, và nỗi khổ đau của chúng ta sẽ giảm đi một cách tự nhiên. Chúng ta có thể phát triển lòng bi mẫn cho những ai thiếu sự hiểu biết này.

Đức Phật đã giảng điều này từ quan điểm của sự toàn tri. Người đã biết một cách rõ ràng những cá nhân hoạt động như thế nào, từng cá nhân tồn tại ra sao, và họ cần tịnh hóa những gì. Người không tạo ra Samsara, nhưng người hiểu từng phần của Samsara không sót bất cứ điều gì. Vậy chúng ta cũng vậy, chúng ta cần nghiên cứu Samsara và nhận thức làm sao vạn hữu được tạo lên bằng sự giả dối nằm ngoài những mê mờ và những ý nghĩ tiêu cực. Chúng ta phát triển sự từ bỏ Samsara và ao ước toàn tâm cho giác ngộ khi hiểu được các hiện tượng (Pháp) chỉ là tạm thời, không đáng tin cậy.

Nếu như ý nghĩa của Giáo pháp chưa nở hoa trong trái tim ta

Chúng ta đuổi theo những lời lẽ của những ý nghĩa tầm thường

Có những người bị lừa dối bởi tín điều

Xin hãy che chở họ hỡi Mẹ hiền tuyệt diệu.

Mặc dù chúng ta đã bắt đầu con đường hướng tới sự giác ngộ, nhưng nếu tâm trí chúng ta đã không thay đổi thực sự, chúng ta sẽ tiếp tục rơi về Samsara. Hiểu biết trí tuệ, và cho dù đồng ý với, ý thức như vô thường còn chưa đủ. Ý nghĩa thực sự, trải nghiệm Giáo pháp, phải được nở hoa trong trái tim ta để điều đó bám rễ. Miệng ta nói “vâng, vâng, Samsara là tình trạng đau khổ khủng khiếp”. Nhưng trong các hành động chúng ta lại chỉ ra chúng ta vẫn thích thú Samsara, chúng ta vẫn đơn thuần chạy theo những lời lẽ của những ý nghĩa tầm thường và trí thức hóa. Ý nghĩa hiện thực của Giáo pháp chưa nở hoa trong trái tim. Nếu chúng ta thực hành như chỉ dẫn và đạt được vài trải nghiệm, thì chúng ta có thể giống Milarepa hơn. Chị của Người tới thăm khi Người đang thiền trong hang. Người đương nhiên chẳng có gì, không thực phẩm, không quần áo. Chị Người vốn là người ăn mày và rền rĩ: “Chúng ta là những kẻ bất hạnh nhất trên thế gian này! Ta nghĩ rằng em phải hơn thế này. Ở đây chị đã đi ăn xin từ cửa này sang cửa nhà khác và em thì chẳng có gì. Chẳng lẽ em không thể ít nhất đi đến một cái tu viện nơi chúng ta sẽ có đồ ăn và quần áo?” Milarepa trả lời chị: “Khi em nghe những điều liên quan đến tám ngọn gió đời, em thấy kinh tởm. Em biết thế giới của Samsara rất rõ nên em không có bất cứ sự quan tâm nào vào đó cả. Em đã nhận được những bài giảng Giáo pháp trân quý, nên em không có thời gian để mà phung phí nữa. Làm ơn đừng nói với em những điều như vậy”. Bạn thấy đấy, Người đã có nhứng trải nghiệm về Pháp sâu sắc, nên người không có lựa chọn khác ngoài sống theo trái tim mình với những tình cảm vui vẻ. Đó là cách thực hành Pháp trở thành con đường sống, con đường của yên bình và tự do.

Khi Giáo pháp vẫn chỉ là trí thức, điều đó làm giảm niềm tin. Thay vì tiến hành với niềm tin đặt trên nền tảng trải nghiệm, chúng ta chỉ bám chấp vào những giáo lý của mình. Giáo pháp còn bị làm đồi bại hơn là một con đường thoát khỏi Samsara, và thậm chí trở thành một dây trói chặt hơn nữa vào Samsara. Qua đó, chúng ta có thể lừa dối bởi tín điều. Tổ Jigtem Sumgon nhìn thấy điều này thật rõ ràng, và Người khẩn nguyện cho sự che chở chúng ta khỏi những lỗi lầm này

Thật khó để thấy rõ bản tâm của một ai

Có người tuy đã nhận ra nhưng không thực hành

Tâm trí họ lang thang trong những hoạt động của thế gian

Xin hãy che chở họ, hỡi mẹ hiền hồi nhớ

Năm con đường bao gồm cả hành trình để đạt Phật quả: Con đường của Tích lũy, Con đường của Chuẩn bị, Con đường của sự Sáng suốt Đặc biệt, Con đường của Thiền, và Con đường của sự Toàn hảo.

