Dombipa – Người cưỡi cọp

Truyền thuyết

Dombipa vốn là quốc vương xứ Ma-kiệt-đà (Magadha). Ngài được Đạo sư Virupa khai ngộ và truyền tâm ấn.

Vị quốc vương ngộ đạo này thương yêu thần dân của ngài như con đỏ. Tuy nhiên dân chúng vẫn không biết ngài là môn đồ Mật tông, mà chỉ biết ngài là vị vua hết lòng thương yêu và chăm lo đời sống nhân dân.

Để đất nước có một cuộc sống an lạc, ngài cho triệu viên đại thần đến và dạy rằng: “Vì nghiệp quả đời trước nên đất nước ta thường xảy ra dịch bệnh và nạn đạo tặc. Nay để tránh tai họa cho muôn dân, ngươi mau đúc một cái chuông đồng lớn treo lên một cây đại thụ. Mỗi khi thấy có hiện tượng nguy biến thì đánh chuông ấy lên, tức nhiên tai họa tiêu trừ.”

Viên đại thần y lệnh. Kể từ đó trong nước bớt nạn trộm, cướp và dịch bệnh. Cho đến một ngày nọ, có một đoàn hát rong từ phương xa đến để trình diễn cho nhà vua xem. Trong đám người thấp hèn ấy có một thiếu nữ 12 tuổi, xinh đẹp diễm lệ, ai thoạt nhìn cũng không khỏi đem lòng yêu thương. Nhà vua bèn tỏ ý nhận nàng về làm bầu bạn. Ngài bí mật ra lệnh cho bọn họ dâng nàng cho ngài.

Một người trong bọn tâu rằng: “Đại vương! Ngài là bậc cao quí, chúng tôi chỉ là kẻ tôi tớ hạ tiện mà mọi người khinh khi xa lánh. Cớ sao đại vương lại nghĩ đến một việc kết hợp không tương xứng như thế?”

Nhưng nhà vua cứ khăng khăng làm theo ý mình và ban thưởng vàng bạc cho đoàn hát rong.

Sau đó, vua bí mật giấu nàng trong hậu cung suốt 12 năm. Sau đó mọi người mới phát hiện ra sự có mặt của nàng.

Tiếng đồn loan đi khắp nơi. Người ta nói với nhau rằng: “Nhà vua đã chung sống với một phụ nữ thuộc tầng lớp hạ tiện. Điều này thật khó dung thứ.”

Trước áp lực của thần dân và triều đình, nhà vua buộc phải thoái vị và giao quyền bính lại cho thái tử.

Sau đó, nhà vua rời hoàng cung và cùng nàng cung phi ấy đi vào rừng để sống. Tại nơi hoang dã, cả hai cùng nhau tu luyện pháp Du-già mật pháp (Tantric Yoga) trong 12 năm.

Một dạo sau đấy, kể từ khi vua thoái vị, đất nước lâm vào cảnh rối ren. Triều thần họp lại và quyết định thỉnh cầu cựu vương quay về chấp chính.

Các sứ giả của triều đình đi vào rừng sâu để tìm ngài và khi gần đến nơi, họ nhìn thấy cựu vương đang ngồi thiền định dưới một gốc cây đại thọ, còn vị cung phi của ngài đang bước đi trên những cánh sen để lấy nước sương mai về cúng dường chủ nhân của bà.

Họ ngạc nhiên quay về tâu với triều đình. Sau khi nghe các sứ giả thuật lại sự việc mà họ đã chứng kiến, quần thần cùng nhân dân trong xứ liền kéo nhau đi đón cựu vương.

Nhận lời thỉnh cầu của dân chúng, nhà vua cùng cung phi cưỡi trên mình một con hổ trắng, tay roi là một con rắn trắng, rời khỏi khu rừng rậm. Tất cả mọi người nhìn thấy cảnh ấy đều không khỏi khiếp sợ.

Chào hỏi mọi người xong, nhà vua phán: “Ta đã phải mất đi địa vị cao quí chỉ vì kết hợp với người phụ nữ ở tầng lớp hạ tiện. Nay các ngươi yêu cầu ta trở lại ngai vàng là một điều không thích hợp. Chỉ có cái chết mới mong xoá bỏ được những thành kiến về giai cấp. Vậy các ngươi hãy hoả thiêu chúng ta.”

