Đức Phật

Một trăm lời khuyên dạy – Lời thứ sáu

Của cải và tài sản, giống như một trò ảo thuật, thật cám dỗ và lọc lừa;
Dân chúng Tingri, chớ để chiếc nút tham lam cột trói bạn.

Của cải bao la, y phục và thực phẩm tuyệt hảo – cho dù bạn có mọi thứ mà bạn từng mong muốn, những của cải đó không thể nào tồn tại mãi mãi. Mọi sự được tích tập, một ngày kia chắc chắn sẽ bị cạn kiệt. Mọi của cải và tài sản bạn có thể tích lũy được, chẳng chóng thì chầy tất cả chúng sẽ bị phân tán. Quyền thế và địa vị cao sang cũng không có gì khác biệt, bởi tất cả những gì hưng thịnh đều phải suy tàn. Không ai có thể giữ mãi một địa vị. Cũng thế, mọi sự tụ hội buộc phải kết thúc trong chia ly; một trăm ngàn người có thể tập hợp, chỉ để chia lìa vài giờ sau đó. Tự thân cuộc đời thật ngắn ngủi, và việc sinh ra chắc chắn phải kết thúc trong cái chết. Đã từng có duy nhất một chúng sinh nào sống mà không chết?

Một vài người đã xoay sở để tạo dựng một tài sản kếch sù, họ có thể nhìn lại thành quả của mình với sự hài lòng, suy nghĩ một cách kiêu ngạo: “Ta là một người giàu có.” Nhưng tốt nhất là họ cũng suy xét xem sự giàu có của họ được xây dựng tới mức độ nào trên những sự nói dối, lường gạt, và xâm phạm quyền lợi của người khác – những hành vi tiêu cực mà sau cùng chỉ mang lại đau khổ.

Tự bản chất, việc bạn có của cải không có gì là sai trái nếu bạn sở hữu nó một cách trung thực và sử dụng nó trong những mục đích tốt lành. Nó có thể được sử dụng để làm giảm bớt sự nghèo khó, cúng dường Tam Bảo, và hộ trì cộng đồng tu sĩ và những người đang gặp khó khăn hoạn nạn. Những người được lợi lạc từ sự rộng lượng (bố thí) của các tín chủ không nên tham lam khi sử dụng vật chất mà họ nhận được, bởi mục tiêu duy nhất là theo đuổi việc thực hành Pháp. Cả người hiến cúng lẫn người thọ nhận nên thoát khỏi sự tham luyến và coi “của cải” của họ như những tặng vật huyễn hóa trong một giấc mộng. Giống như khi bạn nhìn từ quan điểm tối thượng, của cải tự nó không có sự hiện hữu thực sự, công đức mà bạn có thể tích tập bằng cách sử dụng của cải với sự bố thí cũng không có thực chất và không thực. Tuy nhiên nó có thể đưa dẫn bạn tới Phật quả, một phương diện của Phật quả là không bám chấp vào các hiện tượng.

Tuy nhiên, một khi bạn chịu sự thống trị của tánh tham lam, tay bạn bị trói và tâm bạn bị khép chặt. Bạn không chỉ mất khả năng bố thí, thậm chí bạn còn bắt đầu nhận ra rằng sự rộng lượng của người khác thật không thể chịu đựng được. Thái độ này tạo ra những điều kiện (duyên) để tái sinh trong cõi preta (ngạ quỷ), những tinh linh thường xuyên bị hành hạ bởi sự đói và khát.

Ngay cả sự tham luyến mạnh mẽ cũng có thể dẫn tới kinh nghiệm đau khổ dữ dội trong các cõi địa ngục. Trong thời của Đức Phật, có một tu sĩ sở hữu một bình bát tuyệt đẹp mà ông rất tham luyến. Khi ông chết, thậm chí trước khi xác ông được hỏa thiêu, ông bị tái sinh làm một con rắn độc. Vừa sinh ra là con rắn đã bò tới chiếc bình bát, cuộn tròn trong đó và rít lên đầy vẻ đe dọa với tất cả những ai đến gần. Sự việc này được trình lên Đức Phật, ngài giảng rõ con rắn từ đâu đến. Bằng những lời lẽ của chân lý, ngài thúc đẩy con rắn từ bỏ những tư tưởng xấu xa của nó. Ngay lập tức, con vật rời bình bát và lủi vào rừng. Tuy nhiên, sự tham luyến và sân hận của nó mạnh mẽ tới nỗi những ngọn lửa hiện ra từ miệng nó. Nó chết và ngay lập tức bị tái sinh trong lửa của địa ngục. Cùng lúc ấy, giàn hỏa thiêu tu sĩ quá cố được châm lửa khiến cho ba ngọn lửa cùng cháy một lúc. Tu sĩ bất hạnh đó được đặt tên là “Người bị đốt cháy ba lần.”

Những đau khổ khủng khiếp của sự đói khát mà các ngạ quỷ cảm thấy có thể được khuây khỏa bằng việc cúng dường các torma nước vào buổi sáng và khói của thực phẩm được thiêu đốt vào buổi tối, đặc biệt là khi những lễ cúng dường này được thực hiện với lòng bi mẫn lớn lao. Lòng từ ái và không tham luyến là nền tảng của sự bố thí (rộng lượng) chân thực. Chúng ta phải rộng lượng và bố thí cho những người khó khăn hoạn nạn càng nhiều càng tốt trong khả năng của ta.

Padampa Sangye – Dilgo Khyentse Rinpoche
Việt dịch: Thanh Liên
Nguồn: Một Trăm Lời Khuyên Dạy – Nhà xuất bản Thời Đại