hoa thuong tuyen hoa

Phiên dịch Kinh Điển Phật Giáo

Phiên Dịch Kinh Điển Phật Giáo

1. Giới Thiệu

2. Thành Lập Viện Phiên Dịch

3. Dịch Giả Thiện Nguyện

4. Tám Nguyên Tắc Phiên Dịch

5. Nguyên Tắc và Phương Pháp Phiên Dịch Kinh Điển

6. Thịển Thích

7. Dịch Nhanh Sang Anh Ngữ

Giới Thiệu: Phiên Dịch Kinh Điển Phật Giáo

Thời niên thiếu, Hòa Thượng đã từng nghiên cứu làm thế nào để đưa giáo nghĩa Phật Pháp phổ cập khắp nơi trên thế giới, hầu mong cứu vớt thế nhân, Ngài nói:

“Khi tôi xuất gia, tôi muốn tìm ra lý do tại sao nghĩa lý vi diệu của Phật giáo chỉ được một số ít người trên thế gian tu học, còn giáo lý của đạo Tin Lành cùng Thiên Chúa lại được phổ cập toàn cầu. Nghiền ngẫm nghiên cứu mãi, tôi phát giác ra rằng vì các đệ tử của Phật chưa phiên dịch kinh điển Phật giáo ra ngôn ngữ văn tự của các nước trên thế giới. Ngược lại, đạo Thiên Chúa và Tin Lành đã phiên dịch ‘Thánh Kinh” của họ ra ngôn ngữ của mọi quốc gia, khiến ai ai đọc qua liền hiểu ngay. Nếu kinh điển Phật giáo được phiên dịch ra mọi ngôn ngữ thì Phật giáo sẽ tự được phổ cập khắp nơi mà không cần cầu mong. Do đó vừa xuất gia, tuy không biết một ngoại ngữ nào, tôi vẫn phát nguyện rằng nếu còn sống ngày nào thì tôi sẽ giúp kinh điển Phật giáo được phiên dịch ra mọi ngôn ngữ văn tự. Đây là chí nguyện của tôi, và tôi sẽ tận dụng mọi khả năng để thúc đẩy thực hiện công tác này.”

Mặc dầu Hòa Thượng có tư tưởng như vậy, nhưng ngài lại không có phương tiện. Nhân duyên chưa chín muồi cho đến năm 1968, theo sau Khóa tu Lăng Nghiêm có năm người Hoa Kỳ trẻ tuổi xuất gia. Sự kiện này tạo nền móng cho việc phiên dịch Kinh Điển. Từ đó Hòa Thượng thường cung cấp những hướng dẫn trong công việc phiên dịch Kinh Điển cao cả này. Ngài cũng dùng nhiều phương pháp khác nhau để huấn luyện các đệ tử của ngài từng chút, từng bước qua nhiều ngày tháng; kết quả – đào tạo nhiều dịch giả xuất sắc và tài năng cho Phật Giáo.

Thành Lập Viện Phiên Dịch

Mặc dù công việc phiên dịch Kinh Điển dưới sự hướng dẫn của Hòa Thượng Tuyên Hóa đã bắt đầu từ năm 1968, Viện phiên dịch vẫn chưa chính thức được thành lập cho đến năm 1973. Sư thành lập Viện Phiên Dịch này là một bước quan trọng trong sự phát triển Phật Giáo tại phương Tây. Trong một chuyến viếng thăm Việt Nam vào năm 1974, Hòa Thượng Tuyên Hóa nói rằng:

