4

Lời Khai Thị của Đức Gyalwang Drukpa XII về Tâm Chí Thành và Tình Cảm (Phần 2)

(Tiếp theo)

CUỒNG NHIỆT TÔNG GIÁO KHÔNG THỂ LÀ CỨU KÍNH

Nếu bạn không thông tỏ chính đạo thì dù có trở thành người mộ đạo hay cuồng nhiệt tông giáo thì cũng không thể đem lại an bình đích thực trong cuộc đời bạn. Cuồng nhiệt tông giáo không thể hỗ trợ được bạn. Tôi xin lấy ví dụ, ngay khi bạn trở thành một tín đồ Phật giáo cuồng nhiệt hay tự ngã thì cũng chẳng thành tựu được gì bởi Phật giáo lúc này chẳng thể mang lại cho bạn chân hạnh phúc. Bởi vậy, điều trọng yếu trước hết là phải hiểu rõ rằng, bằng cách nào để trở thành một hành giả tâm linh chân chính?

Tất thảy những điều mà tôi đang đàm luận đều dựa trên giáo lý đạo Phật. Sự diễn đạt này thực sự gắn kết với chân lý vũ trụ và chúng ta gọi đó là triết học Phật giáo, bởi vì đức Phật là đấng khai thị giáo pháp của chân lý nguyên sơ thanh tịnh và Ngài đã thuyết giảng những giáo pháp chân lý cứu kính này theo hình thức một học thuyết. Tuy nhiên, việc đặt tên hiệu những giáo pháp của Ngài là Phật giáo không có nghĩa là để tạo ra một rào cản. Tôi cho rằng đây không phải là tư tưởng của đức Phật. Nhưng thật không may, việc chấp thủ vào tên hiệu tông giáo đang là một trở ngại lớn cho nhiều hành giả trên con đường đạo.

Gần đây, có rất nhiều Phật tử thiên chấp, cuồng nhiệt tuyên bố rằng, Phật giáo là tôn giáo cao quý nhất so với những tôn giáo khác. Đây là tuyên bố hoàn toàn không đúng với mục đích tối thượng của Đạo Phật. Tình hình tương tự cũng đang xảy ra trong nhiều tôn giáo khác, những phê bình chỉ trích, tuyên bố như vậy cũng rất phổ biến. Do đó đã dẫn tới vô vàn những mâu thuẫn và xung đột trong thế giới này chỉ vì tôn giáo. Hàng triệu người đã bị giết chết chỉ vì tôn giáo. Thật đáng buồn và đáng hổ thẹn, đặc biệt với những người như tôi, là biểu tượng của hành giả tôn giáo.

KHÔNG ĐƯỢC HIỂU SAI CHÂN LÝ CỨU KÍNH

Kinh nghiệm chỉ cho tôi thấy rằng, triết học Phật giáo thực sự là chân lý cứu kính. Nhưng tất nhiên, chính bạn phải suy xét, quán chiếu tường tận xem điều này có chân thực hay là không. Chân lý cứu kính là chân lý bạn phải thấu đáo, thông tỏ, chúng ta không được hiểu sai khi đàm luận về chân lý cứu kính. Nếu không, mọi thứ sẽ trở nên sai lầm và bạn sẽ trở thành một hành giả nửa vời, nửa tâm linh nửa thế tục. Ban đầu, bạn nhiệt thành khát ngưỡng thành tựu tu tập tâm linh nhưng sau cùng thì lại chỉ thành tựu về phương diện vật chất thế gian. Khi ấy, bạn sẽ trở thành một hành giả nực cười và sống một cuộc sống nực cười. Do đó, song song với sự tiến bộ về phương diện vật chất, chúng ta cũng rất cần được hướng đạo đúng đắn về tâm linh.

