IMG_0590

Tâm hướng ngoại

Đôi khi dường như rằng tâm ta cùng lúc chạy khắp mọi hướng, nghĩ hết chuyện này đến chuyện khác trong một cuộc tìm kiếm vô vọng, mà không biết tìm cái gì. Chúng ta đang tìm một cái không tên, một cái gì sẽ làm thỏa mãn niềm khát khao được ổn định, an ninh bảo đảm. Ta đi từ đối tượng này sang đối tượng khác với hi vọng cái kinh nghiệm kế tiếp sẽ chứa đựng điều ta đang mong mỏi. Kết quả là tâm thức ta luôn luôn bị phân tán. Thực khó mà tập trung tất cả chú ý vào công việc đang làm, vì một phần tâm ta đã bất mãn và bắt đầu đi tìm một cái gì khác. Ngay cả khi đang làm một việc mình thích, ta cũng dễ dàng đánh mất sự tập trung. Do vậy, không những ta không thể khám phá được ý nghĩa và mục đích nào cao cả hơn cho cuộc đời mình, mà ta còn không thành công cả trong những việc vặt hiện tại.

Hậu quả tất yếu của cái thấy hẹp hòi do chấp tướng ấy là khuynh hướng đi tìm giải đáp ở ngoài tâm (hướng ngoại tìm cầu). Vì đã quen tự xem mình là bất toàn, thiếu thốn một cái gì thực cần thiết, nên ta không bao giờ nghĩ đến chuyện hướng vào tài nguyên và năng lực nội tâm để tìm giải đáp cho những rắc rối của mình. Ngược lại, ta nghĩ rằng nếu ta làm cách nào có được một cái gì đó ở bên ngoài, thì ta sẽ thỏa mãn ước mơ. Nhưng cách suy nghĩ như vậy thực rõ ràng là vô lối. Có con người nào hay vật gì ta mơ ước mà ta có thể chiếm hữu hoàn toàn làm của mình, để tâm hồn ta thực sự được nghỉ ngơi trên đường kiếm tìm an ổn hay không? Dù là người đàn ông hay đàn bà đẹp nhất thế giới, hay bộ y phục thời trang nhất, viên ngọc quý nhất, hay tư tưởng hay ho mới lạ nhất … cũng đều không có khả năng dập tắt những khát khao của ta, bao lâu nội tâm ta vẫn còn thiếu thốn bất toàn. Bao lâu ta còn nghĩ rằng ta có thể nhờ cái gì bên ngoài để lẩn trốn những rắc rối cuộc đời, thì ta vẫn còn vô phương đạt đến niềm an lạc nội tâm chân thực. Sự sở hữu tài sản hay quyền lực chắc chắn không phải là giải pháp. Hãy nhìn tỉ lệ cao về nghiện ngập, li dị và tự sát ở những quốc gia giàu có trên thế giới, để thấy rằng sở hữu vật chất mà thôi không đủ làm cho con người hết bất an được.

Cho dù ta tìm giải đáp bằng cách quay lưng với vật chất để hướng đến một thực tại tâm linh cao cả, thì quan niệm hẹp hòi về bản ngã của ta cũng làm cho những lợi ích mà ta có thể đạt đến, đều trở nên hạn cuộc một cách trầm trọng. Điều khá thông thường đối với những hành giả tâm linh, là thấy có một hố ngăn không thể nào lấp được giữa chính mình đang ngụp lặn trong sình lầy, với một thực thể cao siêu nào đó ở trên trời. Càng nghĩ mình kém cỏi, vô năng bao nhiêu, ta càng có những lời cầu xin thảm não bấy nhiêu. Chẳng hạn ta kêu réo: “Lạy Chúa cứu con! Xin Phật giúp con!” Nhưng bao lâu ta còn tự giam hãm mình trong sự thương thân trách phận, thì e rằng ta sẽ không có được lợi lạc bao nhiêu.

