khenpo-tsultrim-lodro-e5a0aae5b883e68588e8af9ae7bd97e78fa0-66

Sự khác biệt giữa thực hành thế gian và thực hành xuất thế gian

Ngày nay, ở cả Trung Hoa và Tây Tạng, nhiều người tự xem mình là Phật tử, dù là hành giả cư sĩ hay tu sĩ. Họ thường tham gia vào các hoạt động như phóng sinh hay lễ lạy và thực hành năm pháp tu sơ khởi siêu việt. Nhiều người cảm thấy tự hào rằng họ hành trì mỗi ngày. Tuy nhiên, nếu bạn quan sát kỹ lưỡng về động cơ, bạn sẽ thấy rằng một số người thực hành chỉ vì lợi lạc của bản thân trong đời này, chẳng hạn khỏe mạnh, sống lâu hay xua tan chướng ngại trong đời sống. Số khác thì lại hy vọng sẽ có được tái sinh thuận lợi ở cõi trời hay cõi người chỉ bởi họ sợ khổ đau trong ba cõi thấp (địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh). Nhưng bất cứ sự thực hành nào được tiến hành với những động cơ tự lợi như vậy thì giỏi lắm cũng chỉ được xem là một thực hành thế gian.

Hơn thế nữa, chúng ta cũng không nên nghĩ rằng thắp hương và lễ lạy là thế gian, trong khi lắng nghe giáo lý về Trung Đạo hay Đại Viên Mãn mới là xuất thế gian. Sự khác biệt giữa hai điều này không phải chỉ là về hình tướng.

Hãy lấy ví dụ về việc cúng dường đèn bơ lên Tam Bảo. Với cùng đối tượng của sự cúng dường, hành động cúng dường và người cúng dường, việc thực hành sẽ là việc thế gian khi sự xả ly không được sinh khởi và mục đích của sự cúng dường là đạt được những lợi lạc thế gian như mạnh khỏe, trường thọ, thăng tiến công việc, của cải hay tương tự, hoặc để có được một sự tái sinh thuận lợi. Trái lại, cúng dường đèn bơ vì hạnh xả ly chân chính và mong cầu giải thoát khỏi luân hồi sẽ được xem là hiện tượng xuất thế gian. Vì thế, thước đo để phân biệt giữa thế gian với xuất thế gian là liệu họ có từ bỏ những theo đuổi thế gian hay không.

Đại Viên Mãn tự nó được xem là xuất thế gian, nhưng động cơ thực hành hay việc lắng nghe giáo lý của chúng ta có thể biến điều ấy trở thành sự thực hành thế gian. Nếu động cơ của chúng ta là có được lợi lạc trong đời này hay đời sau, thì giáo lý Đại Viên Mãn sẽ không còn là một pháp xuất thế gian khi bước vào dòng tâm thức chúng ta; [và nếu thế thì] Đại Viên Mãn thậm chí còn chẳng phải là một pháp thực hành Đại thừa. Vậy sẽ ra sao? Rốt cuộc lại cũng sẽ chỉ là một pháp thế gian hay một [hình thức] thực hành Đại Viên Mãn thế gian.

Vậy phóng sinh là kiểu thực hành gì? Điều đó cũng phụ thuộc vào động cơ của chúng ta. Cho dù động cơ là để tái sinh trong cõi trời hay cõi người, hoặc tránh đọa vào ba cõi thấp chứ không phải là mạnh khỏe hay trường thọ trong đời này, phóng sinh cũng chỉ là một hoạt động thế gian. Sử dụng động cơ làm tiêu chuẩn, giải phóng sinh vật vì sự giải thoát của chính mình khỏi luân hồi được xem là một thực hành Tiểu thừa xuất thế gian. Nhưng nếu làm thế vì Bồ đề tâm, mong ước đạt Phật quả vì lợi lạc của mọi hữu tình chúng sinh, đó là thực hành Đại thừa xuất thế gian. Kết hợp thực hành Đại thừa với vài tri kiến Kim Cương thừa sẽ khiến phóng sinh trở thành một thực hành Kim Cương thừa.

