Đức Văn Thù

Phá tan nghi hoặc về những lời khuyên dạy của Đạo Sư

Nói đến cúng dường công phu tu hành thì điều này có nghĩa là luôn luôn sống phù hợp với những giáo lý mà bậc Đạo Sư [hay Sư Phụ] đã ban cho ta. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra một khi Sư Phụ ban cho ta những lời khuyên dạy mà ta không có ý muốn noi theo, hoặc ban cho ta những chỉ bảo đi ngược lại với Pháp, ngược lại với lẽ phải? Thước đo mà chúng ta phải sử dụng trong những trường hợp như thế là phải luôn luôn dựa trên lý lẽ [dựa trên những điều hợp lý, hợp lẽ] và dựa trên những lý giải [đúng đắn] của Đạo Pháp. Bất kỳ những lời khuyên dạy nào đi ngược lại với những điều trên thì chúng ta cần phải loại bỏ. Đây cũng là điều mà Đức Phật đã từng tuyên thuyết. Nếu ta nghi ngờ về tính chất xác thực của những điều mà Sư Phụ ta đã phát biểu thì ta cần phải xoáy mạnh vào điểm đó và [tìm cách] phá tan mọi nghi hoặc. Việc này trở nên có phần tế nhị hơn nữa trong Tối Thượng Mật Điển, khi mà ta cần phải hoàn toàn quy phục đấng Đạo Sư vì đây là một đòi hỏi tiên yếu mà ta cần phải có. Nhưng ngay cả trong trường hợp như vậy thì sự thuần phục tuyệt đối này cũng chỉ có thể được tuân thủ trong một ý nghĩa đặc biệt nào đó. Nếu Đạo Sư chỉ về hướng đông và bảo ta đi về hướng tây [nói một đường, bảo làm một nẻo] thì thật sự, người đệ tử sẽ có rất ít sự lựa chọn ngoại trừ việc phải lên tiếng phàn nàn về điểm này. Tuy nhiên, điều này phải được người đệ tử nêu lên với tất cả lòng tôn kính và khiêm cung bởi vì nếu ta để lộ ra bất kỳ niềm bất kính hay tiêu cực nào đối với bậc Đạo Sư thì đây không phải là phương cách cao quý để đáp lại lòng từ của Sư Phụ.

Khi ta nhìn thấy ra lỗi lầm của Sư Phụ thì ta không nên để điều này trở thành lý do khiến ta đánh mất lòng tôn kính đối với Thầy, bởi vì khi bậc Đạo Sư phô bày những lỗi lầm này thì Thầy ta đang thật sự chỉ cho ta thấy những điều chính ta cần phải từ bỏ. Tệ lắm thì một lối nhìn như vậy cũng là một thái độ tích cực mà ta nên noi theo. Điểm quan trọng ở đây là người đệ tử phải có một tinh thần cầu học hết sức chân thành và cần phải có một sự quy ngưỡng sáng suốt thay vì chỉ dựa vào lòng sùng mộ mù quáng.

Thường khi chúng ta nghe nói rằng tinh túy của việc luyện tập pháp tu Bổn Sư Du Già (Guru Yoga) là để phát triển phương tiện thiện xảo giúp ta nhìn thấy tất cả những gì Sư Phụ ta làm cũng thảy đều hoàn hảo. Trên phương diện cá nhân thì bản thân tôi không mấy thích nhìn thấy điều này được thực hành một cách quá đà. Lắm khi, chúng ta đọc thấy trong kinh văn ghi chép như sau, “Mọi hành động [của Đạo Sư] đều được xem như là hoàn hảo.” Tuy nhiên, câu văn trên phải được suy gẫm dựa trên chính lời tuyên thuyết của Đức Phật Thích Ca rằng, “Hãy chỉ chấp nhận những giáo huấn của ta sau khi đã quán xét kỹ càng những giáo huấn ấy, giống như một người buôn vàng lão luyện. Đừng chấp nhận bất cứ điều gì nếu chỉ dựa vào tín tâm đối với cá nhân ta.” Có một vấn đề đối với pháp tu mà trong đó ta phải nhìn thấy tất cả những gì bậc Đạo Sư làm thảy đều hoàn hảo, đó là việc này có thể dễ dàng biến thành chất độc cho cả Đạo Sư lẫn đệ tử. Do đó, bất cứ khi nào tôi hướng dẫn về pháp tu [Bổn Sư Du Già] thì tôi luôn luôn chủ trương rằng ta không nên xoáy mạnh vào truyền thống tu tập cho rằng “mọi hành động [của Đạo Sư] đều được xem như là hoàn hảo.” Giả sử nếu bậc Đạo Sư hay Sư Phụ của ta phô diễn những đặc tính rất phi‐Đạo Pháp [những đặc tính không phù hợp với Pháp] hoặc là vị ấy ban cho ta những giảng dạy đi ngược lại với Giáo Pháp, thì hướng dẫn liên quan đến việc nhìn thấy vị Đạo Sư tâm linh của ta thật hoàn hảo bắt buộc phải nhường bước cho lý lẽ phải trái và cho tuệ giác [rút tỉa ra được từ] Giáo Pháp.

