6

Lời Khai Thị của Đức Gyalwang Drukpa XII về Tâm Chí Thành và Tình Cảm (Phần 1)

Tâm chí thành là một hình thức của sự hiểu biết. Đây là điều cốt tủy khi đàm luận về tâm chí thành. Trong các giáo phái, trong các tôn giáo khác phẩm hạnh này có thể có những tên gọi, danh hiệu và cách biểu đạt khác nhau. Tuy nhiên, tôi cho rằng điều cốt yếu là phải có sự hiểu biết chân thực về tâm chí thành.

Có rất nhiều người còn chưa thấu tỏ giữa tâm chí thành và tình cảm bởi xét về phương diện thực hành, họ chỉ cố gắng trở thành những tín đồ sùng đạo, khi đó tâm họ sẽ tự nhiên trở nên tràn đầy những tình cảm. Trong bài thuyết pháp của mình, tôi sẽ đàm luận chủ yếu về vấn đề này. Nhiều Phật tử đang thực sự nhiệt tâm tu tập nhưng trong tâm họ lại nảy sinh tình cảm, tràn đầy những tình cảm phức tạp. Khi đó, họ gặp rất nhiều chướng ngại rắc rối trên con đường đạo thậm chí hơn cả thời điểm họ mới vào đạo.

Đây là một thực tế đang diễn ra không chỉ trong Phật giáo mà cả ở nhiều tôn giáo và những đức tin khác; căn nguyên của chúng bắt nguồn từ những hiểu biết sai lầm của chúng ta. Với tư cách là một hành giả chân chính, bạn nên suy xét, quán chiếu tường tận về mọi điều đang diễn ra, chân tướng của sự vật là như thế nào, đâu là phương pháp tiếp cận và hiểu biết chân thực về chúng. Đây là tất thảy những điều mà bạn – một hành giả chân chính phải thấu đáo.

CHÂN LÝ CỨU KÍNH SIÊU VƯỢT MỌI TÔN GIÁO, TÍN NGƯỠNG

Là một hành giả Phật giáo, tôi xin đàm luận từ quan điểm, thế giới quan của Phật giáo. Tuy nhiên, thông thường tôi luôn nhắc tới chân lý cứu kính – chân lý siêu vượt mọi tôn giáo và những tín ngưỡng khác nhau v.v… bởi tôi thực sự không hoan hỷ xưng hô mình là ai, loại tín ngưỡng nào mà tôi đang theo và như vậy bạn hãy nên theo tín ngưỡng đó. Tôi không thích kiểu xưng hô như vậy chút nào bởi vì nó sẽ tạo ra nhiều chướng ngại. Từ vô thủy tới nay, chúng ta đã tạo rất nhiều chướng ngại và chính chúng mang lại cho chúng ta ngàn vạn rắc rối, chướng ngại phiền não thống khổ. Hầu hết những rắc rối, chướng ngại mà chúng ta đang phải đối mặt ngày nay đều là kết quả của những chướng ngại mà chúng ta đã tạo, đã tích lũy trong quá khứ. Bởi vậy, chúng ta không mong đợi một loại trở ngại nào dù về phương diện tâm linh hay về mặt vật chất thế gian. Một khi còn có bất kỳ trở ngại nào thì chẳng có thể mang lại những điều tốt đẹp cho chúng ta. Đó cũng là lý do tôi không muốn đàm luận về bất cứ điều gì cụ thể liên quan tới một tín ngưỡng, một tôn giáo hay một lĩnh vực riêng biệt nào.

Tuy nhiên, chủ đề của chúng ta là lòng chí thành và tình cảm được nhìn nhận từ góc độ tâm linh, do đó, tôi chẳng bị ràng buộc vào một tôn giáo cụ thể nào, tôi được tự do để nói về tu tập tâm linh; tôi thích dùng cách diễn đạt “tâm linh”, bởi tính linh là vô cùng quan trọng trong đời sống của chúng ta. Vật chất thế gian bên ngoài rất hữu ích cho chúng ta nhưng chúng chỉ là nhất thời và hữu hạn, chúng không đáng tin cậy. Điều duy nhất mà chúng ta có thể tin tưởng và thực sự tu tập là tính linh, đó cũng chính là bản tâm. Tính linh – tâm vô cùng trọng yếu đối với tất cả chúng ta.