Bây giờ có nhiều người phương Tây đã thật sự xuất gia. Có lẽ Kinh do các vị này phiên dịch thì chính xác hơn. Trong quá khứ, Kinh cũng được dịch, có thể do một linh mục theo đạo Cơ đốc giáo hay một mục sư Tin Lành, hoặc do một học giả hay một vị giáo sư đại học phiên dịch ra. Họ dịch các Kinh Phật như là người bên ngoài đạo Phật. Kết quả là tính chính xác trong các tác phẩm dịch của họ thì không bảo đảm. Nhiều lần họ chỉ hiểu một vài thuật ngữ và phạm nhiều lỗi khi phiên dịch. Ví dụ một giáo sư đại học đã dịch từ lưỡng túc trong Kinh Pháp Hoa ra là “hai chân” thay vì phải dịch là “đầy đủ phước huệ”. Phần phiên dịch của ông ta đã làm cho câu “quy y lưỡng túc tôn” ra thành “quy y vị Phật có hai chân”. Tại sao ông ta không dịch luôn là “quy y với vị Phật có hai tay” hay “quy y với vị Phật có cái đầu” cho rồi? Nghĩa khác xa một trời một vực!

Năm 1977, Viện Phiên Dịch đã được sát nhập vào Đại Học Phật Giáo Pháp Giới thành Viện Phiên Dịch Kinh Điển Phật Giáo. Vào năm 1991, Hòa Thượng Tuyên Hóa đã mua lại một tòa nhà lớn tại Burlingame (phía nam San Francisco) và thành lập Viện Dịch Kinh Quốc Tế tại đó nhằm mục đích phiên dịch và phát hành Kinh Điển Phật giáo.

Dịch Giả Thiện Nguyện

Khi Tôn giả Cưu Ma La Thập dịch các kinh điển sang tiếng Trung Hoa, có khi ngài có hơn 3.000 người giúp ngài; hay ít nhất ngài luôn có 800 người làm việc phiên dịch. Bây giờ tại Hoa Kỳ, làm sao tôi có thể làm công việc này một mình? – Hòa Thượng Tuyên Hóa

Hòa Thượng Tuyên Hoá, với tinh thần can đảm, tự mình đảm nhận công việc khó khăn vĩ đại. Ngài nói rằng:
Phiên dịch kinh điển là công việc của chư thánh hiền vì mãi mãi được lưu truyền thiên thu vạn thế. Phàm phu chúng ta làm công việc của chư thánh hiền. Ðây là nghĩa vụ đầy ý nghĩa vì không những lợi sanh mà còn lập công đức. Xưa kia, chư quốc vương, hoàng đế dùng quyền hạn của họ và lực lượng của quốc gia để thực hiện công tác phiên dịch. Ngày nay, chúng ta chỉ dùng lực lượng quần chúng mà làm. Nếu có đạt được đôi chút thành tựu gì thì tôi hy vọng rằng trong tương lai, những vị nguyên thủ của các quốc gia dần dần sẽ tham gia vào công tác này. Bây giờ, đầu tiên chúng ta phải đặt nền móng cho vững chắc. Trước hết, chúng ta hãy dùng lực lượng quần chúng.”

Và nhiều lần Hòa Thượng kêu gọi các Phật Tử trên khắp thế giới cùng tham gia vào công việc phiên dịch Kinh Tạng vĩ đại này.  Ví dụ như khi Hòa Thượng đang ở Sài Gòn vào năm 1974, ngài thúc giục các Phật Tử trên khắp thế giới dịch thuật các Kinh Điển Phật Giáo sang ngôn ngữ của quốc gia mình để truyền bá Phật Pháp. Gần đây, trong chuyến du hành đến Châu Âu vào năm 1990, Ngài đã mời mọi người tham gia vào việc phiên dịch Kinh Điển, Ngài nói:

Bây giờ tôi mời mọi người từ tất cả các quốc gia muốn tham dự vào vào việc phiên dịch Kinh Điển hãy cùng tham gia với chúng tôi trong công việc này. Không hề có lương bổng cho công việc này. Chúng ta tất cả đều làm việc như những người thiện nguyện làm việc cho Phật Giáo. Những ai có chung khát vọng đi trên con đường này đều được mời tham gia cùng chúng tôi, để chúng ta có thể làm việc cùng nhau trong việc phiên dịch kinh điển Phật giáo. Đây là một công việc mà tất cả các Phật Tử chúng ta nên hoan hỉ nhất. Như tôi đã nói, quý vị nên nhận thức rằng đây là một cơ hội đặc biệt triệu năm khó gặp. Nếu quý vị muốn giúp phiên dịch Kinh điển, tôi hy vọng quý vị có thể đến Hoa Kỳ và cùng  làm việc với chúng tôi.

