怀业祈祷文2

Wang Dü: “Đám Mây Ban Tặng Đại Ân Phước” – Bài Cầu Nguyện Tự Tại Nhiếp Thọ Vạn Pháp


Từ cung điện Đại Lạc Tự Tại rực rỡ
Thân Trí Tuệ quán chiếu rõ Lạc và Không.
Trên hoa sen tự tính đại lạc vô dục
Mặt trời Kim Cương tỏa sáng khắp nơi nơi.
Pháp thân Vô Lượng Quang Phật – Kim Cương Pháp,
Báo thân Quan Âm Thế Gian Tự Tại Tôn,
Ngự giá Luân-Niết, Hóa Thân Liên Hoa Vương,
Điều phục ba cõi, Uy Hùng Hê-ru-ka,
Mật Huệ Phật Mẫu, Kim Cương Hợi Mẫu Tôn,
Thắng Lạc Diệu Dục Minh Vương – kho đại lạc,
Nhiếp tâm chúng sinh – Tác Minh Phật Mẫu Tôn,
Thủ ấn Thắng-Thường múa Lạc Không tự tại
Tác Lực Kim Cương Dũng Sĩ, Không Hành chúng,
Trong tính bình đẳng rộng lớn, hiện Hiển Không,
Thân Kim Cương nhảy múa chấn động tam giới,
Ngữ vô ngại mỉm cười dội vang ba cõi,
Hồng quang tỏa khắp luân hồi và Niết bàn
Gom góp tinh hoa vạn pháp tụ tập lại
Nương nhờ niềm vui của kim cương đại dục,
Ban tặng hai loại thành tựu cho người cầu,
Khéo buộc chúng sinh vào trong đại an lạc
Bằng móc kim cương và dây quyến sách lớn.
Trước Ba Cội Gốc – Tập hội đầy quyền uy,
Những bậc nhảy múa trong huyễn ảo bất tận,
Nhiều như hạt mè nảy mầm, mời an tọa.
Chí thành cung kính cầu xin ban phước lành,
Tất cả mong cầu thông thường và tối thắng,
Đều được thành tựu tự tại vô chướng ngại!”[1]

Wangdu

1. Phần Mở Đầu

Hôm nay, tôi sẽ giảng dạy về Wang Dü: “Đám Mây Ban Tặng Đại Ân Phước” – Bài Cầu Nguyện Tự Tại Nhiếp Thọ Vạn Pháp. Lý do tôi chọn bản văn này để giảng dạy là bởi tháng Sáu vừa qua, khi chiêm bái Ngũ Đài Sơn, tôi không chỉ phát nguyện trì tụng 10000 lần bản văn này mà còn hứa sẽ giảng dạy nó. Mặc dù bài cầu nguyện này ngắn gọn và chỉ gồm 7 đoạn, nội dung của nó rất tuyệt vời.

Bên cạnh đó, rất nhiều Pháp hữu của tôi đã trì tụng bản văn này trong nhiều thập niên nhưng vẫn chưa hiểu trọn vẹn ý nghĩa. Đấy là lý do khiến tôi thấy cần phải giải thích ý nghĩa của bản văn.

Wang Dü là thực hành của Phật giáo Mật tông. Thông thường, điều kiện tiên quyết để thọ nhận giáo lý này là một quán đỉnh. Nhưng bởi nó là một bản văn cầu nguyện và không chứa đựng các chỉ dẫn rõ ràng của pháp tu bí mật, hơn thế nữa bởi nhiều người Tây Tạng, Trung Hoa và các nơi khác vốn đã trì tụng, tôi nghĩ chẳng có nguy hại gì khi các bạn lắng nghe giáo lý này. Vì vậy, tôi cho phép những ai chưa bao giờ thọ quán đỉnh được phép thọ nhận giáo lý này nếu các bạn hứa trì tụng 10000 lần Mật chú Kim Cương Tát Đỏa.

Do Mipham Rinpoche soạn, Wang Dü là một bản văn siêu phàm. Nó có hai tác dụng chính: bên ngoài và bên trong. Về cấp độ bên ngoài, người ta đạt được khả năng giải thoát hữu tình chúng sinh; trong khi về cấp độ bên trong, nhờ việc nương tựa vào bản văn này, hành giả có thể kiểm soát các ý niệm lan man, và như thế, đạt được sự kiểm soát vô ngại về thân và tâm.

2. Ý nghĩa bên ngoài

Là một người đã phát khởi Bồ đề tâm, bạn cần nỗ lực hết mình vì hạnh phúc của hữu tình chúng sinh. Tuy nhiên, điều này không hề dễ dàng và thực sự, nếu hoàn toàn dựa vào khả năng của bản thân, điều đó khá khó. Một mặt, bản thân chúng ta cần tinh tấn, mặt khác, chúng ta cần cầu nguyện ân phước gia trì của chư Bổn tôn, Không Hành Nữ và Hộ Pháp.

Đôi khi, ảnh hưởng của chư Bổn tôn còn quan trọng hơn nỗ lực của bản thân. Dĩ nhiên, những người vô thần có thể không đồng ý với tôi về điểm này, bởi họ tin rằng, nguồn gốc của thành công phụ thuộc vào sự chăm chỉ của bản thân chứ chẳng phải điều gì khác. Trong khi sự thật là nỗ lực của bản thân thì rất quan trọng, chúng ta cũng cần những ngoại duyên thuận lợi. Chỉ khi các điều kiện bên trong và ngoài hòa hợp, thành công mới xảy đến.

Vài người cho rằng, hoằng dương Giáo Pháp và làm lợi lạc hữu tình chúng sinh là một Phật sự lớn lao đến mức nỗ lực của mỗi cá nhân bình phàm chẳng thể tạo ra sự khác biệt; đó không phải lối suy nghĩ đúng đắn. Mặc dù các hoạt động làm lợi lạc tha nhân của bạn có thể không có tác động lớn lao trong đời này, nếu bạn chuyên cần trì tụng Wang Dü, nó có thể trở thành nguồn gốc nghiệp tuyệt vời cho lợi lạc của hữu tình chúng sinh trong đời tiếp theo của bạn.

Ở Larung, Wang Dü là Giáo Pháp rất được trân trọng. Mỗi Pháp hội hay buổi giảng đều bắt đầu bằng việc trì tụng bài cầu nguyện này. Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche từng nói, “Nếu thầy và các bậc trì giữ truyền thừa của thầy trong tương lai muốn làm lợi lạc hữu tình chúng sinh trong suốt các đời tương lai, trì tụng bài cầu nguyện này là phương pháp hữu hiệu nhất”. Để tạo ra thuận duyên cho các học trò trong việc làm lợi lạc tha nhân, Kyabje Rinpoche đã cúng dường chư Tăng để chư vị trì tụng Wang Dü 3 lần mỗi ngày. Điều này sau đấy được tăng lên 5 lần. Sau khi Kyabje Rinpoche viên tịch, Lama Mumtso cũng dâng cúng Tăng chúng để tiếp tục việc trì tụng.

Bản văn này không chỉ phổ biến ở Larung. Thậm chí bên ngoài Học viện, chúng ta cũng thường thấy những người Tây Tạng già, tóc bạc và rụng răng, không biết về nghi quỹ đơn giản nhất, trì tụng Wang Dü trôi chảy và thành tâm. Điều này chắc chắn là dấu hiệu thành công của pháp kính ái! Mặc dù chúng ta chưa bao giờ nỗ lực để xiển dương bài cầu nguyện này, nó tự nhiên phát triển và được trì tụng bởi những hành giả trong và ngoài nước.

3. Ý nghĩa bên trong

Nhờ trì tụng bài cầu nguyện này, chúng ta có thể kiểm soát vô ngại thân và tâm. Về tinh túy, mọi phiền não của hữu tình chúng sinh đến từ sự thật là chúng ta không làm chủ thân và tâm mình. Không có năng lực kiểm soát các ý niệm miên man là thứ khiến tâm thức của mọi chúng sinh trong luân hồi bị xáo trộn bởi mọi hoàn cảnh thường thay đổi, vì thế, tạo ra vô vàn khổ đau. Nếu thường xuyên trì tụng bài cầu nguyện này, chúng ta sẽ điều khiển được tâm mình và cuối cùng có thể hiểu được bản tính của nó. Sau đó, những phiền toái về tâm sẽ ngừng lại và chúng ta sẽ có thể làm chủ được mọi hiện tượng bên ngoài.

Lời cầu nguyện này cũng có thể xua tan chướng ngại. Trưa nay, tôi đọc được thông báo sau, “Bởi Larung hiện đang thiếu nước, một tài xế từ Serta đã tình nguyện chuyển nước đến cho chúng ta. Để ông ấy thành công không gặp chướng ngại, hãy cùng nhau trì tụng Wang Dü”.

Dù bạn thực hành gì, điều kiện thích hợp cho duyên khởi thì rất quan trọng. Nếu bạn xem xét các điều kiện, bạn sẽ thấy Thung lũng Larung là nơi mà hoạt động kính ái dễ dàng thành tựu. Một vị Terton [Khai Mật Tạng] từng tiên đoán với Kyabje Rinpoche rằng:

Bông sen nở trong thung lũng của sự nghiệp kính ái,
Con đại bàng lông vàng Loro bay liệng trên trời.
Tiếng chim vang dội khắp mười phương,
Tất cả chim muông đều tụ tập bên dưới.

“Bông sen nở trong thung lũng của sự nghiệp kính ái” ám chỉ Larung, vùng thung lũng mà những đỉnh núi tạo thành hình bông sen nở; “con đại bàng lông vàng” biểu tượng cho Kyabje Rinpoche, người sinh vào năm Dậu; “tất cả chim muông” liên quan đến các học trò của Ngài. Lời tiên đoán này rất chính xác về thung lũng Larung, địa điểm thích hợp để thực hành kính ái Pháp.

Cá nhân tôi cảm thấy rất yêu thích hoạt động kính ái. Năm 1985, khi tôi mới đến Larung, Pháp hội đầu tiên mà tôi tham dự là Pháp Hội Trì Minh Vương, khi ấy được gọi là Pháp Hội Chín Bổn Tôn. Có một lý do đặc biệt khiến tên gọi của Pháp hội được thay đổi. Năm 1995, nhiều vị Tăng và Ni vân tập ở Larung để tham dự Pháp hội. Lúc ấy, Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche tuyên bố rằng, “Pháp hội này không chỉ được tham dự bởi chư Tăng và Ni của cõi người; nhiều vị Trì Minh Vương từ các Phật quốc khác nhau cũng đến tham dự. Chư vị vân tập về đây, tổng cộng 100000 vị Trì Minh Vương nhân và phi-nhân. Vì lý do này, Pháp hội này cần được gọi là ‘Pháp Hội Một Trăm Nghìn Trì Minh Vương’.”. Từ đó trở về sau, Pháp Hội Chín Bổn Tôn được gọi là Pháp Hội Một Trăm Nghìn Trì Minh Vương.

Tôi luôn có niềm tin lớn lao dành cho sự kiện thường niên này. Trong quá khứ, tôi chưa từng bỏ lỡ Pháp hội nào. Gần đây, tôi thường đi giảng dạy ở nơi khác vì thế hay vắng mặt. Mặc dù vậy, nếu được biết, tôi thường buồn bã mỗi lần phải bỏ lỡ Pháp hội này. Có nhiều người giống như tôi, họ có niềm tin tưởng với sự nghiệp kính ái. Bởi Larung sẽ lại chủ trì Pháp Hội Một Trăm Nghìn Trì Minh Vương, có nhiều người đang tinh tấn trì tụng Nghi Quỹ Chín Bổn Tôn. Với những vị không sống ở Larung, mặc dù muốn tham dự, nhưng không biết trì tụng Nghi Quỹ Chín Bổn Tôn, hãy trì tụng Wang Dü hoặc Mật chú của Chín Bổn tôn.

Thực sự, thực hành kính ái đặc biệt quan trọng với những người đang sống giữa thế gian. Trên thế gian này, người ta gặp phải các vấn đề về những mối quan hệ, tiền bạc và địa vị xã hội và vì thế, có nhiều khổ đau và bất hạnh trong trái tim họ. Nếu có thể thực hành kính ái và thọ nhận ân phước gia trì của chư Bổn tôn, Không Hành Nữ và Hộ Pháp của các hoạt động kính ái, bạn sẽ thấy rằng thân và tâm dần dần được kiểm soát và các vấn đề sẽ trở nên tốt đẹp hơn.

4. Tựa đề

Wang Dü là viết tắt của “Wang Dü: ‘Đám Mây Ban Tặng Đại Ân Phước’ – Bài Cầu Nguyện Tự Tại Nhiếp Thọ Vạn Pháp”. Mục đích của bài cầu nguyện này là gì? Đó là để thành tựu hoạt động kính ái. Ai là người đang cầu nguyện? Họ là những người muốn thành tựu hoạt động kính ái. Bài cầu nguyện này hướng đến ai? Chín Bổn tôn và đại dương những bậc tôn quý của Tam Gốc.

5. Bốn hoạt động

Trong Phật giáo Kim Cương thừa, có bốn kiểu hoạt động: tức tai, tăng ích, kính ái và hàng phục. Điều kiện tiên quyết để thành tựu các hoạt động này là đạt được một sự thành công nhất định trong việc tu tập Phật Pháp của bản thân.

5.1 Tức tai
Tiêu trừ bệnh tật, chướng cản và ác nghiệp của bản thân và người khác. Thực hành Kim Cương Tát Đỏa mà các bạn đã quen thuộc là một hoạt động tức tai. Nhờ thực hành tịnh hóa Kim Cương Tát Đỏa, người ta có thể đẩy lùi mọi ác nghiệp đã tích lũy từ vô thủy.

5.2 Tăng ích
Tăng cường danh tiếng, của cải, địa vị xã hội, trí tuệ và những thứ khác. Có nhiều Pháp tu tăng ích khác nhau. Những người muốn thông tuệ có thể hành trì Văn Thù Sư Lợi, những người muốn bi mẫn hơn có thể thực hành Quán Thế Âm và những người muốn nhiều của cải có thể thực hành chư Bổn tôn tài bảo.

5.3 Kính ái
Nghĩa là đầu tiên làm chủ hoàn toàn thân và tâm, sau đấy sở hữu sức mạnh hấp dẫn và thu phục cả nhân và phi nhân.

Vài người gặp phải khó khăn, dù họ đi đâu. Họ xung đột với cha mẹ, loài phi nhân tìm cách làm hại họ; thậm chí con chó bên đường cũng sủa với họ. Thực sự, tất cả những bất thuận hòa bên ngoài này về cơ bản đều vì thiếu sự kiểm soát thân và tâm. Nếu chúng ta có thể thực hành hoạt động kính ái, chúng ta có thể làm chủ thân và tâm và nhờ đó có thể làm chủ mọi điều kiện bên ngoài.

Tôi chưa bao giờ nghi ngờ sức mạnh của sự kính ái. Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche là tấm gương hoàn hảo về một bậc kiểm soát sức mạnh này. Ngài đã chấn hưng Giáo Pháp sau thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa. Trong thời kỳ đen tối đó, Kyabje Rinpoche đã làm được điều mà nhiều người không thể. Ngài giương cao Pháp tràng trong cõi Nam Thiệm Bộ Châu bằng cách nương tựa sức mạnh kính ái.

Với những người muốn hoằng dương Thánh Pháp nhằm đem lại lợi lạc cho hữu tình chúng sinh, thành tựu hoạt động kính ái là điều rất quan trọng. Nếu không, dù bạn nỗ lực lớn thế nào, người ta cũng sẽ thờ ơ với bạn. Nếu bạn đã hoàn thiện các hoạt động kính ái, những nỗ lực sẽ kết hợp với sức mạnh của chư Bổn tôn kính ái và có thể thúc đẩy các hoạt động, dù cho bạn chỉ là một người bình thường. Với sự giúp đỡ của hoạt động kính ái, bạn không cần nỗ lực phi phàm, bạn cũng chẳng cần cầu xin người khác quy y Tam Bảo hay thọ Bồ Tát giới.

Hoạt động kính ái thậm chí còn có ảnh hưởng tích cực trong đời sống hàng ngày. Kyabje Rinpoche từng nói: “Bên cạnh việc làm lợi lạc hữu tình chúng sinh, những vị thành tựu hoạt động kính ái sẽ cải thiện cuộc đời của chính họ”. Khi bạn thấy bản thân gặp phải những khó khăn về tài chính và mỗi ngày, bạn phải vay mượn tiền bạc, từ hết người này đến người khác. Thậm chí đến mức người khác tránh bạn vì sợ phải cho bạn mượn tiền, đó là thời điểm tốt để bắt đầu thực hành kính ái. Khi bạn thành tựu hoạt động kính ái, bạn sẽ không còn thấy mình trong kiểu hoàn cảnh này nữa.

5.4 Hàng phục
Khi một người hoàn thiện sức mạnh đến từ lòng đại bi và thoát khỏi sợi dây cuối cùng của sự ích kỷ, anh ta thậm chí có thể chuyển di thần thức của những kẻ man rợ đến cõi Tịnh độ nhờ thực hành chư Bổn tôn phẫn nộ như Mã Đầu Minh Vương, Phổ Ba Kim Cương.