Sự tiến bộ về phương diện vật chất là điều cần thiết nhưng nó cần được hỗ trợ bởi sự hiểu biết đúng đắn về mặt tâm linh; sự thông tỏ về mặt tâm linh chính là điều cực kỳ có ích cho sự phát triển về mặt vật chất. Đây là mối liên hệ nội tại giữa tâm linh và vật chất. Đức Phật từng chỉ ra sự khế hợp hoàn hảo chặt chẽ giữa chân đế và tục đế. Tục đế thực chất có nghĩa là chân lý vật chất thế gian hay cuộc sống vật chất thường nhật. Ta có thể lấy một ví dụ về chân lý này: Bạn phải nỗ lực rất nhiều nếu muốn tiến bộ trong đời sống thường nhật đồng thời phải thông tỏ chân đế hay chân lý tuyệt đối. Như vậy, có hai cấp độ cần phải tu tập và đều tương trợ lẫn nhau. Phương thức sống mà chúng ta cần phải thực hiện là như vậy.

CHÂN LÝ TƯƠNG ĐỐI CŨNG RẤT QUAN TRỌNG

Bàn về chân đế, bất kỳ điều gì chúng ta có thể thấy, nghe, chạm tới và ngửi nếm được đều quan trọng bởi vì chúng thực sự tồn tại. Chúng ta không thể nói chúng là không

đúng chỉ bởi vì chúng không thể tồn tại một cách tuyệt đối. Không có một lý do nào để nói rằng, những sự vật hiện tượng này không tồn tại chỉ bởi vì chúng tồn tại ở cảnh giới tương đối.

Tôi lấy ví dụ về điều này, bây giờ tôi đang ngồi trên ghế và đàm luận với các bạn, bởi vậy bạn đang có mặt ở đây và tôi cũng vậy, và ngôi nhà này cũng vậy. Tất cả mọi thứ xung quanh đều đang hiện hữu ở đây. Bởi vậy, chúng ta không thể nói đơn giản rằng, chẳng có gì tồn tại cả. Tôi lấy thêm một ví dụ như, chúng ta cần phải làm việc để có tiền để sống, để có thể mua sắm quần áo v.v… nếu không thì chúng ta sẽ bị đói rét trong thời tiết giá lạnh và chúng ta cần một vài thứ thiết yếu để tồn tại và sống trên cõi đời này. Sự tiến bộ về mặt vật chất cũng được nhấn mạnh trong giáo lý đạo Phật, đức Phật dạy rằng: “Một trong những điều quan trọng là phải thấu đáo chân lý thế tục.” Ngài gọi là chân lý thế tục bởi vì những sự vật hiện tượng bề ngoài này thực sự là tương đối. Chúng ta phải thấu tỏ được chân lý thế tục là gì, cũng như tại sao chân lý thế tục không giống như chân lý cứu kính.

Một người khỏi bệnh sau khi được chữa trị, sau đó có một người tới và hỏi anh ta: “Anh khỏe chưa?” Người ốm này trả lời: “Cũng tương đối khỏe” hay anh ta có thể nói một câu tương tự như vậy. Qua cách trả lời này, chúng ta có thể hiểu tại sao chân lý thế tục lại được đề cập tới trong giáo pháp bởi vì “tương đối khỏe” có nghĩa là ngày hôm qua, người đó không khỏe hay tuần trước anh ta đang phải chịu đau ốm rất nhiều trong bệnh viện; tuy nhiên, so với những tình trạng sức khỏe này, bây giờ anh ta đang khỏe lên rất nhiều, như vậy “tương đối khỏe” là câu trả lời hợp lý. Nhưng điều mà anh ta cảm thấy sau một tuần nữa thì anh ta vẫn chưa thể biết được. Cũng có thể anh ta sẽ chơi được bóng đá hay nhảy cao, nhưng trạng thái này vẫn chưa thể biết chắc được.

TẤT CẢ NHỮNG HIỆN TƯỢNG BÊN NGOÀI ĐỀU TƯƠNG ĐỐI

Tất cả mọi hiện tượng bên ngoài đều tương đối. Khi bạn cho một điều gì đó là tốt thì điều này chỉ tương đối, tương đối trong tương quan với một điều gì là xấu. Tuy nhiên, vẫn có những thứ tốt hơn điều bạn vừa khen, so với những thứ tốt hơn đó, thứ mà bạn vừa khen là tốt không tốt bằng. Chân lý tương đối tồn tại như vậy đó. Khoảng cách giữa mọi thứ cũng rất tương đối, hạnh phúc và khổ đau cũng vậy, rất tương đối; nó đúng một cách tương đối và nó hiện hữu ở đó nhưng xét ở phương diện tuyệt đối- tối thượng thì nó lại không đúng và thực sự không tồn tại.