TÂM LÀ CHÌA KHOÁ CHO MỌI VẬT

Tôi luôn thích sử dụng rất nhiều những dẫn dụ về hạnh phúc và khổ đau. Mỗi người có thể viện dẫn nhiều lý do cho hạnh phúc hay khổ đau của mình, có thể hạnh phúc bởi ta có một người bạn hòa hợp, có thể bạn đang thưởng thức món ăn ngon, hay bạn đang được hưởng một thời gian tuyệt vời. Tuy nhiên, đây không phải là hạnh phúc đích thực. Hạnh phúc đích thực phải được xuất phát từ tâm. Chính tâm chứ không phải bất cứ sự vật nào có thể mang lại cho bạn cả hạnh phúc cũng như khổ đau. Tâm là căn nguyên cho hết thảy mọi điều, từ hạnh phúc tới khổ đau v.v…Bởi vậy, những sự vật bên ngoài trong mọi lúc chỉ là tác động mang lại hạnh phúc và khổ đau. Khổ đau và hạnh phúc, dù cho là bất kỳ cảm xúc nào thì đều bắt nguồn từ nội tâm bạn.

Tôi thấy trong các truyền thừa, giáo phái và những tín ngưỡng thì không nên quy loại các Đạo sư tâm linh bởi vì sẽ tạo ra những bất đồng hỗn loạn làm cho nhiều người bối rối hơn, thù hận và ích kỷ hơn. Những trở ngại này đã được kiến lập kiên cố từ rất lâu rồi; và bây giờ là thời điểm trọng yếu cho chúng ta phải tìm ra con đường đạo chân chính. Chúng ta phải liễu ngộ, thực chứng tự tính tâm bản lai để thấu hiểu thực tướng của hết thảy mọi hiện tượng. Chỉ có tinh tiến tu tập trên con đường đạo, bạn mới có thể thành tựu được mục đích cao quý này. Nếu chỉ trên con đường vật chất thế gian thì bạn sẽ không thể đạt được giải thoát, tất nhiên con đường vật chất thế gian cũng có thể trợ giúp rất nhiều cho bạn.

TẤT CẢ MỌI NGƯỜI ĐỀU MONG CẦU HẠNH PHÚC

Tôi chắc chắn rằng, thậm chí những người chỉ có niềm tin thế tục thôi cũng luôn mong cầu hạnh phúc, chẳng có ai mong muốn khổ đau cả. Bởi vậy, chúng ta hết thảy ai ai cũng đều cố gắng nỗ lực tìm cầu hạnh phúc. Những hành giả đang nhiệt tâm tu tập những pháp tu khác nhau như thiền định, yoga…đều mong nguyện tiêu trừ khổ đau và tất nhiên cả những ai không tín tâm vào con đường đạo cũng tìm đủ cách để cho mình hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc chân thực chỉ thực sự đến từ con đường tâm linh, con đường mà hiện nay, ngay giờ đây chúng ta chưa thấu tỏ. Do đó, thay vào việc nhất tâm chí hướng tu tập tâm linh thì chúng ta lại cứ luôn tìm cầu một phương pháp khác, một phương pháp tương đối, đôi lúc có thể mang lại kết quả tốt đẹp nhưng đôi lúc lại không và cứ như vậy, nó được chúng ta kiến lập bền chắc, kiên cố qua nhiều năm.

Đối với tất thảy mọi người dù có niềm tin tôn giáo, niềm tin vào đời sống kiếp sau hay không thì hạnh phúc vẫn là điều quan trọng nhất. Chúng ta tự có thể suy xét lại xem, chúng

ta đang làm gì trên cõi đời này và có một điều chắc chắn rằng, hạnh phúc là thứ được mong cầu nhất. Nhưng chúng ta đã làm gì để có được chân hạnh phúc? Kết quả thực sự của tất cả những điều mà chúng ta làm là gì? Những kết quả này có thực sự được thỏa mãn hay không? Hãy tự suy xét tường tận những điều này và khi đó chúng ta sẽ chắc chắn nhận chân được tầm quan trọng của tính linh cũng như của con đường tâm linh đến mức độ nào. Qua đó giúp chúng ta có được tâm chí thành – tâm chí thành thanh tịnh không còn vướng mắc bất kỳ những tình cảm chướng ngại.