Bề ngoài, việc hàng phục trông như thể sát sinh, nhưng hai hành động này hoàn toàn khác biệt. Sát sinh là hành động ác độc làm hại hữu tình chúng sinh, trong khi hàng phục là phương tiện thiện xảo để làm lợi lạc họ.

Nếu bạn không hiểu về Phật giáo Kim Cương thừa, hay nếu bạn có thành kiến với nó, thật khó để chấp nhận những hoạt động Mật thừa này. Từ quan điểm của một người như vậy, đó là một phản ứng hoàn toàn bình thường. Giống như ánh mặt trời không thể chạm tới hang động hướng về phương Bắc, một người không có niềm tin không bao giờ nhận được ân phước gia trì của Kim Cương thừa.

Tiêu đề phụ của bài cầu nguyện này là ‘đám mây ban tặng đại ân phước’. Đây là phần miêu tả về cách thức ân phước của Tam Gốc sẽ tuôn xuống giống như những đám mây mùa hạ và đem lại dòng chảy thành tựu (Siddhi) không gián đoạn cho những kẻ chí thành tụng đọc.

Những người nhất tâm tụng đọc Wang Dü không chỉ nhận được ân phước gia trì từ Tam Gốc mà còn tạo kết nối với Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche, người đã hứa rằng, ngay cả sau khi đã qua đời, Ngài sẽ không từ bỏ những học trò có kết nối nghiệp với Ngài. Những người tụng Wang Dü, dù cho họ chưa từng gặp hay nghe Kyabje Rinpoche thực sự, vẫn được xem là học trò của Ngài và sẽ nằm trong tầm ảnh hưởng của Ngài.

Ân phước gia trì của Kyabje Rinpoche vô cùng lớn lao. Sáng nay trong Pháp hội này, khi tôi đang trì tụng nghi quỹ, tôi nhớ lại quyết định đến Larung và nhận ra rằng điều đó đến từ ân phước gia trì của Kyabje Rinpoche. Tôi thậm chí còn chưa tốt nghiệp, nhưng với một lý do không thể giải thích được, tôi cảm thấy một sự thôi thúc không thể đảo ngược rằng tôi phải đến Larung và tu học Phật Pháp. Tôi như thể bị kéo đi bởi sức mạnh không thể kiểm soát.

Sự thật rằng Giáo Pháp đã đạt được sự phát triển như vậy ở Larung cũng đều nhờ ân phước gia trì của Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche. Mọi người từ các tu viện khác đã nỗ lực để xiển dương Thánh Pháp bởi lòng bi mẫn, nhưng hoạt động của chư vị chưa bao giờ thực sự hữu hiệu. Ở Larung thì không phải vậy. Chúng ta biết rằng, Kyabje Rinpoche là vị tái sinh của Tôn giả Dorje Dudjom, một thành tựu giả vĩ đại, người đã thành tựu hoạt động kính ái. Khi bậc thầy vĩ đại vẫn còn sống và thậm chí sau khi Ngài qua đời, Larung vẫn tiếp tục là một địa điểm linh thiêng của Giáo Pháp.

Tôi thường nghĩ rằng khi Kyabje Rinpoche qua đời, tôi sẽ chẳng còn muốn sống tại Larung nữa; không có Kyabje Rinpoche, Larung giống như vùng đất của sự đổ nát. Tôi cho rằng thậm chí nếu vài người còn lưu lại, số lượng cũng sẽ rất ít. Tôi chưa bao giờ nghi ngờ rằng nhờ sức ảnh hưởng đầy từ ái của Kyabje Rinpoche, nhiều Phật tử sẽ cùng nhau ở lại Larung, hoặc Larung sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong Phật giáo đương thời.

Đây không phải một sự cường điệu. Mipham Rinpoche dạy rằng đừng bao giờ sử dụng những lời không chân thật, cho dù chủ đề tán dương là bậc thầy gốc của bạn. Với những người sống trong xã hội thế tục, nói sự thật là một phẩm tính quan trọng và điều này còn quan trọng hơn nữa với những người tận tụy với thực hành Phật giáo.

Trong suốt cuộc đời, Kyabje Rinpoche luôn xem trọng Wang Dü. Bất kể thánh địa nào mà Ngài viếng thăm, Ngài sẽ trì tụng bài cầu nguyện này ít nhất ba lần. Tôi cũng trì tụng bài cầu nguyện này khi đi hành hương hoặc khi nào tôi thấy một bức tượng Phật tôn quý. Nếu tôi không có thời gian trì tụng một lời đại nguyện dài hơn, tôi sẽ trì tụng bài cầu nguyện này ít nhất ba lần. Tôi hy vọng các bạn đều hiểu tầm quan trọng của Wang Dü và xem nó là điều mà bạn sẽ tiếp tục thực hành trong suốt cuộc đời.

6. OM AH HUM HRIH

‘Om Ah Hum’ là Mật chú phổ quát của chư Phật ba thời. ‘Om’ đại diện cho thân kim cương của chư Phật ba đời, ‘Ah’ đại diện cho khẩu kim cương và ‘Hum’ đại diện cho ý kim cương. Vì thế, nhờ trì tụng ‘Om Ah Hum’, bạn thọ nhận ân phước gia trì của tất thảy chư Phật. Trong ‘Công Đức Một Trăm Mật Chú’, Mipham Rinpoche đã giải thích chi tiết công đức của ‘Om Ah Hum’.

‘Hrih’ là chủng tự gốc cho chư Bổn tôn Liên Hoa Bộ. Bởi bài cầu nguyện này liên quan đến chư Bổn tôn của Liên Hoa Bộ, chủ yếu bao gồm Chín Bổn Tôn Căn Bản, chúng ta cần trì tụng ‘Hrih’.

Mật chú là phương tiện vô song mà chư Phật và Bồ Tát dùng để cứu độ chúng sinh. Bất cứ Mật chú Phật giáo nào bạn trì tụng, bạn lập tức được đem vào tầm ảnh hưởng của Bổn tôn tương ứng. Trong khi sự thật là về mặt tuyệt đối, bản tính nguyên sơ của chư Phật và Bồ Tát vượt khỏi quan niệm và hình tướng, ở khía cạnh tương đối, khi hữu tình chúng sinh trì tụng Mật chú với lòng sùng mộ, chư Phật và Bồ Tát sẽ giáng hạ và xuất hiện trước họ. Điều này giống như khi một đứa bé khóc gọi mẹ, người mẹ sẽ nhanh chóng đến giúp đỡ. Và khi trì tụng ‘Om Ah Hum Hrih’ với sự tinh tấn, nhìn chung, chúng ta sẽ thọ nhận ân phước gia trì của tất cả chư Phật và Bồ Tát và đặc biệt chúng ta thọ nhận ân phước của Chín Bổn Tôn Căn Bản của Liên Hoa Bộ cùng đoàn tùy tùng quyến thuộc.

Có nhiều quan điểm khác nhau về chín Bổn tôn của hoạt động kính ái. Wang Dü do Mipham Rinpoche biên soạn, giới thiệu một trong số đó. Nghi quỹ chúng ta trì tụng trong Pháp Hội Trì Minh Vương, một bản văn kho tàng mà Tổ Liên Hoa Sinh để lại cho chúng ta là một quan điểm khác. Trong hai thực hành này, phần miêu tả chín Bổn tôn hơi khác biệt. Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche đã yêu cầu một họa sĩ vẽ chín Bổn tôn theo những miêu tả trong Wang Dü. Chúng được sao chép và phân phát cho mọi người ở đây. Trong bức tranh, phần giữa phía trên là Pháp thân Phật Vô Lượng Quang (Amitabha), tương đương với Phổ Hiền Như Lai nhưng có sự khác biệt là Đức Phổ Hiền có màu xanh dương trong khi Phật Vô Lượng Quang có màu đỏ. Ngay phía dưới Ngài là Báo thân Phật Kim Cương Pháp (Vajradharma), tương đương với Kim Cương Trì (Vajradhara). Bên dưới Kim Cương Pháp là Hóa thân Phật Liên Hoa Vương (Padma Gyalpo), một hóa thân của Đức Liên Hoa Sinh. Bên trái, trên cùng là Quán Thế Âm (Avalokiteshvara) đỏ; bên dưới là Mật Huệ Phật Mẫu (Guhyajñāna) và dưới nữa là Tác Minh Phật Mẫu (Kurukullā). Bên phải của Đức Liên Hoa Sinh là Mã Đầu Minh Vương (Hayagriva), phía dưới là Kim Cương Hợi Mẫu (Vajravarahi) và Đại Tự Tại Thiên (Mahadeva).

Tôi khuyên các bạn hãy đặt bức hình này trên bàn thờ. Qua thời gian, bạn chắc chắn sẽ nhận được sự gia trì từ chư Bổn tôn. Tuy nhiên, điều này chỉ áp dụng với hành giả Kim Cương thừa. Những người không hiểu nhiều về Kim Cương thừa có thể phát triển các cảm xúc thù ghét với những hình tượng Phật này. Mặc dù không có hình ảnh về chư Bổn tôn đôi hợp nhất, trong bức hình có những vị chỉ đeo trang sức xương.

Điều quan trọng cần phải nhắc đến là nếu bạn tiếp cận Chín Bổn tôn Kính ái với niềm hoan hỷ, sẽ dễ dàng hơn để hòa nhập. Nghi quỹ mà Pháp Hội Trăm Nghìn Trì Minh Vương trì tụng nói rằng, “Hãy thực hành với tâm thức thanh tịnh và hoan hỷ”. Một cách tự nhiên, thậm chí trong lúc tâm trạng không tốt, trì tụng Wang Dü và thọ nhận ân phước gia trì của chín vị Bổn tôn sẽ cải thiện tinh thần. Vài người bắt đầu Pháp hội với vẻ mặt buồn bã nhưng sau khi tụng Wang Dü vài lần, khuôn mặt của họ không còn dấu hiệu của cảm xúc tiêu cực, giọng tụng trở nên lớn và rõ hơn và thậm chí kinh luân cũng quay nhanh hơn.

7. Những công đức của chư Bổn tôn Kính ái

Từ cung điện Đại Lạc Tự Tại rực rỡ
Thân Trí Tuệ quán chiếu rõ Lạc và Không.
Trên hoa sen tự tính đại lạc vô dục
Mặt trời Kim Cương tỏa sáng khắp nơi nơi.

Đoạn này tóm lược phẩm tính của chư Bổn tôn kính ái. Những miêu tả có thể áp dụng cho mỗi vị Bổn tôn được giới thiệu trong bản văn sau.

“Cung điện Đại Lạc Tự Tại rực rỡ” là cõi giới của chư Bổn tôn kính ái. “Đại Lạc” không phải là hỷ lạc theo cách hiểu thông thường. Nó là trí tuệ vô cấu nhiễm, vượt khỏi mọi lập luận lan man. Về hình tướng, những vị Bổn tôn này an trú trong cung điện kính ái, rực rỡ với ngọn lửa của trí tuệ hỷ lạc.

Những nơi cư ngụ của chư Phật có thể được phân chia thành ba kiểu: cung điện Pháp thân, cung điện Báo thân và cung điện Hóa thân, tương ứng với ba thân của Phật. Cung điện Pháp thân thực sự là trí tuệ, thứ tự nó nằm ngoài sự diễn tả, vượt khỏi mọi nhị nguyên, phương hướng, ngôn ngữ và ý nghĩ. Cung điện Báo thân là cung điện vô biên trong cõi Tịnh độ Báo thân. Mật điển Guhyagarbha nói rằng cung điện vô biên này có năm kiểu phẩm tính oai hùng và không thể được nhìn thấy bằng mắt người. Nó chỉ có thể được thấy bởi những bậc thánh đã đạt từ địa thứ nhất trở lên. Cung điện Hóa thân là cung điện trong cõi thanh tịnh rõ ràng. Các thiện hạnh của nó là hữu hình với con người bình phàm, người mà dòng tâm thức không vị vấy bẩn. Cung điện Vô Biên Của Tịnh Độ A Di Đà là một ví dụ về cung điện Hóa thân.

“Thân trí tuệ quán chiếu rõ lạc và không” liên quan đến hình tướng căn bản của chư Bổn tôn kính ái. Lạc, mà đặc biệt hơn, đại lạc bất biến, là chủ thể của đoạn kệ này. Mặt khác, tính không sâu xa là đối tượng. Chư Bổn tôn kính ái đã hoàn toàn chứng ngộ sự bất nhị của chủ thể và đối tượng, lạc và không. Chư vị an trụ trong trạng thái không thể nghĩ bàn, chuyển hóa một cách không thể đảo ngược ham muốn và tham luyến thành trí tuệ phân biệt [Diệu Quán Sát Trí].

Trí tuệ phân biệt là một trong năm trí tuệ [ngũ trí] của chư Phật. Nhờ nương tựa trí tuệ phân biệt này, chư Bổn tôn kính ái có thể nhìn nhận mọi hiện tượng bằng sự nhận biết hoàn hảo và chuẩn xác. Hiển nhiên, chư Bổn tôn kính ái sở hữu các phẩm tính của năm kiểu trí tuệ của Phật, nhưng lời cầu nguyện này đặc biệt tiếp cận nó từ trí tuệ của sự phân biệt hoàn hảo.

“Trên hoa sen tự tính đại lạc vô dục”. Dòng này nói với chúng ta gia đình Phật mà chư Bổn tôn kính ái thuộc về. Trong Pháp giới, mỗi vị Phật thuộc về một gia đình Phật [bộ] đặc biệt. Chư Phật của Phương Đông thuộc về Kim Cương Bộ; chư Phật của Phương Nam thuộc về Bảo Sinh Bộ; chư Phật của Phương Tây thuộc về Liên Hoa Bộ; chư Phật ở Phương Bắc thuộc về Sự Nghiệp Bộ; và chư Phật trung tâm thuộc về Thiện Thệ Bộ. Chư Bổn tôn kính ái thuộc về Liên Hoa Bộ ở Phương Tây.

Các đặc điểm chung của Liên Hoa Bộ là chư vị có màu đỏ và an trụ ở phương Tây, hay đặc biệt hơn, ở cõi Cực Lạc. Vì lý do này, Kyabje Rinpoche thường nói: “Với những vị mong muốn tái sinh về Cực Lạc, dù từ quan điểm của Nền Tảng, Con Đường hay Kết Quả, thực hành này (Wang Dü) rất thích hợp”.

Tại sao gia đình Phật này lại được gọi là Liên Hoa? Nó được đặt tên theo biểu tượng mà nó đại diện. Giống như hoa sen mọc lên từ bùn nhưng không bị vấy bẩn mà vẫn thuần khiết, các vị Phật trong Liên Hoa Bộ xuất hiện là chan chứa ham muốn nhưng chư vị thoát khỏi sự ép buộc của ham muốn, hiển bày trí tuệ thanh tịnh của đại lạc. Đó là lý do Liên Hoa là tên gọi mang tính ẩn dụ của chư Bổn tôn thuộc gia đình Phật này.

Nhìn chung, màu sắc mang tính biểu tượng của Liên Hoa Bộ là đỏ. Đây là lý do mà các Pháp khí được sử dụng để thực hành kính ái thường là màu đỏ. Trước đây, tôi kêu gọi mọi người trì tụng Wang Dü. Tôi cũng đề nghị mọi người sử dụng chuỗi hạt màu đỏ. Bây giờ, mọi người đã phát triển một quan kiến sáng suốt không cần sử dụng hơn một chuỗi hạt. Nhưng trong những trường hợp nhất định, một Pháp khí riêng có thể làm khởi lên duyên khởi cát tường.

Trước đây có một vị Lama ở Pelyul, người theo đuổi nhiều pháp tu khác nhau. Ông ấy thiết kế một chuỗi hạt cho mỗi pháp tu và mang theo cả tá xâu chuỗi. Bởi tuổi cao, mắt ông ấy dần trở nên kém đi. Vì thế, trước khi bắt đầu một pháp tu, ông ấy phải tìm trong túi một lúc, cố gắng quyết định xem đâu là chuỗi đúng. Về bề ngoài, điều này có vẻ là một kiểu bám víu, nhưng thực sự nó cũng khá tốt và cho thấy tầm quan trọng của thực hành Pháp với ông ấy.

Nếu chúng ta có thể thường xuyên cầu nguyện đến chư Bổn tôn kính ái, chúng ta có thể giải phóng bản thân khỏi sự cưỡng ép của ham muốn. Mọi người bị cuốn đi bởi ham muốn bùng cháy trong thời đại suy đồi hiện nay. Khi họ đối mặt với sự quyến rũ, phần lớn mọi người không thể kiểm soát thân thể hay tâm trí. Một số người thậm chí phá vỡ hay từ bỏ giới luật của bản thân.

Về vấn đề này, Kyabje Rinpoche bảo chúng ta rằng, “Là một hành giả muốn duy trì giới luật không vấy bẩn trong các đời tương lai, các con cần trì tụng Wang Dü hay cầu nguyện đến Tác Minh Phật Mẫu Kurukulle với sự tinh tấn. Nếu có thể làm vậy, con sẽ chuyển hóa ý nghĩ bất tịnh thành trí tuệ không cấu nhiễm, điều giống như luyện sắt thành vàng”.