Theo tập tục Ấn Độ, để xoá bỏ những dấu vết tội lỗi hoặc để chứng minh sự vô tội của mình, người ta đưa nạn nhân lên giàn hoả thiêu và đốt trong bảy ngày, nếu người ấy còn sống thì sẽ được thừa nhận là vô tội.

Lễ hoả thiêu nhà vua cùng người thiếp diễn ra trong suốt bảy ngày đêm. Đến khi lửa tàn, mọi người đến gần quan sát. Họ thấy quanh thân thể hai người dường như có một màn sương mong manh, y phục trên người của họ vẫn y nguyên không một vết cháy xém. Mọi nghi ngờ về nhà vua đều tan biến trong lòng mọi người.

Khi ấy, nhà vua trỗi dậy, bước ra khỏi đống tro tàn và gọi mọi người lại bảo: “Hỡi dân chúng mến yêu của ta. Nếu các người noi được gương tu tập của ta, thì ta sẽ ở lại trị vì các người. Nếu như các người không thể tự tu tập để tự cứu lấy bản thân mình, thì sự có mặt của ta phỏng có ích gì? Quyền lực chỉ là một chút ít lợi lộc nhỏ nhoi. Công đức tu hành mới là to lớn. Vả lại, vương quốc của ta không phải là vương quốc của quyền lực, mà là vương quốc của chân lý.” Nói xong, vua liền từ biệt.

Hành trì

Ở Ấn Độ, người ta tin rằng tiếng chuông có khả năng xua đuổi tà ma và làm thanh tịnh tâm trí. Chiếc chuông mà Dombipa cho dựng lên có nhiều công năng như để cảnh giác nạn đạo tặc, báo động mối nguy về thiên tai, dịch họa, hoặc xua đuổi các quỷ thần, tà ma, uế trược khi có dịch bệnh, làm thanh tịnh tâm và tăng trưởng thiện nghiệp.

Tiếng chuông ngân là biểu tượng của sự tỉnh giác, và khi nghe tiếng chuông ngân, tâm thức có thể dứt hết các niệm trần để thâm nhập vào cảnh giới tịch tịnh tức tánh Không (Emptines). Ngoài ra, cuộc hôn nhân không cùng đẳng cấp là một điều cấm kỵ của xã hội thời bấy giờ, kẻ vi phạm sẽ bị mọi người khai trừ khỏi giai cấp và có khi bị trừng phạt nặng nề.

Trong Phật giáo và đặc biệt đối với Mật tông, khuynh hướng chống lại giai cấp không phải là sự đối kháng gay gắt nhằm lật đổ giai cấp hay cải tạo xã hội như các học thuyết khác. Vua bỏ ngôi, quan từ chức để đi tu chính là hành động từ bỏ giai cấp của mình – một cách chống đối quan điểm giai cấp. Nhưng đối với quần chúng thời ấy, sự chống đối này không bị ghép tội vì đây là sự miễn trừ đối với thần thánh. Hơn nữa, đối với người tu hành, muốn đạt tới Phật tánh thì điều căn bản là cần phải diệt hết các kiến chấp về giai cấp.

Chính vì vậy mà các hành giả yogi thường chọn người bạn đời, kẻ đạo hữu của mình từ giai tầng thấp hơn trong xã hội, để trưởng dưỡng tâm vô phân biệt (awareness of non-discrimination). Với các phương thức tu tập đặc biệt của Du- già, hành giả có thể biến dục tưởng thành trí huệ.

Đối với một hành giả Du-già thì người phối ngẫu tinh thần (mystic consort) hay đạo hữu ấy là sắc tướng của nghiệp ấn (karma mudra) nhằm giúp ấn chứng các giai đoạn tu tập ba nghiệp (thân, khẩu, ý). Người phối ngẫu tinh thần của Dombipa chính là hoá thân của Kim Cương Bồ Tát. Pháp tu của họ là kết hợp giữa dục lạc (pleasure) và tánh không (emptiness). Phương pháp này dùng để kích động luồng hoả hầu (kundakini) ở trung tâm tình dục (sexual chakra) khiến nó giúp lưu thông các luân xa (trọng huyệt) trong cơ thể.

~ Trích ”  Các vị Chân sư Đại Thủ Ấn”  – Nguyên tác: “Masters of mahamudra of the 84 buddhist siddhas” – KEITH DOWMAN

Việt dịch: Nguyên Thạnh Lê Trung Hưng 

Hiệu đính: Nguyễn Minh Tiến