Bài cầu nguyện bảy nhánh

Bảy nhánh là điều thiết yếu đối với mọi thực hành Pháp; chúng nằm trong một bài cầu nguyện chuẩn bị được đọc trước mỗi khóa thực hành, và chúng được kết hợp với mỗi sadhana. Mỗi khi ta tụ hội thành một nhóm để tu tập, thọ nhận quán đảnh v.v.., ta tụng Bài Cầu nguyện Bảy Nhánh, và có những điểm khác nhau trong sadhana Tara Trắng – chẳng hạn thế – nơi bảy nhánh được trì tụng. Trong bất kỳ thực hành Bổn Tôn yidam nào bạn sẽ luôn luôn tìm thấy Bài Nguyện Bảy Nhánh.

Một số người trong các bạn đã quen thuộc với ý nghĩa của bảy nhánh, nhưng có thể những người khác không có một sự hiểu biết rõ ràng về mục đích và ý nghĩa thực sự của bảy nhánh, vì thế tôi sẽ đưa ra một giải thích ngắn gọn về chúng.

Bảy nhánh là một phương pháp để tịnh hóa các che chướng và thâu thập các tích tập. Nói chung, theo sau động lực hoàn toàn thuần tịnh được thiết lập vào lúc khởi đầu là việc trì tụng Bài Nguyện Bảy Nhánh. Trì tụng này là một mở rộng của sự phát triển động lực hoàn toàn thanh tịnh. Tóm lại, bảy nhánh là: lễ lạy, cúng dường, sám hối việc làm sai lầm, tùy hỉ công đức, khẩn cầu giảng dạy Giáo pháp, thỉnh cầu các vị Thầy tâm linh trụ thế, và hồi hướng công đức.

1. Nhánh thứ nhất là lễ lạy

Khi lễ lạy với thân, ta bắt đầu với hai bàn tay chắp lại nơi tim trong cử chỉ cầu nguyện; kế đó ta chắp hai tay lên trán, kế đó là ngang cổ họng rồi đưa chúng về ngang trái tim. Vào lúc đó, ta cúi xuống sàn nhà, năm điểm phải chạm mặt đất: hai bàn tay, hai đầu gối, và trán. Năm điểm chạm vào mặt đất tượng trưng cho sự khiêm hạ của ta, và nó là một phương pháp để ta điều phục tánh kiêu ngạo. Theo cách đó, lễ lạy là một cách đối trị những cảm xúc phiền não kiêu mạn và tự phụ.

Việc chắp tay lên trán tịnh hóa mọi che chướng mà ta đã tích tập qua cửa thân. Vào lúc này ta cũng nên nhớ lại các phẩm tính giác ngộ của thân Phật.

Khi ta đưa tay xuống ngang cổ họng, ta nhớ lại những phẩm tính giác ngộ của ngữ (lời nói) của Phật, và ta tịnh hóa các che chướng của ta được tích tập qua lời nói.

Khi ta đưa tay xuống ngang trái tim, ta nhớ lại các phẩm tính giác ngộ của tâm Phật, và ta tịnh hóa các che chướng đã tích tập bằng tâm thức.

2. Nhánh thứ hai là cúng dường

Nhiều người đặt câu hỏi với tôi về việc cúng dường: “Con cúng dường món này có tốt không? Cúng dường món kia có phải là một ý xấu?” Thực ra, không có những quy luật và giới hạn.

Chừng nào mà bạn thấy mọi sự bạn cúng dường là tuyệt đẹp và quý giá thì đó là một cúng dường tốt lành. Khi ta cúng dường chư Phật và Bồ Tát, thực ra ta không cố gắng làm lợi lạc các ngài bằng những món cúng dường; các ngài không cần ta cúng dường. Các ngài không cần, hay mong muốn, hoặc tham luyến bất kỳ điều gì. Thực ra, hành vi cúng dường được thực hiện cho chính ta, vì qua việc cúng dường này ta tích tập công đức. Bởi từ vô thủy, là những chúng sinh trong sinh tử, ta đã nuôi dưỡng một tâm thức chấp ngã, tâm ái-ngã nghĩ về tôi; tâm sở hữu nghĩ là của tôi; và tâm tham muốn nghĩ tưởng có nhiều hơn nữa. Để làm giảm bớt tâm chấp ngã, ta cúng dường, là cách đối trị những cảm xúc phiền não tham muốn và bủn xỉn.

