Indian_Adept_(siddha)_-_Virupa_16_century_Private_coll.

Virupa – Bậc Chân Sư của các thiên nữ

Truyền thuyết

Ngài Virupa vốn sinh trưởng ở miền đông xứ Triputa thuộc vương quốc Bengal dưới thời vua Devapala. Ngay từ thuở thiếu thời ngài đã quy y tu học tại tu viện Somapuri. Không lâu sau đó, ngài nằm mộng thấy Bồ Tát Kim Cương Thánh Nữ trao cho tâm pháp. Với lòng mong muốn mau thành tựu, ngài ra sức trì tụng chân ngôn Kim Cương hai mươi triệu biến trong suốt thời gian 12 năm, nhưng ngài vẫn không thấy có dấu hiệu chứng đắc. Một hôm, quá ư thất vọng, ngài ném xâu chuỗi vào hố xí và rủa thầm: “Mấy cái hạt vô tích sự này, chẳng liên quan gì đến niềm an lạc của ta.”

Tuy nhiên, vào một đêm trong khi đang hành trì công phu, sự bừng ngộ xảy ra trong tâm thức, ngài chợt nhớ đến xâu chuỗi đã mất. Tức thì Kim Cương Thánh Nữ Bồ Tát hiện ra trao lại cho ngài xâu chuỗi và dạy rằng: “Ngươi chớ phiền não. Ta sẽ luôn ở bên ngươi để hộ trì. Hãy loại bỏ các kiến chấp phiền não mà gắng công tu tập.”

Sau đó, ngài Virupa tu tập Kim Cương tâm pháp thêm mười hai năm nữa thì ngài thấu triệt đệ nhất nghĩa đế, và kể từ ấy ngài vượt thoát ra ngoài vòng sinh tử.

Mặc dù vậy, Virupa là người vốn quen rượu thịt. Hằng ngày, người hầu thường đi ra ngoài kiếm rượu thịt để dâng cho ngài. Cho đến một hôm người hầu lén bắt trộm những con chim câu của tu viện làm thịt. Thấy bỗng dưng mất những con chim câu, vị giám viện rung chuông họp tăng chúng lại tra hỏi: “Ai trong các người đã ăn thịt những con chim câu của tu viện?” Chúng tăng đồng thanh đáp: “Bạch thầy, việc này vốn chưa từng xảy ra. Có điều chắc chắn là không ai trong chúng tôi lại có thể sát hại những con chim câu ấy.” Chợt một vị tăng nhìn vào cửa sổ phòng của Virupa, thấy ngài đang dùng thịt chim câu với rượu. Lập tức Virupa bị trục xuất ra khỏi tu viện. Gửi lại chiếc bình bát nơi bàn thờ, Virupa đảnh lễ lần cuối cùng trước tượng Đức Thế Tôn, bậc Đạo Sư mà ngài đã thờ phụng hơn 24 năm qua, rồi ra đi.

Lúc rời cổng tu viện, một ông tăng chận lại hỏi: “Thầy sẽ đi về đâu?”

Ngài đáp: “Ta đi theo con đường của riêng ta.”

Gần tu viện Somapuri có một hồ sen lớn, quanh năm phủ đầy lá. Khi đến gần hồ, Virupa liền ướm thử chân trên một lá sen để xem nó có chìm không. Đoạn ngài niệm danh hiệu Phật, rồi bước thoăn thoát trên những cánh sen để đi qua bên kia bờ hồ.

Chứng kiến cảnh Virupa hiển lộ thần thông như thế, chúng tăng đều kinh hoàng, lòng tràn đầy hối hận.

Họ tiến lại gần, năm vóc sát đất, đảnh lễ và sờ vào chân ngài với niềm cung kính vô biên: “Ngài thật có pháp lực vô biên. Cớ sao lại nhẫn tâm giết hại những con chim câu của chúng tôi? ”

Virupa mỉm cười đáp: “Những gì các ông thấy biết cũng chỉ là ảo ảnh, giống như các hiện tượng thông thường khác trong thế gian mà thôi.”

Nói xong, sư sai người hầu mang lại những mẩu xương, thịt vụn của chim, bỏ vào lòng bàn tay trái đưa lên cao, tay phải khẻ khảy móng mấy cái. Những con chim câu liền sống lại và bay đi, trông chúng to đẹp và khoẻ hơn trước.

