yongeymingyurrinpoche

Đức Yongey Mingyur Rinpoche

Đức Yongyey Mingur Rinpoche sinh năm 1975 tại một ngôi làng nhỏ thuộc rặng Himalaya gần biên giới Nepal và Tây Tạng, là con trai của bậc Đạo sư đáng kính Tulku Urgyen Rinpoche, Đức Mingyur Rinpoche đã sớm hướng đến một cuộc sống tĩnh lặng ngay khi còn nhỏ và thường trốn đến thiền tập ở các hang động xung quanh ngôi làng. Tuy nhiên, trong những năm tháng tuổi thơ đầu đời, Đức Mingyur Rinpoche đã phải chịu đựng những cơn hoảng loạn suy nhược khiến Ngài mất đi khả năng tương tác với mọi người hay sự vui thú với cảnh vật xung quanh.
AD_0_A01_msbd9a

Ảnh: Đức Mingyur Rinpoche

Năm lên 9 tuổi, Đức Mingyur Rinpoche đã rời đến Nagi Gonpa, một nơi ẩn tu nhỏ thuộc ngoại ô thung lũng Kathmandu để học thiền với cha Ngài. Trong khoảng gần 3 năm, Đức Tulku Urgyen đã hướng dẫn Ngài tu tập giáo lý Đại Thủ Ấn và Đại Viên Mãn thâm diệu, những giáo lý được xem là bí mật và chỉ được giảng dạy cho những hành giả cao cấp. Suốt thời gian này, cha Ngài đã truyền dạy một cách ngắn gọn cho cậu con trai nhỏ tuổi và sau đó gửi Ngài đi thiền tập cho đến khi Ngài đạt được những kinh nghiệm trực tiếp của giáo lý.

Năm 11 tuổi, Đức Mingyur Rinpoche đã được thỉnh cầu tới ở tại Tu viện Sherab Ling thuộc miền Bắc Ấn Độ, trụ sở của Đức Tai Situ Rinpoche và một trong những tu viện quan trọng nhất của truyền thống Kagyu. Trong lúc đó, Ngài đã tu học các giáo lý mà Đại dịch giả Marpa đã mang đến Tây Tạng, cũng như các nghi quỹ của truyền thừa Karma Kagyu, cùng với vị Thầy hướng dẫn nhập thất của Tu viện, Đức Lama Tsultrim. Ngài đã được Đức Tai Situ tấn phong là vị Hóa thân thứ 7 của Đức Yongey Mingyur Rinpoche năm lên 12 tuổi.

Khóa nhập thất 3 năm

Khi Đức Mingyur Rinpoche 13 tuổi, Ngài đã thỉnh cầu cha Ngài là Đức Tulku Urgyen Rinpoche và Đức Tai Situ Rinpoche cho phép tham gia khóa nhập thất truyền thống 3 năm, bắt đầu thực hiện tại Tu viện Sherab Ling. Một người còn quá nhỏ tuổi mà có một lời thỉnh cầu như vậy quả là một điều lạ thường nhưng cả hai vị đều đồng ý và chẳng bao lâu Đức Mingyur Rinpoche bắt đầu việc nhập thất dưới sự hướng dẫn của Đức Saljey Rinpoche, một thiền sư có học vấn uyên bác và kinh nghiệm thâm sâu đã dành toàn bộ nửa sau cuộc đời để nhập thất nghiêm mật.

Trong suốt 3 năm tiếp theo, Đức Mingyur Rinpoche đã thực hành pháp các pháp tu Sơ khởi và Giai đoạn Phát triển dành cho những hành giả cao cấp bằng việc sử dụng sự quán tưởng và những âm thanh linh thiêng để chuyển đổi quá trình nhận thức thông thường và cuối cùng là Giai đoạn Hoàn thiện, bao gồm làm việc với năng lượng vi tế của cơ thể và Thiền Đại Thủ Ấn, một phương cách thực hành cho phép hành giả trải nghiệm trực tiếp bản tánh của tâm. Sự tinh tấn siêu việt mà Đức Mingyur Rinpoche đã minh chứng trong suốt kỳ nhập thất đã dẫn đến kết quả Ngài đạt được cấp độ phi thường trong việc làm chủ tâm trí và cảm xúc. Tại thời điểm này, khi lần đầu tiên Ngài khám phá ra cách mà thiền có thể được sử dụng để đối trị, chuyển hóa với những vấn đề cảm xúc đầy thách thức, Ngài đã hoàn toàn vượt qua được cơn hoảng loạn suy nhược tinh thần đã khiến Ngài gặp nhiều khó khăn khi còn nhỏ.