Tất cả mọi người trên khắp thế giới nếu ai muốn góp sức phiên dịch Kinh điển xin đừng đứng phía sau. Quý vị nên tiến lên và làm hết sức mình để dịch Kinh tạng Phât giáo sang tất cả các ngôn ngữ. Công việc này không giống công việc bình thường thế gian. Đừng hỏi rằng “Tôi sẽ được đền bù như thế nào cho công việc này? Tôi sẽ đuợc phần thưởng gì trong tương lai?” Không có bất kỳ phần thưởng nào cho việc dịch thuật Kinh điển này. Chúng ta cống hiến cuộc đời mình để làm việc cho Phật giáo. Chúng ta không muốn tiền bạc cũng không muốn danh tiếng; chúng ta không tham tiền tài, sắc đẹp, danh tiếng, ăn uống, ngủ nghĩ. Công việc của chúng ta phải phù hợp với Sáu Đại Tông Chỉ đó là không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tư lợi và không nói dối. Chúng ta phải tuân theo Sáu Đại Tông Chỉ này. Đây là sáu chày hàng ma được các chư thần Hộ pháp sử dụng. Được trang bị sáu loại năng lực này, quý vị có thể làm được công việc phiên dịch này. Và vì vậy khi chúng ta làm, chúng ta sẽ không cầu phần thưởng hay bất cứ thứ gì. Tất cả những gì chúng ta muốn chỉ là phiên dịch Kinh điển.

Bằng cách này, Hòa Thượng khuyến khích các đệ tử cùng hợp tác gánh vác trách nhiệm này.

Tám Nguyên Tắc Cơ Bản Của Việc Dịch Kinh

“Nếu một người muốn thành tựu thâm sâu, người này phải tu đức, sau đó mới áp dụng năng lực của mình vào văn học và nghệ thuật.” Dưới sự dẫn dắt của Hòa Thượng, một dịch giả không phải có đầy đủ kỹ xảo ngôn ngữ cùng tài trí thông minh hiểu rõ những lời giảng giải của Ngài thì được xem là viên mãn, hoàn hảo. Ngài còn đặt ra Tám Nguyên Tắc Cơ Bản Của Việc Dịch Kinh, nếu có thể chân chánh vâng giữ phụng trì, người làm công tác dịch kinh mới có đạo đức hàm dưỡng cao cả. Cho nên, đây là các quy tắc mà tất cả những người làm công tác dịch kinh đều phải tuân thủ.

Tám Nguyên Tắc Cơ Bản Của Việc Dịch Kinh

  1. Dịch giả phải thoát mình ra khỏi động cơ tự truy cầu danh lợi.
  2. Dịch giả phải tu tâm dưỡng tánh, dứt bỏ đi thói cao ngạo.
  3. Dịch giả phải tự chế, không được tự khen rồi chê bai kẻ khác.
  4. Dịch giả không được tự cho mình là tiêu chuẩn, là thước đo, rồi hạ thấp kẻ khác bằng cách tìm lỗi lầm nơi tác phẩm của họ.
  5. Dịch giả phải lấy tâm Phật làm tâm mình.
  6. Dịch giả phải dùng Trạch Pháp Nhãn để phán xét đâu là chân lý.
  7. Dịch giả phải cung kính cầu thỉnh Cao Tăng, Ðại Ðức ở mười phương chứng minh cho bản dịch của mình.
  8. Dịch giả phải hoan hỷ truyền bá giáo nghĩa nhà Phật bằng cách in Kinh, Luật, Luận một khi phần phiên dịch của mình được chứng minh là đúng đắn.