Các đối tượng cúng dường của ta, những đấng mà ta thực hiện những sự cúng dường, là chư Phật và Bồ Tát, Tam Bảo, các Đạo sư gốc (Bổn sư) và Đạo sư dòng truyền thừa của ta, và những bậc tôn quý khác. Ta cúng dường tất cả những gì ta sở hữu, và những gì quý giá, hấp dẫn, thú vị và tuyệt đẹp mà ta không sở hữu; chủ yếu là những gì thú vị. Ta cúng dường những gì có thực, các món cúng dường vật chất và cả những gì có thể là vật sở hữu của người khác, chẳng hạn như một mảnh vườn đáng yêu, cũng như những thứ không thuộc sở hữu của ai, chẳng hạn như mọi ngọn đèn của một thành phố được nhìn từ xa. Nền tảng sự cúng dường của ta là sự quán tưởng thực sự; ta cúng dường chủ yếu với tâm thức của ta. Tất cả những gì trong thế gian mang lại trải nghiệm đẹp đẽ, dễ chịu, là suối nguồn của hỉ lạc và hạnh phúc, đều có thể cúng dường: tất cả những thứ được kết hợp với của cải và sự thịnh vượng, chẳng như các loại hạt, châu báu, thực phẩm thơm ngon và làm vừa ý, những mùi thơm dễ chịu, những bông hoa tuyệt đẹp. Mọi sự ta ưa thích, ta thâu thập tất cả chúng trong tâm và cúng dường chúng: những loại thuốc quý báu, những loại thảo dược và cây cỏ thanh tịnh và có khả năng chữa lành; những viên ngọc như ý; hương chiên đàn và bách xù (juniper); mọi loại thực phẩm ưa thích nhất v.v.. Ta cũng bao gồm cả những vật không thuộc sở hữu của ai, chẳng hạn như những phong cảnh hùng vĩ: núi non, thung lũng tuyệt đẹp, những cánh đồng hoa, đồng bằng phì nhiêu v.v.. Ta quán tưởng trong tâm và cúng dường tất cả những điều này, mọi sự kỳ diệu mà ta có thể nghĩ đến, với một tâm bố thí hiến tặng chân thành, tràn đầy niềm tin và lòng kính ngưỡng. Tâm thức hiến tặng này như những món cúng dường mọi điều kỳ diệu nhất trong thế gian là một cách đối kháng vô cùng mạnh mẽ tánh chấp ngã, khát khao, và tham muốn.

3. Nhánh thứ ba là sám hối mọi ác hạnh của ta

Điều này thực sự cần thiết bởi trong mọi cuộc đời trong luân hồi sinh tử từ vô thủy, ta đã sinh khởi những cảm xúc phiền não, và do năng lực của chúng, ta đã dấn mình vào những ác hạnh, tạo ra ác nghiệp vô cùng tận. Kết quả là ta đã tích tập số lượng khổng lồ những che chướng và ô nhiễm khiến ta cần phải tịnh hóa. Ta tịnh hóa dòng tâm thức của mình qua thực hành sám hối các ác hạnh của ta.

Để việc sám hối của ta có hiệu quả, nó phải bao gồm bốn năng lực: năng lực ân hận, năng lực hỗ trợ, năng lực đối trị và năng lực quyết tâm.