Thật khó để nhận thức đúng bản chất của tâm trí. Đầu tiên, Con đường của Tích lũy, chúng ta bắt đầu hiểu bản chất tự nhiên của Samsara và từ bỏ nó. Chúng ta nhận những bài giảng từ một vị đạo sư tâm linh bắt đầu học thực hành thiền và trải nghiệm sâu sắc về định hoặc an trụ của tâm.

Sau đó trên oCn đường Chuẩn bị, thực hành của chúng ta được thiết lập tốt, và chúng ta bắt đầu đạt được một số trải nghiệm. Sự quan tâm của chúng ta vào tính không lớn mạnh ở giai đoạn này và kinh nghiệm thiền của ta trở nên mạnh mẽ hơn.

Trên Con đường Sáng suốt Đặc biệt, bản chất tự nhiên của tâm vi tế có thể được nhìn thấy. Đây có lẽ bởi vì chúng ta sẽ phát triển thiền định hoặc thiền tập trung vào điểm mà tâm trí không thể di chuyển tới được bởi những ý nghĩ xáo trộn và, trên nền tảng đó, chúng ta trưởng dưỡng tâm tuệ minh (còn được gọi là sự hiểu biết sâu sắc chính yếu hay sắc bén). Sự hợp nhất giữa hai tình trạng thiền này cho phép chúng ta lĩnh hội được tâm trực tiếp.

Chúng ta phải tiếp tục thiền để trở nên quen thuộc với tâm trí. Nhưng một vài trong số chúng ta đạt đến tình trạng nhận thức này rồi và quá bị kích động, dừng thực hành. Sáng suốt đặc biệt là quan trọng và tất nhiên, là nền tảng cần thiết cho Con đường Thiền, nhưng đó chưa phải là cuối của con đường.

Trong Con đường Thiền, chúng ta phải tập trung hoàn toàn vào thiền như Milarepa làm. Người đạt được Con đường Sáng suốt Đặc biệt khi ở với đạo sư của Người-Marpa và sau đó dành toàn bộ quãng đời còn lại thiền trong những ngọn núi. Đây là điểm chúng ta tiến tới để vượt qua các địa. Nếu không thực hành như vậy, chúng ta sẽ quên đi nhận thức của mình và tâm trí lại sẽ quay trở lại những hoạt động thế tục và sự bám chấp bản ngã của chúng ta sẽ lớn lên, mạnh mẽ trở lại.

Ở đây, Đức Tara được gọi là hỡi Mẹ hiền hồi nhớ. Hồi nhớ có nghĩa rất sâu sắc. Đầu tiên chúng ta phải trưởng dưỡng hồi ức mang tính ước lệ hay những hồi ức nhân tạo. Trong đó chúng ta cố gắng nhớ về một điều gì, sau đó lại quên, rồi lại nhớ lại. Đôi khi chúng ta thiền, chúng ta có được sự thấu hiểu quan trọng hoặc trải nghiệm mà chúng ta không muốn đánh mất. Nhưng điều này sẽ phai nhạt đi nếu như chúng ta không làm mới lại bằng cách lặp đi lặp lại. Bằng sự hồi nhớ lặp đi lặp lại, trải nghiệm sẽ trở thành thói quen và thành phần hiện tại của chúng ta. Khi sự hồi nhớ này trở thành dễ dàng không cần cố gắng, nó được gọi là “trí tuệ” hay “nhận thức”, và ai có được, đã đạt được trình tự thiền thứ năm. Một tâm trí trong sự hồi nhớ hoàn toàn vào mọi thời điểm được gọi là tâm trí trí tuệ của Đức Tara.

Trí tuệ không phân biệt là do tâm tự khởi

Có những người vì thói quen bám chấp nhị nguyên

Bất kể đang làm gì đi nữa, họ vẫn bị trói buộc

Xin hãy che chở họ, hõi mẹ hiền trí tuệ không phân biệt

Sau khi chúng ta hiện thực được địa thứ nhất của Con đường của sự Sáng suốt đặc biệt, chúng ta thực hành từng bước một để đạt đến địa thứ tám như thiền của chúng ta trở nên mãnh liệt cực độ. Tại địa thứ tám chúng ta nhận thức được hay trải nghiệm được trí tuệ không phân biệt. Đầu tiên chúng ta quan sát những hiện tượng (Pháp)- tất cả sự xuất hiện, tất cả mọi ý nghĩ-đều là sự phản chiếu của tâm. Chúng ta thực hành về điều này và trở nên vững vàng hơn trong cách nhận thức cho đến khi chúng ta thấy không có sự phân chia giữa người nhận thức và điều nhận thức được.