Vì thế, chúng ta cần cẩn thận kiểm tra và tự hỏi bản thân, “Mục đích của việc nhiều năm tháng tham gia phóng sinh là gì? Có phải mình làm như thế vì lợi lạc của riêng mình?” Nếu mục đích là đạt Phật quả vì lợi lạc của mọi hữu tình chúng sinh, thì không nghi ngờ gì nữa, hành động của chúng ta là một sự thực hành xuất thế gian. Nếu chúng ta giải thoát các sinh vật với hy vọng bản thân được trường thọ hay để đạt được một sự tái sinh làm người mạnh khỏe, sống lâu, hay để vãng sinh về Tịnh Độ của Đức A Di Đà vì lợi lạc bản thân, thì người thụ hưởng thực sự chỉ là chính chúng ta, trong khi [bề ngoài] thì có vẻ như các sinh vật đang được giúp đỡ do bởi các hành động của chúng ta.

Các hành động khác cũng cần được quán sát theo cách này. Liệu khi ta đến một Phật học viện hay những nơi khác để thọ nhận quán đỉnh hay giáo lý Phật Đà là sự thực hành thế gian hay xuất thế gian? Như chúng ta vừa nói, nếu vì lợi lạc của chính chúng ta hoặc để tránh khổ đau vật lý hay tinh thần trong đời này hoặc các đời tương lai, thì đây là một sự thực hành thế gian. Tại sao? Bởi vì hành động của chúng ta đến từ động cơ thế gian. Nói rõ hơn, mọi ý nghĩ và hành động được xem là thế gian nếu chúng có động cơ như vậy.

Còn thực hành xuất thế gian là gì? Chúng ta có thể phân biệt giữa thế gian và xuất thế gian? Các thực hành xuất thế gian nằm ở cả hai truyền thống Đại thừa và Tiểu thừa. Nhiều người thường không biết nhưng thậm chí thực hành Tiểu thừa cũng đòi hỏi hạnh xả ly như một điều kiện tiên quyết. Khi những thiện hạnh được thực hiện vì tâm xả ly đích thực, chúng là sự thực hành xuất thế gian.

Từ “xả ly” ở đây nghĩa là gì? Đầu tiên, xả ly là từ bỏ mọi mối bận tâm thế tục. Nói cách khác, xả ly nghĩa là không có bất cứ bám víu nào với các vấn đề thế gian và đồng thời, biết rõ ràng về bản tính khổ đau của luân hồi. Thứ hai, hành giả cần nỗ lực tìm kiếm sự giải thoát khỏi mọi khổ đau.

Sống cuộc đời “xả ly” như một vị Tăng hay Ni bao hàm ý nghĩa tương tự với việc chúng ta phải để lại nhà cửa ở đằng sau để tìm kiếm giải thoát rốt ráo. Nhà ở đây nghĩa là thế giới thế tục. Sẽ là không phải từ bỏ mọi bám víu thế gian nếu chỉ bước khỏi nhà và khoác lên mình bộ y tu sĩ mà cần phải phát triển cảm giác thực sự chán ghét luân hồi.

Với người thường, vun bồi hạnh xả ly cũng có nghĩa là không thèm muốn những vật thế gian. Ngoại đạo cũng vun bồi hạnh xả ly. Nhiều vị tu sĩ hay tăng lữ phi-Phật giáo cũng không muốn tồn tại trong luân hồi. Họ cũng mong cầu giải thoát. Tuy nhiên, nếu thiếu chính kiến thì điều đó không được xem là xả ly thực sự. Vậy chính kiến là gì?