“Mặt trời kim cương tỏa sáng khắp nơi nơi” liên quan đến các hoạt động của chư Bổn tôn kính ái. “Kim cương” là thuật ngữ để chỉ phẩm tính không thể phá hủy. “Mặt trời kim cương tỏa sáng” là ẩn dụ để chỉ trí tuệ không thể phá hủy của chư Bổn tôn kính ái. Các hoạt động này là gì? Với ánh sáng như mặt trời của trí tuệ không thể phá hủy, chư vị có thể xua tan những ý nghĩ sai lầm, xấu ác và tất cả màn đêm vô minh, thứ ngăn cản hữu tình chúng sinh đạt giác ngộ.

Có nhiều cách khác nhau để hiểu những từ kim cương của Mipham Rinpoche. Một số nghĩ rằng dòng này ám chỉ đến Pháp thân Phật Vô Lượng Quang. Cá nhân tôi cho rằng đoạn kệ này là tóm tắt tất cả thiện hạnh của chư Bổn tôn kính ái. Cõi giới của chư vị là cung điện kính ái vô biên, bản chất là Diệu Quán Sát Trí, gia đình Phật là Liên Hoa Bộ và hoạt động là xua tan chướng ngại với giác ngộ.

Tâm của mọi người bị phiền nhiễu sâu sắc bởi màn đêm vô minh. Nhiều vị chẳng có sức mạnh điều phục các phiền não tinh thần của bản thân, cũng chẳng sở hữu khả năng làm lợi lạc hữu tình chúng sinh nhờ Giáo Pháp. Nếu những người này có thể chí thành cầu nguyện đến chư Bổn tôn kính ái, nhờ ân phước gia trì mà họ nhận được, màn đêm vô minh trong tâm thức họ có thể nhanh chóng được tiêu trừ và sự thực hành của họ, cùng với các hoạt động xiển dương Giáo Pháp khác, có thể tiến bộ dễ dàng. Bởi thế, tôi hy vọng trong tương lai, tất cả các bạn đều sẽ cầu nguyện đến chư Bổn tôn kính ái một cách chăm chỉ!

Khi bạn đã biết ý nghĩa của Wang Dü, bạn cần có thể quán tưởng đồng thời với lúc tụng đọc. Nhưng bạn cần biết rằng, trì tụng Wang Dü hay các Mật chú khác, chẳng hạn Mật chú Trăm âm, mà không hiểu ý nghĩ, có rất ít tác dụng.

Giờ đây, khi trì tụng Wang Dü, tôi thường nhớ lại nhiều chỉ dẫn cốt tủy mà Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche đã dạy chúng ta. Trước đây, tôi nghĩ rằng trong tương lai sẽ có nhiều cơ hội lắng nghe Ngài lặp lại những chỉ dẫn này, vì thế đã không ghi chép lại, tôi cũng không nỗ lực nhiều để ghi nhớ chúng. Đây là điều mà tôi cảm thấy hối hận sâu sắc bởi bây giờ tôi đang bạn một giáo lý về Wang Dü, tôi cảm thấy bản thân chỉ hiểu được một nửa những chỉ dẫn của Kyabje Rinpoche, một vài trong số chúng bây giờ chỉ là ký ức mơ hồ đối với tôi.

Mặt khác, tôi thấy hài lòng rằng tôi đã có thể trực tiếp lắng nghe Kyabje Rinpoche thuyết Pháp. Tổ Long Thọ nói rằng: Mặc dù bạn không thể đem thân này đến đời sau, công đức lắng nghe Giáo Pháp sẽ luôn theo bạn. Bởi vậy, mặc dù một vài giáo lý mà tôi từng nghe giờ đã trở nên phai nhạt, lắng nghe Giáo Pháp không vô nghĩa bởi công đức mà tôi đã tích lũy được.

Tương tự, công đức của việc tham dự Pháp hội này và lắng nghe các giáo lý về Wang Dü là vô cùng to lớn. Có thể, tôi không đủ khả năng để trao cho các bạn những giáo lý sâu xa, nhưng tôi tin tưởng lớn lao với thực hành này và trong hơn hai mươi năm qua, không có ngày nào mà tôi không trì tụng bài cầu nguyện này. Tôi thực sự tin rằng cùng nghiên cứu bài cầu nguyện này thì rất lợi lạc với cả bản thân và người khác.

8. Tìm hiểu về chư Bổn tôn kính ái

Những lời cầu nguyện của các bạn cần hướng về chư vị quyền uy. Lời cầu nguyện hướng đến những vị không sở hữu sức mạnh siêu việt sẽ vô nghĩa dù bạn có sùng kính thế nào. Các hành động của bạn sẽ giống như cầu xin của cải lớn lao từ người nghèo khó đến mức họ không có sức mạnh để giúp đỡ bạn.

Mỗi vị Bổn tôn kính ái đều sở hữu phẩm tính đặc biệt riêng. Nếu chúng ta cầu nguyện đến chư vị với lòng sùng mộ, không nghi ngờ gì, chúng ta sẽ được trao tặng tất cả các thành tựu (siddhi) mà chúng ta mong cầu.

Trong Terma của Tổ Lerab Lingpa, Pháp Tu Thậm Thâm Quan Âm Quyến Sách Hư Huyễn Chín Bổn Tôn, phần lớn Bổn tôn kính ái đều xuất hiện trong tư thế hợp nhất. Vài người, với căn cơ tự nhiên thích hợp hơn với Kinh thừa, có thể thấy những hình ảnh như vậy của Đức Phật thật khó chấp nhận. Bức Thangka ở đây dựa trên bài cầu nguyện Wang Dü của Mipham Rinpoche và vì thế, không có các đại diện của sự hợp nhất. Bởi vậy, nó có thể tương đối dễ dàng chấp nhận hơn.

Pháp thân Vô Lượng Quang Phật – Kim Cương Pháp,
Báo thân Quan Âm Thế Gian Tự Tại Tôn,
Ngự giá Luân-Niết, Hóa Thân Liên Hoa Vương,
Điều phục ba cõi, Uy Hùng Hê-ru-ka,
Mật Huệ Phật Mẫu, Kim Cương Hợi Mẫu Tôn,
Thắng Lạc Diệu Dục Minh Vương – kho đại lạc,
Nhiếp tâm chúng sinh – Tác Minh Phật Mẫu Tôn,

8.1 Pháp thân Vô Lượng Quang

Pháp thân nghĩa là kho tàng công đức vượt khỏi mọi hình tướng và quan niệm, sự hợp nhất của tính không và trí tuệ. Chư Bổn tôn của Liên Hoa Bộ hiển bày trong ba thân. Vô Lượng Quang Phật là đại diện Pháp thân. Thân Ngài màu đỏ; Ngài hoàn toàn trần trụi không trang sức nào. Ngài xuất hiện giống như vị Phật nguyên thủy, Phổ Hiền Như Lai, mặc dù như tôi đã đề cập, Ngài màu đỏ thay vì xanh dương.

Trong Kim Cương thừa, những đại diện trần trụi của các vị Phật biểu tượng cho bản tính cố hữu của mọi hiện tượng. Thông thường, một người được vẽ mà không có quần áo được xem là thật xấu hổ. Tuy nhiên, trong trường hợp này, bởi bản tính của mọi hiện tượng thoát khỏi sự tồn tại cố hữu và giác tính nguyên sơ thì trần trụi, từ quan điểm này, không trang sức nào là cần thiết.

Theo Mật Điển Trưởng Tử Duy Nhất Của Phật, “Thân ánh sáng bất biến của Như Lai nguyên thủy; trần trụi, không trang sức, màu đỏ và vàng, và ngự trong thế thiền định …”. Rõ ràng, Đức Vô Lượng Quang không mang trang sức, thân Ngài màu đỏ ánh vàng, tay Ngài kết ấn thiền định và Ngài trụ trong tư thế kim cương.

Trong chín Bổn tôn kính ái chính yếu, ngoài Đức Vô Lượng Quang A Di Đà, một vài vị Dakini [Không Hành Nữ] cũng xuất hiện trần trụi. Từ quan điểm này, Kim Cương thừa thực sự là pháp tu của những vị với căn cơ cao. Nếu một người cứ khăng khăng với quan niệm về sự xấu hổ, chư Phật và Bồ Tát chỉ mang hình tướng thanh nhã và trang nghiêm. Nhưng nếu một người nhận ra bản tính trần trụi của tâm thức, mọi ý nghĩ quan niệm và bám luyến đều ngừng, thì chư Phật và Bồ Tát xuất hiện trong hình tướng khác. Vì thế, nếu một người nghĩ rằng các đại diện chư Phật trần trụi của Kim Cương thừa là không thích hợp, nó là một dấu hiệu cho thấy họ vẫn chưa sẵn sàng cho thực hành Kim Cương thừa. Bởi vậy, để bảo vệ tâm thức của những người này, hình ảnh về chư Phật trần trụi hay chư Phật hợp nhất, cùng với các pháp tu nhất định, chỉ nên được tiết lộ với sự cẩn trọng.

Chư Phật và Bồ Tát tiếp cận chúng ta theo vô số cách. Ngoài việc trao truyền Giáo Pháp cho chúng ta bằng ngôn ngữ, chư vị cũng sử dụng những cách thức độc đáo để giải thích bản tính chân thực của mọi hiện tượng. Vajravarahi – Kim Cương Hợi Mẫu đôi lúc được vẽ với đầu lợn, điều biểu tượng cho việc không còn khác biệt giữa thanh tịnh hay bất tịnh. Chúng ta đều biết rằng lợn không thể phân biệt sạch với bẩn, bởi chúng chẳng để tâm đến việc liệu thức ăn mà chúng ăn là sạch hay bẩn. Đầu lợn biểu tượng rằng Kim Cương Hợi Mẫu đã phá hủy hoàn toàn mọi ý nghĩ quan niệm về sạch và bẩn. Vì vậy, xin đừng nghi ngờ tại sao Vajravarahi có đầu lợn thay vì khuôn mặt của một thiên nữ.

Về hình ảnh chư Phật trong tư thế hợp nhất tình dục, từ quan điểm thông thường, nó xuất hiện là Phật phụ và mẫu đang ôm nhau. Nhưng cái ôm này là biểu tượng về sự hợp nhất của tính không và hình tướng, tính không và tịnh quang, tính không và hỷ lạc. Sự hợp nhất cũng có thể được giải thích là tâm và hiện tượng tan hòa vào sự hợp nhất. Một người căn cơ trung bình có thể thấy khó hiểu được trọn vẹn ý nghĩa của tính không được giảng dạy trong lần chuyển Pháp luân thứ hai và quan niệm về tịnh quang Phật tính từ lần chuyển Pháp luân thứ ba. Người này có thể không thấy cách mà điều này không khác với điều khác. Bởi thế, hình ảnh chư Phật trong tư thế hợp nhất trở thành sự hỗ trợ hình ảnh để minh chứng quan niệm này. Khi thấy một vị Phật ôm phối ngẫu, một người với căn cơ cao, có thể lập tức chứng ngộ trí tuệ nội tại rằng tính không và tịnh quang là bất khả phân và có thể chuyển hóa mọi cảm xúc tiêu cực thành trí tuệ vĩ đại của lạc không hợp nhất.

Ngày nay, bởi sự phổ biến, nhiều người nghiên cứu Kim Cương thừa, nhưng rất ít người thực sự hiểu. Phần lớn chỉ tò mò. Khi họ thấy đại diện trần trụi của Đức Phật, hay một vị Phật với phối ngẫu, họ lập tức chụp hình bằng điện thoại thông minh. Họ tin rằng điều mà họ đang thấy là một hình ảnh nghệ thuật của con người; nhưng thậm chí sự hiểu lầm thô lậu hơn về Kim Cương thừa có thể khởi sinh từ hành vi thiếu hiểu biết như vậy. Một người hiểu Kim Cương thừa, đặc biệt là người có kinh nghiệm về các thực hành cao cấp, biết rằng hình ảnh như vậy chắc chắn không đại diện cho sự ham muốn bình phàm; Phật giáo Kim Cương thừa không bao giờ ủng hộ sự khiêu dâm.

Sự thật rằng Bổn tôn đầu tiên trong Wang Dü là Vô Lượng Quang làm khởi lên nguồn gốc đặc biệt để tái sinh trong cõi Tịnh độ. Kyabje Rinpoche từng nói rằng, “Tất cả các con hiện diện ở đây đều cần mong muốn tái sinh trong cõi Cực Lạc Dewachen khi chết. Trì tụng Wang Dü cùng nhau tạo ra nguyên nhân nghiệp dẫn đến sự tái sinh trong Tịnh độ. Bởi thế, những vị thực hành Tịnh Độ Tông cũng cần trì tụng Wang Dü thường xuyên.

8.2 Kim Cương Pháp

Theo Mật Giáo Đường Triều, Kim Cương Pháp – Vajradharma là một vị Bồ Tát của Liên Hoa Bộ. Ngài là thành viên trong đoàn tùy tùng của Vô Lượng Quang Phật. Trong các nghi quỹ nhất định của Phật giáo Tây Tạng, Kim Cương Pháp và Vô Lượng Quang là hai vị khác nhau. Nhưng trong bản văn này, Kim Cương Pháp và Vô Lượng Quang không khác. Kim Cương Pháp là hóa hiện Báo thân của Vô Lượng Quang Phật. Ngài được vẽ gần như giống hệt với Đức Kim Cương Trì (Vajradhara): Ngài ngự trong tư thế kim cương, tay bắt chéo trước ngực, một tay cầm chày và tay kia cầm chuông. Điểm khác biệt duy nhất là Kim Cương Trì màu xanh dương còn Kim Cương Pháp màu đỏ.

Kyabje Rinpoche từng nhắc đến rằng Kim Cương Trì thân đỏ xuất hiện trong các nghi quỹ của Mipham Rinpoche. Nhưng trong Wang Dü, Kim Cương Pháp là Báo thân của Vô Lượng Quang Phật. Bởi vậy, trong bức Thangka được vẽ theo yêu cầu của Kyabje Rinpoche, phù hợp với ý nghĩa bí mật của Mipham Rinpoche, Pháp thân Vô Lượng Quang ở trên, Báo thân Kim Cương Pháp ở giữa và Hóa thân Liên Hoa Sinh phía dưới.

Có nhiều bằng chứng kinh văn đáng tin cậy ủng hộ tuyên bố rằng Kim Cương Pháp và Vô Lượng Quang là một. Trong các Mật điển, Kim Cương Pháp là sự hiển bày của Vô Lượng Quang Phật là điều được tuyên bố rõ ràng: “Ánh sáng đỏ chiếu tỏa từ trán của Đức Vô Lượng Quang biến thành Đức Quan Âm đỏ; ánh sáng đỏ chiếu tỏa từ cổ họng mang hình tướng Liên Hoa Sinh; ánh sáng đỏ từ tim biến thành Hê-ru-ka và ánh sáng đỏ từ chóp mũi trở thành Kim Cương Thủ”. Vài đạo sư đã giải thích rằng Kim Cương Thủ ở đây là Kim Cương Pháp và rằng Kim Cương Pháp là Báo thân Vô Lượng Quang, cũng giống như Kim Cương Trì là Báo thân của Phổ Hiền Như Lai.

Nói về Kim Cương Trì, vài người ngày nay tuyên bố họ là vị tái sinh của Kim Cương Trì. Tôi hy vọng các bạn sẽ cẩn trọng trước những người này. Trong tiếng Tây Tạng, Vajradhara là Dorje Chang. Người Tây Tạng thích đặt tên con cái theo truyền thống Phật giáo. Nếu Dorje Chang được đặt tên cho một đứa trẻ, đó chẳng phải chuyện lớn. Nhiều người Tây Tạng không hấp dẫn được gọi là “Lhamo” nghĩa là thiên nữ. Vì thế, chẳng có gì sai nếu Dorje Chang là tên của một đứa trẻ. Nhưng nếu một người tuyên bố thực sự là Báo thân Phật Kim Cương Trì, tôi nghĩ điều này chắc chắn cần vài sự xem xét kỹ lưỡng.

Có nhiều người tuyên bố là những hóa thân của vị Phật này hay vị Phật khác. Về điểm này, tôi chưa từng nghe nói về vị tái sinh của Phổ Hiền Như Lai. Tôi không nghĩ Pháp thân Phật dễ dàng tái sinh trên thế gian này. “Thủ tục giấy tờ” có lẽ không đơn giản. Có nhiều vị tái sinh của các vị Phật và Bồ Tát khác, chẳng hạn Phật Thích Ca Mâu Ni, Quán Thế Âm, Văn Thù Sư Lợi. Những vị Phật và Bồ Tát này đều hóa thân làm người và có thể khi thời gian trôi qua, Phổ Hiền Như Lai cũng có thể tái sinh trong cõi người. Bạn không bao giờ biết. Chúng ta sẽ phải chờ đợi xem.

