marpa_th_white_skirt_500_517-500x410

Đại Dịch Giả Marpa

Ngài Marpa (1012-1096) sinh trưởng tại Chukhyer miền nam Tây Tạng. Ngài học tiếng Phạn và thụ nhận một số giáo pháp từ Lama Drogmi Lotsawa thuộc dòng Sakya. Không bằng lòng với sự tu học này, Marpa quyết định bán hết tài sản của mình lấy vàng để đi Ấn Độ tìm cầu Giáo Pháp và truyền bá về Tây Tạng.

Trên chuyến hành trình tới Ấn Độ đi qua Nepal, Marpa đã gặp gỡ và thụ nhận Giáo Pháp từ hai đệ tử của Ngài Naropa là Kantapa và Pentapa. Marpa có ấn tượng sâu đậm với hai Ngài đến nỗi quyết định tìm gặp trực tiếp Naropa xin được thụ Pháp. Marpa tu học dưới sự chỉ giáo của Naropa trong suốt nhiều năm. Ban ngày Ngài thụ Pháp, ban đêm chuyên tâm hành trì, vì vậy Ngài thành thục cả hai phương diện giáo lý và thực hành của Đại thừa cũng như Kim Cương thừa. Cuối cùng, Naropa truyền cho Marpa làm người kế tục dòng truyền thừa Tây Tạng và huyền ký rằng: Dòng truyền thừa của ngài sẽ hưng thịnh ở Miền Đất Tuyết.

marpa3

ĐẠI DỊCH GIẢ MARPA

Vì lợi ích của người dân Tây Tạng, Marpa thực hiện nhiều cuộc hành trình đến Ấn Độ, Nepal và mang rất nhiều giáo pháp về Tây Tạng, chuyển dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Tạng. Ngài đã vượt qua vô vàn khó khăn thử thách, nhiều khi suýt mất mạng trong cuộc hành trình gian nan tìm cầu Phật Pháp, Ngài hạnh ngộ vô số bậc Đạo sư, trong đó Naropa và Maitripa là hai đại đạo sư quan trọng nhất.

Mặc dù Ngài là Bạch cư sỹ, đã lập gia đình nhưng sự chứng ngộ của Ngài là vô song, thanh tịnh không chút nhiễm ô giống như hoa sen mọc lên từ bùn lầy. Đối với Ngài, luân hồi và Niết bàn là bất nhị, hết thảy sắc tướng thế tục với Phật tính đều không khác. Vì thế, Ngài có thể vẫn sống trong cuộc đời trần lụy mà không bị nhiễm ô. Marpa thực sự đã đốn chứng thể Kim Cương Trì hay Phật tính ngay trong một đời. Ngài phiên dịch rất nhiều giáo pháp Mahamudra, Kim Cương Thừa sang tiếng Tạng đồng thời hoằng dương Giáo Pháp rộng khắp, Ngài đã chọn Milarepa làm người kế tục dòng Truyền thừa.