(15128_sl.psd) Lama Yeshe, Yucca Valley, California, 1977. Photo by Carol Royce-Wilder, retouching by David Zinn. Archival portrait available through Heart of the Moon Media (www.heartofthemoon.com).

Phương pháp tu tập theo Mật Tông

Theo Kinh thừa, con đường thành tựu tuệ giác là một tiến trình tuần tự thanh lọc tâm thức khỏi những lỗi lầm và giới hạn, để thay vào đấy, phát huy những đức tính như trí tuệ, từ bi. Con đường này bao gồm việc tạo những nhân tố đặc biệt như giữ giới, phát triển khả năng tập trung và đào luyện thiền minh sát, vân vân, để tương lai sẽ đạt được sự tỉnh thức toàn vẹn. Chính vì nhấn mạnh đến việc tạo nhân tố cho một kết quả tương lai, mà phương pháp kinh thừa hay tiệm giáo đôi khi còn gọi là “nhân thừa” (nhân với nghĩa nguyên nhân) để đưa đến giác ngộ.

So với phương pháp tiệm giáo của kinh thừa, thì mật thừa là con đường tiến đến giác ngộ nhanh hơn rất nhiều. Mặc dù hành giả mật thừa cũng không xao lãng việc gieo nhân như hành giả Kinh thừa, song họ lấy hậu quả tương lai của sự tu hành làm khởi điểm tu tập. Nói cách khác, hành giả mật thừa tập nghĩ, nói và làm ngay trong hiện tại như thể họ đã là một đức phật. Vì phương pháp mãnh liệt này – đưa hậu quả toàn giác vào giây phút hiện tại, khi đang tu – mà mật tông còn được gọi là “quả thừa” đưa đến giác ngộ.

Theo Mật tông, sự toàn vẹn không phải đang chờ đợi chúng ta ở một thời điểm nào trong tương lai, theo kiểu suy tư “Nếu bây giờ tôi tu hành nghiêm túc, tương lai tôi sẽ thành Phật” hay “Nếu đời này tôi có đạo đức, đời sau tôi sẽ được lên thiên đàng.” Theo mật tông, thiên đàng là ngay bây giờ: chúng ta đáng lý là những vị trời ngay trong hiện tại; song chúng ta lại bị vướng bận những khái niệm hạn cuộc như đàn ông là thế này, phụ nữ là thế kia, tôi sinh ra đã là thế ấy không thể khác, vân vân. Đấy là lý do ta có những xung đột nội tâm và xung đột với người khác. Mọi xung đột này sẽ tan biến nếu ta luyện tập theo quan điểm mật tông, nghĩa là nhận chân rằng mỗi một người nam hay nữ bản chất đều tự đầy đủ, toàn vẹn. Hơn thế nữa, mỗi người nam nữ đều chứa cả hai năng lực âm dương. Thực tế là mỗi người trong chúng ta đều là một hợp thể của tất cả năng lực vũ trụ. Tất cả những gì ta cần để được toàn vẹn đều đã sẵn trong ta ngay giờ phút này, chỉ có điều là ta có khả năng nhận thức điều ấy hay không. Đấy là cái nhìn theo mật giáo.

NGUYÊN LÝ CHUYỂN HÓA

Có thể nói tất cả pháp tu mật tông đều bao hàm nguyên lý chuyển hóa. Như khoa học tân thời chứng minh, vũ trụ vật chất với muôn vàn sắc thái, từ phân tử nhỏ nhất đến tinh vân lớn nhất, chỉ là một trạng thái không ngừng chuyển hóa và tiến hóa từ một dạng năng lượng này đến dạng năng lượng khác. Chính thân thể và tâm trí chúng ta cũng là năng lượng: ta mạnh khỏe hay đau ốm, tâm trí quân bình hay mất quân bình, đều tùy thuộc sự kiện các năng lượng tâm vật lý trong ta có hòa điệu hay không. Nhờ thực hành mật tông đúng pháp, tất cả năng lượng trong ta, kể cả những năng lượng vi tế song rất mãnh liệt mà thường ta không ý thức đến, đều được xử dụng để tựu thành sự chuyển hóa quan trọng nhất trong mọi cuộc chuyển hóa, đó là từ một con người phàm tình mê muội hạn cuộc trong vỏ sò bản ngã trở thành một con người hoàn toàn tỉnh giác có lòng bi mẫn và tri kiến bao la.

Làm sao ta làm được một cuộc chuyển hóa phi thường như vậy? Tìm đâu ra những nguyên liệu cần thiết để đem lại một sự thay đổi sâu xa đến thế? Ta không cần phải kiếm đâu cho xa. Không cần phải rút năng lượng ấy từ hạt nhân nguyên tử, cũng không phải dùng phi thuyền phóng vào không gian để tìm năng lượng ấy nơi hành tinh xa xôi nào. Kỳ thực, cái năng lượng cốt cán để làm cuộc chuyển hóa sâu xa ấy là năng lượng của chính những dục vọng trong ta.

~ Đưa Vào Mật Tông – Nguyên tác: Introduction to Tantra

Tác giả: Lama Thubten Yeshe

Biên tập: Jonathan Landaw

Chuyển ngữ: Thích Nữ Trí Hải