Năng lực thứ nhất, năng lực ân hận, được thúc đẩy khi ta nhận ra rằng ta đã dấn mình vào một ác hạnh, khi xem xét ta đã làm bao nhiêu ác hạnh trong quá khứ, và khi nhận ra rằng mọi ác hạnh sẽ có một kết quả không mong muốn. Khi đó ta cảm thấy thực sự ân hận về mọi tà hạnh của ta: những điều ta đã làm khi biết rằng chúng sai trái, những việc ta đã làm khi không biết chúng sai, và ngay cả những việc ta không biết là mình đã làm, chẳng hạn những việc đã làm trong những đời trước. Tất cả những việc làm đó sẽ có một nghiệp quả. Sự hối tiếc của bạn nên chân thành và xác thực, giống như bạn cảm thấy ân hận nếu bất ngờ nhận ra rằng bạn đã ngẫu nhiên nuốt phải chất độc. Khi biết rằng kết quả của việc ăn phải chất độc là bạn sẽ chết, bạn sẽ cảm thấy tuyệt vọng và thống hối về việc nuốt chất độc. Hoàn toàn giống như thế, khi ta thừa nhận các ác hạnh của mình và hoàn toàn nhận ra rằng năng lực của chúng sẽ gây đau khổ cho ta – kết quả của việc thực hiện những điều đó là ta có thể bị tái sinh trong các cõi thấp và kinh nghiệm đau khổ còn tệ hại hơn cái chết – ta thực sự hối tiếc là đã dấn mình vào mọi ác hạnh và những việc làm sai trái.

Năng lực thứ hai, năng lực hỗ trợ, đến từ việc quy y và sám hối với Tam Bảo về những tà hạnh của ta: Phật, đấng chỉ ra con đường tu tập; Pháp, giáo lý giải thoát ta khỏi nỗi sợ hãi của sinh tử; và Tăng đoàn, đặc biệt là những Bồ Tát, tăng đoàn cao quý trong trường hợp này. Ta nên tìm kiếm sự nương tựa nơi người hỗ trợ của ta, là Tam Bảo, từ tận đáy lòng ta, nghĩ rằng chính bởi vô minh, chính bởi ta không biết những gì nên theo (các thiện hạnh) và những gì nên tránh (các ác hạnh), và bởi ta không hiểu biết về nghiệp nên ta đã làm mọi loại hành vi bất thiện. Với sự hối hận chân thành và hoàn toàn tin cậy và tin tưởng ở Tam Bảo, ta nên sám hối các ác hạnh của ta và khẩn cầu Tam Bảo đoái tưởng đến ta với lòng bi mẫn, dẫn dắt và ôm giữ ta trong phạm vi che chở của các ngài. Năng lực hỗ trợ đến từ việc nương tựa vào Tam Bảo và tìm kiếm sự giúp đỡ của các ngài.

Năng lực thứ ba, năng lực đối trị, là dấn mình vào một thực hành đức hạnh. Mọi thực hành Pháp là một sự đối trị ác nghiệp được tích tập qua các tà hạnh của ta. Chỉ riêng bảy nhánh đã là một sự đối trị và bất kỳ thực hành đức hạnh nào cũng là một cách đối trị – ngay cả một lần duy nhất trì tụng thần chú Mani. Phương diện cốt yếu của sự đối trị là duy trì chánh niệm và tỉnh giác của các hành động của ta để bảo đảm là chúng tốt lành. Bởi ân hận về những ác hạnh ta đã làm và hoàn toàn tin tưởng nơi sự dẫn dắt của Tam Bảo, khi ta quyết định dấn mình vào các thực hành đức hạnh trong phần đời còn lại của ta, mọi thiện hạnh ta thực hiện sẽ tịnh hóa các che chướng và ô nhiễm. Ta cũng nên có ý hướng là các thiện hạnh của ta sẽ không chỉ tịnh hóa ác nghiệp và ô nhiễm của riêng ta, mà còn tịnh hóa ác nghiệp và ô nhiễm của tất cả chúng sinh.

Thực ra, toàn bộ Giáo pháp là sự đối trị. Cảm xúc phiền não là những gì gởi ta đến các cõi thấp, bởi chúng là nguồn mạch của mọi ác hạnh và ác nghiệp của ta, và mục đích của Pháp là để tịnh hóa tâm thức của những cảm xúc phiền não. Càng thực hành Pháp, ta càng tịnh hóa tâm ta và cảm xúc phiền não sẽ giảm bớt, vì thế mọi sự thực hành Pháp mà ta dấn mình vào trở thành cách đối trị những ác hạnh của ta. Một đối trị là phương thuốc tốt lành làm mất đi tác dụng của các độc chất và bệnh tật, và sau khi ta đã nhận ra và sám hối các ác hạnh và phiền não của ta, ta dùng các thực hạnh đức hạnh để kháng cự lại chúng, để tịnh hóa chúng.