Từ Tám Nguyên Tắc này, chúng ta có thể thấy rằng bất cứ ai tham gia vào việc phiên dịch phải có đầu óc khoáng đạt và ngay thẳng cao cả. Chỉ khi đó người đó mới có thể đảm đương công việc linh thiêng này. Hòa Thượng sách tấn những người làm công việc phiên dịch thuật với những lời sau đây:
Tâm lượng chúng ta phải bao trùm hư không khắp pháp giới nhiều như cát sông Hằng, không loại trừ bất cứ thứ gì mà bao gồm tất cả. Nếu quý vị có điều gì còn nghi ngờ thì hãy nói ra. Nếu quý vị cảm thấy một điểm nào đó đúng thì có thể giải thích lý do. Tất cả chúng ta ở đây để cùng nhau thảo luận và nghiên cứu. Chúng ta không cần phải tranh luận. Đó không phải là vấn đề của thắng thua. Không có ai thắng và cũng chẳng kẻ nào thua. Tất cả mọi người đều bình đẳng. Đoàn kết và bình đẳng, chúng ta cùng tiến lên.

Nguyên Tắc và Phương Pháp Phiên Dịch Kinh Điển

Hòa Thượng thường răn nhắc các đệ tử là phải dùng trí huệ chân chánh để phiên dịch kinh điển. Ngài cũng bảo rằng nếu thấy có phần nào dịch không đúng nghĩa thì hãy đưa ra để mọi người cùng nghiên cứu thảo luận. Nhờ sự nghiên cứu thảo luận công khai mà các bản dịch lại càng thêm chính xác. Bằng cách này, cách thức phiên dịch thuở xưa được truyền sang Tây Phương. Ngài nói:

Trước khi chính thức phê chuẩn, hiến pháp được đọc ba lần để xem có ai còn phản đối. Chúng ta phải áp dụng phương pháp này để phiên dịch kinh điển. Phiên dịch xong, mọi người lại cùng nhau nghiên cứu một lần nữa để xem coi còn có vấn đề gì chăng. Cần dùng trí huệ của mọi người để phiên dịch Kinh Ðiển. Nếu ai có ý kiến gì đều được mang ra bàn thảo. Khi hỏi thăm ý kiến, chúng ta phải theo phương pháp Yết Ma (phiên họp chính thức của Tăng chúng). Nghĩa là, sau khi đọc qua một lần, thì hỏi xem có ai cho ý kiến để sửa chữa. Lần thứ hai đọc lại và hỏi, rồi lần cuối cùng cũng như thế. Bản dịch phải được đọc ba lần và phải hỏi ý kiến mọi người ba lần. Nên đọc chậm rãi để được nghe rõ ràng. Khi đọc xong ba lần theo pháp Yết Ma, những người có ý kiến nên nêu lên. Nếu không ai còn ý kiến thêm, tức là mọi người đều đồng ý. Trong tương lai, không ai có thể bàn cãi hay phản đối: “Phần phiên dịch này không hay. Hồi đó đã dịch sai.”. Không ai trong chúng ta có thể phản đối. Thế nên, mọi người đều phải chịu trách nhiệm. Chỉ khi nào mọi người đều đồng ý thì bản dịch mới được thông qua. Phương thức phiên dịch của chúng ta ngày nay sẽ làm gương cho người sau để họ y cứ theo đó mà làm. Không thể nào chỉ có một bản dịch cá nhân. Chúng ta chung sức để thực hiện việc này.”

Bên cạnh tài năng và ngôn ngữ vượt ngoài sức tưởng tượng của mọi người, Ngài cũng hiểu tinh tường về nguyên tắc và phương pháp phiên dịch. Trong ba nguyên tắc ‘Tín, Nhã, Ðạt’ thì Tín (trung thực) là quan trọng bậc nhất. Ngài nói:

“Việc quan trọng nhất của sự phiên dịch là phải chính xác, chứ không thể tương phản với nguyên văn. Khi dịch bản văn của người khác thì phải trung thực y chiếu theo lời của người đó, mà không thể bỏ xen ý kiến của mình vào được. Nếu văn phạm có chỗ nào không thông suốt thì có thể trau dồi lại, nhưng không thể thêm lời chú giải hay ý kiến của mình vào đó.”

