Statue_of_Maitreya_Buddha,_Diskit_Monastery,_Nubra_Valley,_Ladakh

Lược sử về Đức Phật Di Lặc

Cách đây vô lượng kiếp, Đức Di Lặc, trong khi thực hiện nhiều sự cúng dường, đã thọ Bồ tát giới từ Đức Đại Lực Như Lai (Tathagata Great Power -Tub chen) trước sự hiện diện của nhiều vị Phật khác. Từ giờ phút đó, Ngài đã hướng dẫn vô lượng hữu tình chúng sinh đạt tới giác ngộ trên con đường của Tam Tối Thượng Pháp (Giới, Định, Tuệ) thông qua ba cỗ xe – Tam thừa (Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ tát ).

Trog khi thực hành Bồ tát hạnh, Ngài đã chuyên tâm thiền về tâm Đại Từ. Ngài không chỉ giảng dạy con đường này cho những người khác mà còn tự thân quán chiếu không ngơi nghỉ. Ngài thường ở tại các cổng thành và suy niệm về lòng từ ái yêu thương. Năng lực thiền của Ngài mãnh mẽ đến độ người qua lại cổng thành sẽ thọ nhận được sự thể chứng của lòng từ ái yêu thương lớn lao này nếu họ đi ngang qua đủ gần và chạm vào chân Ngài. Điều này đã làm hoan hỉ chư Thế Tôn khắp mười phương. Các Đấng Như Lai tùy hỉ với những hành động của Ngài và tiên tri rằng trong các đời tương lai, khi là một vị Bồ Tát và là một vị Phật, Ngài sẽ được biết đến với danh hiệu “Yêu Thương” tức “Từ Thị” hay “Di Lặc” (Love; Maitreya; Jhampa). Ngài đã thọ nhận danh hiệu của mình như vậy.

Trong một kiếp Ngài sinh ra làm con trai của một bậc đại vương có một nghìn người con trai. Vị vua này muốn biết các con trai của mình sẽ đạt giác ngộ theo thứ  tự nào nên đã cho tên các con vào một cái bát, sau đó lấy từng cái tên ra. Tên của Đức Di Lặc là thứ năm và Đức Phật của đại kiếp đó là Đức Vô Lượng Tri Như Lai (Tathagata Limitless Knowledge – Yon ten pa ye) đã tiên tri rằng Ngài sẽ là vị Phật thứ năm của hiện kiếp và Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là vị Phật thứ tư.

Cuối cùng, Đức Di Lặc tiến bộ qua tất cả các địa vị của tiến trình tâm linh. Ngài đạt Bồ tát Thập địa và Bồ tát địa cao nhất và sau cùng trở thành một vị Phật Toàn Giác. Sau khi đạt được cấp độ toàn thiện, Ngài thị hiện nhiều khía cạnh khác nhau ở vô số cõi Phật (Buddha fields), và hiện tại an trú tại Cõi Tịnh Độ Đâu Suất (Tushita). Tại đây Ngài giảng dạy giáo lý Đại thừa cho vô số chúng đệ tử của Ngài đã đạt các quả vị cao của Bồ Tát địa và chính tại Cõi Tịnh Độ Đâu Suất Ngài giảng dạy [Di Lặc] Ngũ Luận cho Đại Thánh Giả Vô Trước (Asanga). Đức Di Lặc cũng ban truyền nhiều giáo lý khác phù hợp với nhu cầu của chúng đệ tử. Khắp mười phương thế giới, Ngài thị hiện thành vô số Đạo sư tâm linh, bằng cách đó dẫn dắt vô lượng chúng sinh trên con đường đưa đến sự tỉnh thức hoàn toàn.