Ví dụ, mặt trời và ánh sáng mặt trời là hai sự tách biệt? Chúng là hai, nhưng chúng không tách biệt ra được. Nếu chúng là tách biệt, chúng ta vẫn có ánh sáng mặt trời khi không có mặt trời. Nhưng ở đây không phải như vậy. Chúng là hai, nhưng cũng không là hai, và được gọi là “không phân biệt”. Phân biệt có thể có nghĩa là có hai, sự vật độc lập, và tính độc nhất có thể có nghĩa là chỉ có một thứ. Vậy không phân biệt chỉ có nghĩa đơn giản là không có hai, không hàm ý rằng ở đây chỉ có một. Tâm trí và tướng (sự xuất hiện) tồn tại theo cách như vậy. Chúng là hai nhưng không tồn tại tách biệt-chúng không phân biệt.

Trong Samsara, chúng ta nghĩ các hiện tượng là hoàn toàn ở bên ngoài đối với chúng ta, như là “có thật”. Xem về ngôi nhà, ví dụ. Nó không tự mọc lên bởi tự chính nó. Nó được làm bởi mọi người, vậy nó là sự sáng tạo của tinh thần. Một tâm trí đầu tiên tạo ra bản vẽ kiến trúc trên giấy. Sau đó người xây dựng nhìn bản thiết kế và hoạch định ra làm thế nào để những phần ghép lại nhau để tạo thành ngôi nhà. Cũng vậy, dù là gián tiếp hay trực tiếp, toàn thể Samsara này là một sự xây dựng bởi tâm trí. Khi chúng ta chưa giác ngộ điều này, chúng ta lầm lẫn bởi sự xuất hiện của “có thật”. Nhưng khi ta thiền tốt, trí tuệ không phân biệt tự khởi sinh trong tâm trí mà chúng ta nhận thức được. Milarepa có thể đi xuyên qua những vách đá của hang động vì Người đã hoàn toàn nhận thức được không phân biệt. Người biết chắc chắn từ những trải nghiệm rằng mọi thứ đều là bản chất của tâm, vậy đá không ngăn được Người.

Đối với chúng ta, phân biệt vẫn là thói quen bám rễ và rất khó để phá vỡ điều này. Cho dù chúng ta có khả năng chứng minh tại điểm nào của triết học bằng lý trí hay phân tích, chúng ta vẫn thiếu trải nghiệm. Đó chính là vì thói quen. Thực hành là để đi ngược lại thói quen của chúng ta là bám chấp vào nhị nguyên.

Nhưng họ vẫn bị trói buộc, bị bắt trong phân biệt, bất kể đang làm gì đi nữa. Chúng ta giống như cái nồi nấu mà lâu ngày chưa được làm sạch. Đáy nồi kết dày những bẩn mà nó sẽ rất mất thời gian để cọ sạch đi được, cho dù có dùng dụng cụ đặc biệt.

Chúng ta sử dụng thiền để từ từ làm cho thấm dần những thói quen mới. Chúng ta có thể thực hành cùng cách thiền năm này sang năm khác, không cần phải nhảy từ cái này sang cái khác. Nếu chúng ta thực hành một thứ kiên định, chúng ta có thể nâng cao chất lượng qua sự phản chiếu lại của vô thường, của khổ đau trong Samsara, của từ bi và trí tuệ. Ở đây không cần phải nản chí, tiến triển có thể chậm nhưng nó sẽ vẫn đến với người thực hành chân thành và nhất định như vậy. Hiểu được điều này, chúng ta cần phải thôi thúc thực hành hàng ngày nhiều nhất có thể, áp dụng bất cứ phương thức đối trị nào chúng ta biết bằng niềm vui và một cảm giác của vận may tốt đẹp.

Mặc dù có những người đã an trụ trong ngữ nghĩa tuyệt hảo (tịch không)

Nhưng họ không nhận thức được duyên sinh của nhân và quả

Họ vô minh không biết đâu là đối tượng cho tri giác

Xin hãy che chở họ, hỡi mẹ hiền toàn tri.

Ngữ nghĩa tuyệt hảo ở đây muốn nói đến shunyata, hay là tính không. Có một số người có khả năng thiền tốt hấp thụ toàn bộ trạng thái tính không. Nhưng một số thì không nhận thức được duyên sinh của nhân và quả, vậy họ coi như họ đã đạt đến sự kiệt sức tuyệt đối của tâm trí và hiện tượng. Trong thực tế, khi chúng ta càng thực hành, chúng ta càng tịnh hóa giới hạnh, ta càng trải nghiệm ý nghĩa của nó một cách sâu sắc. Điều này giống như những gì Đức Phật làm. Giống như Người, tâm trí và kỷ luật của chúng ta phải trở nên tinh khiết hơn nữa cũng như tiến bộ ngày qua ngày, năm qua năm cho đến khi chúng ta đạt được mục tiêu cuối cùng là tính không và nhân quả là không thể tách rời.