Từ bỏ lối sống của một nhà sư trong tu viện Somapuri, Virupa trở thành một hành giả yogi khất thực. Lang thang đến bờ sông Hằng, ngài xin vị nữ thần sông này một ít vật thực, nhưng vị nữ thần này tỏ ra kiêu kỳ từ chối khiến ngài nổi giận, ngài rống lên một tiếng rồi tách nước sông làm đôi để đi qua. Ngài đi mãi đến thị trấn Kanasata. Tại đây ngài ghé lại một tửu quán để dùng cơm và uống rượu. Cơm trắng và rượu nồng là hai thứ mà ngài ưa thích nhất. Thấy Virupa uống rượu liên miên, chủ quán có ý định đòi tiền trước. Virupa cười bảo: “Ta sẽ ra đi khi trời tối. Lúc ấy trả tiền cũng không muộn.”

Nói xong, tay trái ngài cầm dao phurba chỉ thẳng vào mặt trời, dùng phép “định thân” chặn đứng mặt trời, chia bầu trời làm thành hai phần: một bên tối và một bên sáng. Cứ như thế trải qua suốt mấy ngày, ngài tiếp tục uống và dùng lửa tam muội thiêu đốt năm trăm ngàn quỷ thần trong vùng, khiến cho hạn hán xảy ra trong vùng.

Đức vua xứ Kanasata lấy làm kinh hoàng về việc lạ chưa từng có ở đất nước của ngài nhưng không rõ duyên do gì. Cả triều đình cũng bó tay không biết tai họa từ đâu mà đến. Cuối cùng, nữ thần Mặt Trời hiện ra báo cho nhà vua biết, sở dĩ có việc lạ như thế là do một hành giả yogi nợ tiền cơm, rượu và làm cho chính vị nữ thần này cũng đang phải khốn đốn. Nhà vua bèn sai người đến trả tiền cho chủ quán. Virupa biến mất.

Ít lâu sau, Virupa du hành đến Indra. Đây là vùng đất có nhiều tín đồ Bà-la-môn rất cuồng tín. Virupa tình cờ đi ngang qua một tượng thần Shiva bằng đá cao đến hơn 20 mét. Những tín đồ Bà-la-môn đang canh giữ tượng thần buộc ngài phải vái chào thánh tượng Shiva. Ngài chối từ, hỏi rằng: “Bậc trưởng thượng mà phải vái chào kẻ dưới hay sao?”

Vua xứ Indra cũng có mặt ở đó, bèn lên tiếng bênh vực cho các đạo sĩ Bà-la- môn. Nhà vua phán: “Nếu ngươi không vái chào thánh tượng, ngươi sẽ phải tội chết.” Ngài nói: “Nhưng nếu ta đảnh lễ vị thần này, ta sẽ mắc tội lớn hơn tội chết.”

Vua đáp: “Ngươi cứ làm. Hãy để tội ấy trẫm gánh chịu.”

Virupa liền chắp tay cung kính. Tức thì, tượng thần Shiva nứt đôi, một giọng nói rền vang như sấm sét từ cõi trời vọng xuống: “Đệ tử có mặt! Bạch thầy có điều gì dạy bảo?”

Ngài Virupa nói: “Nay ta quy y cho ngươi! Hãy phát nguyện hộ trì chánh pháp.”

Thần Shiva hiện ra, phát nguyện đúng theo lời dạy. Rồi tượng đá khép lại nguyên vẹn như cũ. Từ Indra, Virupa lại vân du đến Devikota thuộc miền Đông Ấn.

Hầu hết cư dân vùng này đều là phù thủy ăn thịt người, uống máu nóng. Họ thường rình rập bỏ bùa mê các khách bộ hành tình cờ qua lại vùng này để bắt đem về tế lễ.

Một ngày nọ Virupa cùng một thiếu niên đi vào vùng này. Cả hai dừng chân ở một ngôi đền thờ cuối làng để nghỉ qua đêm. Trong cuộc tương ngộ này, Virupa có ban cho chú bé một câu thần chú để hộ thân. Cả hai lăn ra ngủ vùi vì quá mệt mỏi sau chặng đường dài. Lúc ấy, bọn phù thủy đang tụ tập để tế lễ. Họ đã có thịt thú vật nhưng còn thiếu máu người để cử hành đúng nghi thức của buổi tế. Gã phù thủy cầm đầu đã bỏ bùa Virupa và cậu bé vào buổi sáng, bèn sai thuộc hạ đến ngôi đền để bắt hai nạn nhân của chúng. Nhờ mật chú hộ thân, cơ thể của cậu bé như dính chặt xuống mặt đất khiến bọn phù thủy dùng hết sức cũng không tài nào nhấc lên nổi. Chúng đành khiêng một mình Virupa đang còn say ngủ về nơi ở của chúng.