Tôi lấy ví dụ, bạn cũng không thể đưa ra câu trả lời chính xác cho cái bàn này là lớn hay nhỏ. Đây là cái bàn lớn theo nghĩa nó đủ chỗ để đặt 100 cái cốc nhưng lại quá nhỏ cho 1000 ngàn cái. Và với một người, cái bàn này là rất lớn, bởi vậy, bạn có thể nói rằng, cái bàn này là tương đối lớn. Dù cho cái bàn là lớn hay nhỏ thì đều phụ thuộc vào mục đích sử dụng của bạn là gì. Như vậy, cỡ của cái bàn chỉ là tương đối.

Bạn có thể khai triển lý thuyết tương đối này vào chính mình. Bạn có thể dùng trí tuệ của mình để bao quát mọi điều, một đối tượng là dài và ngắn, lớn và nhỏ, đẹp và xấu… tất cả đều tương đối. Sự tương đối này hiển diện với tư cách một hình thức của chân lý tương đối. Nhưng xét ở phương diện tuyệt đối, tất cả mọi vật không ở trong hình thức như vậy. Ngay bây giờ, với tôi cái bàn là lớn nhưng thực sự về phương diện tuyệt đối, điều này lại không đúng bởi lẽ nếu về phương diện tuyệt đối là lớn thì phải lớn ở mọi lúc, mọi thời điểm và không trở thành nhỏ trong bất kỳ thời khắc nào. Điều này là không thể bởi vì cỡ của cái bàn cũng tương đối. Như vậy xét một cách tuyệt đối, cái bàn thực sự không tồn tại như nó xuất hiện.

CHÚNG TA CẦN NHỮNG PHÁP THIỀN ĐỊNH ĐỂ AN ĐỊNH TÂM

Đây là thời điểm bạn phải sử dụng trí tuệ của một hành giả tâm linh chân chính. Theo đó, chúng ta cần tu tập thiền định. Chúng ta cần mang lại sự an bình trong tâm mình để

truy tầm, quán chiếu. Nhưng ngay bây giờ, chúng ta thậm chí không có một chút thời khắc an bình để quán chiếu bởi vì chúng ta quá bận rộn. Có thể nhìn bề ngoài, chúng ta dường như không bận rộn như vậy vì chúng ta có thể kiểm soát được đôi chút chính mình nhưng về mặt nội tâm thì chúng ta thực sự vô cùng bận rộn. Tôi rất mong là vào một ngày nào đó, máy tính có thể đọc được những điều mà chúng ta đang suy nghĩ và chỉ ra cho chúng ta thấy tâm mình đang bận rộn như thế nào. Tâm của chúng ta bận rộn tới mức thậm chí nếu chúng ta cố gắng tập trung trí tuệ của mình nhưng cũng không thể. Đây là lý do tại sao chúng ta cần tĩnh tâm thiền định và cần hàng ngàn những kỹ năng thiền định khác để an định tâm. Nhưng thậm chí khi đó, chúng ta vẫn còn chưa bước vào con đường tâm linh. Mặc dù vậy, trước hết chúng ta cần an định tâm.

Có một vài người rất linh lợi, có thể giữ bề ngoài an bình nhưng nội tâm họ thì lại thực sự bận rộn. Nhiều người khác thậm chí còn không giữ được cho mình trạng thái an bình bề ngoài dù chỉ là trong chốc lát; họ không thể an tĩnh về thể xác lẫn tinh thần, phải ra ngoài đi uống chè, uống rượu hay bỏ phí cả đêm ra ngoài bởi vì tâm họ bất an, bồn chồn, chạo cử. Chúng ta cần phải an định tâm, để giúp truy tầm, quán chiếu; đó là cách duy nhất mang lại hạnh phúc và an bình cho chính chúng ta.

