dzogchen

Lịch sử Truyền thống Dzogchen (Đại viên Mãn)

C0yMU4GUAAQlCYD

Truyền thống Dzogchen Longchen Ningthik

Dòng truyền thừa Đại Viên Mãn khởi thủy được trao truyền từ Pháp thân Đức Phật Phổ Hiền, Báo thân Kim Cương Tát Đỏa và Hóa thân Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Năm 626 trước công nguyên, vị Thầy giảng Pháp siêu việt, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đản sinh tại miền Nam Nepal, chính là miền Bắc Ấn Độ thời cổ đại. Ở tuổi ba mươi lăm, Thích Ca Mâu Ni thành tựu Phật Quả tại Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ và bắt đầu giảng dạy Giáo Pháp trên thế gian này. Bốn mươi bảy năm tiếp theo, những lời dạy của Đức Phật lan truyền mạnh mẽ trên khắp vũ trụ và giúp vô lượng chúng sinh đạt được giác ngộ. Ở tuổi tám mươi hai, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập Niết Bàn. Sau đó, Ngài thị hiện hai Hóa thân Trí tuệ.

Dòng truyền thừa Dzogchen Khandro Nyingthig

Vào năm 90 sau khi Đức Phật đản sanh, tám năm sau khi Đức Phật nhập Niết bàn, Hóa thân đầu tiên của Ngài, Đức Liên Hoa Sinh đã xuất hiện trên thế gian và thọ nhận các giáo lý tối thượng từ nhiều bậc Đạo sư chứng ngộ. Đức Liên Hoa Sinh truyền dạy Giáo lý Đại Viên Mãn Dzogchen Nyingthig Khandro cho nhiều chúng sanh tại tám thánh địa linh liêng vĩ đại của Ấn Độ và Trung Quốc, đồng thời hoằng truyền Phật giáo khắp Tây Tạng. Đệ tử tâm yếu của Ngài, Dakini Yeshe Tsogyal cũng truyền dạy Giáo lý Dzogchen Nyingthig Khandro cho nhiều hành giả đạt được giác ngộ. Truyền thống này được truyền lại qua các thế hệ và sau này truyền từ Longchen Rabjam tới Dzogchen Padma Rigdzin. Ngày nay, dòng truyền thừa Dzogchen Khandro Nyingthig luôn ở trong tim của các Đạo sư Kim cương tại Tu viện Dzogchen. Đạo sư của chúng tôi, Đại thành tựu giả vĩ đại Dzogchen Khenpo Choga Rinpoche, hiện nay là vị hộ trì đời thứ 24 của Dòng Dzogchen Khandro Nyingthig.

Truyền thừa Dzogchen Longchen Nyingthig

Vào năm 110 theo Phật lịch, hai mươi tám năm sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, Hóa thân thứ hai của Đức Phật, Đại Đạo sư Prahevajra (Garab Dorje) xuất hiện trên thế gian này và thọ nhận các giáo lý trực tiếp từ Báo Thân Đức Phật Kim Cang Tát Đỏa. Pahevajra giảng dạy Giáo lý Đại Viên Mãn Dzogchen Nyingthig cho chúng sinh trong nhiều năm tại Ấn Độ và 75 thánh địa linh thiêng của các vị dakini. Đệ tử tâm yếu của Ngài là Manjushrimitra. Đệ tử chân truyền của Manjushrimitra là Đại Đạo sư Dzogchen Shri Singha, hiện Ngài vẫn còn sống trong trạng thái giác ngộ cấp cao tại Thung lũng linh thiêng Dzogchen.

Shri Singha sinh tại Shokyam, nằm về phía Tây Bắc châu Á, cách đây khoảng 2.300 năm (299 TCN). Bắt đầu ở tuổi mười lăm, Ngài đã thực hành và cầu nguyện liên tục trong ba năm. Sau này, khi di chuyển bằng lạc đà về phía thành phố Đảo Vàng, Ngài đã có linh kiến thanh tịnh về một vị Bổn tôn Từ bi đã ban cho Ngài lời chỉ dẫn và một lời tiên tri. Tràn đầy cảm hứng, Ngài tới Ngũ Đài Sơn (thuộc tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc) và tu thiền trong nhiều năm để đạt được trí tuệ tối thượng. Ngài cầu nguyện và lễ lạy ngày này qua ngày khác, cho đến khi vị Bổn tôn đã truyền cảm hứng cho Ngài xuất hiện. Với lòng sùng mộ mãnh liệt, Ngài nhận ra rằng đây chính là vị Bổn tôn sẽ giúp Ngài trên con đường đạt tới Phật quả.

Vị Bổn tôn chính là Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát. Ngài nói với vị học giả uyên bác trẻ tuổi này như sau: “Nếu con thực sự muốn đạt được giác ngộ, hãy đến xứ Sosadvipa, Uddiyana, nằm về phía tây bắc Ấn Độ, để gặp Manjushrimitra, con có kết nối nghiệp mãnh mẽ với Ngài từ kiếp trước.” Sau đó Ngài Quán Thế Âm biến mất.

