14938226_1791312164483232_6907735532561974817_n

Điều gì khiến bạn trở thành một phật tử

Không phải quần áo bạn mặc, những nghi lễ bạn thực hành hay thứ thiền định bạn tập sẽ khiến bạn trở thành một Phật tử, Ngài Dzongsar Jamyang Khyentse Rinpoche chia sẻ. Không phải những gì bạn ăn hay bạn uống bao nhiêu. Chấp nhận bốn khám phá cơ bản mà Đức Phật đã chứng thực dưới gốc cây bồ đề và nếu thực hành chúng thì bạn có thể gọi mình là một Phật tử.

Một người chỉ trở thành Phật tử nếu anh ta/cô ta chấp nhận bốn chân lý sau:

Tất cả mọi pháp hữu vi đều vô thường
Mọi cảm xúc đều khổ
Vạn vật không tồn tại cố hữu
Niết Bàn vượt ngoài ý niệm

Bốn chân lý này được chính bản thân Đức Phật phát biểu, được gọi là “Tứ Diệu Đế”. Theo truyền thống, “đế” là thứ tựa như dấu hiệu phân biệt để xác định tính xác thực. Vì ích lợi của sự đơn giản và diễn giải, chúng tôi sẽ gọi những phát biểu này là bao gồm cả “đế” và “chân lý”, không nhầm lẫn với bốn chân lý cao quý của Phật giáo, vốn chỉ liên quan đến các phương diện của khổ.

Mặc dù Tứ Diệu Đế được cho là chứa đựng tất cả Phật giáo nhưng nhiều người dường như không muốn nghe về chúng. Trong nhiều trường hợp, nếu không giải thích thêm thì chúng chỉ làm giảm tinh thần và không đem đến nguồn cảm hứng quan tâm thêm nữa. Chủ đề của cuộc trò chuyện sẽ thay đổi và mọi thứ sẽ dừng lại ở đó.

Thông điệp của Tứ Diệu Đế phải được hiểu theo nghĩa đen, không phải nghĩa bóng hay thần bí, và phải được thực hành một cách nghiêm túc. Tứ Diệu Đế không phải là những sắc dụ hay răn dạy. Với một chút chiêm nghiệm, con người nhận thấy rằng, không hề có phẩm hạnh hay nghi thức về Tứ Diệu Đế; không hề đề cập đến hành vi tốt hay xấu. Chúng là những chân lý thế tục dựa trên sự sáng suốt, và sáng suốt là mối quan tâm chủ đạo của một Phật tử. Phẩm hạnh và đạo đức là thứ yếu. Hút một vài hơi thuốc lá hay lừa dối chút ít mọi người xung quanh không thể ngăn một người trở thành Phật tử. Nói vậy không có nghĩa là chúng ta được phép tàn ác hay vô đạo đức.

Nói chung, sự sáng suốt bắt nguồn từ một tư duy sở hữu những gì mà những tín đồ đạo Phật gọi là “chánh kiến”. Nhưng thậm chí người ta không cần phải xem mình là một Phật tử thì mới có chánh kiến. Cuối cùng thì cái “kiến” này quyết định động cơ và hành động của chúng ta. Đó là cái nhìn hướng dẫn chúng ta trên con đường Phật giáo.

Nếu chúng ta có thể thu nhận những hành vi thiện tính ngoài Tứ Diệu Đế thì nó thậm chí khiến chúng ta còn tốt đẹp hơn những Phật tử. Nhưng, điều gì khiến bạn KHÔNG trở thành một Phật tử?

Nếu bạn không thể chấp nhận mọi pháp hữu vi hoặc nhân tạo là vô thường, nếu bạn tin rằng tồn tại những vật chất hoặc khái niệm thiết yếu là vĩnh viễn, thì bạn không phải là một Phật tử.

Nếu bạn không thể chấp nhận tất cả xúc cảm là khổ, nếu bạn tin rằng chắc chắn tồn tại những cảm xúc là hạnh phúc thực sự, thì bạn không phải là một Phật tử.

Nếu bạn không thể chấp nhận mọi hiện tượng là ảo ảnh và hư vô, nếu bạn tin rằng có những thứ nhất định tồn tại cố hữu, thì bạn không phải là một Phật tử.

Và nếu bạn nghĩ rằng sự giác ngộ tồn tại trong thời gian, trong không gian hay trong quyền uy thì bạn không phải là một Phật tử.

Vậy, điều gì khiến bạn trở thành một Phật tử?

Có thể bạn không được sinh ra trong một quốc gia đạo Phật hay trong một gia đình Phật giáo; có thể bạn không mặc áo choàng hay cạo trọc đầu; có thể bạn ăn thịt hay thần tượng Eminem và Paris Hilton… những điều đó không có nghĩa là bạn không thể trở thành một tín đồ Phật giáo.

Để trở thành một Phật tử, bạn phải chấp nhận rằng mọi hiện tượng hữu vi đều vô thường, tất cả xúc cảm là khổ đau, vạn vật không tồn tại cố hữu và giác ngộ vượt ngoài ý niệm.

Không cần thiết phải liên tục và không ngừng lưu tâm về bốn chân lý này. Nhưng chúng phải trú ngụ trong tư duy bạn. Bạn không cần phải đi vòng quanh cố gắng ghi nhớ tên của chính mình, nhưng khi ai đó hỏi tên, bạn phải nhớ ra nó tức thì. Không một chút nghi ngờ.

Bất cứ ai chấp nhận Tứ Diệu Đế, thậm chí chỉ chấp nhận những giáo huấn của Đức Phật, thậm chí không bao giờ nghe thấy cái tên Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, cũng đều có thể được coi là người bước chung con đường với Ngài.

Đức Dzongsar Jamyang Khyentse Rinpoche 

Việt dịch: Dân Nguyễn

Nguồn: Lion’s Roar

Vài nét về tác giả

Ngài Dzongsar Jamyang Khyentse Rinpoche sinh năm 1961 ở Bhutan, được công nhận là hóa thân thứ hai của đại sư Jamyang Khyentse Wangpo thế kỉ 19.

Ngài đã nghiên cứu và được chứng nhận bởi nhiều bậc đại sư vĩ đại nhất Tây Tạng thế kỉ này, đáng chú ý là hai đại sư đã quá cố Dilgo Khyentse Rinpoche và Dudjom Rinpoche.

Ngài Dzongsar Khyentse Rinpoche phụ trách vị trí truyền thống của mình tại Tu viện Dzongsar tại Đông Tây Tạng cũng như một số các trường mới thành lập ở Ấn Độ và Bhutan.

Ngài  cũng đã thành lập một số trung tâm thiền ở Australia, Nam Mỹ và Viễn Đông.