750

Đức Kyabje Namkhai Nyingpo Rinpoche đời thứ 7

Đức Kyabje Namkhai Nyingpo Rinpoche đời thứ 7 sinh năm 1966 tại thung lũng linh thiêng Tongzhang Thrichu Geonpa thuộc miền Đông Bhutan. Thân phụ của Ngài là Yab Tshering Gyaltshen và thân mẫu của Ngài là Yum Sherabmo. Ngài được sinh ra cùng với nhiều dấu hiệu kiết tường và diệu kỳ. Dòng nước uống nhà Ngài chuyển sang màu sữa, cầu vồng tuyệt đẹp xuất hiện trên bầu trời và “Kharchhu”, “Kharchhu” là những tiếng đầu tiên Ngài thốt ra, chính là tên Tu viện của Ngài ở Tây Tạng. Ngài cũng nhớ danh hiệu của những thị giả trước đây và những sự việc có liên quan sâu sắc đã xảy ra đời trước.

Kết quả hình ảnh cho Kyabje Namkhai Nyingpo Rinpoche Đức Kyabje Namkhai Nyingpo Rinpoche

Cậu bé đã được Đức Pháp Vương Gyalwa Karmapa 16 công nhận là Đức Namkhai Nyingpo đời thứ 7, Ngài đã tiên đoán rõ ràng về sự tái sinh này khi mô tả danh hiệu cha mẹ và những chi tiết khác như thế. Tuy nhiên, để có sự công nhận sâu hơn, các đệ tử đã kiểm tra cậu bé theo phương thức truyền thống. Cậu bé được cho xem các chuỗi tràng hạt, hộp đựng xá lợi, chuông, chày kim cương… của Đức Namkhai Nyingpo Rinpoche đời trước. Trước sự chứng kiến của các đệ tử lâu năm của đấng tiền nhiệm và một vị đại diện của Chính phủ Hoàng gia Bhutan, cậu bé chỉ lựa chọn những thứ đồ thuộc về đấng tiền nhiệm mà không hề có chút nhầm lẫn và vì thế đã được tôn xưng là vị hóa thân chính thức.

Cho nên vào năm 1972, năm lên 6 tuổi, Ngài đã lên tiếp quản vị trí của bậc tiền nhiệm tại Pema Shedrup Chholing hay Tu viện Kharchu thứ hai tại Bumthang. Việc học tập chính thức của Đức Kyabje Namkhai Nyingpo Rinpoche bắt đầu vào năm 1970 và ngay tức khắc Ngài có được kĩ năng đọc viết cơ bản. Ngài có khả năng đọc, viết và nhớ các bài cầu nguyện tinh yếu một cách dễ dàng.

Năm lên tám tuổi, Đức Kyabje Namkhai Nyingpo Rinpoche đã thọ Quy y và hai lần nhận Quán đảnh Trường thọ từ Đức Pháp Vương Gyalwa Karmapa 16. Vào cùng năm, Nhiếp Chính Vương đã thọ nhận Quán đảnh Kalachakra, các giáo lý Nhập Bồ Tát Hạnh và nhiều giáo lý khác từ Đức Dalai Lama 14.

Theo đúng những lời chỉ dẫn của Đức Pháp Vương Dilgo Khyentse Dorji Chang, Nhiếp Chính Vương đã nghiên cứu trọn vẹn 13 bản văn lớn và các luận giảng từ Đức Khen Rinpoche Kunga Wanghcuk. Ngài cũng đã thọ nhận các giáo lý bLapTue, toàn bộ 3 phần của pháp tu thiền của Kamala Shila, Bimalai Rigmi Ba-dang Chigcharwa; Dakpo Thargyen và Drubthab Kintue. Nhờ đó, Ngài đã trở thành một trong những Đạo sư kinh điển vĩ đại nhất trong thời đại của chúng ta.

Đức Kyabje Namkhai Nyingpo Rinpoche tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu về triết học Phật giáo cùng nhiều chư Đạo sư và theo truyền thống bất bộ phái Ngài đã thọ nhận các giáo lý và trao truyền từ bốn trường phái chính của Phật giáo Tây Tạng. Ngài đã trao truyền giáo lý đặc biệt Kho Tàng Phương Bắc (Jangter) tới nhiều vị Lama và các Rinpoche.

Đức Kyabje Namkhai Nyingpo Rinpoche dành sự tập trung chủ yếu vào việc chăm sóc, đào tạo tăng ni tại các Tu viện của Ngài ở Bhutan, đồng thời vào việc nghiên cứu tu học và thực hành Giáo Pháp. Ngài đã ban truyền rất nhiều giáo lý, quán đảnh và khẩu truyền tại Tu viện của Ngài và các địa điểm khác ở Bhutan và Ấn Độ.

Việt ngữ: Tara Devi (Nhóm Viet Rigpa Lotsawas)

Hiệu đính: Giác Nhiên

Nguồn: namkhainyingpo.wordpress.com

Mọi sai sót đều do người dịch và người hiệu đính. Có chút phước đức nhỏ nhoi nào xin hồi hướng cho những ai có duyên với Đức Kyabje Namkhai Nyingpo Rinpoche  đời thứ 7 đều được Ngài dẫn dắt liễu thoát sinh tử và cầu mong nhờ công đức này cầu mong Ngài sớm quang lâm đến Việt Nam.