Năng lực thứ tư, năng lực của sự quyết tâm, là sự hoàn toàn quyết tâm không phạm những ác hạnh tương tự một lần nữa. Đó là tâm thức hứa nguyện, một quyết tâm không bao giờ tái phạm những ác hạnh đó. Khi sám hối những ác hạnh của ta, ta phải có thái độ là ta sẽ không bao giờ chịu sự chi phối của bất kỳ hoàn cảnh nào, không bao giờ lại dấn mình vào những ác hạnh và lỗi lầm đó, bởi ta hoàn toàn nhận ra đau khổ mà chúng sẽ mang lại cho ta. Giống như người hầu như chết vì thuốc độc và bây giờ hết sức cẩn trọng để chắc chắn là họ không bao giờ ngẫu nhiên nuốt nó một lần nữa, ta nên cảm thấy hoàn toàn quyết tâm để bảo đảm là ta sẽ không bao giờ dấn mình vào những tà hạnh đó.

Nhánh sám hối và tịnh hóa những ác hạnh rất mạnh mẽ khi nó được thực hiện với bốn năng lực. Đức Phật đã nói rằng mặc dù các cảm xúc phiền não và ác hạnh hoàn toàn không có lợi lạc gì, nhưng chúng có một điều tốt lành, đó là chúng có thể được tịnh hóa. Đức hạnh duy nhất của sự bất thiện là nó có thể thực sự được tịnh hóa và tiệt trừ.

4. Nhánh thứ tư, hoan hỉ

Hoan hỷ là sự vui mừng về mọi hạnh phúc và đức hạnh của bản thân ta và tất cả chúng sinh. Đây là một phương diện chính yếu của tâm ước muốn làm lợi lạc người khác, bởi đó là một tâm thức thệ nguyện làm cho chúng sinh chắc chắn được hạnh phúc và những nguyên nhân của hạnh phúc. Vì thế khi ta thấy những người khác làm các thiện hạnh, là nguyên nhân của hạnh phúc, và khi ta thấy những người khác trải nghiệm hạnh phúc là kết quả của những thiện hạnh trước đây của họ, ta nên cảm thấy thực sự vui mừng cho họ và hoan hỉ về hạnh phúc của họ. Đây là một cách đối trị tánh ghen tị, bởi phản ứng thông thường khi thấy người nào đó vui hưởng những hoàn cảnh hạnh phúc, đặc biệt là nếu đó là người không có quan hệ gần gũi và thân thiết với ta, là cảm thấy ganh tị và đua tranh. Thay vào đó, nếu ta phát triển thói quen hoan hỉ và cảm thấy vui mừng một cách chân thành về những thành tựu và hoàn cảnh thuận lợi của những người khác, điều đó trở thành một cách đối trị vô cùng hữu hiệu cho tánh ghen tị.

5. Nhánh thứ năm là khẩn cầu bánh xe Giáo pháp được xoay chuyển

Sau khi Đức Phật đạt được giác ngộ, ngài an trụ bảy tuần trong thiền định, không nói gì về sự thành tựu hay việc giảng dạy của Ngài. Sau đó các vị trời Phạm Thiên và Đế Thích đến gần và cúng dường Ngài một bánh xe bằng vàng có một ngàn nan hoa, cầu xin Ngài quay bánh xe Pháp (chuyển Pháp luân), ban giáo lý vì sự lợi lạc của chúng sinh. Chính vì hành động vô cùng đức hạnh là khẩn cầu Đức Phật chuyển Pháp luân này mà Đức Phật đã thuyết giảng và khiến cho toàn thể Giáo pháp mang lại lợi lạc cho chúng ta. Bạn có thể hình dung là việc thỉnh chuyển Pháp luân thì hết sức tốt lành, chỉ một lời thỉnh cầu đó đã mang lại lợi ích cho vô số chúng sinh.

Theo gương mẫu đó, ta luôn luôn khẩn cầu các vị Thầy tâm linh của ta chuyển Pháp luân. Điều này mang lại lợi lạc to lớn cho ta, bởi nhờ thọ nhận các giáo huấn và lắng nghe Pháp, ta có thể đi vào và tiến bộ trên con đường Giáo pháp. Khẩn cầu chuyển Pháp luân là một cách đối trị tà kiến từ bỏ Giáo pháp. Nếu đôi khi trong quá khứ, ta đã nghĩ rằng Giáo pháp là sai lạc, nếu ta đã từng quay lưng với Giáo pháp, nhánh khẩn cầu này sẽ tịnh hóa ác nghiệp đó.