8.3 Quán Thế Âm

Quán Thế Âm đỏ: Thông thường, tôi sẽ đi theo trình tự Pháp thân, Báo thân và Hóa thân. Nhưng thực hành này về căn bản là pháp tu Quán Thế Âm. Hơn thế nữa, sẽ rất khó để người bình thường như chúng ta bước vào con đường của Pháp thân và Báo thân Phật. Để làm vậy, chúng ta cần thọ nhận ân phước gia trì của Vô Lượng Quang và Kim Cương Pháp nhờ Quán Thế Âm, vì thế, bây giờ, tôi sẽ giới thiệu Quán Thế Âm trước khi giới thiệu Liên Hoa Sinh.

Các bạn có thể đều đã quen thuộc với Quán Thế Âm. Ngài có nhiều hình tướng khác nhau: Quán Thế Âm với hai tay, bốn tay, mười một mặt, một nghìn tay, một nghìn mắt … Đức Quán Thế Âm ở đây rất đặc biệt. Ngài thân đỏ và cầm bông sen bên tay trái, biểu tượng cho lòng bi mẫn hướng về mọi hữu tình chúng sinh. Tay phải kết ấn bố thí, biểu tượng cho việc xua tan phiền não và khổ đau cho mọi hữu tình chúng sinh.

Trong Phật giáo Trung Hoa, thực hành Quán Thế Âm đỏ rất hiếm, nhưng trong Phật giáo Tây Tạng, nó khá phổ biến. Ở Larung, ngày 30 hàng tháng theo Âm lịch Tây Tạng, chúng tôi trì tụng nghi quỹ Gyalwa Gyamtso, trong đó vị Bổn tôn chính là Quán Thế Âm bốn tay thân đỏ. Trì tụng danh hiệu và Mật chú của Ngài có lợi lạc lớn lao với người chết.

Các Mật điển tuyên bố rằng ánh sáng đỏ phóng từ Đức Vô Lượng Quang biến thành Quán Thế Âm. “Lời Cầu Nguyện Cực Lạc” cũng nói rằng ánh sáng từ Vô Lượng Quang Phật mang hình tướng Quán Thế Âm. Vì vậy, nhờ cầu nguyện đến Đức Quán Âm đỏ, cả thực hành Kinh thừa và Kim Cương thừa đều có thể thành tựu. Một mặt, bạn có thể thành tựu hoạt động kính ái, mặt khác, bạn có thể tái sinh về cõi giới của Đức A Di Đà.

Các thực hành Quán Thế Âm đem lại vô lượng công đức và chúng ta sẽ không đi sâu vào chi tiết ở đây. Mở rộng về chủ đề này cần nhiều thời gian. Bất kỳ ai quan tâm có thể đọc thêm về chủ đề này trong thời gian riêng của họ.

Chúng ta cần làm sáng tỏ rằng mặc dù Wang Dü và Pháp Tu Thậm Thâm Quan Âm Quyến Sách Hư Huyễn Chín Bổn Tôn của Tổ Lerab Lingpa đều là thực hành của hoạt động kính ái, và cả hai cầu khẩn đến chín Bổn tôn kính ái, chúng rất khác nhau. Trong Wang Dü, Bổn tôn chính yếu là Liên Hoa Sinh, trong khi trong Pháp Tu Thậm Thâm Quan Âm Quyến Sách Hư Huyễn Chín Bổn Tôn thì không có Liên Hoa Sinh. Ở đó, Bổn tôn chính yếu là Quán Âm đỏ trong tư thế hợp nhất, tay phải cầm móc câu bằng đồng trong khi tay trái cầm cành hoa sen. Ngài ôm Không Hành Nữ Mật Huệ. Kyabje Rinpoche cũng bình luận rằng, “Một cách điển hình, nghi quỹ chín Bổn tôn của Lerab Lingpa cần bao gồm Liên Hoa Sinh. Lý do tại sao Ngài không xuất hiện trong nghi quỹ thì không rõ ràng”.

Trong Wang Dü, rất dễ dàng để liệt kê chín Bổn tôn. Nhưng trong nghi quỹ của Lerab Lingpa, chúng không hiển nhiên như vậy. Tôi hiểu rằng người ta cần liệt kê chín Bổn tôn trong nghi quỹ của Lerab Lingpa như sau: Vô Lượng Quang (Amitabha), Kim Cương Pháp (Vajradharma), Liên Hoa Sinh (Padmasambhava), Quán Âm Đỏ (Avalokiteshvara), Mật Huệ Phật Mẫu (Guhyajnana), Hê-ru-ka, Kim Cương Hợi Mẫu (Vajravarahi), Tác Minh Phật Mẫu (Kurukulle), Đại Tự Tại Thiên (Mahadeva). (Vô Lượng Quang, Kim Cương Pháp và Liên Hoa Sinh hiện diện theo cách thức không thể nhận thấy. Đầu tiên, Vô Lượng Quang, là vị chủ của Liên Hoa Bộ, ngự trên đầu của Quán Thế Âm. Thứ hai, Kim Cương Pháp, biến hóa từ Vô Lượng Quang Phật, chỉ có thể nhìn thấy bởi chư Bồ Tát với nhận thức thanh tịnh. Thứ ba, với hữu tình chúng sinh bình phàm với nhận thức cấu nhiễm, hóa hiện của Vô Lượng Quang là Liên Hoa Vương.).

8.4 Liên Hoa Sinh

“Ngự giá Luân-Niết” cho thấy rằng Đức Liên Hoa Sinh đã đạt được thành tựu rốt ráo và vì thế, kiểm soát được tất cả luân hồi và Niết bàn. Nói cách khác, Ngài đã làm chủ tất cả hiện tượng hữu tình và vô tình.

Đức Liên Hoa Sinh màu trắng ánh đỏ, cầm chày kim cương và bát sọ người trên tay, với chĩa ba đặt ở khuỷu tay. Thông thường, Ngài được vẽ với một vị phối ngẫu, nhưng Kyabje Rinpoche yêu cầu không thêm vị phối ngẫu. Thay vào đó, chĩa ba là biểu tượng của vị phối ngẫu Dakini.

Liên Hoa Vương là một trong nhiều danh hiệu của Đức Liên Hoa Sinh. Theo tiểu sử của Ngài, khi Vua Indrabhuti xứ Orgyen trên đường trở về trên hành trình tìm kiếm kho báu, Ngài đi ngang qua một hồ nước. Ở giữa hồ, Ngài thấy một cậu bé khôi ngô ngồi trên bông sen. Cậu bé này là Liên Hoa Sinh. Đứa vua rất hoan hỷ khi thấy vậy và đưa cậu về cung điện, nơi cậu được nhận nuôi và trở thành hoàng tử. Sau đấy, Đức Liên Hoa Sinh ban quán đỉnh cho đứa vua và trao truyền giáo lý bí mật cho Ngài. Vô cùng hoan hỷ, đức vua dâng tất cả của cải và tùy tùng lên Đức Liên Hoa Sinh và tôn vinh Ngài bằng danh hiệu Liên Hoa Vương.

Đức Liên Hoa Sinh thuộc về Liên Hoa Bộ ở phương Tây. Theo các Mật điển, Ngài là hóa hiện của Đức Vô Lượng Quang và Quán Thế Âm. Trong Lời Cầu Nguyện Vãng Sinh Tịnh Độ Cực Lạc của Tổ Karma Chakme Rinpoche có nói rằng Liên Hoa Sinh bắt nguồn từ ánh sáng phóng từ tim của Đức A Di Đà. Bởi Ngài có sức mạnh kiểm soát luân hồi và Niết bàn, chúng ta cần dâng lên Ngài những lời cầu nguyện chí thành nhất. Nhờ cầu khẩn đến Ngài, những sức mạnh ma quỷ và chướng ngại sẽ được tiêu trừ và chúng ta sẽ kiểm soát được thân và tâm của mình.

Các hành động của Đức Liên Hoa Sinh đã được giảng dạy trong những bài giảng trước của tôi về Bình Giảng Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng. Đức Liên Hoa Sinh hiển bày sức mạnh và làm lợi lạc vô số chúng sinh khắp Ấn Độ, Tây Tạng và Trung Hoa. Những hành động của Ngài lớn lao và vô số đến mức chúng chẳng thể tính đếm. Điều này đặc biệt đúng với Tây Tạng. Không có ảnh hưởng của Guru Rinpoche, sự hợp nhất thuận hòa của Kinh thừa và Kim Cương thừa không thể thành công như nó đã từng. Sự phát triển của Phật giáo Tây Tạng trên thế giới và ân phước gia trì của Đức Liên Hoa Sinh là bất khả phân. Nói rõ hơn, nếu không nhờ sự gia trì của Đức Liên Hoa, thậm chí các bạn, người đọc, cũng không thể nhận được lợi lạc từ Phật giáo Tây Tạng. Bởi vậy, chúng ta cần biết ơn Đức Liên Hoa Sinh.

Trong thời kỳ đen tối hiện nay, những giáo lý của Đức Liên Hoa Sinh đang hiển bày sức mạnh tuyệt diệu hơn bao giờ hết. Về ảnh hưởng của việc chuyển hóa các phiền não tinh thần, không có kiến thức tâm linh nào khác có thể so sánh với những giáo huấn của Đức Liên Hoa Sinh. Dĩ nhiên, vài người có thể không đồng ý, nhưng tôi nói điều này từ kinh nghiệm cá nhân có được nhờ sự hành trì của mình. Đây không phải điều gì đó vô lý để nói thậm chí từ quan điểm khách quan. Nếu tôi muốn tán dương người đầu bếp sau khi tận hưởng một bữa ăn ngon, tôi sẽ làm thế, dù cho nó làm vài người khó chịu, bởi tôi thực sự đã thưởng thức nghệ thuật nấu ăn tuyệt hảo của ông ấy.

8.5 Hê-ru-ka

“Điều phục ba cõi – Uy Hùng Hê-ru-ka”[2].

Trong câu trên, “mọi thứ xuất hiện và tồn tại” ám chỉ đến thế giới vô tình và hữu tình lần lượt, và “Hê-ru-ka” liên quan đến Mã Đầu Minh Vương Hayagriva. Ý nghĩa là Đức Mã Đầu Minh Vương có sức mạnh điều phục toàn bộ thế giới.

Mã Đầu Minh Vương là hóa hiện phẫn nộ của Đức Vô Lượng Quang. Trong khi vài thực hành Mã Đầu Minh Vương có thể được tìm thấy trong Mật Giáo Đường Triều, trong Phật giáo Tây Tạng, người ta thấy rất nhiều thực hành khác nhau. Xuyên suốt lịch sử Tây Tạng, nhiều vị đã đạt được thành tựu rốt ráo nhờ pháp tu Mã Đầu Minh Vương. Trong cuốn Trường Phái Nyingma Của Phật Giáo Tây Tạng: Nền Tảng Và Lịch Sử của Dudjom Rinpoche có ghi lại rằng Gyalwa Choyang, một trong hai mươi lăm tâm tử của Đức Liên Hoa Sinh, đã đạt giác ngộ nhờ nương theo các pháp tu Mã Đầu Minh Vương. Sau đấy, thành tựu giả Thangtong Gyalpo vĩ đại, người được xem là hóa thân của cả Quán Thế Âm và Mã Đầu Minh Vương, cũng đạt thành tựu rốt ráo nhờ pháp tu này.

Mã Đầu Minh Vương có sức mạnh cực kỳ lớn lao. Những dấu hiệu thành tựu diệu kỳ đồng hành cùng với sự giác ngộ nhờ Mã Đầu Minh Vương. Ví dụ, đầu ngựa có thể mọc lên từ phía trên đầu của chính bạn và cất tiếng hý, thứ vang dội vào không gian phía trên bạn, đánh bại ma quỷ của cõi trời, dội vào bên dưới, nơi nó đánh bại tất cả thế lực ma quỷ của cõi Naga, dội vào không gian bên phải, nơi tất cả những chúng sinh ma quỷ nam bị phá hủy và bên trái, nơi tất cả nữ ma quỷ bị phá hủy. Trong một thời đại như hiện nay, khi Giáo Pháp đang trên đà suy giảm, rất cần thiết phải thực hành Mã Đầu Minh Vương, vì thế chúng tôi đã phân phát nghi quỹ này cho các bạn. Tôi hy vọng các bạn sẽ thực hành với sự tinh tấn.

Ngay từ khi còn bé, tôi đã có niềm tin lớn lao với Đức Mã Đầu Minh Vương. Khi ấy, tôi thường dắt [trâu] Yak đi ăn cỏ mỗi ngày. Khi tôi đi chân trần trên núi, tôi thường quay kinh luân nhỏ trong khi trì tụng Mật chú Hayagriva: OM VAJRA KRODHA HAYAGRIVA HULU HULU HUM PHAT. Bất cứ ai thấy tôi đều tin rằng tôi là một vị Yogi Hayagriva. Chúng tôi cũng có vài con ngựa trong nhà. Người Tây Tạng trong vùng tin rằng nếu chúng tôi trì tụng Mật chú Mã Đầu Minh Vương, bầy ngựa sẽ an toàn, không bị thú hoang tấn công. Khi cha tôi trao nhiệm vụ chăm sóc lũ ngựa cho tôi, ông bảo tôi tụng Mật chú này với sự chuyên cần. Tôi cảm thấy rằng bởi tôi đã được trao nhiệm vụ quan trọng như vậy, tôi cần trì tụng thường xuyên. Hồi tưởng lại, tôi tin rằng mặc dù khi ấy tôi trì tụng vì lợi ích bản thân, tôi đã gieo hạt giống của một thói quen tốt lành.

8.6 Guhyajnana – Mật Huệ Phật Mẫu

Vị Bổn tôn tiếp theo là Guhyajnana, cũng được biết đến là Mật Huệ Không Hành Nữ hay Kim Cương Du Già Thánh Nữ (Vajrayogini). Bà thân đỏ, một đầu, ba mắt với bốn tay cầm dao cong, bát sọ người chứa đầy cam lồ, chĩa ba và kiếm trí tuệ. Trong các thực hành Yab-Yum của Đức Quán Thế Âm, Bà là vị phối ngẫu của Ngài.

Mật Huệ Phật Mẫu là một vị Phật rất quan trọng trong Phật giáo Tây Tạng. Chư đạo sư Tây Tạng nói rằng dù bạn thực hành vị Phật nào, điều quan trọng là chọn Mật Huệ Không Hành Nữ là một thực hành song song. Trong thực hành Đạo Sư Du Già của Lời Vàng Của Thầy Tôi, bạn cần quán tưởng bản thân là Guhyajnana.

Về mặt lịch sử, nhiều người đã đạt thành tựu nhờ thực hành Mật Huệ Phật Mẫu. Đa số trong tám mươi đại thành tựu giả của Ấn Độ thực hành Guhyajnana. Ở Tây Tạng, Guhyajnana được thực hành trong sự bí mật nghiêm túc nhất và thậm chí khi ấy, chỉ bởi hành giả của truyền thống Sakya và Nyingma … Mãi về sau thực hành này mới được truyền cho các nhánh khác. Tôi từng nghe nói rằng trong truyền thống Sakya, thực hành Mật Huệ Phật Mẫu được trao truyền chỉ cho một người mỗi lần. Sau này, các yêu cầu được nới lỏng để cho phép từ bảy đến hai mươi mốt người của mỗi thế hệ có thể thọ nhận nó qua sự khẩu truyền. Ngày nay, sự trao truyền pháp tu này vẫn rất hiếm.

Chúng ta cần nhấn mạnh tầm quan trọng của thực hành Guhyajnana. Nếu chúng ta cầu nguyện một cách chân thành đến Phật Mẫu, ân phước gia trì đặc biệt của Bà sẽ giúp chúng ta nhanh chóng chuyển hóa ham muốn trong bản thân thành Diệu Quán Sát Trí và như thế, sẽ hiển bày mọi thành tựu thế gian và xuất thế gian.

8.7 Vajravarahi – Kim Cương Hợi Mẫu

Kim Cương Hợi Mẫu cũng màu đỏ, với một mặt, hai tay và ba mắt. Phía bên phải của mặt Bà là đầu của con lợn cái. Bà cầm dao cong trong tay phải và tay trái ở ngực cầm bát sọ người. Chĩa ba được đặt bên tay trái.

Có nhiều hình tướng Vajravarahi. Ngoài Kim Cương Hợi Mẫu đỏ, còn có hình tướng xanh dương và đen. Hợi Mẫu Kim Cương là thực hành chung cho mỗi truyền thống Tây Tạng và đặc biệt với truyền thống Kagyu. Nhiều vị đạo sư Tây Tạng đã trực tiếp thấy Đức Kim Cương Hợi Mẫu. Tiểu sử của Đức Longchenpa đề cập rằng Hợi Mẫu Kim Cương xuất hiện khá thường xuyên. Một lần, Tổ Longchenpa thậm chí hỏi tại sao Bà lại xuất hiện trước Ngài, mặc dù những lời cầu nguyện đến Bà không phải là phần đặc biệt trong thực hành của Ngài. Đức Vajravarahi cũng xuất hiện trước Tôn giả Jigme Lingpa nhiều lần.

8.8 Mahadeva – Đại Tự Tại Thiên

“Thắng Lạc Diệu Dục Minh Vương, kho đại lạc”.

Tiếp theo là Đại Tự Tại Thiên – Mahadeva. Cũng màu đỏ, Ngài có một đầu và hai tay, với tay trái cầm bát sọ người trước ngực và tay phải cầm đinh ba.