Cuối cùng thời điểm Đức Di Lặc xuất hiện là vị Phật thứ năm của pháp giới của hiện kiếp này và chuyển Pháp Luân vì lợi lạc của chúng sinh sẽ đến. Sự kiện này sẽ diễn biến như sau. Trong tương lai, do vọng tưởng tăng trưởng, chúng sinh sống trong thế giới này sẽ suy hoại. Thọ mạng của họ suy giảm và họ bị chìm ngập trong nỗi thống khổ. Khi thọ mạng con người rút ngắn lại chỉ còn mười tuổi, Đức Di Lặc sẽ xuất hiện trong hình tướng một vĩ lãnh đạo tâm linh vĩ đại và thị hiện công hạnh qua con đường đức hạnh. Ngài sẽ đặc biệt ban rải các giáo lý về lòng từ ái yêu thương, theo đó, vận mệnh của chúng sinh trong cõi giới này sẽ bắt đầu biến chuyển. Khi họ dần từ bỏ được thái độ mê lầm và các ác hạnh, thọ mạng sẽ tăng trưởng. Sau nhiều đại kiếp, thọ mạng của con người tăng lên và sau đó lại giảm xuống chỉ còn 100 năm. Theo lời tiên tri của chư Phật và hứa nguyện của Ngài, đây sẽ là thời điểm Đức Phật Di Lặc xuất hiện trên thế gian là một Bậc Thầy của vũ trụ.

Thân phụ Ngài là một vị Bà La Môn tên là Đại Từ (The Great Compassion Brahmin – Tramze Tsang rab) và Thân mẫu của Ngài tên là Thanh Xuân (The Youthful-looking One – Tsang Denma). Đức Di Lặc sẽ giáng thân từ bên hông của thân mẫu khi bà đứng trong vườn thượng uyển, và vị vua trời Đế Thích (Indra) sẽ tiếp nhận vị Phật mới sinh với lòng sùng mộ lớn lao. Ngay lập tức Đức Di Lặc bé thơ sẽ đi bảy bước về mỗi một phương trong bốn phương và trên mỗi dấu chân của Ngài nở ra một bông sen báu. Sau đó, Ngài tuyên bố:”Ta là Đấng Tối Tôn trên thế gian, hạ sinh để giải thoát chúng sinh khỏi đau khổ. Đây là lần sinh cuối cùng; ta sẽ không còn sinh nữa”. Sau khi nghe những lời này, tất cả chư Phật, chư thiên và chúng sinh trên thế gian đều hoan hỉ, thực hiện nhiều hoạt động tịnh hóa và cúng dường tráng lệ tới Ngài. Vua cha của Ngài hãnh diện đưa Ngài đi diễu quanh thành để dân chúng tán tụng trân bảo mới của họ. Các vị thiên nữ xinh đẹp cúng dường Ngài hoa thơm và các vị đại hiền triết tiên đoán trong đời này Ngài sẽ trở thành Đức Phật Toàn Giác.

Tiếp đó, Ngài theo đời sống của một vị hoàng tử trong hoàng cung. Khi đến tuổi tới trường, Đức Di Lặc trội bật nhất trong bốn nghìn tám mươi vị đồng học và khi đến tuổi kết hôn, Đức Di Lặc có nhiều vị hôn thê và sống cùng họ nhiều năm trời. Sau đó, một nghi lễ tâm linh trọng đại sẽ do Bà Là Môn cử hành tại vương quốc của Ngài. Suốt thời gian diễn ra nghi lễ, Đức Di Lặc sẽ minh chứng rằng Ngài hạ sinh xuống thế gian để chứng ngộ tánh vô thường của vạn pháp và sau khi nhìn thấy những vị thầy tu khổ hạnh mẫu mực, Ngài tuyên bố việc từ bỏ đời sống luân hồi và ý định rời bỏ hoàng cung theo con đường xuất gia tìm đạo. Quyết định này gây ra một cú sốc lớn khắp hoàng cung và các phu nhân của Ngài sẽ bay vào không gian.

Tiếp theo, sau quyết định rời bỏ đời sống hoàng cung, Đức Di Lặc sẽ đi vào rừng tịnh tu. Tất cả chư thiên và các bậc thánh nhân sẽ tùy hỷ với giải pháp của Ngài và sẽ dâng lên Ngài những lời cầu nguyện thành tựu, trợ duyên và phụng sự Ngài khi Ngài công phu thiền quán. Theo gương Ngài, nhiều phu nhân của Ngài và một nghìn bốn mươi vị tùy tùng của Ngài cùng với dân chúng trong kinh thành sẽ theo chân Ngài với lòng sùng mộ lớn lao và cũng thọ giới thành người xuất gia tu hành.