Hãy thử lấy cá nhân tôi làm ví dụ. Bởi vì rất nhiều những vị Đạt Lai Lạt Ma tiền nhiệm trong quá khứ đều là những vị hiền giả vĩ đại và bởi vì tôi được xem như là hoá thân của các vị ấy, và cũng bởi vì, trong kiếp sống này, tôi thường xuyên giảng dạy đạo giáo, nên nhiều người đã đặt rất nhiều lòng tín tâm của họ vào tôi, và trong pháp tu Bổn Sư Du Già của họ, họ quán tưởng tôi như là một vị Phật – tôi cũng được họ xem như là vị lãnh đạo thế tục của họ. Bởi vì vậy, trong mối tương quan giữa cá nhân tôi với người dân của tôi, giữa cá nhân tôi với một chính quyền có hiệu lực của tôi, thì những giáo lý về “mọi hành động [của Đạo Sư] được xem như là hoàn hảo” có thể dễ dàng trở thành chất độc cho chính tôi. Trong thâm tâm, tôi rất có thể nghĩ rằng, “Tất cả họ đều nhìn thấy ta như là một vị Phật, và vì vậy mà họ sẽ đều chấp nhận bất cứ điều gì mà ta bảo với họ.” Quá nhiều lòng tín tâm và một tri kiến dựa trên sự thuần tịnh giả đặt, gán ghép sẽ có thể dễ dàng làm cho mọi chuyện trở nên xấu xa. Tôi luôn luôn có lời khuyên rằng, trong đời sống của những hành giả bình thường, ta không nên đào sâu hay nhấn mạnh về những giáo huấn cho rằng ta phải nhìn thấy mọi hành động của bậc Đạo Sư như là những hành động hoàn hảo. Thật là một việc vô cùng đáng tiếc nếu Phật Pháp, dựa trên những lý giải thâm diệu, lại phải nhường chỗ cho [giáo huấn trên].

Có thể bạn sẽ nghĩ rằng, “Chắc Đức Đạt Lai Lạt Ma chưa đọc kinh văn Lam Rim. Ngài không biết rằng chẳng thể nào có được một con đường tu nếu không có Sư Phụ.” Tôi không có ý bất kính đối với những giáo lý của Lam Rim. Người học trò trên con đường tu tập tâm linh phải nên nương tựa vào vị thầy và nên thiền quán về lòng từ và những đức tánh thiện lành của vị thầy; nhưng đối những giáo huấn cho rằng ta phải nhìn thấy những hành động của Thầy đều là những hành động toàn hảo, thì những giáo huấn này chỉ có thể được đem ra áp dụng trong một bối cảnh tổng quan của Giáo Pháp và những giáo huấn ấy phải dựa trên những phương thức hợp lý đưa đến sự hiểu biết mà Giáo Pháp ấy chủ trương và cổ võ. Bởi vì giáo huấn dạy ta nhìn thấy mọi hành động của Đạo Sư luôn luôn hoàn hảo là những giáo huấn đã được vay mượn từ Tối Thượng Mật Điển và những giáo huấn này đã xuất hiện trong kinh văn của Lam Rim cốt yếu là để chuẩn bị cho hành giả tu tập bước vào những pháp tu mật [của Tối Thượng Du Già], và vì vậy cho nên những kẻ sơ tu [còn đang chập chững trên đường tu] phải rất cẩn thận khi hành trì theo những giáo huấn này. Còn đối với những vị Đạo Sư tâm linh, nếu họ diễn giải sai lạc mật giới này của pháp tu Bổn Sư Du Già vì muốn lợi dụng những người đệ tử ngây thơ nhẹ dạ, thì hành động của họ cũng giống như là đang đổ giòng lửa tuôn trào của cõi địa ngục vào ngay trong bụng của chính họ.

Người đệ tử phải luôn luôn gìn giữ những lý giải và hiểu biết của Phật Pháp như là những nguyên lý chính yếu. Nếu không đi theo phương cách này thì sẽ khó khăn vô cùng để có thể thâm nhập được kinh nghiệm tu tập Giáo Pháp của bản thân. Hãy quán xét thật rốt ráo trước khi nhận một ai đó làm Đạo Sư, và ngay cả như vậy rồi thì sau đó, hãy theo chân thầy của mình trong khuôn khổ và quy ước của những lý giải đã được Đức Phật đề ra. Phần lớn giáo huấn dạy ta phải nhìn thấy mọi hành động của Đạo Sư đều hoàn hảo là những giáo huấn nên để dành riêng cho các pháp tu của Tối Thượng Mật Điển, khi mà những giáo huấn ấy sẽ khoác vào mình một ý nghĩa mới. Một trong những pháp tu du già chính yếu trong Mật Thừa là nhìn thấy thế giới này như là một mạn‐đà‐la của đại lạc và nhìn thấy bản thân ta và tất cả những người khác quanh ta như là những vị Phật. Trong trường hợp như vậy thì thật là vô lý, ngớ ngẩn không thể tưởng nếu ta nghĩ rằng ta và tất cả ai khác đều là Phật trong khi Sư Phụ của mình thì lại không phải là Phật! Thật ra, càng nhận được nhiều sự kính trọng thì ta lại càng phải trở nên khiêm cung hơn, nhưng mà đôi khi, nguyên lý hành xử này lại bị đảo lộn. Một vị Đạo Sư tâm linh phải canh giữ chính mình thật nghiêm ngặt và phải ghi nhớ lời dạy của Lama Drom Tonpa, “Hãy tận dụng sự kính trọng người khác đối với ta như là một nguyên nhân để khiêm cung.” Đây là trách nhiệm của một bậc thầy. [Trong khi] người đệ tử thì lại có trách nhiệm phải tận dụng trí tuệ của mình khi thể hiện lòng tín tâm và kính trọng đối với thầy.