Theo sự giải thích của Tulku Tenzin, câu trên là sự miêu tả về Thắng Lạc Kim Cương – Chakrasamvara. Nhưng nó cũng có thể được hiểu là sự miêu tả về hai vị khác nhau: sử dụng thuật ngữ “thắng lạc” ám chỉ Thắng Lạc Kim Cương, vua của ham muốn và là vị Bổn tôn phẫn nộ và “kho đại lạc” là để chỉ Dope Gyalpo. Cá nhân tôi nghĩ rằng cả dòng này nói về Đại Tự Tại Thiên (Mahadeva). Dĩ nhiên, bởi kim khẩu của Mipham Rinpoche đôi lúc chứa đựng nhiều lớp ý nghĩa bí mật, cả hai sự giải thích đều có thể chấp nhận được.

Tại sao lại sử dụng các thuật ngữ “thắng lạc”, “diệu dục” và “kho đại lạc” để miêu tả Đại Tự Tại Thiên? Bởi Bổn tôn này có thể làm lợi lạc mọi hữu tình chúng sinh nhờ trí tuệ vĩ đại trong đó lạc và không là bất khả phân.

Vài người có thể nói rằng, “Đại Tự Tại Thiên là vị trời bình phàm trong luân hồi. ‘Xưng Tán Đấng Cao Quý’ miêu tả Ngài là vị trời thế gian chứa đầy ham muốn, vì thế tại sao lại cầu nguyện đến Ngài?”. Trong các Mật điển, có hai vị Mahadeva: một là vị trời thế gian, vị kia là sự hiển bày của Đức Quán Thế Âm. Vài Mật điển nói rằng Phật Thích Ca Mâu Ni, trong quá khứ, cũng mang hình tướng Đại Tự Tại Thiên. Vì thế, Đại Tự Tại Thiên không phải một vị trời bình phàm mà là sự hiển bày của bậc giác ngộ. Nhờ nương tựa Ngài, bạn có thể làm chín muồi khả năng làm lợi lạc hữu tình chúng sinh và năng lực kính ái. Để làm lợi lạc hữu tình chúng sinh, chư Phật và Bồ Tát sẽ hiển bày trong hình tướng của chư thiên. Bởi vậy, thật khó để người thường như chúng ta phân biệt. Vì vậy, đừng vội vàng kết luận khi bạn vừa nghe tên của một vị trời.

Về mặt lịch sử, nhiều người đạt giác ngộ nhờ thực hành Đại Tự Tại Thiên. Trong tiểu sử của Guru Chowang, một vị Khai Mật Tạng của truyền thống Nyingma, có nhiều câu chuyện thú vị về việc Ngài gặp gỡ Đại Tự Tại Thiên.

8.9 Kurukulle – Tác Minh Phật Mẫu

“Nhiếp tâm chúng sinh, Tác Minh Phật Mẫu Tôn”.

“Nhiếp tâm chúng sinh” nói với chúng ta rằng Đức Kurukulle có thể thu hút tâm thức của hữu tình chúng sinh bằng những phương pháp sáng tạo. Bà có thân tướng đẹp đẽ và oai nghiêm, làm những kẻ thấy Bà mê đắm. Bà thân đỏ, với một đầu và bốn tay. Bà cầm cung và tên bằng hai tay phía trên; hai tay dưới cầm móc sắt và quyến sách làm từ hoa sen.

Tác Minh Phật Mẫu là sự hiển bày giác ngộ của Diệu Quán Sát Trí. Sức mạnh mà Bà sở hữu rất đặc biệt. Một vị Tăng hay Ni Phật giáo mong muốn duy trì giới luật thanh tịnh, cần chí thành cầu khẩn tới Phật Mẫu, bởi Bà có sức mạnh chuyển hóa ham muốn thành trí tuệ của đại lạc và đảm bảo rằng giới luật của hành giả ấy sẽ vô cấu nhiễm. Kyabje Rinpoche đã ban những giáo lý rất rõ ràng về điều này, “Tăng và Ni, trong thời đại Giáo Pháp suy giảm, có thể lựa chọn đổi giới luật cực kỳ quý giá để lấy một khoảnh khắc lạc thú vật lý. Điều này cực kỳ đáng xấu hổ. Bằng cách chí thành cầu nguyện đến Tác Minh Phật Mẫu, những khó khăn như vậy có thể hoàn toàn được tiêu trừ”.

Với những hành giả cư sĩ đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm bạn đời, Đức Kurukulle có thể rất hữu ích. Chính vì lý do này, Tác Minh Phật Mẫu được vài người gọi là ‘vị Bổn tôn của tình yêu’. Có nhiều nam và nữ giới độc thân đang gặp khó khăn khi tìm kiếm bạn đời. Nhiều người trong số họ đến thỉnh cầu sự giúp đỡ từ các vị Rinpoche Tây Tạng. Những vị này, vì lòng bi mẫn, gợi ý rằng họ cần trì tụng Mật chú Kurukulle (OM KURUKULLE SVAHA).

Những người tìm kiếm sự hòa thuận trong hôn nhân cũng có thể cầu khẩn sự giúp đỡ từ Tác Minh Phật Mẫu. Có một câu chuyện về một hoàng hậu đã từng rất xinh đẹp nhưng giờ đã lớn tuổi ở Ấn Độ cổ, người mất đi sự yêu mến của đức vua theo thời gian. Quyết dành lại sự yêu thương của đức vua, hoàng hậu cử hầu gái đi tìm thuốc tiên có thể khơi lại tình yêu của chồng. Người hầu gái tìm kiếm khắp nơi, không có kết quả, cho đến một ngày cô ấy gặp một người phụ nữ xinh đẹp, da đỏ. Sau khi biết về nhiệm vụ của cô gái, người phụ nữ này nhanh chóng chuẩn bị một loại thức ăn đặc biệt và đưa nó cho cô gái, bảo rằng, nếu đức vua ăn nó, mọi vấn đề của hoàng hậu sẽ được giải quyết.

Cô hầu gái trở về cung điện và thuật lại những lời này cho hoàng hậu. Lo sợ những hậu quả của việc cho đức vua ăn đồ ăn không rõ ràng, hoàng hậu ném nó vào hồ nước gần đó. (Một ghi chép khác nói rằng hoàng hậu đã mất toàn bộ sự yêu thương của đức vua, bị lưu đày và vì thế không thể dâng đồ ăn lên đức vua.) Một vị Naga sống trong hồ đã ăn món ăn kỳ lạ này, bị biến thành một người giống đức vua và trong hình tướng này, đã làm hoàng hậu có thai. Khi đức vua hay tin hoàng hậu mang thai, ông rất tức giận và quyết định trừng phạt. Hoàng hậu không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thú nhận tất cả. Rất mơ hồ, đức vua yêu cầu cô hầu gái mời người phụ nữ da đỏ đến cung điện. Khi cô gái đứng phía trước, đức vua lập tức nhận ra rằng người phụ nữ da đỏ này chính là Phật Mẫu Kurukulle, và đỉnh lễ, thỉnh cầu giáo lý có thể giúp vượt qua mọi ham muốn. Nhờ tin tấn hành trì, đức vua cuối cùng có thể đạt giác ngộ và vì thế, đức vua là vị đầu tiên trong cõi người nắm giữ dòng truyền thừa giáo lý của Tác Minh Phật Mẫu.

Tôi hy vọng rằng câu chuyện này có thể khơi dậy niềm tin của các bạn dành cho Đức Kurukulle. Trong Phật giáo Tây Tạng, có nhiều thực hành khác nhau liên quan đến Kurukulle. Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche đã biên soạn một nghi quỹ tán thán Phật Mẫu. Khi Ngài viếng thăm núi thánh Chimpu, Ngài đã phát lộ kho tàng chứa đựng nghi thức hành trì Tác Minh Phật Mẫu. Tôi mong rằng từ nay trở về sau, các bạn có thể thiền định về Bổn tôn này.

Tôi đã giới thiệu về từng vị trong chín Bổn tôn kính ái. Mỗi vị có những phẩm tính đặc biệt. Nếu bạn cầu nguyện đến mỗi vị trong chín Bổn tôn này, bạn sẽ nhận được ân phước gia trì không thể nghĩ bàn. Kyabje Rinpoche từng nói rằng, “Nếu con không có của cải, Wang Dü có thể cho con của cải; nếu con muốn địa vị, Wang Dü có thể giúp con có địa vị. Nương tựa vào lời cầu nguyện này, con có thể đạt được mọi thứ mà con mong muốn. Tuy nhiên, nếu không có sự kiểm soát tâm, con không thể khởi lên Bồ đề tâm, tính không và các thành tựu xuất thế gian khác; trì tụng Wang Dü với sự tinh tấn sẽ cho phép con đạt được những phẩm tính này một cách dễ dàng”. Vì thế, dù là để thành tựu mục tiêu thế gian hay xuất thế gian, con có thể cầu nguyện đến chín Bổn tôn này và nhờ nương tựa vào ân phước của chư vị, mọi mong ước của con sẽ trở thành hiện thực.

9. Hòa nhập với thân, khẩu và ý của chín Bổn tôn kính ái

Quá trình cầu nguyện đến chư Bổn tôn kính ái là phương pháp mà nhờ đó người ta hòa nhập với thân, khẩu và ý của những Bổn tôn này. Dưới đây, tôi sẽ giới thiệu cách mà người ta hòa nhập với thân, khẩu và ý của từng vị Phật.

9.1 Hòa nhập với Thân Kim Cương

Thủ ấn Thắng-Thường múa Lạc Không tự tại,

Tác Lực Kim Cương Dũng Sĩ, Không Hành chúng,

Trong tính bình đẳng rộng lớn, hiện Hiển Không,

Thân Kim Cương nhảy múa chấn động tam giới,

Bởi chư Bổn tôn kính ái đều thành tựu các Mudra[3] thông thường và siêu việt, chư vị có khả năng hiển bày những vũ điệu trong Pháp giới. Vũ điệu tự nó là sự hiển bày của sự bất nhị của hình tướng và tính không. “Kim Cương Dũng Sĩ” ám chỉ các vị Phật nam, tức Vô Lượng Quang, Quán Thế Âm, Mã Đầu Minh Vương, trong khi “Không Hành Nữ” chỉ các vị Phật nữ, chẳng hạn Kim Cương Hợi Mẫu, Mật Huệ Phật Mẫu.

Trụ trong trạng thái vĩ đại [‘tính bình đẳng rộng lớn’], trong đó hình tướng [‘hiển’] và tính không [‘không’] là bình đẳng, vũ điệu của vô số thân kim cương khiến tam giới rung động [‘thân kim cương nhảy múa chấn động tam giới’].

Mỗi hữu tình chúng sinh đều có thiên hướng và động cơ riêng. Để làm lợi lạc hữu tình chúng sinh với căn cơ riêng, các bậc giác ngộ hóa hiện thành Daka và Dakini [Không Hành Nam và Nữ]. Lý do chư vị có thể mang những hình tướng khác nhau là bởi sự bất khả phân của hình tướng và tính không. Nếu không, điều này là không thể, dù cho chư vị có mạnh mẽ thế nào.

‘Nhảy múa’ là một thuật ngữ mang tính hình tượng, thực sự nghĩa là ‘sự hiển bày’ của chư Phật và Bồ Tát. Ví dụ, Quán Thế Âm hiển bày trong ba mươi hai hình tướng khác nhau. Mã Đầu Minh Vương đôi lúc xuất hiện với một mặt và hai tay, lúc khác một mặt và bốn tay hay tương tự. Chư Bổn tôn mang các hình tướng khác nhau trước hữu tình chúng sinh, giống như một vũ công thiện xảo biểu diễn những vũ điệu khác nhau cho người xem.

“Chấn động tam giới” nghĩa là làm lợi lạc hữu tình chúng sinh trong tam giới. Chư Bổn tôn kính ái hóa hiện theo nhiều cách khác nhau để thích hợp với nhận thức của hữu tình chúng sinh trong Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Điều cần chú ý là mặc dù bản văn chỉ nhắc đến chín Bổn tôn kính ái, thực sự, có vô số Bổn tôn kính ái, mỗi vị lại có vô số hóa hiện. Lấy ví dụ, mặc dù vài Bổn tôn có thể xuất hiện với da màu đỏ, chư vị cũng có thể hóa hiện thành màu trắng, xanh lá hay tương tự.

Vì thế, để hòa nhập với thân kim cương của chư Bổn tôn kính ái, các bạn trước hết cần hiểu những phẩm tính giác ngộ của thân chư vị. Trong Pháp giới không ranh giới, chư Bổn tôn kính ái hiển bày vô số hóa hiện khiến tam giới chấn động, thu hút hữu tình chúng sinh trong tam giới và ban cho họ sự an lạc tạm thời và giác ngộ rốt ráo.

9.2 Hòa nhập với khẩu kim cương

Ngữ vô ngại mỉm cười dội vang ba cõi,

Hồng quang tỏa khắp luân hồi và Niết bàn

Gom góp tinh hoa vạn pháp tụ tập lại

“Ngữ vô ngại mỉm cười dội vang ba cõi”. Khẩu kim cương của chư Bổn tôn kính ái cất lên tiếng cười, chẳng hạn ‘ha ha, hi hi, hê hê, hô hô’. Với những âm thanh này, chư vị câu triệu chúng sinh trong tam giới; chư vị đặc biệt có khả năng triệu đến và điều phục các chúng sinh ma quỷ trong tam giới.

Khẩu kim cương là một thuật ngữ rất rộng. Theo nhận thức nhỏ hẹp, nó nghĩa là âm thanh mà chư Bổn tôn kính ái phát ra. Hiểu theo nghĩa rộng hơn, nó nghĩa là âm thanh của đất, nước, lửa, gió và âm thanh của mọi hữu tình chúng sinh. Có thể nói rằng mọi âm thanh đều là khẩu kim cương của chư Bổn tôn kính ái.

“Hồng quang tỏa khắp luân hồi và Niết bàn,

Rung động và gom góp tinh hoa của sự tồn tại và ngừng diệt tụ tập lại”[4].

“Sự tồn tại” chỉ ra ba trạng thái bất tịnh. “Sự ngừng diệt” chỉ ra trạng thái thanh tịnh của Niết bàn. “Tinh hoa” là tinh túy của tứ đại của thế giới vô tình và tinh túy của thế giới hữu tình, chẳng hạn các phẩm tính của lòng bi mẫn và trí tuệ trong hữu tình chúng sinh.

Hai dòng này chỉ ra rằng vòng thần chú ở cổ họng (hay tim) của chư Bổn tôn kính ái phóng ánh sáng đỏ, chiếu đến khắp nơi trong luân hồi và Niết bàn, làm rung động và triệu hồi tất cả tinh hoa của thế giới thế gian và siêu việt.

Kính ái có tác dụng diệu kỳ. Nhờ thực hành kính ái, tinh túy và công đức của tất cả sự tồn tại thế gian và siêu việt được gom góp và tan vào dòng tâm thức. Ví dụ, nếu bạn thiếu trí tuệ, nhờ thực hành kính ái, bạn có thể có được nó. Dĩ nhiên, kính ái khác với điều mà các trường phái ngoại đạo miêu tả là “thu hoạch năng lượng”. Vài người tin rằng lý do họ đặc biệt gầy gò là bởi ‘khí’ của họ đã bị ai đó hút mất. Tuy nhiên, đây không phải là điều mà kính ái ám chỉ. Mặc dù bạn sẽ được lợi lạc từ thực hành kính ái, không nguy hại nào đến với người khác. Dù cho chúng ta đốt ngọn đèn đang cầm trong tay, ngọn lửa sẽ không khiến bất cứ ngọn đèn nào khác bị tắt.

Bởi những lý do kể trên, chúng ta cần thực hành kính ái với sự tinh tấn. Khi bạn trì tụng và thực hành Wang Dü, bạn có thể tuân theo các chỉ dẫn về thực hành Mật thừa phổ thông hay cao cấp. Dĩ nhiên, những hành giả chưa được quán đỉnh hay hành giả còn xa lạ với thực hành Mật thừa, có thể cầu nguyện sử dụng phương pháp Kinh thừa. Mipham Rinpoche không yêu cầu mọi người phải tuân thủ nghiêm ngặt bản văn này, thứ chỉ ra các thực hành của giai đoạn phát triển hay hoàn thiện. Miễn là chúng ta cầu nguyện đến chư Bổn tôn kính ái với lòng sùng mộ, tất cả thế giới hữu tình và vô tình sẽ dội vang. Điều này cho phép tinh hoa của luân hồi và Niết bàn được gom góp vào hành giả.

Vài người xem hoạt động kính ái này chẳng gì khác hơn một sự huyền bí hay hư cấu, nhưng tấm gương của Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche đã minh chứng cho những tác dụng của kính ái có thể hiển hiện rõ ràng thế nào. Tất cả những điều này là không thể nếu không có sự thành tựu hoạt động kính ái của Ngài. Sự thật rằng các bạn đang ngồi đây để nghe Pháp cũng là kết quả của hoạt động kính ái của Ngài. Chẳng ai lại đến ở vùng đất băng giá này mà không có lý do. Bản thân tôi đã tự mình trải nghiệm tác dụng của sự kính ái. Mỗi lần tôi đi đâu đó, tôi nhớ Larung rất nhiều. Ngay khi hoàn thành công việc, tôi mong mỏi quay trở về ngay. Điều này không tách rời với hoạt động kính ái của Kyabje Rinpoche.