Khi Đức Yongey Mingyur Rinpoche hoàn thành kỳ nhập thất 3 năm thì vị Thầy kính yêu của Ngài Đức Saljey Rinpoche cũng viên tịch, vị trí quản lý của Ngài tại Tu viện Sherab Ling bị bỏ trống. Để thay thế vị trí của Ngài, Đức Tai Situ Rinpoche đã bổ nhiệm Đức Mingyur trở thành vị Thầy hướng dẫn các khóa nhập thất tiếp theo của Tu viện, trao trách nhiệm cho Ngài hướng dẫn giúp đỡ tăng ni, trong đó có những hành giả lâu năm về những vướng mắc trong kỳ nhập thất 3 năm. Đức Mingyur Rinpoche khi đó mới 17 tuổi là một trong những vị Lama trẻ tuổi nhất từng giữ vị trí này.

Coi sóc Tu viện Sherab Ling

Đức Mingyur Rinpoche tiếp tục thọ nhận các trao truyền quan trọng từ cha Ngài và Đức Khenchen Thrangu Rinpoche, một vị Lama quan trọng thuộc truyền thống Kagyu. Năm lên 19 tuổi, Ngài đã đăng ký vào Trường Dzongsar, tại đây, dưới sự kèm sát của Đức Khenpo Kunga Wangchul lừng danh, Ngài đã học các chủ đề chính yếu của truyền thống Phật học, bao gồm triết học Con đường Trung Đạo và logic Phật giáo.

Năm hai mươi tuổi, Ngài được Đức Tai Situ Rinpoche giao phó làm Tu viện trưởng Tu viện Sherab Ling. Trong vai trò mới, Ngài đã có công trong việc thiết lập một học viện mới tại Tu viện này. Tại đây Ngài làm trợ giảng trong thời gian thực hiện nhiệm vụ của mình, làm vị thầy hướng dẫn nhập thất cho kỳ nhập thất ba năm ba tháng. Trong suốt giai đoạn này, kéo dài cho đến khi Ngài hai mươi lăm tuổi, Đức Mingyur Rinpoche thường lưu lại thực hiện khóa nhập thất ngắn từ 1 đến 3 tháng trong khi tiếp tục giám sát các hoạt động của Tu viện Sherab Ling. Khi Ngài hai mươi ba tuổi, Ngài đã thọ nhận sự tấn phong từ Đức Tai Situ Rinpoche.

Những trao truyền quan trọng

Trong giai đoạn này, Đức Mingyur Rinpoche đã thọ nhận trao truyền Dzogchen quan trọng từ Đức Nyoshul Khen Rinpoche vĩ đại, một bậc Thầy lừng danh của truyền thống Nyingma. Tổng cộng một trăm ngày, kéo dài trong nhiều năm. Đạo sư vĩ đại này đã trao truyền “dòng khẩu truyền” của Tâm Yếu của Đại Viên Mãn. Những giáo huấn về cắt đứt (trekcho) và vượt qua (tögal) của dòng truyền thừa Dzogchen là cực kỳ bí mật và chỉ có thể được truyền cho một người vào một thời điểm. Giống như Ngài đã nghiên cứu tu học với cha mình trước đây, Đức Mingyur Rinpoche đã thọ nhận được chỉ dẫn tu thiền đầy đủ và chỉ quay trở lại để thọ nhận thêm giáo lý một khi Ngài đã trực tiếp kinh nghiệm được những gì được dạy trước đó. Đây là cách thức giáo lý quý hiếm được gọi là “hướng dẫn theo kinh nghiệm”.

Trong những năm sau đó, ngoài các chủ đề quan trọng khác, Đức Mingyur Rinpoche tiếp tục học năm môn truyền thống của truyền thống Phật giáo (Trung Đạo, Bát nhã, Vi Diệu Pháp, Lượng, và Luật). Ngài cũng tiếp tục tinh luyện sự tỉnh giác thiền định thông qua tu tập hàng ngày và nhập thất ẩn cư định kỳ.

Cho đến ngày nay, Đức Mingyur Rinpoche tiếp tục việc nghiên cứu và thiền định của mình. Gần đây hơn, Ngài thọ nhận những trao truyền Dzogchen quan trọng từ Đức Kyabje Trulshik Rinpoche, bao gồm cả các giáo lý được kiết tập theo truyền thống Nyingma (Nyingma Kama) và Tâm Yếu Bốn Tập (Nyingtik Yabshi). Ngài cũng tham gia trao truyền Kho tàng Giáo lý quý báu của Đức Jamgon Kongtrul (Rinchen Terdzö) và Kho tàng chỉ dẫn (Damngak dzo), diễn ra tại Tu viện Sherab Ling.