THỬ THÁCH CỦA CUỘC THÁM HIỂM NỘI TÂM

Phương pháp mật tông quán mình là một vị trời, thì trái ngược hẳn với thái độ tự thương hại như trên. Càng có khả năng quán mình là một thân tâm bằng ánh sáng thuần tịnh, ta càng tự mở lòng ra để đón nhận những năng lực tốt lành hiện hữu bên trong và bên ngoài ta. Chúng ta đã đề cập sự kiện nhờ phép quán tưởng có tính sáng tạo, mà ta có thể đánh thức những năng lực bẩm sinh để tự chữa lành ngay cả những chứng bệnh ghê gớm nhất. Ví dụ này chứng tỏ thân và tâm có tương quan mật thiết, và trong hai cái đó thì tâm mới là yếu tố chủ chốt hình thành cuộc đời ta. Nếu ta có hình ảnh tốt lành về chính mình, thì tự nhiên hành vi của ta đầy tự tin, và sẽ gây cho người khác những ấn tượng về năng lực và sinh động. Ngược lại, nếu ta có ý tưởng thấp kém về bản thân, thì ta trông có vẻ yếu đuối vô năng, sẽ rước lấy nhiều rắc rối và dễ dàng gặp nạn tai tật bệnh.

Đã nhiều lần kinh nghiệm cho chúng ta thấy rằng, đời ta thành công hay thất bại, khỏe mạnh hay đau yếu, đẹp hay xấu, vui hay buồn, cốt yếu là do thái độ tinh thần của ta. Thế mà mỗi khi gặp rắc rối trong đời, ta lại có thói quen tìm giải pháp ở bên ngoài. Thay vì nhìn thẳng vào nội tâm để phát triển một thái độ khả dĩ chuyển hóa đời mình theo chiều hướng tốt, thì chúng ta lại theo một phương sách nông cạn, là cố sửa đổi những hoàn cảnh bên ngoài để giải quyết những vấn đề bên trong. Nhưng điều này không bao giờ đem lại cho ta thỏa mãn lâu bền. Dù có thay đổi lối sống bên ngoài đủ cách, mà không kèm theo một chuyển hóa sâu xa ở nội tâm, thì cũng chỉ thành công một giai đoạn. Sớm muộn gì những rắc rối cũng sẽ trở lại, và ta sẽ vẫn khó chịu bất mãn như trước.

Mặc dù tất cả chúng ta đều có bản tính trong sáng nguyên ủy, song ta không dễ gì bắt liên lạc được với nó. Bởi vì cái cách vận hành thô tháo của tâm ta thường làm chìm nghỉm sự rung động vi tế của bản tính ấy, đến nỗi ta không còn ý thức gì đến hiện hữu của nó. Nếu thực sự muốn liên lạc với bản chất sâu xa của mình, ta phải chấm dứt mọi xao lãng tâm trí và nới lỏng kềm tỏa của những danh tướng vẫn trói buộc ta. Nói cách khác, ta cần tạo ra một không gian trong đó bản chất thuần tịnh nguyên ủy của ta có thể vận hành không gián đoạn. Khi ấy thì không phải ta hợm hĩnh gì khi dùng phương pháp mật tông để quán mình thành một vị trời; mà đúng hơn, ta đang làm hiển lộ những đức tính thánh thiện vốn luôn luôn hiện hữu trong thẳm sâu bản thể.

Những cách chuẩn bị khác nhau trước khi thực hành mật tông chính là những phương pháp để tạo ra không gian cần thiết ấy. Nếu ta cố sử dụng những năng lực chuyển hóa cực kỳ mãnh liệt của mật tông, mà không luyện tập theo những chuẩn bị tiên quyết này, thì sự tu luyện không thể nào thành công được. Một chiếc phi cơ phản lực có thể là cách nhanh nhất để di chuyển, nhưng nếu đưa một người chưa được huấn luyện ngồi vào ghế phi công thì chỉ có rước lấy hậu quả khốc hại. Cũng thế, mặc dù mật tông là cỗ xe nhanh nhất để đạt toàn giác, song nếu áp dụng những phương pháp mật tông trong khi thân tâm chưa được chuẩn bị thì thật là liều lĩnh, và hoàn toàn không hiểu gì về mục đích của mật tông.

~ Đưa Vào Mật Tông – Nguyên tác: Introduction to Tantra

Tác giả: Lama Thubten Yeshe

Biên tập: Jonathan Landaw

Chuyển ngữ: Thích Nữ Trí Hải