Dzongsar Rinpoche 33

Đức Dzongsar Khyentse Rinpoche và dự án chuyển dịch Phật ngôn từ Tạng Ngữ

Bhutan – Ngày 22, tháng 3, năm 2014 – Đem những lời dạy trung thực của Đức Phật đến với thế giới bằng cách chuyển ngữ hơn 231,800 trang kinh văn từ Tạng ngữ sang Anh ngữ và các ngôn ngữ khác là một dự án một trăm năm gian khổ. Dự án này được gọi là Tám Mươi Bốn Ngàn: Chuyển ngữ Phật Ngôn, đã chính thức khởi sự vào tháng giêng năm 2010.

 Người hiện đang lãnh đạo dự án gồm 153 dịch giả từ 15 quốc gia là Dzongsar Khyentse Rinpoche, một giảng sư Phật học, tác giả, và nhà làm phim người Bhutan. Ngài tích cực chia sẻ những lời Phật dạy trên toàn thế giới kể cả việc thành lập các trung tâm giảng Pháp và giảng dạy tại các trường đại học Oxford và Bắc kinh cùng các học viện nổi tiếng khác.

Ngài có 3 bộ phim được giải thưởng là Chiếc Cúp (1999), Người Du Lịch và Những Ảo Thuật Gia (2003) và Tiếng Nói : Một Phúc Lành (2013) và cũng là tác giả của các quyển sách: Điều Khiến Bạn Không Phải Là Phật Tử (2007) và Không Phải Để Hạnh Phúc : Cẩm Nang Tạm Gọi Là Bước Đầu Thực Hành (2012)

 Chuyển ngữ bộ Kangyur và bộ Tengyur là sự nổ lực của toàn thế giới. Kangyur chỉ cho Phật ngôn, toàn bộ gồm có hơn 500 bài kinh và 1,100 câu chú. Tengyur gồm có hơn 4,000 bài kinh và chú giải của các học giả Ấn độ và Tây tạng về Triết học, khoa học, và y khoa cùng các môn học khác.

 Theo Ngài Dzongsar, do việc chuyển ngữ và làm cho kinh văn Tạng ngữ sẵn sàng để sử dụng cho nhân loại ngày hôm nay, phần lớn nền văn minh và văn hóa Phật giáo được thoát khỏi sự suy vong.

 Dự kiến của Ngài là chuyển dịch bộ Kangyur trong vòng 25 năm và bộ Tengyur trong vòng 100 năm.

 Giám đốc điều hành dự án, cô Huang Jing Rui, nói : “Theo lịch sử, việc chuyển dịch đóng một vai trò quan trọng trong sự sống còn và sự phục hồi của Phật giáo. Tuy nhiên, tính đến nay, ít hơn 5% của kinh văn Tây tạng cổ và chỉ có 15% kinh văn Trung hoa cổ được chuyển dịch sang ngôn ngữ hiện đại.”

 Số lượng người có thể đọc cổ ngữ Tây tạng nhanh chóng biến mất. Huang nói dự án 84,000 gồm cả dịch giả và học giả, do vậy nhóm này gồm có những trí giả My mã lạp sơn và các dịch giả là những người nói tiếng Anh. Họ phải có chuyên môn về cổ ngữ Tây tạng, Phạn ngữ, Anh ngữ, và triết học Phật giáo.

 Ban biên tập và hội đồng bình duyệt gồm những học giả Ấn – Hy Mã lạp Sơn từ cả bốn trường phái của Phật giáo Tây tạng cũng như các dịch giả và học giả từ các trường đại học trên toàn thế giới.

 “Tiến trình dịch thuật phức tạp và mất thời gian hơn dự kiến lúc ban đầu, liên hệ đến các nguồn tư liệu chính và phụ, đối chiếu các văn bản, nghiên cứu và tham khảo về những chủ đề khó khăn và các thuật ngữ. Thử thách chính là thiếu các dịch giả hội đủ tiêu chuẩn. Nội dung của lịch sử, văn phạm và văn hóa phải được lưu tâm trong lúc chuyển dịch bởi vì cùng một sự trình bày có thể mang một ý nghĩa khác trong một ngôn ngữ khác. Đó là lý do tại sao chúng tôi cần những bậc trí giả được huấn luyện kỹ lưỡng và các học giả để cùng nhau làm việc và tiến đến việc chuyển dịch từ nhiều quan điểm và chiều hướng khác nhau. Một bản dịch hoàn hảo sẽ bao gồm sự chính xác, dễ đọc, và trung thực.” cô Huang nói.

 Tin Tức Phật Giáo
Như Quang dịch