Đó là sự xác quyết vững chắc về khổ đau là bản chất của luân hồi đến mức người ta không còn nuôi dưỡng bất cứ ham muốn nào về luân hồi và thành tâm mong cầu giải thoát. Cùng lúc, họ cũng cần vun bồi trí tuệ siêu việt, là điều tiềm ẩn trong sự giải thoát rốt ráo. Mong cầu giải thoát một cách mù quáng mà không hiểu được trí tuệ vốn sẵn có thì sẽ không đem đến sự xả ly trọn vẹn. Tứ Diệu Đế của truyền thống Tiểu thừa là một phần của trí tuệ này. Và sự xả ly trọn vẹn đòi hỏi việc thẩm thấu Tứ Diệu Đế.
Khi đã phát triển được sự xả ly chân chính, mọi thiện hạnh mà chúng ta làm sẽ đều là xuất thế gian. A-tì-đạt-ma-câu-xá luận nói rằng hành giả bước vào con đường Tiểu thừa sau khi đã vun bồi thành công hạnh xả ly. Ở đây, bước vào con đường nghĩa là bắt đầu bước đầu tiên trong việc tu học truyền thống Tiểu thừa. Nó cho thấy tầm quan trọng của sự xả ly.

Bốn pháp thực hành sơ khởi phổ thông, tức quán chiếu về tính quý giá của thân người, sự vô thường của các hiện tượng, bản tính khổ đau của luân hồi và nhân quả không sai lầm, là một thực hành rất có lợi cho việc vun bồi sự xả ly. Nhưng có nhiều người được gọi là Phật tử đã miễn cưỡng thực hành các pháp tu sơ khởi, đặc biệt là pháp tu phổ thông này. Thay vào đó, họ muốn bỏ qua tất cả và đi thẳng vào phần thực hành Đại Viên Mãn, Đại Thủ Ấn và những giáo lý sâu xa tương tự. Thành thật mà nói, không riêng gì tu sĩ Tây Tạng, xu hướng này còn phổ biến hơn nhiều với Phật tử cư sĩ Trung Hoa. Đại Viên Mãn và Đại Thủ Ấn thực sự là những pháp tu tối thắng. Điều cần xem xét là liệu chúng ta có đủ căn cơ và tâm thức đã được chuyển hóa một cách thích hợp hay chưa. Chúng ta không thể hy vọng sẽ thành công trong bất cứ sự thực hành nào nếu không thể đưa ra câu trả lời tích cực cho hai câu hỏi này.

Sau đấy, chúng ta có thể sử dụng phương pháp nào để rèn luyện tâm thức? Đó là không nên xem nhẹ bốn pháp thực hành sơ khởi phổ thông và tầm quan trọng của chúng. Nhiều thế kỷ trước, Tôn giả Atisha và nhiều hành giả lỗi lạc khác ở Tây Tạng đạt thành tựu tối thắng chỉ từ việc quán chiếu về thân người quý giá và về vô thường trong suốt cả cuộc đời. Chư vị là những mẫu mực quan trọng và chúng ta cần noi theo. Những ai không sẵn lòng thực hành các pháp tu sơ khởi nhưng lại hy vọng sẽ tiến xa chỉ trong lần thử nghiệm đầu tiên thì sẽ chẳng bao giờ đạt được đích giải thoát cuối cùng, như thể họ bị ngăn không thể đến được đích bởi vô số những ngọn núi [chướng ngại].

Ví dụ sau đây sẽ minh chứng rõ hơn điểm này. Ngày xưa từng có một đạo sư chứng ngộ. Một học trò đến gặp Ngài để thỉnh cầu các chỉ dẫn sâu xa hơn trước khi rời đi. Vị đạo sư nói rằng: “Ta chẳng có giáo lý nào tốt hơn.” Sau khi cúng dường tất cả tài sản lên bậc thầy, anh ta lại cầu khẩn. Vị thầy, cầm tay học trò, nói chân thật: “Con sẽ chết. Ta cũng sẽ chết. Hãy dành thời gian để quán chiếu về điều này. Thầy ta đã dạy ta điều này và đó là điều ta đã thực hành. Thầy ta chẳng trao cho ta giáo lý nào khác, ta cũng chẳng thực hành điều gì khác. Đó là chỉ dẫn then chốt tốt nhất mà ta biết. Bây giờ hãy đi đi và hãy thực hành tinh tấn!”