NẾU HIỂU SAI CON ĐƯỜNG TÂM LINH THÌ BẠN SẼ ĐẦY TÌNH CẢM CHƯỚNG NGẠI

Tình cảm khởi hiện chủ yếu là do kết quả của sự hiểu biết sai lầm về con đường tâm linh. Nếu bạn hiểu sai ngay khi mới bắt đầu bước vào con đường tâm linh hay khi đã tu tập thì tâm bạn sẽ đầy những tình cảm, điều này là hoàn toàn bình thường và tự nhiên. Cũng có những người có tâm kiên cố tới mức không bị những tình cảm này phiền nhiễu nhưng hầu hết mọi người thì không. Bởi vậy, nếu muốn vững bước trên con đường tâm linh thì điều đầu tiên là không được ngộ nhận, không được hiểu biết sai lầm.

Có rất nhiều giáo pháp khác nhau để phù hợp với căn cơ của những đệ tử. Ví dụ như, trong Phật giáo quy định những điều gì Phật tử được phép làm và những điều gì không được phép làm… Đây là một loại hình thức của kỷ luật và nếu như bạn được giảng dạy theo cách này thì là do bản thân bạn chưa có được ý niệm nào về việc được phép làm gì và không được phép làm gì. Tuy nhiên, tất thảy những kỷ luật này phải được thấu hiểu một cách tường tận; thời khắc Đạo sư giáo dạy chúng ta những điều đó đòi hỏi ta phải lĩnh hội tính linh chứ không theo cách mệnh lệnh áp đặt kiểu: “Nếu anh không thực hiện theo những điều tôi yêu cầu thì điều đó là không tốt”. Cách truyền dạy chân chính không thể là như vậy được. Nếu bạn cảm thấy mình đang thụ nhận giáo pháp với một thái độ áp đặt mệnh lệnh như vậy và Đạo sư khai thị cho bạn rằng, bạn phải thụ nhận chúng theo cách đó thì đây là phương cách hoàn toàn sai lầm. Giáo pháp tâm linh không thể được truyền dạy theo cách thức như vậy, nhưng tất nhiên Đạo sư tâm linh là những bậc có phương tiện thiện xảo để truyền thụ những giáo pháp tâm linh. Ở đây, tôi đang luận bàn về những giáo pháp tâm linh chân chính chứ không phải bất kỳ một loại giáo pháp nào khác.

TẤT CẢ CHÚNG TA ĐỀU CẦN TỰ DO

Những giáo pháp tâm linh chân chính đều đưa hết thảy chúng sinh tới tự do tuyệt đối. Tất cả chúng ta đều cần tự do dù là ở mức độ tối thượng hay thế tục. Tất nhiên, tự do thế tục không được khuyến khích trừ khi bạn là người có năng lực tâm linh mạnh mẽ, bởi vì tự do thế tục có thể làm cho đời sống sinh hoạt của bạn trở nên hỗn loạn hơn mà thôi. Tuy nhiên những bậc thượng căn chứng ngộ thì lại là chuyện khác.

Mục đích tối thượng của sự tu tập là đạt tới tự do tuyệt đối – cảnh giới cứu kính. Và như vậy, trước tiên là phải bước đúng ngay từ bước đầu tiên trên con đường tới tự do tuyệt đối. Tôi lấy ví dụ, Đạo sư sẽ khai thị cho bạn đâu là chính đạo, các mức độ thứ lớp của con đường đạo là như thế nào. Đây là bổn phận và phương tiện thiện xảo của Đạo sư nhưng việc bạn có theo hay không thì lại hoàn toàn phụ thuộc vào chính bạn, trí tuệ của bạn sẽ chỉ cho bạn là có nên theo hay không.

SUY NGẪM TƯỜNG TẬN, NGHIÊN TẦM GIÁO PHÁP

Lấy ví dụ, sau khi khai thị những giáo pháp thâm diệu, đức Phật đã dạy những đệ tử của mình: “Ta khai thị giáo pháp còn bổn phận của con phải suy ngẫm tường tận trước khi quyết định theo hay là không. Con không nên theo giáo pháp của ta nếu chỉ vì đó là giáo pháp của ta”. Trường hợp của chúng ta đây cũng tương tự như vậy, chúng ta hãy suy ngẫm tường tận những giáo pháp được khai thị bởi Đạo sư trước khi quyết định chúng ta có thực sự nên theo hay không.

