2019-12-22-Mundgod-G02-SA900722

Những tu tập thông thường của con đường của người trung căn

Mặc dù nhờ từ bỏ mười ác hạnh và vun trồng mười thiện hạnh, ta có thể có được một tái sinh ở những cõi cao, nhưng ta sẽ không thoát khỏi những đau khổ của sinh tử. Vì thế, ta nên đạt Niết Bàn, sự giải thoát khỏi mọi đau khổ của sinh tử.

Nếu ta tự hỏi làm thế nào toàn bộ sinh tử thì đau khổ tự bản chất? Những đau khổ của ba cõi thấp đã được giải thích ở trên. Tuy nhiên, trong văn cảnh này, bạn nên suy niệm với một tiếp cận hơi khác một chút. Sau khi suy niệm những đau khổ riêng biệt của những cõi thấp, bạn nên suy niệm: “Ta không thể chịu đựng nổi những đau khổ lớn lao và kéo dài dằng dặc như thế và bằng mọi cách ta phải đạt được giải thoát khỏi mọi đau khổ.”

Ngoài những đau khổ của các cõi thấp, toàn bộ những đau khổ của sinh tử, dù cao hay thấp, cũng không vượt qua được bản chất đau khổ. Trong trường hợp loài người, khi ở trong thai tạng của người mẹ, người ấy phải chịu đựng sự tối tăm, những mùi hôi hám, đầy những chất dơ dáy và v.v… Trong tuần thứ ba mươi tám, bị sai sử bởi gió của nghiệp lực đời trước, thai nhi phải chịu đau đớn như thể bị lôi qua một cái lỗ bằng một cái mỏ cặp (ê-tô) hay bị ép như một hạt mè. Và khi sinh ra, ngay cả khi được giữ trong một miếng vải mềm, đứa bé phải chịu đau khổ như thể bị rơi vào giữa những cây gai. Những đau khổ của việc sinh ra là như thế.

Người ấy trở thành một thanh niên, và từ từ, lưng người ấy còng xuống như một cây cung, đầu trở nên bạc trắng như hoa tawa (spra-bai’I me-tog; thuật ngữ khoa học: aeschynomene grandiflora), và trán đầy những vết nhăn giống như một mảnh da được lạng mỏng. Ông ta ngồi như thể sợi dây buộc một vật nặng bị đứt và ông đứng như thể đang kéo rễ của một thân cây. Ông đi đứng loạng choạng và nói năng lắp bắp. Ông không thể nhìn và nghe rõ ràng bằng mắt và tai của mình. Thân thể ông mất đi vẻ đẹp rực rỡ và trông như một xác chết. Ông mau quên vì ký ức bị suy sụp. Ông không thể tiêu hóa đồ ăn và thức uống một cách thích đáng, và không thể ăn uống như ước muốn. Đời ông hầu như cạn kiệt. Những đau khổ của tuổi già là như thế và ông nhanh chóng tiến gần tới cái chết.

Khi sự hòa hợp của các yếu tố (các đại) của thân thể bị rối loạn, ông bị bệnh. Da ông khô và thịt nhão ra. Ông phải tránh mọi đồ ăn và thức uống vừa ý khi nghi ngờ chúng có thể ảnh hưởng tới bệnh tật. Thay vào đó, ông phải dùng thực phẩm, nước uống, thuốc men khó ưa và phải trải qua những cách điều trị khắc nghiệt như trích máu và đốt bằng ngải cứu. Nếu bệnh không thể chữa trị thì ông trải nghiệm vô số đau khổ. Những đau khổ của bệnh tật là như thế.

Nếu ông bị những căn bệnh chết người, ông biết mình đang chết. Ông ân hận về những ác hạnh đã làm trong quá khứ. Ông nhớ lại là ông đã lãng phí đời người của mình. Ông biết rằng ông phải rời khỏi thân thể mình và những bạn đồng hành như bạn bè, thân quyến và những người phục vụ. Miệng ông khô, lưỡi quắt lại, mũi xẹp xuống, đôi mắt mờ dần, và hơi thở hổn hển. Ông chịu đựng nỗi sợ những đau khổ dữ dội của các cõi thấp. Mặc dù ông không muốn chết nhưng những đau khổ của cái chết thì như thế.

Một vài người gặp những kẻ thù khó chịu như những tên trộm cướp và mất tất cả thực phẩm và của cải của họ. Thân thể họ bị đánh đập hay bị vũ khí, dùi cui v.v. chọc thủng. Một số bị các vị vua và v.v.. hành hạ bằng những hình phạt khác nhau. Hoặc một số người đau khổ vì nghe những tin tức khủng khiếp. Những đau khổ của việc gặp những đối tượng không ưa là như thế.

Việc phải xa lìa mọi thực phẩm và của cải mà ta đã thâu thập bằng cách bất chấp mọi công việc khó nhọc và những đồn đại ác ý, và việc phải xa rời những đối tượng như những người thân thiết là những đau khổ của việc xa lìa những đối tượng yêu quý.