Phật Pháp và Khoa học

Ngoài nền tảng rộng lớn của mình trong thiền và triết học Phật giáo, Đức Mingyur Rinpoche đã dành sự quan tâm cả đời cho tâm lý học, vật lý học và thần kinh học. Ngay từ khi còn nhỏ, Ngài đã bắt đầu một loạt các cuộc thảo luận không chính thức với nhà thần kinh học nổi tiếng Francisco Varela, người đã đến Nepal để học thiền với cha Ngài, Đức Tulku Urgyen Rinpoche. Nhiều năm sau đó, vào năm 2002, Đức Mingyur Rinpoche và một số các thiền sinh tu tập dài hạn khác đã được mời đến Phòng thí nghiệm Waisman về hình ảnh và ứng xử của não bộ tại Đại học Wisconsin theo yêu cầu của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ở đó, Richard Davidson, Antoine Lutz, và các nhà khoa học khác nghiên cứu những ảnh hưởng của thiền định trên não của thiền sinh cao cấp. Các kết quả của nghiên cứu đột phá này đã được báo cáo trong nhiều ấn phẩm được đọc nhiều nhất trên thế giới, bao gồm cả National Geographic and Time. Những nghiên cứu tiếp theo được thực hiện tại Đại học Harvard, MIT, và các trung tâm nghiên cứu quan trọng khác.

Đức Mingyur Rinpoche tiếp tục dồn hết tâm trí của mình với nghiên cứu này và góp phần tích cực vào các cuộc đối thoại sôi động giữa khoa học phương Tây và Phật giáo. Ngài là một nhà tư vấn cho Viện Tâm thức và Đời sống và tham gia với tư cách đối tượng nghiên cứu trong việc nghiên cứu liên tục tác dụng sinh lý và thần kinh của thiền định.

Phong cách giảng dạy của Đức Mingyur Rinpoche ảnh hưởng sâu sắc bởi kiến thức khoa học. Ngài đặc biệt nổi tiếng với khả năng làm phong phú và dễ hiểu với những trình bày của Ngài về hiểu biết và thực hành cổ xưa của Phật giáo Tây Tạng với những phát hiện của khoa học hiện đại. Chính hy vọng rằng mối quan hệ đang phát triển giữa các lĩnh vực dường như khác nhau này sẽ mang lại kiến thức quan trọng để giúp chúng ta nhận ra tiềm năng đầy đủ của con người.

Các hoạt động

Ngoài gánh vác trọng trách tại Tu viện Sherab Ling, Đức Mingyur Rinpoche còn là Tu viện trưởng của Tu viện Tergar Osel Ling tại Kathmandu, Nepal và Tu viện Tergar Rigzin Khachö Targyé Ling tại Bodhgaya, Ấn Độ. Ngài cũng thường xuyên giảng dạy tại châu Âu, Bắc Mĩ, Nam Mĩ và châu Á, tại đây Ngài cũng dẫn dắt một số lượng các Nhóm và Trung tâm Thiền Tergar

Đức Mingyur Rinpoche là một tác giả được thế giới tôn vinh. Cuốn sách đầu tiên của Ngài “Sống một đời vui” nằm trong danh sách những cuốn sách bán chạy nhất thế giới trên tờ New York Times và được dịch sang 20 thứ tiếng. Cuốn sách thứ hai, “Trí tuệ hoan hỷ” khám phá cảm xúc và các tình huống trong cuộc sống có thể được sử dụng như các tảng đá kê bước chân để khám phá niềm vui và tự do. Cuốn sách mới nhất của Đức Mingyur Rinpoche là một cuốn sách tranh dành cho trẻ con với nhan đề Ziji: The Puppy that Learned to Meditate.

Một trong những niềm đam mê lớn nhất của Đức Mingyur Rinpoche là đem thực hành thiền tới mọi người ở tất cả các địa vị trong xã hội. Ngài đang làm việc cùng với những người chuyên nghiệp từ các ngành nghề khác nhau để làm cho sống một đời vui nhập thất thích nghi trong nhiều bối cảnh khác nhau, bao gồm bệnh viện, trường học, nhà tù và đào tạo lãnh đạo. Như là một phần của sự nỗ lực này, Ngài đang phát triển các chương trình để đào tạo các trợ giáo và các cố vấn viên để giảng dạy thực hành thiền trong các bối cảnh khác nhau.

Đầu tháng 6, năm 2011, Đức Mingyur Rinpoche đã rời khỏi tu viện của Ngài ở Bodhgaya, Ấn Độ để bắt đầu một giai đoạn nhập thất ẩn cư kéo dài. Vào tháng 11 năm 2015, Đức Mingyur Rinpoche đã xuất hiện trở lại sau 4 năm nhập thất ẩn cư. Hiện tại, Ngài đang giảng dạy các đệ tử thuộc tu viện và các phật tử phương Tây trên khắp thế giới.

Việt ngữ: Tara Devi (Nhóm Rigpa Lotsawas)

Hiệu đính: Giác Nhiên

Nguồn: Tergar.org

Mọi sai sót đều do người dịch và người hiệu đính. Có chút phước đức nhỏ nhoi nào xin hồi hướng cho những ai có duyên với  Đức Yongyey Mingur Rinpoche đều được Ngài dẫn dắt liễu thoát sinh tử và cầu mong nhờ công đức này cầu mong Ngài sớm quang lâm đến Việt Nam.