Tiếc thay, vài người cho rằng phương thức giảng giải của Ngài là thiếu uyên bác, hoặc muốn cho mình nổi bật lên, nên tự thêm ý kiến mình hay ý kiến của người khác vào những bản văn chú giải kinh điển đã được xuất bản và bỏ phần giải thích nguyên thủy của Ngài. Ngài thuyết giảng những lời “giản dị đơn sơ” với dụng ý giúp những kẻ sơ cơ cùng các dịch giả theo đó mà học tập để có kiến thức căn bản về Phật Pháp, rồi y cứ theo đó mà tu hành. Ngài không chấp trước vào lời giảng giải của mình, chỉ khiêm tốn bảo:

“Nếu muốn, quí vị có thể dùng lời giải thích sơ đẳng của tôi. Hiện tại, vì mới bắt đầu, chúng ta nên đặt nền móng cho vững chắc, rồi sau đó khai triển cùng phiên dịch những kinh điển khác.”

Phiên dịch Kinh Ðiển là công nghiệp cả trăm ngàn năm. Từ quan điểm của người mở đường, lập trường của Ngài là:

“Hiện tại, việc phiên dịch chỉ cần văn nghĩa rõ ràng và dễ hiểu là đủ rồi. Chúng ta không cần phải tô điểm lòe loẹt như tấm vải thêu. Chỉ cần đạt được, là đủ. Tương lai, nếu có ai nhận thấy rằng những bản dịch đại khái của chúng ta không hay cho lắm thì họ có thể trau chuốt sửa chữa lại.”

Phiên dịch kinh điển để mọi người có thể hiểu rõ. Vì thế Ngài nhấn mạnh:

“Phải phiên dịch kinh điển đơn giản và rõ ràng. Không nhất định phải dùng tiếng Phạn. Nếu tiếng Anh không có chữ tương đương thì bất đắc dĩ mới dùng tiếng Phạn. Nếu tiếng Anh có, thì nên dùng những chữ mà người ở nước này có thể hiểu được dễ dàng. Nếu chúng ta dùng toàn chữ Phạn, thì không cần dịch Kinh Ðiển ra Hoa ngữ, rồi tiếng Anh. Thế thì chỉ cần bản tiếng Phạn thôi! Mục đích của việc phiên dịch là giúp cho kinh điển được phổ thông để mọi người khi đọc qua liền hiểu ngay. Nếu làm được như vậy là đã đủ rồi. Lời dịch nên đơn giản. Nếu quí vị cố ý dịch bằng những lời lẽ văn hoa cao siêu thi khi đọc qua, người khác sẽ bị rắc rối, ngờ vực. Chúng ta nên dùng trí huệ để xem coi lời văn có hợp lý hay không, rồi mới dùng. Như vậy là đủ. Ngôn ngữ tiến hóa từng bước theo dòng thời gian. Bây giờ có thể họ chưa hiểu, nhưng trong tương lai, khi đọc lại vài lần thì họ sẽ hiểu. Chỉ cần lời lẽ và ý nghĩa đầy đủ là tốt rồi.”

Lúc theo nguyên tắc văn nghĩa thông đạt và trung thực, phải lưu tâm đến sự “dung hợp hoàn toàn tất cả sự khác biệt” vì Phật Pháp là viên dung vô ngại. Về vấn đề này Ngài nói:

“Trong khi phiên dịch phần chánh văn của Kinh, không thể chỉ dịch dựa theo phần chú giải. Văn kinh như biển cả, lời chú giải chỉ như sông ngòi từ khắp nơi tùy theo dòng mà đổ vào biển cả. Không thể xem sông ngòi như biển rộng. Kinh điển rất sống động chứ không chết cứng, và luôn viên dung vô ngại mà không chỉ đơn thuần trong một nghĩa. Bất cứ bản dịch nào, miễn có có đầy đủ ý nghĩa và hợp lý thì đều có thể chấp nhận được. Ðừng chấp cứ là phải dịch theo cách này hay cách nọ, mà chỉ cần chuyên chở được ý nghĩa của lời kinh là được. Chớ bỏ quá nhiều thời giờ vào điểm này. Càng bỏ thời giờ vào việc lòng vòng trong lời lẽ thì càng xa ý kinh, và bản dịch mãi không được hay cho lắm. Cần phải phiên dịch kinh điển một cách sống động và uyển chuyển. Không thể bướng bỉnh chấp theo ý mình. Chỉ miễn sao ý nghĩa của kinh văn được thông suốt là đủ rồi.”