CẦN PHẢI LUÔN TRƯỞNG DƯỠNG TÂM MÌNH

Bất luận thế nào thì chúng ta cũng phải chú tâm vào tinh thần – tâm của mình. Đây là phẩm hạnh mà chúng ta phải trau dồi. Tâm là thứ duy nhất thực sự tối quan trọng, và phải được luôn trưởng dưỡng. Còn ngay bây giờ đây, tâm chúng ta tràn đầy những thứ vô nghĩa; rất nhiều người trong chúng ta không có lấy ý niệm chân tâm thực sự là gì, sự vận hành của tâm là gì hoặc thậm chí chỉ đơn giản nó lànhư thế nào. Nhiệm vụ của chúng ta là phải thấu hiểu toàn bộ những điều này, thậm chí chỉ cần hiểu biết về mặt tri thức thôi chứ chưa cần thực chứng bản tâm cũng đã hỗ trợ rất nhiều cho chúng ta khi bắt đầu trên con đường đạo. Tất nhiên nếu chỉ dừng lại ở đó thì chưa đủ. Học thuật, tri thức thì còn rất nhiều hạn chế, bạn phải tu tập, trải nghiệm thực chứng bản tâm để có thể tự chủ kiểm soát mọi thứ trong nội tâm. Khi chúng ta tu tập thực chứng bản tâm thì đó chính là cảnh giới giác ngộ, cảnh giới cao quý nhất trong hết thảy.

Chính đạo chỉ đường dẫn lối chúng ta tới cảnh giới cứu kính. Bởi vậy, nếu một ai hiểu biết thấu đáo về chính đạo thì không bao giờ rơi vào tà kiến sai lầm cùng với những tình cảm tiêu cực chướng ngại trên con đường đạo; con đường vật chất thế gian thông thường lúc này cũng có thể mang lại hạnh phúc cho người đó trong mọi lúc. Trong xã hội của chúng ta, chúng ta có thể thấy được một sự khác biệt lớn giữa một người có tri thức chân thực về con đường đạo với một người không có được điều đó. Khi đã có chính kiến thì bạn có thể đạt đến tự do tự tại trong mọi hoàn cảnh, dù bạn có theo tín ngưỡng, tôn giáo nào đi chăng nữa.

Tôi có rất nhiều bạn bè, bằng hữu, và hầu hết họ đều không theo một tôn giáo nào cả. Họ thậm chí còn không có danh hiệu là một Phật tử như tôi; họ luôn coi tôi đơn giản chỉ là một người bạn. Nhưng thật là phúc duyên hy hữu, họ có sự hiểu biết rất sâu sắc về việc làm thế nào nào để được luôn hạnh phúc. Điều này cũng rất tốt mặc dù họ cần phải hoàn thiện nó rất lâu và cần một thời gian dài để thực hiện. Dù thế nào đi chăng nữa, tôi hoàn toàn tự hào về những người bạn này của mình bởi vì dù không có sự hiểu biết sâu sắc về

con đường đạo, nhưng họ lại có thể thể hiện và duy trì được toàn bộ chính pháp qua một ngôn ngữ rất thông thường. Có thể họ không có bất kỳ Đạo sư nào nhưng bản thân họ vẫn có thể đạt tới giáo pháp của hạnh phúc. Bởi vậy, tôi thực sự mong nguyện rằng tất cả mọi nguời chúng ta hãy luôn an lạc hạnh phúc, rồi sau đó mới suy xét nhiều hơn tới sự phát triển tâm linh.

Nếu chúng ta không đồng thời có hạnh phúc tự nhiên và sự hiểu biết chân chính thì chúng ta không thể trưởng dưỡng tu tập con đường tâm linh. Đây là kinh nghiệm của bản thân tôi. Tôi không phải là một ai từ trên trời giáng xuống, mà hiện tại chỉ từ hàng sơ học đi lên địa vị hiện tại, thậm chí có thể thoái thất nếu không nghiêm cẩn trong việc này. Ý của tôi ở đây là, tôi đã có một chút kinh nghiệm để chia sẻ với các bạn bởi vì mình đã trải qua những điều mà các bạn đang phải trải qua; tất cả chúng ta đang chịu đau khổ như nhau trên trái đất này. Nếu tôi cứ đàm luận về những thứ gọi là cảnh giới “thần thánh” thì sẽ hoàn toàn xa lạ với những gì thông thường, khi ấy bạn sẽ chẳng thể hiểu được gì, chúng ta sẽ chẳng chia sẻ, chẳng bàn luận được gì.