Nó thực sự đơn giản như vậy đấy. Bạn sẽ chết và tôi cũng sẽ chết. Chúng ta đều biết sự thật không thể tranh cãi này, nhưng dường như cứ cố quên nó đi. Mỗi người chúng ta cần quán chiếu sâu sắc về giáo lý này bởi nếu không, chẳng điều gì sẽ đến từ sự thực hành của chúng ta.

Nhiều người tin chắc rằng điều mà họ thực hành cần có bản tính xuất thế gian. Nhưng làm sao có thể không xuất thế gian cho được nếu họ đang thực hành năm pháp tu sơ khởi siêu việt? Thực sự, năm pháp tu sơ khởi này không chỉ có bản chất của xuất thế gian mà còn là một phần của việc thực hành Đại thừa. Tuy nhiên, chìa khóa ở đây, trong bất kỳ trường hợp nào, là bạn cần phải trưởng dưỡng loại quan điểm nào khi bạn ngồi xuống thực hành các pháp tu sơ khởi này. Mặc dù chưa chắc gì chúng ta đang thực hành chỉ là vì lợi lạc cho riêng đời này, nhưng cũng rất có thể chúng ta thực hành những pháp tu này chỉ là để tránh đọa địa ngục. Nếu động cơ không phải là mong cầu giải thoát vì lợi lạc của mọi hữu tình chúng sinh, thì thực hành năm pháp tu sơ khởi sẽ được xem là thế gian chứ không phải xuất thế gian. Trong trường hợp đó, sẽ chẳng có ý nghĩa gì khi thực hành năm pháp tu sơ khởi này. Chúng ta đều biết rằng trì tụng thần chú một cách miên mật và lễ lạy năm vóc đòi hỏi nhiều nỗ lực về tinh thần và thể chất. Cuối cùng, nếu kết quả của sự hành trì được xem là không tương xứng với các nguyên tắc của truyền thống Kim Cương thừa, Đại thừa hay Tiểu thừa, mà lại được xếp vào kiểu thế gian, thì điều đó thật đáng tiếc.

Nhiều người chúng ta đã thọ nhận quán đỉnh từ đại tôn sư Kyabje Khenpo Jigme Phuntsok Rinpoche và có được phước báu nghiên cứu nhiều giáo lý quý báu của Đức Phật. Đây không phải chỉ là những sự gặp gỡ thông thường. Nếu chúng ta lại để sự gặp gỡ ấy trở thành những vấn đề thế tục tầm thường, chúng sẽ chẳng hữu ích trên hành trình giải thoát. Cho dù chúng ta xoay sở để có được chút lợi lạc nhờ những cuộc gặp gỡ như vậy, là điều có thể tạm thời làm thỏa mãn những mong mỏi thế gian của chúng ta, nhưng mặt khác, giải thoát sẽ bị ta đánh mất mãi mãi. Điều đó thật đáng tiếc, phải vậy không? Vì thế, hãy ghi nhớ trong tâm sự quý giá của thân người này. Đừng lãng phí đời này trong sự thờ ơ và ngu dốt và bỏ lỡ một cơ hội giải thoát khỏi luân hồi. Để đạt được thành công, trước hết chúng ta cần bắt đầu bằng việc vun bồi sự xả ly. Không thể làm vậy thì thiền định hay trì tụng thần chú cũng chẳng thể được xem là hiện tượng xuất thế gian mà nhờ đó ta có thể đạt được giải thoát rốt ráo. Điều này là cực kỳ quan trọng!

Sự xả ly là điều kiện tiên quyết của Bồ đề tâm. Không có sự xả ly trọn vẹn, Bồ đề tâm chân chính sẽ chẳng bao giờ sinh khởi.

Khenpo Tsultrim Lodro
Trích tác phẩm: Tri kiến đúng đắn: Biến người tin thành Bồ tát”