Vị học giả trẻ tuổi tràn đầy cảm hứng và khát vọng gặp Đạo sư Dzogchen Manjushrimitra. Sau cuộc đấu tranh phải rời xa gia đình, bạn bè và quê hương, Ngài đã lên đường đến xứ Uddiyana. Trong cuộc hành trình dài ngày, nhờ sức mạnh kỳ diệu của các vị Dakini, Ngài đã vượt qua những chướng ngại mà con người và phi nhân tạo ra. Cuối cùng, Ngài đã đến thánh địa xứ Uddiyana. Tại đây, Ngài đã gặp mặt vị Thầy gốc của mình, Manjushrimitra, và được ban Pháp danh tiếng Phạn là Shri Singha; “Shri Singha” nghĩa là vinh quang và “singha” nghĩa là sư tử.

Shri Singha đã nghiên cứu và thực hành Phật Pháp ở Ấn Độ cùng với Manjushrimitra trong suốt 25 năm và cuối cùng trở thành một Siddha (người hoan hỉ) vĩ đại. Từ vị Thầy của mình, Ngài đã thọ nhận trao truyền sáu triệu Mật điển Dzogchen, giáo lý tinh yếu của Phật Pháp giúp hành giả thành tựu Phật quả chỉ trong một đời. Shri Singha đã trở thành vị Hộ trì đời thứ 6 của Dòng truyền thừa Dzogchen Nyingthig.

Trước khi Nhập Niết bàn, Đức Manjushrimitra đã dặn Shri Singha tới Núi Tuyết Siltrom, Hẻm Rudam (Bây giờ gọi là Thánh địa Dzogchen thuộc tỉnh Kham, miền Đông Tây Tạng) và Ngũ Hành Sơn để thực hành và truyền bá giáo lý Dzogchen Nyingthig vì lợi lạc chúng sinh. Sau khi đạt trạng thái Niết Bàn, Manjushrimitra biến mất từ đỉnh Bảo tháp Sosadvipa, Ấn Độ. Shri Singha khẩn thiết cầu nguyện vị Thầy của mình và Manjushrimitra bất ngờ xuất hiện trước mặt Ngài. Ngài đã đưa cho Shri Singha một hộp báu nhỏ chứa đựng tất cả những điểm tinh yếu của Kinh điển, Gomnyam Drugpa (Sáu kinh nghiệm về pháp tu thiền Dzogchen).

Theo lời chỉ dẫn từ vị thầy của mình, Shri Singha đã đến Hẻm Rudam. Tại đây, Shri Singha đã ban truyền các giáo lý Dzogchen tới vô lượng chúng sinh đến từ nhiều thế giới và các cõi tịnh độ. Đệ tử tâm yếu của Ngài là Jnanasutra và Vimalamitra. Sau nhiều năm làm lợi lạc cho chúng sinh, Shri Singha thành tựu Thân Cầu Vồng và Pháp thân rực rỡ. Pháp bí truyền của Ngài, Dzir Bu Dunpa, đã được thủ truyền tới Jnanasutra.

Đức Jnanasutra lần lượt truyền dạy các giáo lý Dzogchen cho Đức Vimalamitra và sau đó chính Ngài đã giảng dạy lại các giáo lý này nhiều năm tại Tây Tạng. Hàng trăm đệ tử của Ngài đã đạt được giai đoạn chứng ngộ Thân Cầu Vồng. Đệ tử tâm truyền của Ngài là Đức Tendzin Zangpo cũng giảng dạy các giáo lý Dzogchen cho nhiều hành giả. Sau này, Dòng truyền thừa Dzogchen đã được trao truyền từ Ngài Tendzin Zangpo tới nhiều Đạo sư Kim cương của Đại học Dzogchen Shri Singha.

Ngày nay, bậc Đạo sư của chúng ta, một Đại thành tựu giả tự nhiên, Đức Dzogchen Khenpo Choga Rinpoche là vị hộ trì đời thứ 33 của Dòng truyền thừa Dzogchen Longchen Nyingthig.

Thánh địa của Dòng truyền thừa Đại Viên Mãn Dzogchen.

Thánh địa Dzogchen nổi tiếng khắp thế giới là một vùng đất linh thiêng tự nhiên. Đây chính là nơi tọa lạc của Núi Tuyết Siltrom và Hẻm Núi Rudam, chính là sự thị hiện tự nhiên về Mạn đà la của Chư Phật và các vị Dakini; đồng thời cũng là khu nghĩa địa tự nhiên của các Heruka. Bởi vậy, những đấng siêu nhiên, các vị Bồ Tát, A-la-hán và các bậc Đại thành tựu giả đã đến từ Nam Á và những thế giới khác.