Bởi vậy, kinh nghiêm của tôi chỉ ra rằng, nhất nhất đều từ tâm, tâm là mấu chốt để giải quyết mọi điều. Đồng thời khổ đau có thể xuất hiện trong mọi lúc vì ngoại duyên; ở nhiều phương diện, ngoại cảnh cũng rất quan trọng. Và những điều kiện đó xét ở nhiều phương diện cũng rất quan trọng. Nhưng với sự hiểu biết thấu đáo về bản chất tinh thần hay cũng chính là tâm, thì mặc dù ngoại cảnh vẫn ở đó, đau khổ của chúng ta chắc chắn cũng được giảm thiểu tối đa.

THIỀN ĐỊNH LÀ GIẢI PHÁP

Giải pháp để truy tầm sự vận hành của tinh thần là thiền định. Có rất nhiều phương cách thiền định, và tôi rất hạnh phúc khi phát hiện ra rằng, những người phương Tây cũng rất khát ngưỡng thiền định – đây là điều kiện mà tôi coi là quan trọng nhất cho sự tu tập tâm linh hiện nay. Còn ở phương Đông, lại thật không may là không có nhiều người quan tâm thực sự tới thiền định (ví dụ như tọa thiền).

Có rất nhiều hình thức thiền định, ví dụ như, khi bạn đang tu học kinh điển thì cũng có nghĩa bạn đang thiền định bởi vì phải chú tâm vào kinh điển và nghĩa lý của kinh. Bạn đang không thiền định trong tư thế ngồi, kiểu như chú tâm vào một đối tượng nào đó, nhắm mắt lại rồi sau đó lại cảm thấy hôn trầm buồn ngủ lúc nào không hay. Người phương Tây không thích loại thiền định này.

Thiền thực sự là vô cùng quan trọng, có hai loại chính: Thiền tu và Quán định tức là tọa thiền. Thiền tu đòi hỏi bạn phải vận trí quán tưởng để hiểu rõ thế giới này thực sự là gì, đâu là bản chất căn bản của thế giới này? Bạn phải tự quán chiếu, phải chăng có nền tảng căn bản cho thế giới này? Bạn phải vận trí để thụ nhận sự tác động trở lại của thế giới hiện tượng và từ những khía cạnh khác nhau của tồn tại. Đây là phương thức của thiền tu.

Quán định không đòi hỏi bạn phải vận trí nhiều, bạn chỉ phải để tâm ở trạng thái an bình tĩnh lặng, để tâm hiển diện có mặt tại đó, không phân tích, không suy xét sự vật; hãy tỉnh thức, cố gắng không xao nhãng. Trong hầu hết mọi lúc, chúng ta hầu như không tỉnh thức, xao nhãng và tán loạn, thậm chí dù xét về phương diện ngoại tướng, chúng ta không tán loạn nhưng kỳ thực về nội tâm thì lại tán loạn. Phần lớn chúng ta trên thế giới này đều đang sống trong tình trạng cuồng loạn.

TỰ TIN VÀ TỰ TRAU DỒI LÀ VÔ CÙNG QUAN TRỌNG

Chúng ta phải suy ngẫm quán chiếu xem đâu là phương tiện chân chính để sống trên thế giới này. Thế giới này có thể chuyển biến đẹp đẽ hơn là bây giờ, chúng ta có thể chuyển hóa thế giới trong nội tâm trở nên đẹp đẽ hơn ngay tức thì nếu chúng ta có đủ phúc duyên may mắn. Chẳng có gì có thể thay đổi được từ bên ngoài, tất cả mọi thứ hoàn toàn phải được chuyển biến từ bên trong chính bạn, tức là sự tự trau dồi và sự tự tin của bạn. Do đó, sự tự tin hay tự trau dồi là vô cùng trọng yếu. Ngạn ngữ Tây Tạng có câu: “Chính bạn phải mang hạnh phúc tới cho mình bởi vì người khác

chỉ mang lại cho bạn khổ đau mà thôi”. Điều này có nghĩa là chính chúng ta chứ chẳng phải bất kỳ ai khác là những người mang lại hạnh phúc cho mình. Nếu chúng ta không biết thực hiện được điều này thì sự đau khổ sẽ tiếp diễn triền miên đến từ những người khác và mọi thứ khác. Bởi vậy, trước hết chúng ta phải làm thế nào để có chân hạnh phúc. Đây là mục đích chính của con đường đạo và tôi không ngạc nhiên nếu nói rằng đây cũng là mục đích tối thượng của tất cả mọi tôn giáo.

(Còn nữa)

~ Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa XII 

Nguồn: Devotion and Emotion, The Dragon, spring and summer 2002, Biannual Issue