Tính không không thể vượt qua được nghiệp, nhân và quả. Trong Bát Nhã Tâm Kinh có nói “sắc tức là không và không tức là sắc. Sắc chẳng khác không và không cũng chẳng khác sắc”. Không thể tách rời ra được vì tính không tồn tại bên ngoài các hiện tượng (Pháp). Những hiện tượng mà chúng ta nhìn thấy tự chúng là rỗng rang. Chính điểm này mà vài hành giả thực hành không có khả năng hoặc đủ trí tuệ để nhìn nhận. Milarepa nói: “tính không rất dễ để hiểu. Bạn có thể tìm hiểu và nghiên cứu kỹ lưỡng về nó và thu được sự hiểu biết. Nhưng nhân và quả khó hơn rất nhiều để hiểu được”. Một người đã đạt trí tuệ sắc sảo có thể nhận ra bản chất của sự phụ thuộc này kỹ hơn tại địa thứ tám trở lên.

Vậy những người thiền nhận thức cao mà chưa hiện thực được hoàn toàn bản chất tự nhiên của luật nhân quả vẫn ở lại không biết đâu là đối tượng của tri giác. Điều này có nghĩa rằng họ chưa hiểu hoặc chưa nhận biết trực tiếp sự biểu lộ của nhân và quả trong tính không. Chính vì vậy, chúng ta khẩn cầu đến mẹ Tara Toàn Tri để bảo vệ họ khỏi sự vô minh.

Bản chất của không gian là bao la vô tận không ranh giới

Chẳng có gì hơn thế

Những người thực hành và đệ tử không nhận ra được

Xin hãy che chở họ, hỡi Mẹ hiền Phật mẫu tuyệt hảo.

Không gian có thể nói có trung tâm không nhỉ? Nếu như có trung tâm, biên giới có thể được xác định. Nhưng không có ranh giới, vậy đâu sẽ là trung tâm? Điều này có nghĩa sự vô tận-tự do khỏi mọi giới hạn. Tâm diệu minh không khác xa ý này lắm. Sự giải thoát là vô tận, thoát khỏi mọi ranh giới, tự do khỏi mọi sự tạo tác. Nhưng tâm không giác ngộ của chúng ta bị bao bọc trong ranh giới những tư duy, tạo tác thành giới hạn.

Nhận thức được như vậy, chúng ta phải tịnh hóa thậm chí những ý nghĩ rất tinh vi của phân biệt vì chúng che mờ bản chất này. Làm như vậy, chúng ta sẽ đi tới Phật quả chính nó: trí tuệ bao la, từ bi bao la, hành động vô lượng. Những người thực hành và đệ tử không nhận ra được- chúng ta, chính chúng ta, và tất cả những ai đang theo con đường của Bồ Tát, không thể hạn chế sự nhận thức của mình mà phải tiến lên cho đến khi tiến tới tự do khỏi mọi gông cùm. Cũng cùng lúc này, chúng ta có thể gọi trí tuệ của Đức Tara là cái khiên che chắn cho chúng ta khỏi những lầm lạc bởi chúng ta thực hành một cách chân thành.

Sau khi lặp lại lời nguyện này với niềm tin mãnh liệt, thiền rằng Đức Tara tan vào bạn.

Bạn có thể đọc chú Ngài Tara và hòa tan vào tính không. An trụ tâm trong trạng thái tự nhiên đó. Thiền rằng tất cả những chướng ngại đã được tịnh hóa và bản chất của tâm được hiển lộ. Bạn có thể làm điều đó ở mọi nơi. Bạn cần giữ nguyên sự hồi nhớ của bạn và sự chính niệm.

Thầy thấy lời nguyện này thật truyền cảm. Chỉ bằng bảy khổ, toàn bộ Tam Tạng kinh, kể cả những bài học mật điển cũng chứa đựng trong này. Chúng ta thật may mắn được liên hệ với những bài giảng này! Bây giờ, một khi chúng ta hiểu Pháp trân quý như thế nào, ta nhìn Samsara bằng con mắt khác. Cho dù công nghệ hiện đại ấn tượng như thế nào đi nữa, chúng vẫn chỉ là phần của Samsara mà thôi. Chúng ta lên mặt trăng, chúng ta cũng không tìm thấy hạnh phúc ở đây. Bây giờ chúng ta lại tìm xem có thấy được gì ở sao Hỏa. Nhưng ở đây, nếu bạn đưa những bài giảng này vào trong đáy tim, bạn sẽ tìm thấy một cái gì đó rất sâu sắc đáng giá.

Khenchen Konchog Gyaltsen Rinpoche biên soạn

Trích: Chuỗi tràng ngọc trai