Phiên dịch kinh điển không chỉ dùng sự khéo léo, mà còn rèn luyện và giúp phát triển trí huệ chân chánh, Ngài nói:

“Dẫu là người nào, nếu tự dùng trí huệ chân chánh để phiên dịch Kinh Ðiển thì trí huệ ngày một khai mở, ngày một tăng trưởng. Nếu ngày ngày chuyên tâm chú ý học hành thì trí huệ sẽ được triển khai.”

Ðể bảo đảm việc phiên dịch được chính xác và chân chánh phù hợp với ý Ðức Phật, Ngài thường răn nhắc các đệ tử:

“Phiên dịch kinh điển phải có chánh tri chánh kiến, và nhất định phải chánh trực. Không nên thiên vị hoặc dùng lời hoa mỹ thuận theo nhân tình. Phải quyết định mau mắn và dùng lời xác quyết, cùng có tinh thần phán xét như phán quan (quan tòa). Phải khởi tâm thành khẩn và dùng tri kiến chân thật thâm sâu, cùng có tánh quả quyết. Phải khách quan mà phiên dịch và đừng để bị kẹt trong văn tự chữ nghĩa. Phải dùng trí huệ chứ chẳng dùng mảy may tình cảm mà phiên dịch. Dẫu là lời của ai, nếu nghĩ rằng không chính xác thì phải cứng rắn xét đoán vô tư. Phải vô tình và lạnh lùng để phiên dịch kinh điển. Nếu dùng tình cảm thì sai lạc rồi. Khi phiên dịch, phải hình dung tâm trạng của Phật Thích Ca vào đương thời. Phải tự hỏi: “Tại sao Ðức Phật thuyết Kinh này ? Ngài lúc đó đang nghĩ gì? Ngài có dụng ý gì lúc đó?” Phải vận dụng tư tưởng để nắm rõ đạo lý mà Ðức Phật xiển dương trong bài kinh đó. Làm được như thế thì quí vị sẽ thông đạt diệu nghĩa thâm sâu của lời kinh.”

Theo tài liệu lịch sử, chúng ta đều biết rằng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khuyến khích việc truyền bá những giáo pháp của Ngài bằng các ngôn ngữ của mọi người. Ngài không đồng ý việc những giáo pháp của Ngài được lưu giữ bằng những ngôn ngữ cao siêu được sử dụng bởi các tôn giáo khác đương thời. Ngài muốn ngay cả những người bình thường với một trình độ hiểu biểt trung bình cũng có thể hiểu được những giáo pháp của Ngài. Cũng cùng tinh thần đó, Hoà Thượng Tuyên Hoá khi giải thích Kinh và giảng Pháp, đều cẩn thận sử dụng ngôn ngữ đơn giản.

Những lời giảng giải đã đuợc xuất bản của Hòa Thượng về Kinh điển Phật giáo đều được gọi là “thiển thích” – lời giải nghĩa đơn giản – vì ngài hy vọng rằng dù những người bình thường nhất cũng có thể hiểu được lời giải thích của Ngài. Một lý do khác là những dịch giả phiên dịch những lời giảng của ngài không thông thạo tiếng Trung Hoa đủ để có thể hiểu những lời giải thích khó khăn. Đối với những người Tây Phương ít thông hiểu về Phật Pháp, họ cần những sự giúp đỡ đặc biệt để có thể hiểu được những thuật ngữ Phật Giáo và những từ ngữ tiếng Trung Hoa. Vì vậy những lời thiển thích (giải thích đơn giản) của Ngài là nhắm đến phổ độ chúng sanh, giáo hóa với tầm mức rộng lớn, và hướng dẫn những dịch giả để họ có thể dịch bản văn một cách chính xác. Những lời giảng giải cũng cũng cấp cho những dịch giả những kiến thức cơ bản về Phật Pháp, mà theo đó họ có thể thực hành và phát triển một nền tảng vững chắc.