Cũng không cần phải làm cho sự kính ái trở nên huyền bí. Những điều thế gian có thể có tác dụng ‘kính ái’ tương tự. Ví dụ, vài người bị quyến rũ bởi tình yêu, địa vị xã hội, của cải, thức ăn ngon hay tương tự. Giống với thực hành kính ái, chúng cũng là phương tiện để hấp dẫn người khác.

Ở điểm này, tôi muốn làm sáng tỏ rằng Phật tử không nên thu hút vì việc mong cầu cá nhân về danh tiếng hay quyền lực mà phải là vì lợi ích của hữu tình chúng sinh. Bạn không thể làm lợi lạc hữu tình chúng sinh nếu thiếu sức mạnh thu hút cần thiết. Vài vị Lama sở hữu những phẩm tính như trí tuệ, lòng bi mẫn và sự hùng biện, nhưng dường như gặp rắc rối khi mở rộng tầm ảnh hưởng tâm linh. Mặc dù được thúc đẩy để làm lợi lạc chúng sinh, họ không thể thu hút đệ tử vây quanh. Điều này bởi vì họ chưa làm chủ hoạt động kính ái. Một người đã thành tựu nghệ thuật kính ái sẽ tự nhiên thu hút người khác dù đi đâu. Bởi vậy, nếu bạn muốn làm lợi lạc hữu tình chúng sinh, bạn không chỉ cần sở hữu các phẩm tính như trí tuệ, trì giới và tính cách cao quý, mà còn cần khéo léo trong sự kính ái.

Tại sao nhiều Phật tử lại vân tập về Larung trong thời đại suy đồi như vậy? Đó là sự phản ánh chính xác sức mạnh của kính ái. Chúng tôi thực hành kính ái hàng năm trong Pháp Hội Một Trăm Nghìn Trì Minh Vương. Trong năm nay, Mật chú của chín Bổn tôn sẽ được toàn thể Tăng đoàn tụng đọc trong nửa tháng. Thực hành như vậy trong một tập hội là điều rất mạnh mẽ. Tôi từng nói đùa về việc cắt ngắn thời gian của Pháp Hội, sợ rằng thung lũng Larung sẽ không còn chỗ cho mọi người ngồi.

Những người mới biết đến thực hành Phật giáo, đôi lúc thực hành kính ái vì lợi ích bản thân. Trong thời đại suy đồi hiện nay, người ta gặp khó khăn trong việc thực sự thấu triệt Giáo Pháp bởi họ thiếu sức mạnh nội tại; con đường nghiên cứu Giáo Pháp của họ ngập tràn chướng ngại. Nếu bạn là một trong số này, bằng cách thực hành kính ái, bạn sẽ phát triển sức mạnh bên trong và sẽ có thể đem Giáo Pháp vào tâm thức một cách dễ dàng hơn. Sau đó, dù gặp phải chướng ngại nào, bạn sẽ có thể giải quyết nó.

Nếu bạn muốn thành tựu kính ái, đầu tiên, bạn cần xây dựng một kết nối với chư Bổn tôn kính ái, tức là, bạn cần hòa nhập thân, khẩu và ý của bạn với của chư vị. Để hòa nhập với thân kim cương của chư Bổn tôn, chư đạo sư Phật giáo quán tưởng thân chư vị là thân của Bổn tôn kính ái. Đây là phương pháp hữu hiệu nhất. Nếu bạn không quen với thực hành cao cấp như vậy, một lựa chọn khác là mang theo hình của chín Bổn tôn và cúng dường lên chư vị.

Về khẩu, bạn cần thường xuyên trì tụng Mật chú của chín Bổn tôn và đặc biệt là Wang Dü. Wang Dü là những từ ngữ kim cương của Mipham Rinpoche. Trì tụng chúng dù chỉ một lần cũng đem lại công đức vô biên. Mùa hè năm ngoái, tôi đã nhập thất ở Động Narayana thuộc Ngũ Đài Sơn. (Theo Kinh Hoa Nghiêm, Đức Văn Thù Sư Lợi trụ trong Động Narayana cùng với đoàn tùy tùng 100000 vị của Ngài), tôi đã phát nguyện trì tụng Wang Dü mười nghìn lần, và hy vọng của tôi là các bạn cũng sẽ làm vậy. Mười nghìn lần cũng không phải là nhiều. Nếu bạn có thể tụng 20 lần mỗi ngày, bạn sẽ hoàn thành trong một năm rưỡi.

Khi bạn trì tụng Wang Dü, tốt nhất là có thể quán tưởng khi trì tụng. Bạn có thể quán tưởng vô lượng ánh sáng đỏ chiếu tỏa từ những Bổn tôn kính ái, chiếu đến tất cả hữu tình chúng sinh và làm lợi lạc họ bằng Giáo Pháp. Bạn không cần phải quá phức tạp về sự quán tưởng. Sức tưởng tượng của vài người quá mức. Họ tạo ra những chi tiết không cần thiết trong việc quán tưởng và có thể tưởng tượng một bông sen đỏ nở từ luân xa tim của những Bổn tôn kính ái, với chủng tự HRIH bên trên màu đỏ, phóng ánh sáng … mặc dù không có sự miêu tả như vậy trong nghi quỹ.

Năm ngoái, tôi đã mong muốn tập trung vào thực hành hoạt động kính ái. Động cơ của tôi khá đơn giản. Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche đã hoàn toàn làm chủ hoạt động giác ngộ của sự kính ái. Tôi không dám nói rằng tôi muốn đạt được cấp độ giống như Kyabje Rinpoche, nhưng là đệ tử của Ngài, ít nhất tôi cần đi theo bước chân của các hoạt động mà Ngài đã tạo ra. Là học trò của một vị thầy đã làm chủ nghệ thuật kính ái, dường như không đúng khi thờ ơ thực hành này. Làm vậy sẽ khiến tôi giống như những hậu duệ của danh gia vọng tộc, người chẳng làm gì ngoài phung phí tài sản của cha mẹ. Là học trò của Kyabje Rinpoche, tôi cần nỗ lực với tất cả sức lực để tiếp tục truyền thống của Ngài.

9.3 Hòa nhập với Ý Kim Cương

Nương nhờ niềm vui của kim cương đại dục,

Ban tặng hai loại thành tựu cho người cầu,

Khéo buộc chúng sinh vào trong đại an lạc

Bằng móc kim cương và dây quyến sách lớn.


Chư Bổn tôn kính ái, sử dụng ham muốn kim cương vĩ đại của tâm giác ngộ, ban tặng mọi thành tựu thông thường và siêu việt mà hữu tình chúng sinh mong cầu. Với móc kim cương và dây quyến sách, chư vị trói buộc thế giới của hình tướng và tồn tại trong trí tuệ của đại lạc.

Ham muốn kim cương vĩ đại là kiểu trí tuệ được chuyển hóa từ ham muốn và là thuật ngữ phổ biến được tìm thấy trong Kim Cương thừa. Trong ‘Trì Tụng Hồng Danh Đức Văn Thù’ có viết rằng “ham muốn kim cương, ham muốn vĩ đại”. Ham muốn theo ý nghĩa thông thường là một kiểu bám luyến. Nếu bạn chưa chứng ngộ bản tính của tâm, bạn có thể trở nên bị vướng mắc vào nó. Khi bạn chứng ngộ bản tính nguyên sơ của tâm, ham muốn biến thành ham muốn kim cương (cũng được biết đến là Diệu Quán Sát Trí), điều không gây ra nguy hại cho bản thân hay người khác. Nguyên tắc tương tự cũng được áp dụng với sự vượt qua của sân, si hay tương tự. Ngay khi bạn hiểu được bản tính chân thật của những thứ này, chúng có thể biến thành trí tuệ không vấy bẩn.

Mối quan hệ giữa các phiền não tinh thần và trí tuệ cũng được nhắc đến trong nhiều Kinh điển, thứ truyền tải ý nghĩa rốt ráo. Trong ‘Pháp Hội Ma Ha Ca Diếp’ [từ Kinh Đại Bảo Tích] nói rằng: “Giống như chất độc có thể biến thành cam lồ nhờ sức mạnh của Mật chú, với phương tiện thiện xảo, ham muốn có thể được chuyển hóa thành trí tuệ”.

Những chúng sinh bình phàm liên tục bị trói buộc bởi tham, liên tục muốn thứ gì đó hay ai đó, điều gây ra một mức độ khổ đau tinh thần nhất định. Khổ đau như vậy có thể được gây ra bởi việc không hiểu bản tính của tâm. Nhờ các chỉ dẫn cốt tủy, nếu bạn có thể hiểu được bản tính chân thật của tâm, mọi khổ đau và đau đớn sẽ tan biến vào Pháp giới. Vì thế, mọi người cần dành những nỗ lực tốt nhất để chứng ngộ bản tính chân thật của tâm.

Chư Bổn tôn kính ái cầm trong tay những pháp khí như móc sắt và đồng, quyến sách, … Điều này đôi lúc có thể bị hiểu sai. Chư Bổn tôn kính ái không móc, buộc hay kéo các đối tượng về phía họ như người đánh cá theo nghĩa đen. Bạn phải hiểu rằng những pháp khí này chỉ mang tính biểu tượng về sức mạnh của chư Bổn tôn để câu triệu và thu hút các đối tượng.

Sức mạnh ẩn mật của sự kính ái có thể tạo ra nghi ngờ với vài người. Thực sự, khi một người không bao giờ thích thú Phật giáo gặp gỡ một vị Lama, anh ta thường lập tức bị cuốn hút bởi móc câu bi mẫn và muốn quy y Tam Bảo và rốt ráo trở thành một người lợi lạc với Phật Pháp. Đó là sức mạnh của kính ái.

Khi chúng ta giải thích Giáo Pháp, điều quan trọng là phải có tri kiến đúng đắn. Ví dụ, thanh gươm trong tay Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi không được sử dụng để làm hại hay sát sinh mà là biểu tượng của trí tuệ mà nhờ đó Ngài tiêu trừ vô minh của hữu tình chúng sinh. Bông sen nở mà Đức Quán Thế Âm cầm trong tay là biểu tượng việc Ngài trụ trong luân hồi nhưng không bị cấu nhiễm bởi các lỗi lầm, giống như hoa sen mọc lên từ bùn nhưng vẫn thuần khiết. Bởi thế, những thứ mà chư Phật và Bồ Tát mang không phải tình cờ mà đều là biểu tượng, điều làm khởi lên một nguồn gốc nghiệp đặc biệt.

Một điều mà bạn cần hiểu là kính ái là một phương tiện để làm lợi lạc hữu tình chúng sinh. Khi thuần phục một con mèo hoang, đầu tiên, bạn phải buộc vào một dây xích và rèn luyện nó trước khi nó trở thành một con mèo nhà. Tương tự, khi làm lợi lạc hữu tình chúng sinh, chư Bồ Tát thu hút những người đang chìm trong đáy sâu của luân hồi bằng cách sử dụng trí tuệ và lòng bi. Chư vị hòa tâm thức của hữu tình chúng sinh vào trí tuệ đại lạc, chuyển hóa tinh thần họ từ không được điều phục và hoang dã thành dễ bảo và có năng lực, và cuối cùng dẫn dắt những chúng sinh này chứng ngộ bản tính chân thật của tâm họ.

Đoạn kệ này thảo luận về việc hợp nhất với các phẩm tính giác ngộ của tâm chư Bổn tôn kính ái. Trong tương lai, khi trì tụng đoạn kệ này, bạn có thể quán tưởng rằng tâm bạn không tách rời với trí tuệ của chư Bổn tôn kính ái. Sau đấy, bạn có thể quán tưởng bản tính của tâm bạn, trực tiếp hiểu rằng chư Bổn tôn kính ái đại diện cho thời khắc hiện tại của giác tính. Chẳng có chư Bổn tôn kính ái nào khác ngoài giác tính của chính bạn trong thời khắc hiện nay. Nếu có thể thiền định như vậy, bạn sẽ có thể nhanh chóng và thực sự hòa nhập với chư Bổn tôn kính ái.

Tâm của hữu tình chúng sinh không khác với tâm của chư Phật và Bồ Tát. Không biết sự thật này, người ta bám víu vào quan niệm rằng họ và chư Phật là những thực thể tách biệt. Các cấp độ khác nhau trong thực hành Phật giáo được thiết kế để phá vỡ quan niệm phân biệt như vậy. Đầu tiên, người ta quán tưởng bản thân và Phật trong mối quan hệ giống như giữa học trò với bậc thầy. Sau đấy, ở giai đoạn cao cấp hơn của sự hành trì, chúng ta quán tưởng mình đồng đẳng với Phật, giống như mối quan hệ giữa bạn bè với nhau. Cuối cùng, chúng ta quán tưởng bản thân không khác với Phật, giống như nước rót vào nước.

Nhờ thực hành quán tưởng như vậy, cuối cùng chúng ta có thể thấy tâm mình là giống với tâm của chư Phật và Bồ Tát. Điều vô cùng quan trọng là tuân theo các bước tuần tự của sự quán tưởng. Rèn luyện tâm thức, giống như luyện vàng, là một quá trình dần dần.

10. Thành tựu

Trước Ba Cội Gốc – Tập hội đầy quyền uy,

Những bậc nhảy múa trong huyễn ảo bất tận,

Nhiều như hạt mè nảy mầm, mời an tọa.

Chí thành cung kính cầu xin ban phước lành,

Tất cả mong cầu thông thường và tối thắng,

Đều được thành tựu tự tại vô chướng ngại!

“Huyễn ảo bất tận” miêu tả sự vô số của chư Bổn tôn kính ái trong Pháp giới. Khi miêu tả các Mandala trong Phật giáo Kim Cương thừa, chúng ta thường đếm chư Phật và Bồ Tát theo đơn vị hàng trăm, nghìn, vạn, triệu và tỉ. Những con số này mang tính hình tượng. Thực sự, chư Phật và Bồ Tát là vô lượng.

Trong Pháp giới vô biên an trụ vô lượng chư Phật và Bồ Tát. Kinh A Di Đà tuyên bố rằng có vô số chư Phật ở mỗi phương. “Chín” chỉ là con số biểu tượng để chỉ vô số chư Bổn tôn kính ái.

“Nhiều như hạt mè nảy mầm, mời an tọa”. Phép ẩn dụ này minh chứng cho số lượng của chư Bổn tôn kính ái. Chư Bổn tôn kính ái an trụ và tràn khắp hư không, vị này kế tiếp vị kia, giống như hình ảnh mà sự sắp xếp của hạt mè nảy mầm. Trong chân lý tương đối, chư Bổn tôn kính ái trụ ở phương Tây; một cách rốt ráo, tuy vậy, chư vị trụ ở mỗi phương. Thậm chí trong phân tử nhỏ bé nhất, cũng có vô số chư Bổn tôn kính ái.

Chúng ta cần giữ tâm rộng mở khi nghiên cứu Giáo Pháp. Chỉ nhờ làm vậy chúng ta mới có thể hiểu được trạng thái không thể nghĩ bàn. Thậm chí Phật giáo Theravada cũng miêu tả các trạng thái vô biên. Ví dụ, mười sáu A La Hán hộ trì Giáo Pháp của Phật Thích Ca Mâu Ni đều sở hữu đoàn tùy tùng thế gian và xuất thế vô biên.

“Trước Ba Cội Gốc – Tập hội đầy quyền uy/ Chí thành cung kính cầu xin ban phước lành”. Khi cầu nguyện đến chư Phật, chúng ta càng sùng kính, ân phước gia trì nhận được sẽ càng mạnh mẽ. Trong Bình Giảng Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng, tôi đã nói về việc những lời cầu nguyện nên đến từ sâu thẳm trái tim ra sao. Bạn cần chú tâm vào lời cầu nguyện đến mức da gà nổi lên và nước mắt tuôn chảy. Dĩ nhiên, lòng sùng mộ như thế thì không kéo dài mãi. Vài người lúc đầu bị thúc đẩy bởi Giáo Pháp, nhưng khi những hăng hái ban đầu của họ nguội dần, họ trở nên ngày càng thờ ơ và không thể trân trọng công đức của Tam Bảo và bậc thầy. Mặc dù thờ ơ khi nghe về những khổ đau của luân hồi, họ bừng sáng ngay khi nói đến các món ăn ngon. Điều đó không tốt. Bạn cần phát triển sự xác quyết vĩnh cửu với Giáo Pháp.