Trong 7 ngày, Đức Di Lặc sẽ theo lối tu khổ hạnh, kiêng bỏ mọi loại đồ ăn, thức uống. Sau đó, sau khi xuất khỏi một trạng thái thiền thâm sâu, Đức Di Lặc sẽ thọ dụng một bát sữa từ phu nhân Da Way Tong chen. Sau khi tỉnh lại nhờ điều này, Ngài sẽ an trụ trong tư thế kim cương tọa và kiên quyết không xuất thiền cho đến khi đạt được giác ngộ. Tối hôm đó, Ngài sẽ điều phục tất cả sự quấy rầy của ma quỷ và các thế lực tiêu cực (mara) và vào lúc nửa đêm Ngài đi vào trạng thái thiền thâm sâu. Cuối cùng, vào sáng hôm sau khi ánh mặt trời chan hòa sáng soi, Đức Di Lặc, người thực sự đã giác ngộ từ vô số kiếp trong quá khứ sẽ vì lợi lạc của chúng đệ tử hữu duyên mà thị hiện sự thành tựu của trạng thái Phật Quả toàn hảo. Sau đó, cũng giống như chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai, Đức Di Lặc sẽ dẫn dắt vô lượng chúng sinh khỏi khổ đau và đi trên con đường tỉnh thức.

Trong bảy ngày sau khi đạt giác ngộ, Đức Di Lặc vẫn ngồi im lặng, quán sát chúng đệ tử tương lai. Sau đó, vị vua trời Đế Thích (Indria) sẽ dâng cúng Ngài một bánh xe bằng vàng và những phẩm vật đẹp đẽ của năm giác quan, thỉnh cầu Ngài chuyển Pháp Luân vì lợi lạc chúng sinh. Đáp ứng lại lời thỉnh cầu này, Đức Di Lặc sẽ giảng dạy giáo lý Tứ Diệu Đế và dẫn dắt hàng triệu đệ tử đến bờ giải thoát.

Trong sự nghiệp hoằng pháp độ sinh lâu dài của Ngài, Đức Di Lặc chuyển Đại Pháp Luân ba lần và mỗi lần vô lượng chúng đệ tử sẽ đến thỉnh nghe. Những giáo lý này sẽ là những sự kiện hoành tráng thu hút không chỉ loài người, các đệ tử tại nhân gian mà còn cả chư Thiên, chư Không Hành Nam (Daka), Không Hành Nữ (Dakini) và các chúng sinh ở các cõi giới khác. Nhiều vị đến thọ nhận giáo lý sẽ ngay lập tức đắc quả A-la-hán, Bồ tát và thậm chí trở thành một vị Phật Toàn Giác.  Với năng lực về thân, khẩu và ý, Đức Di Lặc sẽ dẫn dắt và làm mãn nguyện tất cả những ai đến [thọ pháp] tùy theo nhu cầu và khả năng của họ. Với một số người, Ngài giảng dạy giáo lý tiểu thừa, đối với một số khác, Ngài giảng dạy giáo lý Đại thừa. Theo cách này, Ngài dẫn dắt vô số đệ tử thông qua ba cỗ xe – Tam thừa đi tới giác ngộ và giải thoát.

~ Trích từ bài giảng của Đức Lama Thubten Yeshe  ~

Nguồn: http://www.fpmt-osel.org/teachings/maitreya.htm

Việt ngữ: Sonam Lhamo

Bản “Lược sử Đức Phật Di Lặc” này được thành kính chuyển dịch và dâng cúng lên chư Phật vào ngày 21/09/2017 (tức ngày 01 theo Tạng Lịch) là ngày vía Đức Phật Di Lặc.

Mọi sai sót, vụng về đều do người dịch. Kính mong các bậc thiện tri thức từ bi chỉ giáo. Có chút phước đức nhỏ nhoi nào xin hồi hướng cho lòng kính ngưỡng Tam Bảo mọc rễ  vững chắc trong tâm thức của các hành giả và những ai có duyên với Đức Phật Di Lặc và các Hóa thân của Ngài  được Ngài dẫn dắt liễu thoát sinh tử.