HẠNH PHÚC TỐI THƯỢNG CHÍNH LÀ CHỨNG NGỘ

Hạnh phúc tối thượng không chỉ là hạnh phúc tạm thời, tương đối. Tất nhiên, chúng ta có thể có được hạnh phúc tạm thời trước, rồi sau đó đạt hạnh phúc tối thượng, chúng ta cần đạt hạnh phúc tối thượng, đó chính là chứng ngộ. Sự nội chứng đạt tới chứng ngộ không nên mong chờ như là một thứ đến từ bên ngoài. Ví dụ như, Thượng đế không nên được mong đợi như một đấng sáng tạo sống bên ngoài chúng ta. Chúng ta phải tin rằng: Thượng đế, trí tuệ hay sự chứng ngộ phải tới từ bên trong chính chúng ta, thông qua sự nội chứng của chính chúng ta và nó phải được trưởng dưỡng trên con đường tâm linh.

Phật quả có nghĩa là chân lý cứu kính. Đó không phải là một loại khoảng trống hay không gian để chúng ta có thể đạt tới từ bên ngoài. Nhiều người nhìn sai lầm rằng, chân lý cứu kính là một thứ gì đó huyền bí, và Thượng đế phải là một người đàn ông to lớn với râu mép rậm rạp, hoặc phải là một đấng quyền năng nào đó có thể kiểm soát, chi phối được tất cả mọi thứ; và ngay khi ta nghe đến danh hiệu Đức Phật, thì chúng ta nghĩ ngay tới một Đại Hòa Thượng với nụ cười giải thoát và an tọa dưới gốc Bồ đề. Tất cả những quan niệm trên hoàn toàn không phải là đúng đắn và chân thực.

Phật có nghĩa: Chứng ngộ và chân lý cứu kính, đó là sự nội chứng tới cảnh giới chứng ngộ. Mọi thứ đều đến từ trong bạn. Điều này có thể được diễn đạt theo những cách khác nhau và từ những góc độ khác nhau để mọi người sẽ có những cơ hội thấu tỏ chân lý cứu kính.

Ví dụ như, giảng đường này có nhiều cửa để mọi người có thể tới từ những hướng khác nhau. Điều này cũng giống như bước vào con đường tâm linh vậy. Chúng ta có rất nhiều cách để bước vào con đường đạo nhưng tất cả đều dẫn tới một mục đích duy nhất, một hướng duy nhất là con đường tâm linh hay chân lý cứu kính. Chúng ta phải thấu hiểu điều này để qua đó trưởng dưỡng tâm chí thành. Và khi ấy bạn đã trưởng dưỡng được tâm chí thành chân thực- điều này giúp bạn sẽ không rơi vào những tình cảm lệch lạc, tà kiến v.v… nó sẽ giúp bạn vươn tới tự do tự tại, đạt tới chân giải thoát. Khi tâm chí thành chân chính thì sẽ có tràn đầy sự hiểu biết chân chính trên con đường đạo.

Tôi vừa trình bày mục đích tối thượng của sự tu tập trên con đường đạo mà bạn phải thấu tỏ, ở đó bao gồm những giáo pháp thiêng liêng của đức Phật, của những Đạo sư tôn kính cũng như những kinh nghiệm của chính tôi. Bạn hãy cố gắng ghi tâm để tự lợi và lợi tha. Tôi thỉnh cầu các bạn mang theo sự hiểu biết này khi bạn ở bất kỳ đâu, khi trở về nhà hay bất kỳ chỗ nào; hãy suy xét tường tận và trưởng dưỡng nó, còn nếu bạn chỉ tới đây để lắng nghe và rồi lại trở về thì sự tích lũy này chỉ là vô ích, Chúng ta phải giúp người khác bằng sự hiểu biết tâm linh mà mình vừa lĩnh hội. Bởi vậy, nếu bạn có bất kỳ câu hỏi gì, xin đừng do dự và hãy đặt câu hỏi, tôi sẽ giải đáp ngay bây giờ.

~ Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa XII

Nguồn: Devotion and Emotion, The Dragon, spring and summer 2002, Biannual Issue