Có một vài nhà trí thức cho rằng những lời giảng dạy của Ngài quá đơn giản và quá nông cạn. Họ cho rằng những lời của Ngài không đủ tinh tế và thông thái.  Chính Hòa Thượng thường nói: ”Tôi chỉ được đi học chính thức hai năm rưỡi.” Tuy nhiên nếu quý vị cố gắng hiệu đính những lời dạy của ngài, quý vị sẽ nhận ra rằng mặc dù những chữ này có vẻ đơn giản, những chúng truyền đạt ý nghĩa rất chân thực và sâu xa. Những câu của ngài cấu trúc rất chặt chẽ đến nỗi nếu hiệu đính  chúng thì chỉ phá hủy ý nghĩa câu nguyên thủy. Sự uyên bác của ngài về các cổ thư Trung Hoa và kiến thức của ngài về y học, bói toán, chiêm tinh, tướng số, và những thứ khác thực sự vượt hơn nhiều giáo sư đại học. Trong việc giải thích giáo lý Kinh điển, ngài sử dụng ngôn ngữ rất linh động, uyển chuyển và sâu sắc. Một người không có học sẽ không thể có khả năng này. Nói chung, những câu tiếng Anh thì có cấu trúc văn phạm hơn những câu tiếng Trung hoa. Nhưng nhiều người, trong lúc phiên dịch những bài giảng của Ngài, nhận ra rằng những lời dạy của Ngài có cấu trúc rất chặt chẽ và dễ dịch. Thực sự, ngài thường khéo léo áp dụng cấu trúc văn phạm tiếng Anh trong ngôn ngữ tiếng Trung hoa của ngài, giúp cho những đệ tử không thông thạo tiếng Trung Hoa hiểu và dịch lại dễ dàng hơn.

 Dịch Nhanh Sang Anh Ngữ

Những lời của thánh nhân không phải là những điều mà người phàm có thể thấu triệt  được với sự thông hiểu và trí tuệ của họ. Hòa Thượng thường nói, “Tôi không biết bất kỳ một ngôn ngữ nào khác.” Tuy nhiên nhiều lần khi người dịch ráng vận dụng trí não mà vẫn không dịch được hoặc người đó không biết nên dùng chữ nào, thì chúng ta nghe Hòa Thượng tự nhiên nói ra một câu hoặc chữ thích hợp bằng tiếng Anh. Trong lúc đang dịch nhanh sang tiếng Anh các bài giảng của Hòa Thượng, nếu người dịch tình cờ dịch điều gì đó không chính xác, Hòa Thượng sẽ lập tức nắm bắt được và nói với người dịch rằng, “Không”. Khi Hòa Thượng thuyết giảng Kinh Lăng Nghiêm lần đầu tiên, chỉ có bốn hoặc năm người trong thính chúng hiểu tiếng Trung Hoa. Tất cả những người khác đều dựa vào phần dịch tiếng Anh. Người Mỹ thường khó giáo hóa, tuy nhiên, đã từng có lần tất cả các dịch giả đều đình công. Không có cách nào khác, Hòa Thượng đã tự mình dịch.

Hòa Thượng nói rằng: Về căn bản, tôi không biết nói tiếng Anh. Từ việc lắng nghe họ nói, tôi đã nắm bắt một vài câu, và tôi dịch những câu đó. Những gì tôi không thể nhớ, tôi nói họ tự nghiên cứu. Mặc dầu tôi rất ngu si, tôi vẫn có cách của tôi.

Sau khi Ngài tự dịch ngày hôm đó, bốn hay năm dịch giả của ngài đã hoảng hốt và không dám đình công nữa. Chứng kiến Hòa Thượng giảng và tự dịch, họ quyết định rằng đình công là vô ích. Họ không được ích lợi gì. Vì vậy, họ chấm dứt đình công.

Hòa thượng Tuyên Hóa