14063927_1814764015420489_6787502093302306397_n

Đức Lama Tsering Wangdu Rinpoche

Lama Tsering Wangdu Rinpoche sinh năm 1939 tại thung lũng Langkor thuộc vùng Tây Tingri, Tây Tạng. Vùng đất này là quê hương Tây Tạng của Đức Pampa Sangye, người sáng lập ra dòng Shije và Đức Machik Labdron, người sáng lập ra dòng Chod.

lwr_young

Ảnh: Đức Lama Wangdu Rinpoche

Năm lên 8 tuổi, Đức Lama Wangdu Rinpoche bắt đầu tu học với vị Thầy gốc của mình, Đức Naptra Rinpoche. Sau nhiều năm thực hành, Thầy đã để Ngài thực hiện khóa nhập thất truyền thống Chod. Suốt thời gian này, Ngài đã thực hành pháp tu Chod tại 108 nghĩa địa. Cuối cùng, Thầy đã công nhận sự thành tựu của Ngài, ban cho Ngài những giáo huấn sâu hơn và vào năm 1958, đã gửi Ngài theo một đoàn hành hương đến Nepal. Năm 1959, khi người Trung Quốc đóng cửa biên giới Tây Tạng, chuyến đi lẽ ra chỉ kéo dài 1 năm đã biến Ngài thành một người lưu vong. Ngài đã không thể trở về Tây tạng sau đó.

Lama Tsering Wangdu Rinpoche đã tự mình đến thung lũng Kathmandu và sống tại khu trại tị nạn của Người Tây Tạng ở Jawalakehl. Ngài sống ở đó trong nhiều năm và là một trong số ít hành giả của phái Nyingma có thể tiếp xúc với người tị nạn Tây Tạng và Nepal. Ngài nổi danh là một hành giả Chod với khả năng làm an dịu dòng tâm thức cho mọi người khắp cả Nepal. Bên cạnh vai trò là người hướng dẫn tâm linh cho cộng đồng người Tây Tạng, Ngài đã dành nhiều thời gian tham dự các khóa tu, nghiên cứu và thọ nhận các quán đảnh từ Đức Dalai Lama, Đức Dudjom Rinpoche, Đức Surkhang Rinpoche, Đức Urgyen Tulku, và Đức Chatral Rinpoche. Ngày nay Ngài được công nhận là vị hộ trì truyền thừa dòng Shije của Đạo sư Padampa Sangye, dòng Chod của Đức Machik Labdron và Giáo lý Longchen Nyingthig.

Năm 1999, Lama Tsering Wangdu Rinpoche thực hiện chuyến đi đầu tiên đến Mỹ để thọ nhận quán đảnh Thời luân và tham quan Trung tâm Vận Động ở Portland, Oregon. Ngày nay, Ngài vẫn dành thời gian hàng năm tại Portland để thực hành pháp Chod với cộng đồng dân địa phương, chỉ cho họ cách thực hành pháp Chod, Phowa và giáo lý Longchen Nyinthig, đồng thời hướng dẫn cho một nhóm hành giả mà số lượng ngày càng tăng lên. Trong thời gian ở Mỹ, Ngài cũng hỗ trợ dịch thuật tài liệu cho các học viên, bao gồm cả những giáo lý của truyền thống Shije.

Năm 2003, Lama Tsering Wangdu Rinpoche đã tham dự các buổi giảng Pháp của Đức Dalai Lamma thứ 14 ở Dharamasala, Ấn Độ. Suốt thời gian này, Đức Dalai Lama đã cho Ngài biết rằng các giáo lý của Thành tựu giả Padampa Sangye và Machik Labdron, đặc biệt là các pháp thực hành “Làm an dịu đau khổ” vô cùng quý báu và cần được trì giữ. Sau khi xác nhận Lama Tsering Wangdu Rinpoche là vị hộ trì truyền thừa của phái Shije và Chod, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã yêu cầu Ngài thiết lập một tu viện, trao truyền các giáo lý cho các hành giả thế hệ sau và trì giữ Dòng truyền thừa Shije và Chod vì lợi ích chúng sinh.

 83393937_2314579258839741_5390143570902515712_n

Ảnh: Đức Lama Tsering Wangdu Rinpoche và Đức Dalai Lama 14

Trong lần trở về Nepal, Lama Tsering Wangdu Rinpoche khôi phục lại một tu viện cổ xưa ở Boudha gần Đại Bảo Tháp. Tu viện có tên là Pal Gyi Tingri Langkor Jangsem Kung Ling, bắt đầu hoạt động vào năm 2004 và là quê hương của nhóm tu sĩ được đào tạo theo dòng Shije, Chod và Longchen Nyingthig.

Ngoài các tu sĩ, những hành giả lễ lạy từ khắp nơi trên thế giới đến học hỏi về giáo lý Chod, học những bài hát tâm linh, những vũ điệu truyền thống và tham gia thực hành tu tập hàng ngày. Hai lần mỗi tháng, Rinpoche tổ chức lễ hội Chod cho cộng đồng dân địa phương và hàng năm có một ngày dành cho đại chúng, thu hút hàng trăm người tham dự.

Hiện nay, Lama Tsering Wangdu Rinpoche là Tu viện trưởng tu viện Pal Gyi Ling. Ngài tiếp tục phụng sự với vai trò là người dẫn dắt tâm linh và làm an dịu dòng tâm thức khổ đau cho người dân Nepal và Hoa kỳ. Là một trong số ít những Lama Tây Tạng giảng dạy và thực hành giáo Pháp từ thời quốc gia này trước khi bị chiếm đóng, Ngài cũng cam kết trì giữ và trao truyền các giáo lý quý báu và thâm diệu mà chính Ngài đã thọ nhận và đạt thành tựu nhờ thực hành miên mật trong nhiều thập kỉ qua.

Việt dịch: Nhóm Viet Rigpa Lotsawas

Hiệu đính: Giác Nhiên

Nguồn: lamawangdu.org

Mọi sai sót đều do người dịch và người hiệu đính. Có chút phước đức nhỏ nhoi nào xin hồi hướng cho những ai có duyên với Lama Tsering Wangdu Rinpoche đều được Ngài dẫn dắt sớm liễu thoát sinh tử và cầu mong nhờ công đức này Ngài sớm quang lâm đến Việt Nam.