Bọn phù thủy tưới rượu lên khắp thân hình của Virupa, tay cầm dao, miệng cười rú lên một cách ma quái. Tiếng cười mỗi lúc một lớn, nhưng khi chúng chưa dứt tiếng cười, Virupa liền ngồi choàng dậy cất tiếng cười. Lần này, tiếng cười của Virupa còn to hơn gấp ngàn lần tiếng cười của bọn phù thủy. Âm thanh chấn động tiếng cười của ngài vang đến tam thiên đại thiên thế giới, khiến bọn chúng mất hết ý thức.

So với tiếng cười của Virupa, tiếng cười của bọn phù thủy chỉ như tiếng khóc của trẻ sơ sinh.

Quá kinh sợ, bọn phù thủy khẩn nài xin ngài tha tội. Sau khi dùng thần lực nhiếp phục bọn phù thủy, Virupa làm lễ quy y cho chúng. Ngài dạy: “Nếu các ngươi một lòng chí tín, quy ngưỡng Tam bảo thì ta luôn kề cận các ngươi để hộ trì, tránh khỏi mọi sự tổn hại. Ngày ngày các ngươi phải chuyên cần tu tập hạnh Bồ Tát. Nếu các ngươi giải đãi, tự thân sẽ bị mất đi một cốc máu. Và nếu các ngươi quay lưng lại với chánh pháp mà trở về với loài quỷ thần thì chiếc đĩa này sẽ chém lìa đầu các ngươi. Lúc bấy giờ, Bắc Phương Quỷ Vương sẽ đến hút cạn máu của các ngươi.” Bọn phù thủy nhất mực vâng lời dạy của ngài Virupa.

Tương truyền, ngày nay người ta vẫn còn thấy hình dáng chiếc đĩa này và Bắc Phương Quỷ Vương trong dải Ngân hà.

Sau khi nhiếp phục bọn phù thủy, Virupa lại vân du sang xứ khác.

Ít lâu sau, ngài lại trở về viếng thăm vùng Dekikotta. Lúc bấy giờ, vị Đại Phạm Thiên và thị giả của ngài là Umadevi dùng thần thông tạo ra một thành phố gồm bốn triệu cư dân để tôn vinh và thờ phụng ngài.

Tất cả vật thực dành cho buổi lễ cung nghinh ngài Virupa trở lại Dekikotta được chư thiên mang đến từ 33 cõi trời Dục giới.

Có truyền thuyết nói rằng ngài thọ đến 700 tuổi mới viên tịch.

Hành trì

Chướng ngại của Virupa cũng chính là phiền não của các hành giả Mật tông lúc còn sơ cơ. Trở lực ấy có lẽ do ngài đã quá đem tâm mong cầu khiến sắc ý bột phát trong giai đoạn tu định và cũng bởi kiến chấp ấy của ngài (preconception) đối với chân tính (nature of reality).

Kim Cương Thánh Nữ hiện ra như một thực thể nội tại vô biên đã phá vỡ cái vòng luẩn quẩn mà Virupa bị kẹt trong đó suốt 12 năm và giải thoát ngài ra khỏi sự bế tắc của tâm thức.

Không dựa vào sự vật bên ngoài, vất bỏ xâu chuỗi để đi vào bản tâm, đó là nhận thức đầy tính dứt khoát của Virupa.

Trong Kinh dạy rằng: Bản tâm thanh tịnh thì gọi đó là viên ngọc như ý. Bản tâm vốn là không, các pháp lưu xuất thành niệm là do có các căn. Trong khi thiền định, thường thì các kiến chấp sẽ tạo nên vọng tưởng rồi biến thành phiền não.

Trích ”  Các vị Chân sư Đại Thủ Ấn” 

 Nguyên tác: “Masters of mahamudra of the 84 buddhist siddhas” – KEITH DOWMAN

Việt dịch: Nguyên Thạnh Lê Trung Hưng 

Hiệu đính: Nguyễn Minh Tiến