“Tất cả mong cầu thông thường và tối thắng,/ Đều được thành tựu tự tại vô chướng ngại!”. Thành tựu tối thắng ở đây ám chỉ những phẩm tính siêu việt chẳng hạn thành tựu Phật quả. Thành tựu thông thường liên quan đến tám thành tựu thế gian, của cải tăng trưởng, khỏe mạnh, trường thọ hay tương tự. Với tôi, dường như phần lớn mọi người thực hành Phật giáo ngày nay đều hiếm khi tìm kiếm những thành tựu tối thắng. Đa số mọi người đều mong mỏi những lợi lạc thông thường, điều có thể hữu ích trong đời này. Khi tôi viếng thăm nhiều tu viện khác nhau, tôi thấy mọi người lễ lạy và cầu xin chư Phật và Bồ Tát. Điều mà tôi nghe thấy họ cầu xin là, “Xin cho con bình an, xin cho con hạnh phúc, xin cho cơn đau răng của con biến mất, xin cho con xinh đẹp, xin cho gia đình con êm ấm…”.

Với những người đã thọ nhận giáo lý Đại thừa, những phẩm tính thế gian này là không thực giống như giấc mơ và ảo ảnh. Bất kể bạn giàu có, nổi tiếng hay vị thế cao trong xã hội, mọi thứ cuối cùng sẽ sụp đổ. Nếu bạn cần thêm các bằng chứng, hãy nhìn vào lịch sử. Sự thịnh vượng thế gian là tạm thời. Chỉ công đức siêu việt mới có giá trị rốt ráo. Bởi thế, chúng ta cần mong mỏi những phẩm tính siêu việt. Dĩ nhiên, có nhiều kiểu phẩm tính siêu việt. Mỗi người chúng ta đều có mong ước riêng. Bất cứ điều gì mà bạn mong muốn, chừng nào bạn còn tinh tấn trong những lời cầu nguyện, các mong ước sẽ trở thành hiện thực.

Wang Dü là viên ngọc như ý đích thực. Nếu bạn trì tụng lời cầu nguyện này một cách chăm chỉ, bạn không những đạt được mọi phẩm tính mà mình mong muốn, mà còn có thể xua tan mọi chướng ngại khỏi đường tu. Dĩ nhiên, nếu bạn gặp phải nghiệp báo không thể tránh, thứ là kết quả của các hành động từ đời quá khứ, thật khó để mong muốn việc xua tan các chướng ngại như vậy ngay lập tức.

Khi tôi đang thuyết giảng ở Hồng Kông, tôi được hỏi rằng liệu chư Phật và Bồ Tát có thể cứu chúng ta khỏi nỗi đau đớn. Nếu không, câu hỏi được đặt ra là mục đích của cầu nguyện là gì? Tôi nói với anh ta rằng, với cùng một đơn thuốc, khi được cho sử dụng cùng liều lượng, vài bệnh nhân được khỏi bệnh và số khác thì không. Bởi đơn thuốc không có tác dụng với vài người, liệu nó có cần được từ bỏ hoàn toàn? Điều này đúng với ân phước gia trì của chư Phật và Bồ Tát. Tôi không nói rằng chúng có thể giải quyết mọi vấn đề của hữu tình chúng sinh. Tác dụng của nghiệp là điều cực kỳ phức tạp. Nương tựa vào ân phước gia trì của chư Phật và Bồ Tát, vài vấn đề có thể lập tức được tiêu trừ, nhưng các vấn đề khác có thể không. Với những vấn đề như vậy, cầu nguyện vẫn là cách mà chúng ta có thể làm tốt nhất.

Một điểm khác mà tôi cần nhắc nhở các bạn là khi làm bạn với một người rất mạnh mẽ, bạn cần cầu xin người đó giúp bạn chỉ những vấn đề quan trọng nhất; các vấn đề bình phàm không đáng để dành thời gian. Tương tự, khi trì tụng Wang Dü, nếu bạn không tìm kiếm những lợi lạc quan trọng mà chỉ trì tụng để ăn diện hơn, ăn hay ngủ ngon hơn, đây không phải là một lý do xứng đáng.

Vì thế, khi bạn trì tụng Wang Dü, hãy hướng về giáo lý của Kyabje Rinpoche, “Nguyện cầu ân phước gia trì của chư Bổn tôn kính ái cho phép con sở hữu phẩm tính của giới luật trong suốt các đời tương lai. Xin hãy gia trì để con có thể làm lợi lạc hữu tình chúng sinh nhờ lòng bi mẫn đời này qua đời khác!”. Hoặc hãy học hỏi từ Đức Phổ Hiền: “Nhờ công đức này, nguyện cầu con tiêu trừ mọi phiền não tinh thần, hoàn thiện mọi phẩm tính và làm lợi lạc mọi hữu tình chúng sinh”.

11. Tác giả và Cách áp dụng thực tiễn

“Lời cầu nguyện này được biên soạn vào ngày đầu tiên của tháng bảy năm Thổ Mão (1879) bởi vị mang danh hiệu Dhih. Bất cứ ai cầu nguyện theo cách này, không nghi ngờ gì, sẽ thành tựu mọi hoạt động kính ái theo đúng ước nguyện”.

Bản văn này được Mipham Rinpoche viết năm 1879, khi Rinpoche 34 tuổi. “Dhih” là chủng tự của Đức Văn Thù Sư Lợi và cũng là danh hiệu mà Mipham Rinpoche hay dùng để gọi bản thân.

Ở đây rất rõ ràng rằng, không chỉ những đạo sư thành tựu, mà bất cứ ai cầu nguyện theo cách này, sẽ thành tựu các hoạt động kính ái. Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche cũng nói rằng, “Chỉ những người với căn cơ cao mới có thể đạt giác ngộ nhờ các thực hành Mật thừa sâu xa. Người bình phàm không thể thành công. Nhưng Wang Dü của Mipham Rinpoche thì khác. Chừng nào con còn có niềm tin với chín Bổn tôn kính ái, bất cứ ai cũng có thể thành tựu hoạt động kính ái.

“Lời cầu nguyện này có thể được viết trên cờ đỏ và cuốn đi trong gió, hoặc sử dụng trong Kinh luân quay bởi lửa hay gió. Nguyện cát tường!”.

Khi Kyabje Rinpoche còn ở bên chúng ta, những lá cờ cầu nguyện Wang Dü được treo trên khắp các mái nhà ở Larung. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy cờ Wang Dü ở Tây Tạng ngày nay và thậm chí ở các thành phố của Trung Hoa, tôi cũng từng thấy trên tường nhà được bao phủ bằng cờ Wang Dü. Đây là một nguyên nhân cát tường.

Tôi khuyên các bạn hãy trì tụng Wang Dü một cách tinh tấn trong tương lai và treo nhiều cờ Wang Dü. Điều này sẽ giúp xiển dương Giáo Pháp và cũng làm lợi lạc hữu tình chúng sinh trong vùng. Ngày nay nhiều người đang chịu khổ đau vì chứng hoang tưởng, lo âu và chán nản. Nếu bạn có thể trì tụng Wang Dü hay treo cờ Wang Dü, thân và tâm sẽ tận hưởng sự tự do lớn lao hơn và hạnh phúc sẽ tự nhiên sinh khởi trong bạn.

Hãy cẩn thận khi bạn treo cờ cầu nguyện. Tốt nhất là treo chúng trên mái nhà hay trên núi. Đừng treo chúng trong vườn nhà nơi mọi người vẫn ra vào. Cờ cầu nguyện không khác với chính Đức Phật. Nếu chúng được treo ở nơi không thích hợp và người ta bước qua chúng, đây được xem là một sai sót lớn.

Trước khi bạn treo cờ, chúng phải được thánh hóa. Nếu bạn không thể tìm được ai làm điều đó cho bạn, hãy rắc một ít gạo từ lễ thánh hóa trước kia. Nếu bạn không có nó, hãy trì tụng chú duyên khởi bảy lần (ye dharmā hetu prabhavā hetun, teṣāṃ tathāgato hyavadat, teṣāṃ ca yo nirodha, evaṃ vādī mahāśramaṇa svaha) hay trì tụng thần chú Hư Không Tạng bảy lần, điều cũng được xem là thánh hóa.

Mipham Rinpoche nói rõ ràng rằng, ngoài việc in lên cờ cầu nguyện, Wang Dü cũng có thể được làm thành kinh luân được vận hành bởi gió hay lửa. Điều này cũng giúp ích trong việc thành tựu hoạt động kính ái. Dĩ nhiên, chúng ta cũng có thể làm kinh luân bằng lời cầu nguyện Wang Dü để cầm tay. Một cách bất ngờ, chúng ta cũng có cách thức đặc biệt phải tuân theo khi làm kinh luân. Bạn không nên làm kinh luân mà không tham khảo trước về kinh văn. Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche từng bình luận rằng: “Khi vài người có được một Mật chú của Phật, họ lập tức đặt nó vào kinh luân. Điều này không hợp lý. Nếu con muốn làm kinh luân, sẽ thật tốt nếu làm chúng bằng Mật chú đại bi bởi nhiều bằng chứng kinh văn nói rằng kinh luân yểm Mật chú đại bi cực kỳ lợi lạc”.

Tôi nhớ rằng không lâu trước khi Kyabje Rinpoche viên tịch, Ngài nhiều lần chỉ dẫn chúng ta quay kinh luân và nói với chúng ta với sự khẳng định mạnh mẽ rằng, khi người ta sắp qua đời, thậm chí nếu không có ai trì tụng những lời cầu nguyện cho họ, chừng nào có một kinh luân ở bên, họ sẽ không đọa vào cõi xấu.

Dù sao, tôi hy vọng các bạn có thể giúp Wang Dü trở nên nổi tiếng bằng cờ cầu nguyện hay kinh luân. Nhiều người tham gia vào các hoạt động từ thiện. Thành thật mà nói, rất nhiều trong số tiền này không được dùng hiệu quả. Mặc dù những người này rất hào phóng, nhiều nỗ lực của họ không hiệu quả với sự giác ngộ của họ hay việc xiển dương Giáo Pháp. Nếu những người này có thể dành tiền cho cờ cầu nguyện hay kinh luân Wang Dü, thân và tâm của họ sẽ trở nên tự do hơn và nhiều chướng ngại của họ sẽ được tiêu trừ, và nó còn giúp Giáo Pháp trở nên hưng thịnh.

Trước khi Kyabje Rinpoche qua đời, Ngài nói, “Trong tương lai, nếu các đệ tử của thầy trì tụng Wang Dü thường xuyên, sự trao truyền tâm yếu của bậc thầy sẽ tiếp tục”.

Trong Nhập Bồ Tát Hạnh, có một câu chuyện về một vị thiên chữa lành bệnh gây ra bởi loài Naga bằng cách xây dựng một tòa tháp Garuda lớn. Nhiều năm sau khi vị thiên này qua đời, người ta vẫn đi nhiễu quanh bảo tháp để trị bệnh gây ra bởi Naga. Vì thế, thậm chí nếu bạn chưa từng gặp Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche, nhờ thực hành Wang Dü, bạn vẫn có thể thọ nhận ân phước gia trì của sự tâm truyền từ Ngài. Khi bạn thọ nhận sự tâm truyền từ Ngài, khổ đau của bạn sẽ được xua tan và dù gặp phải kiểu chướng ngại nào, bạn sẽ đối mặt với nó một cách dễ dàng và tự tại hơn. Bạn sẽ hạnh phúc trong đời này và dĩ nhiên, cả trong đời tương lai.


Nguyên tác: Wang Dü: ‘The Great Cloud of Blessings’ – The Prayer Which Magnetizes All that Appears and All that Exists (http://www.khenposodargye.org/teachings/foundation/the-great-cloud-of-blessings/)

Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.

Mọi sai sót là lỗi của người dịch. Xin thành tâm sám hối trước Tam Bảo, Tam Gốc.

Mọi công đức có được xin hồi hướng tất thảy hữu tình chúng sinh.

Nguyện cầu tất cả những hành giả hữu duyên với bản dịch này sẽ đều phát tâm tụng đọc Wang Dü mỗi ngày.

[1] Bản dịch Việt ngữ của dịch giả Giới Định Tuệ – Tuyển tập các bài trì tụng hàng ngày, NXB Tôn giáo, trang 36-37.

[2] Bản dịch Anh ngữ của câu này là “The overpowering Heruka — formidable subjugator of all that appears and exists”, nghĩa đen là “Đấng Hê-ru-ka oai hùng – vị điều phục mọi thứ xuất hiện và tồn tại”.

[3] Từ Mudra ở đây có nhiều lớp nghĩa; trong đoạn kệ này, nó cần được hiểu là phẩm tính và thành tựu.

[4] Nghĩa trong bản dịch Anh ngữ mà Khenpo Sodargye sử dụng hơi khác với bản dịch Việt ngữ của dịch giả Giới Định Tuệ – ND.


The Great Cloud of Blessings: The Prayer which Magnetizes All that Appears and All that Exists

OM AH HUNG HRIH

Blazing great bliss is the palace of magnetizing activity,

Where the embodiments of the wisdom of discernment, the union of bliss and emptiness, reside.

Lotuses, blissful yet free from attachment, shine

Like glorious rays of the vajra sun:

Amitabha and Vajradharma – the dharmakayas,

Avalokiteshvara, Lord of the World, the very embodiment of compassion,

Padma Gyalpo, the Lotus King, who rules over samsara and nirvana,

Powerful Heruka, subjugator of all that appears and exists,

Guhyajnana and Vajravarahi,

Supreme Bliss, King of Desire, Wellspring of Great Bliss, and

Kurukulla, who captivates the mind of every living being without exception,

Mighty ones, supreme and ordinary mudras, who exhibit bliss and emptiness as a dance, and

Hosts of vajra dakas and dakinis, who attract and magnetize.

In the great equality of appearance and emptiness

As you move, your vajra bodies reveal the dance that stirs the three realms of existence,

Your resounding laughter is the ceaseless enlightened speech that summons the three realms,

As rays of red light burst from you, filling samsara and nirvana,

The vital essence of existence and peace is quickened and collected –

The supreme vajra passion, the enlightened mind,

Grants the paramount desire of sentient beings: the two kinds of siddhi.

With your formidable vajra-hooks and lassoes,

You bind the world of appearance and existence in great bliss.

A filigree of limitless magical manifestations

Fills the whole of space like seeds in an open sesame pod.

To this vast array of the Three Roots, hosts of magnetizing deities,

In devotion we pray. Inspire us with your blessings,

Grant us attainments, ordinary and supreme, and the siddhi

Of magnetizing whatever we desire, without obstruction.

This was composed on the first day of the seventh month of the Earth Hare year (1879) by one named Dhīḥ. Anyone who prays in this way will, without any doubt, accomplish all magnetizing activities exactly according to their wishes. This prayer may be written on red flags and flown in the air, or used in prayer wheels powered by heat or wind. Mangalaṃ!

A recent divination said that the Rigpa Sangha must accumulate 10 million recitations of the Wangdu prayer – I’m sure you are already doing it. And actually, everyone here, the Rigpa students as well as the Chokling lamas and monks, has been contributing towards this accumulation, because I told the chant master at the beginning of this drupchen to make sure we recite it ten times every day.

Yesterday, however, I noticed that many of you seemed unable to recite this prayer. I was under the impression that, after Khenpo Jikmé Phuntsok told you to practise the Wangdu in 1993, that it was part of Rigpa’s Daily Sadhana Practice book. Yet, most of you didn’t even have the text – you had to look instead at the television screens where the prayer was being displayed. Westerners have good eyes so maybe you really were able to read it from the screen, but I wasn’t. At first I thought you were looking at the screens because, as you didn’t know we were going to do this prayer, you hadn’t brought it with you – after all, yesterday was the first time we recited it. But as the same thing happened again today, there must be another reason.

Today, once again, many of you, including the western monks didn’t recite the prayer, and as if to follow your example, the Tibetan monks stopped reciting altogether. Some of the tulkus even fell asleep! To be frank, that seems a bit odd to me. If you want to follow the advice of a divination and accomplish the practice it recommends, you should at the very least have a copy of the prayer in front of you, then make the effort to recite the words!

Explanation of the Title

The Great Cloud of Blessings: The Prayer which Magnetizes All that Appears and All that Exists

The Wangdu prayer is a mind terma which arose in the wisdom mind of Jamgön Mipham Rinpoche.

There is only one way that it’s possible for people like us “to magnetize all that appears and exists”: by bringing the outer world that appears and the sentient beings who exist within the outer world under control by invoking the magnetizing deities and receiving their blessings.

By bringing all that appears and exists under your control, you will automatically be able to direct your mind and wind energy. Once you are in control of your mind and wind energy, you can actualize the wisdom of Dzogpachenpo and so reach the state of enlightenment. One of the side effects of this practice is that you will also be able to influence ordinary adverse circumstances and transform them into positive ones. For example, by bringing all suffering under control, you will then be able to transform it and bring about happiness.

The Meaning of the Words

om ah hung hrih

The text begins with om ah hung hrih, which represent, respectively, the enlightened body, speech, mind and wisdom of all the victorious ones, to whom we offer praise. Although it appears last, hrih is the main syllable and represents the natural radiance of the wisdom of discernment, which is the core seed syllable of the Three Root magnetizing deities.

The ‘support’ of the dwelling place of the magnetizing deities is described as a ‘palace’,

Blazing great bliss is the palace of magnetizing activity,

Here, ‘great bliss’ is to do with the five wisdoms, specifically the wisdom of discernment; and ‘blazing’ indicates that great bliss is not small and that it burns with the intensity of a raging inferno at end of time.