Vấn đề nằm ở chỗ ta thường chỉ muốn tuân theo giáo lý nào thoả mãn được vọng tâm mê lầm của ta và vất bỏ qua bên những giáo lý giúp ta vượt thoát những mê lầm đó. Tình trạng buông thỏng, dễ dãi này có thể dễ dàng đưa ta đến sự vấp ngã. Đó là lý do tại sao tôi nói rằng những giáo huấn dạy ta phải nhìn thấy tất cả mọi hành động của Đạo Sư đều là những hành động hoàn hảo lại có thể trở thành thuốc độc hại ta. Rất nhiều những vấn đề chia rẽ bộ phái ở Tây Tạng đã nảy sinh và được nuôi dưỡng bởi giáo huấn này. Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ Nhất có viết rằng, “Một vị Đạo Sư tâm linh chân chính nhìn tất cả chúng sinh với những tư tưởng tràn đầy yêu thương, và tỏ lòng kính trọng đối với tất cả những vị thầy của tất cả các truyền thống y hệt như nhau.

Một người như thế chỉ gây tai hại cho chính vọng tâm mê lầm ‐ kẻ thù bên trong ‐ mà thôi.” Những truyền thống tu tập khác nhau đã khởi sinh chủ yếu như là những nhánh tu của các phương tiện thiện xảo dành cho những tu sinh với căn cơ khác nhau. Nếu chúng ta tách riêng một khía cạnh nào đó trong những giáo lý này ra, chẳng hạn như mật giới nói về “tất cả mọi hành động [của Đạo Sư] đều phải được xem như là toàn hảo,” rồi sử dụng giáo huấn đó vào những mục đích chia rẽ bộ phái thì làm sao chúng ta có thể đền đáp ơn sâu của những bậc Thầy trong quá khứ đã giảng dạy và truyền bá Giáo Pháp cho ta? Chẳng phải là ta đã làm hổ thẹn các bậc Thầy ấy sao? Nếu chúng ta đã hiểu lầm và thực hành sai lạc những giáo lý của chư Đạo Sư thì điều này khó lòng có thể làm cho các Đạo Sư hoan hỷ.

Cũng tương tự như thế, thật là phước đức nếu một vị Lạt‐ma cử hành các nghi lễ hoặc ban lễ điểm đạo để đem lại lợi lạc cho mọi người, nhưng nếu động lực để làm những việc ấy thuần túy là để thủ lợi về vật chất, thì tốt hơn hết cả là vị thầy đó nên đi làm ăn buôn bán. Sử dụng Đạo Pháp như chiếc mặt nạ để lợi dụng mọi người là một hại họa to lớn.

Chúng ta dựng lên những bệ thờ công phu diêm dúa và tham dự vào những cuộc hành hương dài ngày, nhưng tốt hơn cả những việc này là ta nên nhớ đến những giáo lý của Đức Phật, “Không bao giờ tạo bất kỳ việc xấu ác nào; luôn luôn tạo điều thiện lành; và đưa tất cả công phu tu tập vào việc phát triển tâm.” Nếu công phu tu hành của ta làm tăng trưởng vọng tâm mê lầm, làm tăng trưởng tánh xấu ác tiêu cực và trạng thái tâm thức hỗn loạn, thì ta biết rằng có điều gì sai trái ở đây rồi.

Đôi khi ta nghe nói rằng nguyên nhân chính yếu đưa đến sự xuống dốc của Đạo Phật tại Ấn Độ tám trăm năm về trước chính là việc tu luyện Kim Cương Thừa của những người không đủ tiêu chuẩn [thiếu khả năng hay thiếu phẩm hạnh], cùng việc chia rẽ bộ phái phát sinh từ sự lũng đoạn, thối nát trong Tăng đoàn. Bất kỳ ai giảng dạy về Phật Giáo Tây Tạng đều phải nên ghi nhớ điều này trong lòng mỗi khi nhắc đến mật giới “mọi hành động của đấng Đạo Sư đều phải được xem như là hoàn hảo.” Đây là một giáo huấn cực kỳ nguy hiểm, nhất là cho những kẻ sơ tu.

Đức Dalai Lama XIV