6. Nhánh thứ sáu là khẩn cầu các đấng giác ngộ không nhập niết bàn

Một đệ tử cư sĩ tên là Sonte có linh cảm là chẳng bao lâu nữa Đức Phật có thể nhập niết bàn, vì thế ông đã hết lòng khẩn cầu Đức Phật đừng nhập niết bàn mà ở lại thế gian để làm lợi lạc chúng sinh, và lời khẩn cầu chân thành của ông đã thực sự kéo dài cuộc đời của Đức Phật.

Theo gương mẫu đó, điều quan trọng là ta cũng liên tục tạo lập những ước nguyện chân thành và hết lòng trì tụng các bài nguyện trường thọ cho các vị Thầy của ta, cũng như thực hành nhánh khẩn cầu các Đấng giác ngộ, các vị Thầy của ta, không nhập niết bàn mà trụ thế để làm lợi ích tất cả chúng sinh bằng cách giảng dạy Giáo pháp siêu phàm. Khẩn cầu các đấng giác ngộ không nhập niết bàn là cách đối trị tâm không hoan hỉ và tràn đầy cảm xúc phiền não nói chung.

7. Nhánh thứ bảy và là nhánh cuối cùng là sự hồi hướng công đức

Ta hồi hướng mọi đức hạnh, công đức, của việc thực hành của ta cho hạnh phúc tối thượng của tất cả chúng sinh khiến công đức đó không bị cạn kiệt. Là điều vô cùng khôn ngoan khi ta đặt nỗ lực vào việc hồi hướng công đức, bởi điều đó có kết quả tương tự như việc ta đầu tư tiền bạc hay ký gởi nó vào một tài khoản ngân hàng, nơi tích tập lợi nhuận và lợi nhuận ấy sẽ tăng trưởng liên tục. Tương tự như vậy, khi ta dấn mình vào một thiện hạnh và hồi hướng công đức đó cho hạnh phúc tối thượng của tất cả chúng sinh, công đức đó sẽ tăng trưởng liên tục và không thể bị cạn kiệt. Khi ta hồi hướng công đức, điều quan trọng là phải có một tâm thức bảo bọc, thương yêu tất cả chúng sinh và chân thành ước muốn tất cả chúng sinh được hạnh phúc.

Ta nên nghĩ: “Không chút do dự, tôi hiến tặng công đức của thiện hạnh này mà tôi đã dấn mình vào, và nhờ công đức này, cầu mong mọi chúng sinh được giải thoát khỏi đau khổ. Đặc biệt là cầu mong những người đang ở trong những hoàn cảnh khủng khiếp, nơi có sự xung đột, nạn đói hay chiến tranh được thoát khỏi đau khổ. Cầu mong mọi chúng sinh có thân tướng đẹp đẽ. Cầu mong họ được giàu có, thịnh vượng và đủ ăn. Cầu mong họ trải nghiệm nhiều niềm vui.” Ta ước nguyện tất cả chúng sinh có hạnh phúc nhất thời, và ta hồi hướng công đức của mình cho hạnh phúc tối thượng của họ, khiến cuối cùng tất cả chúng sinh sẽ đi vào con đường Giáo pháp, tịnh hóa các che chướng của họ và thành tựu trạng thái giải thoát. Ta luôn luôn hồi hướng công đức sau khi thực hiện mỗi thiện hạnh.

Bảy nhánh là một phần quan trọng của mọi thực hành Giáo pháp bởi những lợi lạc của nó thật to lớn và mạnh mẽ. Nhưng để nhận được đầy đủ lợi lạc, điều quan trọng là phải hiểu rõ ý nghĩa của chúng và thực sự dấn mình vào ý nghĩa đó khi ta tụng Bài Nguyện Bảy Nhánh. Xin đưa những giáo huấn này vào tận đáy lòng, suy niệm chúng và nhớ đến chúng mỗi khi bạn tụng bài nguyện này.

Đức Khenpo Samdup
Dịch giả: Thanh Liên