Dharmachakra_with_huge_statue_of_Padmasambhava_behind._Lake_Rewalsar._HP,_India

Bà mẹ đơn giản

Mẹ của Kangyur Rinpoche là một người đàn bà nhân hậu, nhưng hoàn toàn không được học hỏi gì. Bà chẳng bao giờ quan tâm đến Mật tông, hoặc các phép tu học hay ý nghĩa giáo lý. Mặc dù con bà là một đại sư phép Đại Thành, phép tu truyền thống do Liên Hoa Sinh Vad Vairsana– cũng là đại sư của phép tu tối thượng Maha Ati – truyền lại, nhưng bà chẳng bao giờ quan tâm. Bà chỉ biết cách đơn giản là hiến mình cho đạo. Từ bao năm nay, sáng tối bà chỉ niệm A Di Đà Phật, vị Phật Vô Lượng Quang để sau khi chết bà được thác sanh vào cõi Tịnh Độ.

Lúc cái chết của bà gần kề, Kangyur Rinpoche đưa bà vào một hang núi, một nơi mà nhiều đại sư đã nhập định và nhiều vị đã đạt giác ngộ. Khi vào hang, dù đã được nhận một loạt linh ảnh về Phật A Di Đà, bà vẫn không biết đó là dạng xuất hiện của ngài. Bà hỏi con: “Vị Tăng sáng rực đó là ai nhỉ?” Người con trai chỉ mỉm cười không nói.

Vài ngày sau bà lại nói: “Vị Tăng nọ, sắc đỏ rực sáng hẳn là một vị thánh con nhỉ. Hình ngài ngày càng rõ và thật dần”. Cuối cùng Kangyur Rinpoche trả lời: “Thưa mẹ, đó là Phật A Di Đà, mẹ không thấy sao? Mẹ không thấy ngài đến vì mỗi ngày mẹ đều nghĩ nhớ đến ngài sao? Ngài tiếp dẫn mẹ về cõi Tịnh độ đó”. Bà mẹ mừng quá, nước mắt trào ra. Bà hỏi: “Ngài cũng đến tiếp dẫn hạng người như ta sao?”, bà không tin hẳn. Bỗng nhiên có một tuệ giác tràn ngập lòng bà và trong một phút bà bỗng thức tỉnh: “Bây giờ ta thấy rõ, Phật A Di Đà không phải nằm ngoài tâm ta, tại sao như thế được?” Người con nói: “Từ xưa đến nay có bao giờ ngài ở ngoài tâm mẹ đâu”.

Một tuần sau, người mẹ gọi con: “Aphu (mặt trời), vị tu sĩ có râu là ai mà cứ mỗi ngày hiện ra ở đây?” “Hừ”, vị đạo sư ngẫm nghĩ, “Lạ thực con chưa thấy người đó, con không biết là ai”. “Nhưng ông ta cứ đến hoài”, người mẹ nói. “Được, thế thì mẹ gọi con lúc ông ta đến”.

Ngày hôm sau bà mẹ gọi con từ trong hang động: “Aphu, Aphu tới đây mà xem”. Kangyur vào động và thấy một vị tu sĩ cao lớn mặc áo trắng đứng bên cạnh người mẹ. Vị tu sĩ mang một cuốn sách nhỏ xíu, kết trên một bên tóc, trong khi phần tóc kia để sổ trên vai.

“Xin chào ngài”, Kangyur cúi đầu sát đất. “Xin cho biết ngài là ai, hỡi vị tu sĩ?”

“Ta là đệ tử của Yeshe Tsogyal, được gọi là So Yeshe Wang-schuk”, người đó trả lời.

“Thế ngài từ đâu đến?”, Kangyur Rinpoche hỏi.

“Từ cõi Tịnh Độ”, người đó đưa tay chỉ triền núi tuyết phủ trước cửa động. “Trong kiếp vừa qua, ta có ba con trai, một con gái. Đứa con đầu đang phụng sự loài người tại Đông Tây Tạng, đứa út đang ở với đạo sư tại đất Phật. Đứa con trai giữa đang ở với ta và đứa con gái bị tái sinh vào cõi tối tăm”.

“Tại sao ngài lại đến đây?”, Kangyur Rinpoche hỏi.

“Ta là hộ pháp của mười bảy giáo pháp thất truyền của Maha Ati. Ta đã đọc bài kệ này trực tiếp từ Liên Hoa Sinh và nữ đệ tử của ngài là Yeshe Tsogyal và đang tìm một người xứng đáng để truyền các giáo pháp bí mật này”.

Kangyur Rinpoche nằm dài ba lần trên mặt đất và tha thiết xin được học mười bảy giáo pháp đó. Sau đó So Yeshe Wang-schuk đứng dậy và đọc mười bảy câu kệ, trong lúc đó Kangyur Rinpoche và bà mẹ sắp từ trần lắng nghe từng chữ. Sau khi đọc xong, So Yeshe Wang-schuk lại chỉ ngọn núi và nói: “Bí lục này của ta nằm tại đó. Bây giờ nó là của ngươi, Kangyur Rinpoche”. Nói xong, vị tu sĩ biến mất. Kangyur liền lên đường tiến về hướng núi đó và trèo lên đỉnh. Sau một lúc tìm kiếm, ông thấy một hang núi mà ngày xưa có vẻ đã có người ở. Trên một loại giấy làm bằng bột gạo, Wang-schuk viết lại mười bảy câu kệ thất truyền của phép Maha Ati, và bí lục đó ông đã cùng Yeshe Tsogyal cất giấu từ hàng trăm năm trước, chỉ dành cho người thích hợp.

Kangyur Rinpoche ở với mẹ cho tới ngày bà từ giã cõi trần này, cõi đã chứng kiến nhiều lần giã từ. Thể nhập vào cõi Phật A Di Đà, bà ngồi trong động và chết với nụ cười trên môi. Câu chuyện còn thêm một đoạn nữa: Vừa rồi đây đại sư Dilgo Khyentse Rinpoche cũng vừa mới chết, ông là một trong những đạo sư vĩ đại nhất Tây Tạng. Lúc sinh tiền, có lần nghe một thứ giọng không lời, giọng đó đọc cho ông nghe mười bảy câu kệ của Maha Ati. Khi ông hỏi, phải cảm tạ ai về những báu vật này thì giọng đó đáp: “Kangyur Rinpoche đã truyền cho ngươi, lựa ngươi là truyền nhân mới của dòng tu cổ xưa này”.

Surya Das
Việt dịch: Nguyễn Tường Bách
Nguồn: Sư tử tuyết bờm xanh