Đau khổ của việc không tìm được những đối tượng mong muốn có nghĩa là, ví dụ thế, trong trường hợp của các cư sĩ, mặc dù họ làm việc cực nhọc trong nông trại, do bị hạn hán, sương giá, mưa đá và v.v., họ không có được một mùa bội thu như mong ước. Nếu là thương gia, họ có thể mất hàng hóa hay không có lợi và tiền lời và v.v. Trong trường hợp của các tăng và ni, họ đau khổ vì không tuân giữ được giới hạnh của họ.

Chừng nào mà ta có được uẩn thích hợp này của sự tái sinh làm người, ta phải đối mặt với nỗi khổ của bệnh tật, tuổi già, sự chết và v.v. Đời người này đem lại những đau khổ cho các đời sau của ta. Nó trở thành chiếc bình chứa đựng khổ khổ và khổ do sự biến hoại (hoại khổ). Tự bản chất, đó là đau khổ rộng khắp; vì thế đời người này hoàn toàn không hạnh phúc mà chỉ có bản tánh đau khổ.

Trong trường hợp của những bán-thần, họ chặt đứt và làm thân thể họ bị thương và đau khổ dữ dội. Trong trường hợp của các vị trời của dục giới,[7] khi năm dấu hiệu của cái chết[8] hiển lộ, họ đau khổ còn hơn chúng sinh trong cõi địa ngục. Khi họ thất vọng, bị trục xuất khỏi chỗ ở và v.v., nỗi khổ mà họ kinh nghiệm thật không thể kể xiết. Những vị trời phàm tục của các cõi cao (thuộc sắc giới và vô sắc giới) không có khổ khổ, tuy nhiên, ba định đầu tiên của sắc giới có đau khổ vì sự biến hoại (hoại khổ), và định thứ tư và các cõi vô sắc thì có nỗi khổ rộng khắp không thể chịu đựng nổi giống như bị bệnh áp-xe (phol-mig) đau đớn dữ dội.

Sau khi suy nghĩ về những đau khổ nói chung và đặc biệt này của sinh tử, ta nên nghĩ: “Tôi phải đạt được trạng thái giải thoát khỏi những đau khổ này bằng mọi cách.”

Thật ra, không thể đạt được trạng thái giải thoát mà không có những nguyên nhân và điều kiện (duyên). Vì thế, ta nên tu hành một cách đúng đắn ba tu tập cao (tam học: Giới, định, tuệ), phương tiện để đạt được trạng thái giải thoát. Nói cách khác, ta nên tu hành trì giới, là nền tảng cần thiết của hai tu tập kia (định và tuệ). Về mặt này, trước tiên, ta nên đề phòng mọi sự sa sút đạo đức có thể có bằng cách sử dụng chánh niệm để phân tích một cách thận trọng mọi cánh cửa dẫn tới những sa sút đạo đức [9] chẳng hạn như sự vô minh. Nếu điều đó đã xảy ra, đừng phí thời giờ mà hãy lập tức sám hối những vi phạm và quyết định tự chế theo con đường ngay thẳng. Vì thế, hãy nỗ lực và thiền định về những cách đối trị những mê lầm và không bị ô nhiễm bởi các sa sút đạo đức. Bất kỳ hành động và hoạt động nào bạn làm, bạn không nên mâu thuẫn với những lời dạy của Đức Phật và không nên gây rắc rối/làm bẽ mặt bạn. Vị Thầy Tôn kính nói:

Nếu bạn không nỗ lực suy niệm về những lỗi lầm của chân lý về đau khổ (Khổ đế),
Một ước muốn giải thoát chân chính sẽ không phát khởi.
Nếu bạn không suy niệm về làm thế nào những nguồn mạch của đau khổ (Tập đế) dẫn tới sinh tử,
Bạn sẽ không thể hiểu được cách tiệt trừ cội gốc của sinh tử (Đạo đế),
Vì thế, hãy vun trồng sự từ bỏ (xả ly) đối với sinh tử,
Và nhận ra điều gì trói buộc bạn trong sinh tử.
Vì thế, bất kỳ khi nào bạn phát triển một tâm thức để giải thoát bản thân bạn khỏi toàn bộ sinh tử giống như một người bị mắc kẹt trong ngôi nhà cháy rực ước muốn thoát khỏi căn nhà đó, khi ấy bạn đã thành công trong những tu tập con đường của người trung căn.
Đức Dalai Lama Thứ Ba (1543-1588)

Nguyên tác: “The Essence of Refined Gold: The Guidelines of the Stages of the Path of Enlightenment về “Bài Ca Tâm Linh Lamrim” của Đức Tsongkhapa

Bản dịch Việt ngữ của Thanh Liên

Tinh chất của vàng tinh luyện: Nguyên lý chỉ đạo các giai đoạn của con đường Giác Ngộ – Chùa Bửu Châu – Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (chuabuuchau.com.vn)