This palace – which is actually the union of great bliss and emptiness and the natural radiance of the wisdom of discernment – is the home of the magnetizing deities. Within the palace, the dynamic energy of the union of bliss and emptiness and the wisdom of discernment arises as various manifestations of wisdom – the ‘wisdom kayas’. “Blazing great bliss, the palace of magnetizing activity,” is therefore the authentic dharmakaya of the Buddha and the ground from which all phenomena arise.

Where the embodiments of the wisdom of discernment, the union of bliss and emptiness, reside.

“The embodiments of the wisdom of discernment” are sambhogakaya manifestations of the Buddha – “the union of bliss and emptiness”. Sambhogakayas manifest without ever moving from the dharmakaya, yet arise as sambhogakayas – ‘displaying movement without moving’. In the basic space of Akanishtha, sambhogakayas fully experience and delight in all the ‘great enjoyments’ that can be found throughout the ten directions and four times without exception; ‘great’ indicates that the amount of enjoyment is so vast that it’s inconceivable.

The text has more to say about the sambhogakayas:

Lotuses, blissful yet free from attachment, shine…

Here, there is not even the suggestion of ordinary attachment. Yet, although there is not the slightest attachment, the natural radiance of the energy of great bliss manifests as ‘lotuses’ – which in this case means the deities of the Lotus family whose main activity is magnetizing.

In our world, everything that appears is revealed quite naturally by the sun and the moon. Taking this as the example, the text goes on to say,

Like glorious rays of the vajra sun:

Emptiness, which is like a vajra, is compared to the gloriously radiant sun, which emanates infinite rays of light that eliminate all trace of darkness. In the same way, the sambhogakayas continuously manifest many forms of nirmanakaya throughout time and space, to accomplish the well-being of sentient beings.

Amitabha and Vajradharma – the dharmakayas,

Who is it that appears? The deities to whom we are praying. The first is Dharmakaya Amitabhaand the consort of the dharmakaya, Vajradharma. Of the five buddha families, we are concerned with the magnetizing lotus family, and so in this case the dharmakaya is Buddha Amitabha of ‘Infinite Light’. If you prefer, you can think of Dharmakaya Amitayus – that’s also fine.

From his own perspective, the Buddha taught in the buddhafield of Akanishtha, and these teachings were then compiled and collected by Vajradharma, who appears with one face and two hands, holding a vajra and bell.

Avalokiteshvara, Lord of the World, the very embodiment of compassion,

Next, the creator of the world. All Hindus believe that the world was brought into being by a creator. For Buddhists, this world came into being as a result of Noble Avalokiteshvara’s compassion, so to us, Avalokiteshvara is known as the ‘Lord of the World’. The Lord of the World can take many different forms, but here we are concerned with the sambhogakaya form of a deity whose manifestation was precipitated by deep solicitude for sentient beings: Avalokiteshvara. He can take many forms, but he is red on the thangka. So, as you recite this prayer, you should visualize the red form of Avalokiteshvara.

Padma Gyalpo, the Lotus King, who rules over samsara and nirvana,

The Noble Lord of the World, Avalokiteshvara, emerged from the syllable hrih that appeared in Amitabha’s heart. Guru Rinpoche also emerged from Amitabha’s heart as a syllable hrih, then descended onto a lotus on Lake Dhanakosha, to take the form of Guru Rinpoche.

Padma Gyalpo is one of Guru Rinpoche’s eight manifestations. He takes the form of the king who has brought all that appears (the universe) and exists (sentient beings) under his control. He is the leader of all the dakinis who dwell in the three planes of existence – those above live in space, those in the middle live on earth, and those below live under the earth. He rules over all beings in samsara and all the buddhas of nirvana – he is intrinsic to all the perfectly enlightened ones. I could say a great deal about Padma Gyalpo[1]

Powerful Heruka, subjugator of all that appears and exists,

The “Powerful Heruka” is Hayagriva. Every being that lives (existence) in this world (appearance) has no choice but to follow Hayagriva’s command. He is more powerful than any other being; there is no one to equal or even compete with him. Hayagriva is the universal ruler of all that appears and exists. His wisdom intent is enriched by the ‘three neighs’ – which is too vast a subject to explain right now. What you need to understand about Hayagriva as you say this prayer is that there is no one greater or more powerful than “the Powerful Heruka.”

Guhyajnana and Vajravarahi,

Guhyajnana, or ‘Secret Wisdom’, is the name of Hayagriva’s consort – there are sadhanas that focus on Guhyajnana[2], ‘the magnetizing dakini’. Vajravarahi is Vajrayogini.

First, all the victorious ones came together to produce Hayagriva (the male deity) and Vajravarahi (the female deity). These two deities then overpowered Rudra Black Liberation – who ruled over the world at that time – liberating all the chief dakas and dakinis of the twenty-four sacred places, thirty-two sacred lands and eight great charnel grounds. Hayagriva and Vajravarahi then brought into being the buddhafield where the Secret Mantra Vajrayana teachings were first taught.

Supreme Bliss, King of Desire, Wellspring of Great Bliss, and

Chakrasamvara means “Supreme Bliss” and is the natural expression of the wisdom of great bliss of all the victorious ones. This deity, Chakrasamvara, is practised to some extent in the Nyingma tradition, but chiefly by the Sarma schools.

Kurukulla, who captivates the mind of every living being without exception,

We are practising the deity Kurukulla in this drupchen[3].

Mighty ones, supreme and ordinary mudras, who exhibit bliss and emptiness as a dance, and
Hosts of vajra dakas and dakinis, who attract and magnetize.

All the lamas, yidams and dakinis gathered before you, appear in the form of “supreme and ordinary mudras”, meaning as deities; and the nature of their “dance” is “bliss and emptiness”. They are the “hosts of vajra dakas and dakinis who attract and magnetize.”

There is something very profound to be understood here. According to the Nyingmapas, all the victorious ones produced Glorious Hayagriva and Vajravarahi, who then relied on the skilful method of union free from attachment, and annihilated and liberated Matam Rudra. They scattered the remains of Rudra’s body throughout the world’s sixty-four power places – twenty-four sacred places, thirty-two sacred lands and eight great charnel grounds – all of which are sacred to Hayagriva and Vajravarahi. Each place is guarded by a chief daka and dakini, who were emanated by Hayagriva and Vajravarahi. As their mandalas have yet to be dissolved, each place continues to be guarded and preserved as sacred fields of the profound Dharma. The qualities of these profound Dharma fields are such that, through the power and blessings of the dakas and dakinis, by visiting just one of them, males will be blessed and become members of the daka family, and females will be blessed and become members of the dakini family. So, “Hosts of vajra dakas and dakinis who attract and magnetize” means not only all these dakas and dakinis, but also all those mentioned in the Chakrasamvara teachings.

According to the Sarma Chakrasamvara teachings, the great god Ishvara and Avalokiteshvara are one and the same. Avalokiteshvara’s great ‘desire free from desire’ took the form of Chakrasamvara, who is by nature great bliss. Chakrasamvara then united with his consort and they made manifest the sixty-four sacred places that appear in this world, which were already present in their bodies. As I’ve said, the dakas and dakinis live in and guard the sixty-four sacred places, their chiefs are the sixty-four deities in Chakrasamvara’s retinue, and this mandala is still intact. This is why its blessings are said to be so swift and powerful.

In the Sarma tradition, the Bhagawan Buddha Shakyamuni, is said to have manifested as Chakrasamvara.

All these deities are born ‘naturally’ or ‘spontaneously’, meaning they are not a wandering consciousness that is reborn in samsara again and again, like you and I. They arise from the dynamic energy of emptiness to benefit sentient beings. Although they ‘appear’, they do not exist objectively in the way sentient beings exist, which is why the text says:

In the great equality of appearance and emptiness…

How do all these deities benefit sentient beings?

As you move, your vajra bodies reveal the dance that stirs the three realms of existence,

When the deities move their vajra bodies in all sorts of dance movements, all the worlds in the three realms of existence are stirred into motion. In our physical world, all movement and change is actually brought about solely by mind: mind is constantly moving and observes all manner of perceptible arisings. When the gods perform a specific dance, that dance initiates movement and change throughout all the worlds in the three realms of existence. This is what is meant by “…your vajra bodies reveal the dance”. For Indians, the great and mighty lord of this world is called Nataraja, ‘the Lord of the Dance’, who is a dancing god. They say that as long as Shiva Nataraja continues to dance, our world will endure, but if he stops dancing the three realms of existence will cease to exist immediately. The same idea appears here in the Wangdu prayer, with the words: “your vajra bodies reveal the dance that stirs the three realms of existence.”

Your resounding laughter is the ceaseless enlightened speech that summons the three realms,

“Your resounding laughter” means absolutely all sounds: those produced by nature – the winds in the five elements on the environmental level; and those produced by the sentient beings who live within that environment. The nature of all sounds is the natural sound of enlightened speech, which resounds continuously and unceasingly throughout the three worlds, and “summons the three realms”.

As rays of red light burst from you, filling samsara and nirvana,

Visualize the enlightened mind of all the deities of the mandala in the form of rays of red light that pervade all samsara and nirvana. This red light is wisdom light, and is often said to be like space – a detail that doesn’t appear in this text. All that is said here is that the light is red because of the wisdom of discernment, and that it pervades all samsara and nirvana, penetrating every single nook and cranny. Space has the ability to accommodate the contents of the entire universe – including all the Mount Merus and continents that make up millions of world systems – as well as all the beings who live within that universe. Space is everywhere and like space, the expanse of primordial wisdom is also everywhere and can also accommodate all of samsara and nirvana.

The vital essence of existence and peace is quickened and collected –

When the blessings of the enlightened body, speech and mind are conferred in this way, the result is a sort of miracle: all the pure vital essences of “existence” (the sentient beings who live in the three realms of existence) and “peace” (the buddhas who abide in nirvana) are stirred and quickened. When milk is churned, butter is produced and can then be collected; similarly, by churning samsara and nirvana, the pure vital essence of all that appears and exists can be collected.

The supreme vajra passion, the enlightened mind,

The vital essence of samsara and nirvana that has been gathered is the enlightened mind, the supreme vajra passion for sentient beings. The enlightened mind arises from the dynamic energy of emptiness and is passionate about wanting to help sentient beings.

Grants the paramount desire of sentient beings: the two kinds of siddhi.

The enlightened mind then benefits sentient beings by giving them everything they have ever wished for, mostly importantly the supreme and ordinary siddhis.

With your formidable vajra-hooks and lassoes,
You bind the world of appearance and existence in great bliss.

The deities wield vajra-hooks and lassoes – but these hand-held implements are just symbolic. Hooks are used to ensnare and reel things in, and lassoes are used to tie things up, aren’t they? So, thanks to these symbolic hooks and lassos, the whole universe – all the different fields that appear and which contain an inconceivable number of the six types of sentient beings who existand live in the three realms of samsara, as well as every karma, destructive emotion, delusion and suffering they experience – can be reeled in by the deities’ hooks and bound within the expanse of great bliss by their nooses.

All that appears and exists must be bound in great bliss. We accomplish that binding by using the vajra hooks and lassoes that symbolize emptiness. Only the natural play of the Buddha’s wisdom has the ability to bind appearance and existence in great bliss; nothing else can do it. Once that has been done, limitless manifestations unfurl in a magical display.

A filigree of limitless magical manifestations

“Limitless” means the quantity is not small, it’s boundless – the infinite display of the inseparable union of skilful means and wisdom. These limitless magical manifestations are made up of beings to be tamed, the great beings who tame them, and infinite aspects of kyerim and dzogrim, and so on. When all sorts of things are brought together like this, they form an interconnected net, or “filigree”. In that sense, the “limitless” or immeasurable “magical manifestations” that appear are like a “filigree”.

“Manifestations” means that the multitude of deities are extrinsic and therefore appear externally. Some manifestations arise to liberate one being, others to liberate many. In some situations, an incalculable number of magical displays might arise just for the sake of a single being. So here, the deities don’t manifest one or two at a time, there are so many of them that they are like seeds in a sesame pod.

Fill the whole of space like seeds in an open sesame pod.

Source: blastedgoat.wordpress.com/2009/01/06/open-sesame

If you have never opened a sesame pod you won’t know this, but what you see is that the pod is completely packed with seeds[4]. In the same way that sesame seeds fill a sesame pod, these multitudinous deities, who have the ability to effortlessly and spontaneously give us everything we have ever wished for, fill all three realms of existence.

To this vast array of the Three Roots, hosts of magnetizing deities,

“Vast array” brings the sense of a great many, so we pray to all the magnetizing deities – the main ones are the deities of the Three Roots (lama, yidam and khandro).

In devotion we pray. Inspire us with your blessings,

When we invoke that many deities, what should we ask for? We should pray that they grant us every one of the infinite ordinary and supreme attainments. We should also pray that they grant us the ability, or siddhi, to magnetize whatever we desire without any difficulty whatsoever.

Grant us attainments, ordinary and supreme, and the siddhi
Of magnetizing whatever we desire, without obstruction.

To accomplish the supreme siddhi, which is the attainment of complete and perfect buddhahood, we must realize the view. Once we have realized the view of Dzogpachenpo or Mahamudra, we will attain supreme accomplishment.

At the same time, we also pray for ordinary accomplishments, including the four activities of pacifying, enriching, magnetizing and subjugating, and the eight accomplishments – which are lesser accomplishments – like the ability to see through solid matter, fleet-footedness, to become invisible, to fly, and so on. So, with the words, “please grant us the siddhi of magnetizing!” we pray that the deities grant us everything we need, wish for and desire, without any difficulties arising. We couldn’t wish or pray for anything more than the supreme and ordinary accomplishments – there is nothing better.

Among the siddhis we pray for are all the minor accomplishments, like having a long life, becoming rich, being physically beautiful, having a beautiful voice, enjoying good health free from illness, and so on.

This concludes a very brief explanation of the words of the Wangdu prayer.

What to Do while Reciting the Wangdu Prayer

Imagine in the sky before you, the palace of magnetizing activity – a conflagration of blazing red light. Meditate on that image and visualize all the deities I have mentioned inside the palace, like people in a market place. To learn what these deities look like – their faces, hands, ornaments, clothing and so on – look at the thangka and do your best to visualize them based on how they are presented there.

The most important aspects of this visualization are: the dance of the vajra bodies of the deities, which stirs the three planes of existence; the deities’ enlightened speech, which is graced with the melodious qualities of Brahma’s voice; and the blazing red light.

As you meditate, don’t just think about the deities named in the prayer, imagine a vast throng of countless deities filling the palace “like seeds in a sesame pod” – an uncountably vast number of deities, like the rays of the sun, beyond imagining; and for example, in every pore of each deity’s skin is a ‘World of Endurance’, a ‘trichiliocosm’ of buddha fields. The deities should be vividly present, joyfully happy and laughing as they rejoice at all the benefit they bring to sentient beings.

As we recite this prayer, we are repeating Mipham Rinpoche’s original vajra words.

Conclusion

You now have some understanding of what this prayer means. At this point, the instruction usually given is that you should practise “remembering the meaning after the words”. So, you must now actualize the meaning of the words as you say them.

When you pray using words like these, you invoke the wisdom mind and sacred pledges of all these deities whose minds, from beginningless time, have been focused on helping sentient beings. As these deities are invoked, they express their joy by laughing; their wisdom minds are filled with a great love from which rays of red light stream out to all the corners of space, where they gather the vital essence of conditioned existence and ultimate peace. This is how you bring the three realms of existence and the sentient beings of the six realms under your control. And you should feel complete confidence when you say, “I have now gained these accomplishments!”

This is what you should think as your recite the prayer.

Prayers are for ordinary people like myself, who have no qualities or realization. Those of you with great realization will be able to remain within the expanse of the view.

We pray to receive the blessings of great beings’ compassion. But if even the likes of Jamyang Khyentse Wangpo said, “I, Kunga Tenpe Gyaltsen[5], place my hopes in prayers for the path of liberation,” it’s clear that for someone like me, there is no hope but prayer because it’s the only method I can actually practice. Just to pretend to remain in samadhi doesn’t do any good at all. This is why I mentioned at the beginning of this talk noticing how many of you seem to be trying to dwell in samadhi while the rest of us recite the Wangdu. You really shouldn’t just ‘sit’ through a prayer recitation.

When I was sixteen, Dilgo Khyentse Rinpoche came to Bir. One day, he took a short text – red printed on white paper – from his prayer collection and gave it to me, saying, “It’s good to recite this from time to time.” I asked him for the reading transmission and instructions on how to meditate on it, and he said something similar to what I have just told you – maybe in fewer words. He then said that I should now recite this prayer. So since then, I make sure I recite this prayer every now and again.

These days the Wangdu is quite widely known. I have bumped into a number of people over the years who have asked me to explain it. Until now, I have pretended not to know anything about it, to avoid spelling out what it actually means. However, as you will be accumulating a great many recitations of this prayer, if there were ever a time for this teaching to be useful, it’s now.

I offered this explanation the moment I thought of giving it, because who knows how I’ll feel tomorrow. By then, I might not fancy the idea of sharing these very special instructions with anyone.

Translated by Gyurmé Avertin
Edited by Janine Schulz