Theo lịch sử, các vị Đạo sư Shri Singha, Liên Hoa Sinh, Vimalamitra đã sống nhiều năm tại hang động Núi Tuyết Siltrom, thuộc thánh địa Dzogchen và sau đó các Ngài chôn giấu nhiều kho tàng giáo Pháp và có sự gia hộ từ các Ngài. Kể từ đó, nhiều hành giả tại thánh địa này đạt được chứng ngộ cao nhất, tức là đạt Thân Cầu Vồng. Ngày nay, Chúng ta vẫn có thể thấy hàng nghìn dấu hiệu kì diệu của các Đạo sư chứng ngộ thời đại bấy giờ. Đức Liên Hoa Sinh đã nói: “Mảnh đất linh thiêng này chính là cánh cửa dẫn đến Niết bàn, con đường dẫn đến Phật quả.” Đây chính là tâm nguyện sâu xa của tất cả hành giả khi hành hương về Thánh địa Dzogchen để thực hành Pháp.

Ân phước gia trì của Dòng truyền thừa Đại Viên Mãn Dzogchen

Nhiều thế kỷ qua, các hành giả đã thọ nhận các giáo lý và ân phước gia trì trực tiếp từ các bậc Đạo sư: Shri Singha, Liên Hoa Sanh, Vimalamitra và các vị Dakini. Đức Dzogchen Padma Rigdzin đã có linh kiến về Đức Liên Hoa Sinh rất nhiều lần. Đức Dodrupchen Kunzang Zhenphen, Mingyur Namkhe Dorje, Gyalse Zhenphen Thaye và Khyentse Yeshe Dorje đều có linh kiến và thọ nhận ân phước gia trì từ Đạo sư Shri Singha. Tất cả đều đạt được tỉnh giác ở cấp độ cao nhờ những bậc chứng ngộ phi thường này.

Vào thời hiện đại, các hành giả tiếp tục gặp gỡ các vị Đạo sư này. Vào năm 1924, Đức Khenchen Tsewang Rigdzin đã đến Thánh địa Đại Viên Mãn (Holy Dzogchen Area) gặp Đạo sư Vimalamitra và trực tiếp thọ nhận các giáo lý và quán đảnh từ Ngài. Sau đó, Ngài đã tu thiền trong nhiều năm và đạt được sự tỉnh giác ở cấp độ cao. Tiếp đó vào năm 1958, trong khi bị quân đội Trung Hoa giam giữ trong tù, Ngài đã bay lên trời và biến mất vào hư không dưới sự chứng kiến của nhiều người. Một lần khác, một người thợ săn Tây Tạng bình thường tên là Sonam Namgyal đã bí mật thực hành Giáo lý Dzogchen Nyingthig trong nhiều năm tại thánh địa Dzogchen và năm 1952 Ngài đã đạt được Thân Cầu Vồng dưới sự chứng kiến của hàng nghìn người.

Năm 1977, Đạo sư của chúng ta, Đức Dzogchen Khenpo Choga Rinpoche đã thọ nhận ân phước to lớn từ Đạo sư Liên Hoa Sinh và sau đó vào năm 1984, Ngài đã thọ nhận ân phước gia trì từ Đức Shri Singha một vài lần.

Cách để trở thành vị hộ trì Dòng truyền thừa Đại Viên Mãn Dzogchen.

Ngày nay, chúng ta có được những giáo lý Đại Viên Mãn là nhờ những ân phước của Dòng truyền thừa cổ xưa này. Mong ước sâu xa nhất của chúng tôi là nhắc nhở các Hành giả Kim Cang Thừa luôn nhớ đến lịch sử của những bậc Đạo sư dòng Dzogchen. Nếu thiếu tín tâm và sự xác quyết thì hành giả sẽ rất khó nhận được những ân phước to lớn của Dòng truyền thừa này. Đức Dzogchen Khenpo Choga Rinpoche dạy rằng các Hành giả Kim Cang Thừa phải luôn khắc ghi những câu chuyện về cuộc đời cao quý của các bậc Đạo sư dòng Dzogchen bởi vì những ân phước vô tận của giáo lý Đại Viên Mãn và sức mạnh của Dòng truyền thừa Dzogchen chính là tinh yếu của Kim Cang Thừa. Khi bạn luôn nhớ đến các Đạo sư Dzogchen, các bạn sẽ luôn nhận được sức mạnh và ân phước của Dòng truyền thừa này, bạn sẽ trở thành một Đại hành giả, một Đạo sư chứng ngộ Dzogchen.

Nếu bạn muốn học và thực hành những giáo lý của Dòng truyền thừa Dzogchen, hãy liên hệ với trung tâm Pháp Dzogchen Shri Singha. ( Tại địa phương của bạn)

Việt dịch: Nhóm Viet Rigpa Lotsawas

Hiệu đính: Giác Nhiên

Nguồn: www.dzogchenlineage.org

Mọi sai sót đều do người dịch và người hiệu đính. Có chút phước đức nhỏ nhoi nào xin hồi hướng cho những ai có duyên với truyền thống Dzogchen đều được lợi lạc và cầu mong nhờ công đức này truyền thống Dzogchen sẽ nở rộ tại Việt Nam.